Nhập môn Sở hữu trí tuệ – Phần 1
“Sở hữu trí tuệ” (Intellectual Property) là gì? Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này nhưng một định nghĩa được sử dụng nhiều nhất chính là “sản phẩm của nỗ lực trí tuệ của con người”. Việc sử dụng thuật ngữ “tài sản” (property) ngụ ý sự tồn tại của các quyền, các biện pháp khắc phục và một hệ thống kiểm soát được thực hiện bởi chủ sở hữu quyền. Sở hữu trí tuệ khác với tài sản hữu hình theo một số cách, chẳng hạn như quyền bị cạn kiệt theo thời gian (độc quyền của Sở hữu trí tuệ có giới hạn thời gian) và sự can thiệp vào tài sản trí tuệ của tôi không làm cạn kiệt tài sản đó (bạn có thể sao chép phim hoặc bài hát của tôi nhưng tôi vẫn còn bản gốc). Dưới đây là tổng quan ngắn gọn về một số lĩnh vực Sở hữu trí tuệ dưới góc độ pháp luật của vương quốc Anh.
Bảo mật/Bí mật kinh doanh (Confidentiality/Trade secrecy)
Có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu luật liên quan đến thông tin bí mật có phải là một phần của luật Sở hữu trí tuệ hay không. Và câu trả lời của phần đông học giả là có. Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ một ý tưởng mới hoặc phương pháp tạo ra một sản phẩm mới là áp đặt tính bảo mật. Đây là cách rẻ nhất và an toàn nhất để bảo vệ một tài sản có giá trị. Mặt tiêu cực của việc sử dụng tính bảo mật là nó không phải là phương pháp bảo vệ thiết thực nhất nếu bạn muốn thương mại hóa một sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn có quyền truy cập vào sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể truy cập vào thông tin chứa trong sản phẩm đó (tuy nhiên công thức của Coca Cola là ngoại lệ rõ ràng đối với điều này).
Các vấn đề về bảo mật thường nảy sinh khi có tranh chấp giữa người sử dụng lao động và nhân viên (cũ) về việc tiết lộ thông tin về khoảng thời gian người lao động vẫn còn đang làm việc. Tại Anh, luật bảo mật là những án lệ phát triển dựa trên các yêu cầu được thiết lập trong vụ việc Coco v A N Clark (Engineers) Ltd: ChD 1968. Xâm phạm tính bảo mật chỉ có thể được thành lập nếu một vụ việc thỏa mãn ba điều kiện sau:
- Thông tin phải có chất lượng bí mật cần thiết.
- Thông tin đó phải được truyền đạt trong các trường hợp mà người nhận tin, biết hoặc phải có lý do để biết rằng, thông tin có tính chất bảo mật.
- Đã có hành vi sử dụng trái phép thông tin đó.
Năm 2016, EU đã ban hành Chỉ thị 2016/943 về bảo vệ bí mật thương mại. Chỉ thị này hài hòa định nghĩa về bí mật kinh doanh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Nó cũng xác định các hình thức chiếm đoạt bất hợp pháp và làm rõ rằng, kỹ thuật đảo ngược (reverse-engineering) và phát hiện độc lập (independent discovery) là những hành vi được pháp luật cho phép. Do vậy, bí mật kinh doanh không phải là một dạng độc quyền Sở hữu trí tuệ theo nghĩa truyền thống.
Với việc nước Anh thông qua Đạo luật nhân quyền năm 1998 (HRA – Human Rights Act) đề phù hợp với Công ước nhân quyền của châu Âu (ECHR – The European Convention on Human Rights), luật bảo mật đã mở rộng sang các lĩnh vực mới. HRA đã yêu cầu các tòa án xem xét quyền được tôn trọng đối với đời sống riêng tư được quy định trong Điều 8 ECHR. Tuy nhiên, Điều 10 ECHR cũng quy định quyền tự do ngôn luận. Vì vậy, lợi ích cân bằng của hai quyền này cần được tính đến. Tòa án Anh đã đưa ra nhiều phán quyết về sự xung đột của hai quyền này trong các trường hợp như Douglas v Hello! Ltd [2001] EMLR 199 và Campbell v MGN [2003] QB 633.
Luật bản quyền/quyền tác giả (Copyright)
Luật bản quyền được quy định trong Đạo luật Bản quyền, Thiết kế, và Bằng sáng chế năm 1988 của vương quốc Anh (Copyright Designs and Patents Act – CDPA), bảo vệ các tác phẩm gốc có quyền tác giả (authorial works). Luật bản quyền tự động trao độc quyền cho tác giả để họ khai thác tác phẩm suốt đời cộng thêm 70 năm kể từ sau ngày mất.
Luật bản quyền hiện nay không giới hạn đối với các tác phẩm có tính chất nghệ thuật mà mở rộng đến tất cả các biểu hiện hữu hình của một ý tưởng mà không được bảo hộ theo hệ thống bằng sáng chế. Ví dụ, tòa án Anh đã kết luận rằng bản vẽ thiết kế ống xả ô tô (Leyland v Armstrong [1986] RPC 279) là đối tượng bảo hộ của bản quyền mặc dù rằng bản quyền này không được phép khai thác do chính sách lợi ích công cộng. Tương tự, đã có bản quyền đối với các đề thi đại học (University of London v University Tutorial Press [1916] 2 Ch 601); và danh sách các chương trình TV (Independent television Publications v Time Out [1984] FSR 54). Bản quyền tồn tại đối với sách, tranh, bản khắc, phim, bản ghi âm, lời bài hát và các chương trình máy tính.
Đạo luật năm 1988 cũng mở rộng bảo vệ bản quyền cho cái gọi là các tác phẩm kinh doanh (entrepreneurial works) hoặc quyền liên quan (related rights/neighbouring rights), bao gồm việc trao quyền cho các nhà xuất bản để sắp xếp kiểu chữ, các đạo diễn, nhà sản xuất, nhà phát sóng và người biểu diễn. Lý do ở đây là khi họ đầu tư một khoản tiền đáng kể vào việc đưa tác phẩm của tác giả đến công chúng, họ được bảo vệ các quyền liên quan đến khoản đầu tư này.
Luật bản quyền bảo vệ sự thể hiện của một ý tưởng (expression of ideas), hay nói cách khác là phương thức mà ý tưởng được thể hiện. Bản thân ý tưởng không được bảo vệ.
Đã có một loạt các Chỉ thị của Liên minh Châu Âu nhằm mục đích hài hòa luật bản quyền trên toàn khu vực. Chúng bao gồm Chỉ thị về thời hạn bản quyền 2011/77, nâng thời hạn bản quyền từ tuổi thọ+50 năm lên tuổi thọ+70 năm (tuy nhiên trong hiệp định thương mại EU Việt Nam, EU không đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi thời hạn bảo hộ lên 70 năm), Chỉ thị xã hội thông tin 2001/29 nhằm mang lại sự hài hòa hơn về tôn trọng quyền của chủ sở hữu bản quyền và quyền liên quan (Đây là một văn bản rất quan trọng của về luật bản quyền của EU mặc dù nó chỉ có 15 điều), Chỉ thị quyền Cho thuê & mượn và các quyền liên quan 2006/115, Chỉ thị truyền hình vệ tinh 93/83. Chỉ thị về quyền bán lại tác phẩm gốc của tác giả 2001/84, Chỉ thị về bảo vệ hợp pháp các chương trình máy tính 2009/24, Chỉ thị về cơ sở dữ liệu 96/9 và Chỉ thị về thương mại điện tử 2000/31. Gần đây nhất và cũng là văn bản gây tranh cãi nhất Chỉ thị về Bản quyền trong Thị trường Kỹ thuật số chung 2019/790.
Có lẽ ảnh hưởng mạnh nhất của pháp luật và án EU đối với thực tiễn của vương quốc Anh đến từ vụ việc Infopaq Int v Danske Dagblades Forening. Trong trường hợp này, CJEU quy định rằng bài kiểm tra tính originality1 cho tất cả các đối tượng bảo hộ phải là bài kiểm tra của “sáng tạo bằng trí tuệ của tác giả” (the author’s intellectual creation). Hay nói cách khác, tác phẩm đã trải qua một quá trình sáng tạo để dẫn đến kết quả được cá nhân hóa. Cách tiếp cận này đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn so với bài kiểm tra tương tự đã được thiết lập bởi các tòa án ở Anh về “lao động, kỹ năng và phán đoán” (labour, skills and judgment) trong các vụ việc như Ladbroke v William Hill và Temple Island v New England Teas Ltd.
Đạo luật Nhân quyền (HRA) 1998 cho đến nay có rất ít tác động đến quyền Sở hữu trí tuệ, mặc dù nó đã có tác động đến tính bảo mật như đã đề cập ở trên. Các vấn đề có nhiều khả năng liên quan đến quyền con người là quyền tự do ngôn luận, phẩm giá con người và quyền bảo vệ thông tin liên quan đến chính mình. CDPA và HRA đã gặp nhau trong trường hợp của Ashdown v Telegraph Group [2001] Ch 658. Trường hợp này liên quan đến việc một tờ báo (Telegraph Group) xuất bản một tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không xin phép chủ sở hữu. Vấn đề đặt ra là liệu tờ báo này có thể dựa vào ngoại lệ “fair dealing”2 có trong CDPA để biện minh cho hành vi vi phạm của mình hay không. Chủ báo tuyên bố rằng “fair dealing” cần bổ sung thêm quyền tự do ngôn luận. Vụ việc đặt ra câu hỏi, liệu một công ty có thể viện dẫn nhân quyền, rằng công ty đó đang hành động nhân danh công chúng và công chúng có quyền mong đợi tự do báo chí?
Ngài Andrew Morritt ở tòa án đầu tiên xử vụ việc đã bác bỏ ý kiến tranh luận này. Ông cho rằng CDPA đã cân bằng được quyền của chủ sở hữu và quyền tự do ngôn luận. Vì vậy để tuân thủ Điều 10 của Công ước nhân quyền của châu Âu, Tòa án Anh không cần thiết phải đi xa hơn các quy định về ngoại lệ của CDPA. Kết luận của tòa án là Telegraph Group đã vi phạm bản quyền của nguyên đơn.
Tuy nhiên quyết định này trái ngược với Hyde Park Residence Ltd v Yelland [2000] E.M.L.R 363 (C.A.) và Ashdown v. Telegraph Group Ltd [2002] Ch 149. Vụ việc sau chính là vụ xử kháng cáo của Telegraph. Mặc dù kháng nghị của Telegraph không thành công, nhưng Tòa phúc thẩm phát hiện mâu thuẫn giữa bản quyền và quyền tự do ngôn luận. Tòa đã thiết lập một nguyên tắc quan trọng: Đạo luật Nhân quyền (HRA) có thể có hiệu lực thay thế Đạo luật Bản quyền (CDPA) trong một vài trường hợp hiếm hoi.
- Tiếng Việt dịch originality là tính nguyên gốc, nhưng thuật ngữ này có một khái niệm vô cùng phức tạp và nó thay đổi tùy theo từng đối tượng bảo hộ của luật bản quyền.
- “Fair dealing” tiếng Việt dịch là Sử dụng hợp lý.
*Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, bạn có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.