Ai là chủ sở hữu của tên gọi chỉ dẫn địa lý Pisco?
Khối lượng giao dịch của các sản phẩm được bảo vệ bởi chỉ dẫn địa lý (GI – Geographical Indication) đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia. Ví dụ, các nhà sản xuất của Grana Padano (Phô mai Ý được bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng PDO – Protected Designation of Origin ở EU) đã kiếm được gần 3 tỷ Euro vào năm 2017. Để so sánh, con số này bằng với doanh thu hàng năm của gã khổng lồ xe hơi Ý Ferrari! Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tiềm năng lợi nhuận khổng lồ của thương mại thực phẩm địa phương đã làm gia tăng số lượng các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu GI.
Ai có quyền sở hữu Pisco?
Quốc gia nào có quyền sở hữu Pisco, một loại rượu brandy được sản xuất từ hàng trăm năm nay?
Cả hai quốc gia Mỹ La tinh là Peru và Chile đều tuyên bố đây là thức uống quốc dân của mình và câu trả lời thực sự càng trở nên khó khăn khi hai nước này có sự chồng lấn về mặt lịch sử, văn hóa và ẩm thực địa phương.
Nguồn gốc của Pisco được cho là bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa, khi Phó vương Tây Ban Nha trồng nho Muscat trên lãnh thổ mà ngày nay bao gồm cả Peru và Chile. Từ “Pisco” trong tiếng Quechua có nghĩa là chim, đây là tên của cảng Pisco nằm ở phía Bắc Peru, được cho là nơi sản sinh ban đầu của thức uống này, kể từ thế kỷ 15.
Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 18, Chile bắt đầu sản xuất thức uống Pisco của riêng họ vì người tiêu dùng Chile phải chịu một mức thuế nhập khẩu vô cùng cao khi nhập khẩu Pisco từ Peru.
Mặc dù cả hai quốc gia Peru và Chile đều đã hệ thống hóa các quy tắc sản xuất Pisco, Chile có những bước đi táo bạo và quyết liệt hơn và hành động cũng nhanh hơn. Năm 1931, Chile chính thức bảo hộ Pisco dưới dạng Appellation of Origin (một dạng bảo hộ của chỉ dẫn địa lý) trong khi đó Peru phải đến năm 1991 mới làm điều này. Chưa kể, vào năm 1936, Chile đã tiếng một bước rất xa khi đổi tên của một thị trấn từ “La Union” thành “Pisco Elqui” để hợp thức hóa việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý với Pisco.
Tranh chấp về Pisco được giải quyết như thế nào?
Ở châu Âu, Pisco của Chile đã được bảo hộ nhờ vào hiệp định song phương giữa Chile và EU từ năm 2002. Tuy nhiên, khi Peru trở thành thành viên của Hiệp định Lisbon về Bảo hộ Tên gọi Xuất xứ, quốc gia này đã có được giấy chứng nhận quốc tế đăng ký Pisco vào năm 2005. Việc bảo vệ Pisco dưới dạng chỉ dẫn địa lý vì vậy cũng trở thành nghĩa vụ đối với các quốc gia EU theo thỏa thuận này.
Quy định của Ủy ban EU số 1065/2013 đã giải quyết được xung đột giữa Peru và Chile về cơ bản bằng cách nêu rõ rằng Pisco của Peru sẽ được bảo hộ dưới dạng PGI – Protected Geographical Indication.
Trong khi đó Pisco của Chile được bảo hộ dưới dạng PDO – Protected Designation of Origin trong EU do thỏa thuận song phương giữa EU và Chile như đã nêu trên.
Về mặt pháp lý, cả hai thuật ngữ PDO và PGI đều là bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nhưng về mặt kỹ thuật, các sản phẩm bảo hộ dưới dạng PDO có yêu cầu cao hơn và ngặt nghèo hơn vì tất cả các công đoạn chế biến sản phẩm đó phải được thực hiện hoàn toàn trong khu vực bảo hộ. Trong khi đó để đáp ứng yêu cầu PGI, chỉ cần ít nhất một trong các công đoạn sản xuất, chế biến hoặc chuẩn bị diễn ra trong khu vực. Đối với rượu vang, điều này có nghĩa là ít nhất 85% nho được sử dụng phải đến từ khu vực địa lý thực sự sản xuất rượu vang.
Ở Ấn Độ, sau 9 năm đấu tranh tại Tòa án địa phương, Chỉ dẫn địa lý đã được trao độc quyền cho Peru dựa trên việc Chile đổi tên thị trấn của mình để tạo ra mối liên hệ giữa tinh thần và thuật ngữ Pisco.
Về xuất khẩu, Peru có ưu thế hơn Chile – trong năm 2016, xuất khẩu Pisco của Peru đạt 8 triệu đô la Mỹ, trong khi đó Chile chỉ đạt xấp xỉ gần 3 triệu đô la Mỹ. Nhưng nhìn chung, Pisco đều mang lại những lợi thế thương mại vô cùng to lớn cho cả hai nước này. Vì vậy Peru và Chile đều có những biện pháp quyết liệt bảo vệ Pisco thông qua những hiệp định thương mại khác nhau với nhiều quốc gia đối tác. Nếu như EU, Mexico, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và New Zealand cho phép Chile bán Pisco dưới tên gọi “Pisco” đơn thuần thì ở các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, và Canada, Pisco của Chile phải có nhãn “Chilean Pisco” để nhằm phân biệt với Pisco của Peru.
- Bạn có biết: Tranh chấp về quyền sở hữu Pisco còn liên quan đến “mối thù lâu dài” bắt nguồn từ kết quả của Chiến tranh Thái Bình Dương giữa Chile và liên minh Peru – Bolivia. Đây còn được gọi là Chiến tranh Saltpeter. Cuộc xung đột này diễn ra trong 5 năm, từ 1879 đến 1884. Chile đã chiến thắng Peru (và đồng minh Bolivia). Vì vậy, Peru càng không thể để mất Pisco vào tay Chile.