Những học thuyết về bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT)

Tại sao cần bảo hộ SHTT không phải là một câu hỏi dễ trả lời vì SHTT bao gồm rất nhiều đối tượng khác nhau, mỗi đối tượng bảo hộ lại có tính chất riêng nên không thể nào có một học thuyết thống nhất cho tất cả các đối tượng. Chưa kể các quốc gia đang có xu hướng mở rộng bảo hộ SHTT cho các đối tượng khác như trí tuệ nhân tạo (AI), đây là những đối tượng mà luật SHTT cổ điển đã không thể nào tính đến ở giai đoạn phát triển ban đầu. Điều này khiến việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên trở nên càng bất khả thi hơn.

Tuy nhiên bài viết hôm nay sẽ cố gắng phác thảo một cách ngắn gọn năm học thuyết phổ biến nhất: học thuyết luật tự nhiên; học thuyết hợp đồng; học thuyết phần thưởng; học thuyết khuyến khích; và học thuyết quyền nhân thân. Những học thuyết này đã cùng tồn tại song song, bao hàm không loại trừ lẫn nhau. Ngoài ra, còn có rất nhiều học thuyết khác như học thuyết về kinh tế cũng được sử dụng để giải thích cho vấn đề này.

Học thuyết Luật tự nhiên (Natural right)

John Locke, một triết gia người Anh (1632-1704) với tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền (“Second Treatise of Government”), được coi là cha đẻ của thuyết luật tự nhiên.[1] Nội hàm của học thuyết này được ông miêu tả như sau: “Mỗi con người đều có tài sản trong lao động trí óc của mình. Nếu anh ta trộn sức lao động của mình với một thứ gì đó khác, ví dụ như ý tưởng, lý thuyết hoặc nguyên liệu thô, người đó biến nó thành tài sản của mình”.[2] Tuy nhiên chúng ta cần chú ý rằng, học thuyết của John Locke được xây dựng ban đầu cho tài sản hữu hình và các luật gia sau này đã mượn học thuyết của ông để áp dụng vào các tài sản vô hình.

Theo John Locke, thành quả của lao động sáng tạo được coi là sản phẩm của lao động trí óc. Việc sản phẩm trí tuệ được bảo hộ là điều tự nhiên, là điều đúng mà chúng ta phải làm. “Tại sao nó lại là của tôi? Nó là của tôi bởi vì tôi đã tạo ra nó. Nó sẽ không tồn tại nếu không có tôi.” Một người sở hữu cơ thể của mình và vì vậy, người này sở hữu những gì mà cơ thể tạo ra cụ thể là thành quả lao động bao gồm quyền tài sản vô hình.

John Locke - Wikipedia
John Locke

Học thuyết hợp đồng (Contract theory)

Học thuyết hợp đồng xem độc quyền SHTT như một khế ước xã hội giữa người sáng tạo và nhà nước. Quan điểm này xuất phát từ triết gia người Pháp Jean Jacques Rousseau (1712-1778) với tác phẩm nổi tiếng Khế ước xã hội hay Những nguyên tắc của luật công lý giải rằng con người thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng dựa trên những nguyên tắc chung được chấp nhận.[3] Theo học thuyết hợp đồng hay khế ước, việc nhà nước cấp bảo hộ độc quyền cho người sáng tạo trong một thời hạn nhất định nhằm đổi lấy việc họ tiết lộ kiến ​​thức mới trong sản phẩm SHTT. Trong lĩnh vực sáng chế, học thuyết này giữ vai trò cực kì quan trọng vì tiết lộ tính mới là lí do chính cho việc cấp độc quyền sáng chế vì nếu không, nhà sáng chế có thể sẽ giữ bí mật thành quả lao động thay vì chia sẻ nó với công chúng. Vì vậy, học thuyết này còn được gọi là học thuyết tiết lộ (disclosure theory).

Credit: ullstein bild via Getty Images/ullstein bild Dtl.
Jean Jacques Rousseau

Học thuyết phần thưởng (Reward theory)

Học thuyết phần thưởng coi độc quyền SHTT là phần thưởng cho thời gian, công sức, tiền bạc và thậm chí cả rủi ro của nhà sáng tạo trong việc tạo ra các sản phẩm. Người sáng tạo được khen thưởng vì đã đóng góp cho phúc lợi của xã hội bằng cách tạo ra tác phẩm của mình.[4] Lý thuyết này xuất phát từ khái niệm rằng việc cấp độc quyền là sự bày tỏ lòng biết ơn đối với tác giả vì đã làm nhiều hơn những gì xã hội mong đợi hoặc cảm thấy rằng họ có nghĩa vụ phải làm. Học thuyết phần thưởng có quan điểm rằng lao động trí óc vì lợi ích xã hội phải được đền bù một cách công bằng và cấp độc quyền chính là một cách tưởng thưởng như vậy.

Học thuyết khuyến khích (Incentive theory)

Học thuyết khuyến khích bắt nguồn từ học thuyết chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) của Jeremy Bentham (1748-1832), người đã nhấn mạnh sự cần thiết của bảo hộ SHTT như một điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới và sáng tạo.[5] Nguyên tắc cơ bản nổi tiếng của thuyết vị lợi là hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất (greatest happiness to the greatest number of people). Học thuyết này kết luận rằng không có bảo hộ quyền SHTT hoặc quyền SHTT lỏng lẻo sẽ dẫn đến sự suy giảm hoạt động sáng tạo. Do đó, phúc lợi xã hội sẽ bị ảnh hưởng: không có sản phẩm, quy trình mới nào được sản xuất và khả năng tiếp cận tri thức của con người do đó sẽ bị hạn chế. Giống như học thuyết phần thưởng, học thuyết khuyến khích tin rằng độc quyền SHTT khuyến khích sự đổi mới và phát minh.

Tuy nhiên, nếu triết lý phần thưởng là một cách tiếp cận hồi tưởng, tưởng thưởng cho nhà sáng tạo vì thời gian và công sức họ đã đầu tư trong quá khứ, thì học thuyết khuyến khích là một cách tiếp cận tương lai, xem độc quyền SHTT như một động cơ khuyến khích chủ sở hữu tiếp tục các hoạt động sáng tạo của mình. Đây là học thuyết mà các hãng dược phẩm sử dụng nhiều nhất để ủng hộ cho việc có được một hệ thống sáng chế chặt chẽ vì: “không có bằng sáng chế sẽ có ít thuốc hơn cho con người tiếp cận. Người ta không thể tiếp cận một thứ không tồn tại”.[6]

Credit: Gamma-Rapho via Getty Images/API
Jeremy Bentham

Học thuyết quyền nhân thân (Personal hood)

Cha đẻ của học thuyết quyền nhân thân chính là Friedrich Hegel (1770-1831), một nhà triết học người Đức. Cũng giống như Locke, Hegel bắt đầu học thuyết của mình với trọng tâm là quyền tài sản hữu hình trong tác phẩm Triết lý về quyền (Philosophy of right) nhưng sau này học thuyết của Hegel được ứng dụng để giải thích tại sao tài sản vô hình cũng cần được bảo hộ. Theo Hegel, tài sản là hiện thân của nhân cách (personality) vì vậy nó cần phải được bảo vệ. Nhân cách không phải là danh tiếng mà có nghĩa là sự tự trình bày bao gồm cả sự thể hiện bản thân. Học thuyết quyền nhân thân cho rằng SHTT là cơ chế duy nhất để tự hiện thực hóa cho việc thể hiện cá nhân. Việc bảo vệ quyền SHTT nhằm mục đích bảo vệ phẩm giá và sự công nhận của mỗi cá nhân.

Credit: Getty Images/Henry Guttmann Collection
Friedrich Hegel

Những tồn tại trong vấn đề bảo hộ SHTT khi áp dụng các học thuyết này

Tuy nhiên không có học thuyết nào giải quyết một cách trọn vẹn và thoả đáng lí do tại sao chúng ta cần phải bảo hộ SHTT. Chẳng hạn như học thuyết về luật tự nhiên không giải thích được tại sao một người lại sở hữu với toàn bộ một sản phẩm nếu anh ta chỉ đóng góp một phần nhỏ vào đó. Học giả Robert Nozick thắc mắc tại sao người đó lại có thể sở hữu thành phẩm có sự đóng góp của mình thay vì mất đi sự đóng góp đó?[7] Ông lấy ví dụ nếu ông đổ một hộp nước cà chua vào đại dương, thì ông nên có quyền sở hữu đại dương hay chấp nhận mất hộp nước của mình?

Hoặc khi áp dụng học thuyết của Locke vào tài sản vô hình, một vấn đề được đặt ra đó là tính đối thủ (rivarious) của tài sản hữu hình không hiện diện trong trường hợp tài sản vô hình. Ví dụ: Nếu A và B chỉ có 1 cuốn sách, việc A sử dụng cuốn sách đó sẽ loại trừ việc B sử dụng sản phẩm đó. Tuy nhiên, tài sản vô hình thì hoàn toàn ngược lại. Việc A có ý tưởng viết ra một quyển sách không loại trừ việc B phát triển một ý tưởng tương tự.

Học thuyết phần thưởng và học thuyết khuyến khích cũng bộc lộ những hạn chế khi tiến hành nghiên cứu thực nghiệm. Chẳng hạn như hệ thống bằng sáng chế chỉ quan trọng trong ngành công nghiệp dược và hoá chất, nhưng đối với những ngành như công nghệ thông tin, vi mạch thì hệ thống sáng chế làm cản trở sự phát triển của các ngành này vì số lượng bằng sáng chế trong một sản phẩm có thể lên tới con số hàng trăm.[8] Trong những ngành như dệt may, cơ khí thì hệ thống sáng chế có vai trò tương đối nhỏ.[9] Ngoài ra, cả hai học thuyết này cũng không thể giải thích câu hỏi tại sao con người thích nghiên cứu? Có rất nhiều nhà khoa học, nhà phát minh làm nghiên cứu không vì mục đích tưởng thưởng mà chỉ đơn giản là vì đam mê khoa học.

Học thuyết quyền nhân thân chỉ phù hợp khi áp dụng trong lĩnh vực nghệ thuật vì đây là nơi mà cái tôi và bản thể của người sáng tạo được thể hiện rõ nhất, trong khi các đối tượng khác như bằng sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh thì thật khó để tìm thấy cá tính cá nhân trong đó.

Mặc dù không có một lời giải đáp nào hoàn hảo cho việc tại sao chúng ta cần bảo hộ SHTT, hiểu biết về nguồn gốc các học thuyết sẽ giúp chúng ta đưa ra những giải pháp khác bên cạnh các quy định pháp luật để thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo và xây dựng cơ sở bảo hộ SHTT phù hợp.

*Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, bạn có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.


[1] John Locke, Second Treatise of Government, chương 5.

[2] Như trên

[3] Meir Perez Pugatch, ‘Introduction: Debating IPRs’ in Meir Perez Pugatch (ed), The intellectual property debate: perspectives from law, economics and political economy (EE 2006) 4.

[4] Pia Weiss, Patent Policy: Legal-economic Effects in a National and International Framework (Routledge 2010) 24.

[5] như trên.

[6] Martin J. Adelman, ‘Compulsory Licensing of Drugs: TRIPS Context’ (ATRIP Annual Meeting, Tokyo, 4 August 2003).

[7] Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia (New York: Basic Books, I974), p.

[8] Dan L. Burk and Mark A. Lemley, Patent Crisis and How the Courts Can Solve It (University of Chicago Press 2019).

[9] Richard C. Levin et al., ‘Appropriating the Returns from Industrial Research and Development’ (1987) 3 Brookings Papers on Economic Activity 783, 796.

Leave a Reply