Nguồn học luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) miễn phí

Gần đây tôi có nhận được nhiều quan tâm của mọi người về các nguồn học SHTT miễn phí, và làm thế nào để sử dụng chúng một cách hiệu quả, đặc biệt là cho người mới bắt đầu.

Điều đầu tiên tôi cần thú nhận là tôi chưa bao giờ sử dụng các nguồn miễn phí mà tôi sắp giới thiệu sau đây, cho việc học tập của bản thân mình, nhất là khi tôi chưa biết gì về luật SHTT nên tôi không thể bình luận về sự hiệu quả của chúng trong việc cung cấp kiến thức cho các bạn. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, tôi đã có dịp sử dụng các nguồn này và nhận thấy chúng chứa nhiều thông tin thú vị và bổ ích. Vậy nên tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây và kèm đánh giá độ thân thiện của nó đối với người dùng mới bắt đầu, từ mức 1 sao (khó sử dụng nhất) đến 5 sao (thân thiện nhất).

Blog

Một blog rất nổi tiếng trong giới SHTT ở nước Anh chính là IP Kat. Đây là blog mà ngay cả giới học thuật cũng sử dụng để cập nhật các tin tức về SHTT hay đọc các bình luận về vụ việc. IP Kat chủ yếu tập trung vào khu vực liên minh châu Âu (EU), nhưng thỉnh thoảng vẫn đề cập đến các khu vực khác như Mỹ, Trung Quốc và phạm vi bao phủ của IP Kat rất rộng, từ copyright, trademark, đến patent, trade secret… Những bài viết của IP Kat rất chất lượng vì chủ nhân hiện tại của IP Kat đều là những giảng viên dạy SHTT ở các trường ĐH nổi tiếng ở Anh. Đặc biệt Eleonora Rosati là một luật sư người Ý chuyên về copyright, hiện đang làm công tác giảng dạy ở Thụy Điển đồng thời cũng là counsel của công ty luật Twobirds. Điểm mạnh của IP Kat cũng chính là điểm yếu của nó: số lượng thông tin cập nhật khá nhiều nên nếu bạn là người mới bắt đầu, IP Kat có thể khiến bạn bị quá tải. Bạn nên có một lượng kiến thức về SHTT kha khá trước khi bắt đầu đọc IP Kat. Nếu bạn muốn biết thêm về các quy định SHTT của EU và nước Anh thì đây là nguồn tra cứu vô cùng hữu ích.

Đánh giá về mức độ thân thiện với người dùng mới bắt đầu:***

Khóa học

Tôi highly recommend một khóa học miễn phí về SHTT ở nền tảng Edx. Tôi đã đăng kí học ở đây vào năm ngoái để lấy kinh nghiệm giảng dạy online (Bạn có thể xem về việc giảng dạy online của tôi tại đây). Khóa học này do trường đại học University of Pennsylvania cung cấp và điều tuyệt vời bạn không cần kiến thức SHTT ban đầu. Khóa học này bao gồm hai phần: Phần 1 giới thiệu chung về SHTT và patent. Phần 2 tập trung vào trademark và copyright. Khóa học này theo nhận xét của tôi là rất phù hợp cho các bạn mới bắt đầu vì nó đơn giản và dễ hiểu từ góc độ người học. Vì nhà cung cấp là trường đại học và thầy dạy là một giáo sư nên họ rất hiểu nhu cầu của sinh viên. Khóa học được thiết kế phù hợp cho những bạn chưa biết gì về SHTT. Thầy nói tiếng Anh chậm rãi, dễ hiểu, có cả diễn đàn để các bạn tham gia thảo luận. Các bạn còn có thể download transcript để đọc lại bài giảng nếu bạn không hiểu. Đây là một khóa học cực kì cơ bản về IP, vì vậy nếu bạn muốn tìm kiếm một cái gì phức tạp và học thuật hơn, thì đây không phải là một nguồn thích hợp. Nếu bạn nào muốn thử sức bản thân thì bạn có thể đóng £127 để làm bài tập có người chấm và qua đó biết được trình độ của mình ở đâu.

Đánh giá về mức độ thân thiện với người dùng mới bắt đầu: *****

WIPO

Là tổ chức SHTT thế giới nên WIPO tổ chức rất nhiều khóa học miễn phí. Các bạn có thể tìm hiểu các khóa học tại đây. Các khóa học của WIPO mang tính thực hành cao, nên có thể đối với các bạn sinh viên chưa từng học qua SHTT bao giờ thì có thể hơi khó sử dụng nhưng WIPO cũng có những khóa học phù hợp cho người mới bắt đầu.

Đánh giá về mức độ thân thiện với người dùng mới bắt đầu:*** vì giao diện của WIPO trong việc tìm kiếm các khóa học không hề dễ dàng.

Sách

Information feudalism. Who owns the knowledge economy? là một quyển sách được xem là kinh thánh của những ai muốn nghiên cứu về hiệp định TRIPS. Quyển sách này cung cấp một cái nhìn khá toàn diện về lịch sử phát triển của luật SHTT thế giới và vai trò của khối tư nhân, đặc biệt là các công ty dược trong việc thúc đẩy thành lập TRIPS và patents. Sách có phiên bản ebook miễn phí do Đại học quốc gia Úc (ANU) cung cấp (link) nên các bạn thoải mái download về học. Quyển sách này không phải là một quyển giáo khoa về SHTT, nên nó không giải thích như thế nào là patent, trademarks, copyright. Ngược lại Information feudalism đánh giá SHTT một cách gián tiếp qua lăng kính các học thuyết thành lập nên SHTT. Đây có lẽ là điều mà có thể nhiều giáo trình VN chưa chạm tới nên nếu bạn nào thích các học thuyết thì đây là một quyển sách dành cho bạn.

Tuy nhiên, đây là một quyển sách không hề dễ đọc nên tôi khuyên bạn nên in ra và đọc một cách từ tốn chậm rãi.

Đánh giá về mức độ thân thiện với người dùng mới bắt đầu:**

Luật

Để trả lời câu hỏi của các bạn rằng các bạn nên bắt đầu từ đâu để có kiến thức về SHTT thì câu trả lời của tôi là từ LUẬT. Tất cả các nguồn kiến thức nói trên đều dựa trên ba nền tảng pháp luật SHTT quốc tế chính: Công ước Paris về bảo hộ Sở hữu công nghiệp, Công ước Berne về quyền tác giả và hiệp định TRIPS. Vì vậy đây là ba xuất phát điểm tốt nhất cho các bạn.

Lời kết

Tất cả các nguồn SHTT nói trên đều bằng tiếng Anh nên bạn cần một khả năng đọc hiểu tiếng Anh đáng kể để có thể tiếp thu hết khối lượng kiến thức đó. Nếu bạn là người mới bắt đầu, bạn có thể bắt đầu lộ trình bằng Edx, sau đó bạn có thể từ từ chuyển sang WIPO (nếu bạn thích) và song song tiếp cận với IP Kat và đọc Information Feudalism khi rảnh rỗi.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn đào tạo một cách bài bản và được đào sâu hơn các vấn đề đương đại của SHTT như sáng chế và quyền tiếp cận thuốc, sử dụng luật SHTT như thế nào để bảo vệ văn hóa bản địa (như áo dài), SHTT và AI, SHTT và không gian mạng… thì một khóa học thạc sĩ là điều bắt buộc.

Để thay lời kết, tôi muốn tặng bạn một tài liệu power points (bằng tiếng Anh) giới thiệu tổng quan về SHTT do tôi biên soạn để giảng dạy các SV ngành business ở trường ĐH Warwick. Tài liệu này giới thiệu chung về các khía cạnh của SHTT và các hiệp ước quốc tế quan trọng, vì vậy nó phù hợp cho những bạn chưa biết gì hoặc biết một cách sơ khởi về SHTT. Nếu bạn quan tâm và muốn nhận tài liệu, bạn có thể đăng kí tại đây.

Happy IP đến tất cả mọi người!

*Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, bạn có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Leave a Reply