Nhập môn Sở hữu trí tuệ – Phần 2
Nếu như phần 1 của chuỗi bài này đã giới thiệu đến bạn đọc luật về bảo mật và luật bản quyền, phần 2 sẽ tiếp tục giới thiệu một số quyền đặc biệt trong lĩnh vực bản quyền, và những quy định của pháp luật nước Anh về kiểu dáng công nghiệp và sáng chế.
Quyền nhân thân
Luật bản quyền như đã nhắc đến trong bài trước, giống như tất cả các hình thức tài sản trí tuệ (TSTT) khác vì nó liên quan đến quyền kinh tế của tác giả hay chủ sở hữu. Ngược lại, khái niệm quyền nhân thân vượt ra ngoài phạm vi kinh tế đơn thuần và quan tâm đến danh tiếng nghệ thuật, và mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm. Việc sử dụng một tác phẩm mà làm tổn hại đến danh tiếng và ý đồ nghệ thuật của tác giả có thể vi phạm quyền nhân thân. Nguồn gốc của quyền này có nguồn gốc trong học thuyết của nhà triết học người Đức Hegel và học thuyết này là một trong những học thuyết chính giải thích tại sao chúng ta cần bảo hộ TSTT (Bạn có thể xem lại bài viết về các học thuyết tại đây). Quyền nhân thân từ lâu đã được chấp nhận trong các hệ thống pháp luật ở châu Âu lục địa như Đức, Pháp, và nước Pháp được xem có luật bảo vệ quyền nhân thân chặt chẽ nhất trên thế giới. Chẳng hạn quyền nhân thân của Pháp cho phép tác giả xem xét lại hoặc rút tác phẩm của mình khỏi thị trường ngay cả sau khi xuất bản, với điều kiện là người đó phải bồi thường cho người được chuyển nhượng về bất kỳ thiệt hại nào do việc xem xét lại hoặc thu hồi (Article 121-4, French Intellectual Property Code).
Trong khi đó ở các nước Anglo-Saxon như Mỹ và Anh thì khái niệm quyền nhân thân được du nhập vào sau và các quy định không bảo hộ tác giả một cách mạnh mẽ như các nước châu Âu lục địa khác. Chẳng hạn ở Anh, các quyền này mới được công nhận ở CDPA năm 1988. Chưa hết, chủ quyền được phép từ bỏ quyền nhân thân, một điều hoàn toàn trái ngược với quy định của nước Pháp, nơi mà quyền nhân thân được coi là bất khả xâm phạm. Quyền nhân thân ở CDPA sẽ hết hạn cùng với quyền kinh tế, trong khi đó ở Pháp quyền này sẽ tồn tại vĩnh viễn. CDPA cũng đặt ra một số yêu cầu cao hơn về việc tác giả phải làm thủ tục xác nhận để quyền nhân thân có hiệu lực, trong khi đó công ước Berne về quyền tác giả không có quy định này.
Quyền của người biểu diễn
Đạo luật CDPA năm 1988 cũng công nhận rằng người biểu diễn có quyền trong các buổi biểu diễn của họ. Trước đây, việc ghi âm trái phép buổi biểu diễn như “quay lén” một buổi hòa nhạc là một hành vi phạm tội nhưng quy định này không mang lại lợi ích cho người biểu diễn vì họ có thể bị mất thu nhập do việc sao chép. Quy định này cũng không làm rõ liệu người biểu diễn có bất kỳ hình thức dân sự nào ngoài việc xử phạt hình sự hay không. Đạo luật năm 1988 đã ghi nhận quyền này và trao quyền đó cho người biểu diễn và cho bất kỳ người nào có hợp đồng ghi âm độc quyền.
Bản quyền, công nghệ thông tin và Internet
Sự ra đời của internet đã khiến việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Internet đặt ra rất nhiều các loại câu hỏi về quyền sở hữu bản quyền, thực thi hiệu quả chẳng hạn như làm thế nào một người được bảo vệ ở Anh có thể thực thi một cách hiệu quả hành vi bất hợp pháp đã diễn ra ở Trung Quốc hay Ấn Độ? Hoặc các câu hỏi về việc sử dụng cá nhân so với lợi ích thương mại, quyền truy cập trên Internet và sử dụng bất kỳ tài liệu nào họ tìm thấy trên Internet cho các mục đích riêng. Các vấn đề này khiến các nhà làm luật trở nên đau đầu. Những vấn đề này có thể được nhìn thấy trong các trường hợp cổ điển như vụ việc Napster và The Pirate Bay.
Hiện nay công nghệ đang tiến với tốc độ vũ bão (chúng ta đang ở nửa sau của bàn cờ – trích lời một bạn đọc) trong khi đó vẫn còn đó câu hỏi liệu luật pháp có thể đối phó hiệu quả với công nghệ luôn thay đổi không? Các trường hợp như Newzbin và Newzbin2 là một ví dụ. Chủ sở hữu của trang web Newzbin bị tòa án yêu cầu đóng cửa. Tuy nhiên, Newzbin2 đã mở cửa trong một khoảng thời gian rất ngắn. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sau đó được yêu cầu chặn quyền truy cập của người dùng vào trang Newzbin2, nhưng việc sử dụng công nghệ như VPN đã phá vỡ quy tắc này.
Vụ việc The Pirate Bay:
Website The Pirate Bay (TPB) là một trang mạng cho phép người sử dụng chia sẻ một cách bất hợp pháp những tác phẩm được bảo hộ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu (peer-to-peer network). Người sáng lập ra trang web này là người Thuỵ Điển. TPB là một trong những trang peer-to-peer nổi tiếng nhất ở châu Âu với 90 – 95% tác phẩm được share giữa những người sử dụng là hoàn toàn bất hợp pháp. Mặc dù chủ sở hữu trang web không phải là người vi phạm quyền tác giả (QTG) một cách trực tiếp mà là người sử dụng internet, nhưng năm 2014 toà án Thuỵ Điển tuyên bố admin của TPB đã tiếp tay cho hành vi vi phạm QTG và bỏ tù 3 năm kèo theo xử phạt một số tiền lớn.
Tháng 6 năm nay, toà án Liên Minh Công Lý châu Âu (CJEU) đã ra phán quyết rằng TPB đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá tác phẩm ra công chúng mà không có sự đồng thuận của chủ sở hữu. CJEU đã bác bỏ luận điểm rằng TPB chỉ là bên hỗ trợ về mặt phương tiện, tạo ra một platform để người dùng up lên những tác phẩm và chia sẻ với nhau. CJEU đã tuyên bố rằng admin của TPB, thứ nhất hoàn toàn nhận thức được hậu quả của việc mình làm và thứ hai, không thể không biết hậu quả của hành vi đó dẫn đến việc tác phẩm bảo hộ được phát tán trên mạng internet. Kết quả của phán quyết này là toà án Hà Lan vào tháng 9 đã ra tuyên bố cho 2 nhà cung cấp mạng lớn nhất ở Hà Lan block đường truyền đến trang web này cho đến khi có tuyên bố cuối cùng ở toà cấp cao. Tương tự như vậy, tháng 2 toà án Thuỵ Điển cũng đã yêu cầu nhà cung cấp internet ở nước này có những động thái tương tự với TPB trong vòng 3 năm tới. Ở nước Anh, TPB đã bị chặn từ năm 2014.
Stichting Brein v Ziggo BV and XS4All Internet BV – Case C-610/15. Bạn nào quan tâm có thể đọc bản án này tại đây
Kiểu dáng công nghiệp
Ở nước Anh, kiểu dáng công nghiệp có thể bảo hộ dưới hai hình thức: đăng kí và không đăng kí. Kiểu dáng đăng kí được bảo hộ bằng một đạo luật năm 1949. Đạo luật này bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhưng chỉ trong một thời gian giới hạn nhằm khuyến khích cạnh tranh và không hạn chế việc sử dụng các sản phẩm phổ biến trong ngành công nghiệp. Đạo luật 1949 chỉ đưa ra những thiết kế có thể bảo vệ được “sự hấp dẫn bằng mắt”.
Chủ sở hữu có quyền chọn bảo vệ các thiết kế mà không qua đăng ký. Các thiết kế này được bảo hộ tự động, chủ sở hữu không đăng ký hoặc trả phí.
Thiết kế không đăng ký có thể được bảo hộ ở hai đối tượng sau:
1. Hình dạng và cấu hình (cách các bộ phận được sắp xếp). tùy điều kiện nào kết thúc trước: 10 năm sau khi nó được bán lần đầu tiên hoặc 15 năm sau khi nó được tạo ra
Tuy nhiên, chủ sở hữu phải cho phép người khác sử dụng thiết kế của mình nếu họ yêu cầu trong 5 năm bảo vệ cuối cùng.
2. Vẻ bề ngoài: Hình thức của sản phẩm được bảo hộ trong 3 năm kể từ ngày chủ sở hữu công bố thiết kế của mình.
Bạn có thể tìm hiểu thêm tại website IP nước Anh ở đây.
Kiểu dáng công nghiệp có một mối liên quan khá chặt chẽ đối với quyền tác giả, vì quyền này bảo vệ các tác phẩm bất kể “thành tích nghệ thuật” của chúng. Sự bảo hộ một cách khá dễ dãi của luật bản quyền đã dẫn đến việc luật này được tìm kiếm để bảo hộ cho một thiết kế công nghiệp. Nhìn chung, các kiểu dáng có chức năng không được đăng ký bảo hộ nhưng một loạt quyết định đã công nhận rằng kiểu dáng cho các sản phẩm công nghiệp có thể được bảo vệ bởi luật bản quyền. Hơn nữa, theo Đạo luật Bản quyền Thiết kế năm 1968 quy định răng một thiết kế có thể được “bảo hộ kép” với tư cách là thiết kế đã đăng ký và có bản quyền, mặc dù thời gian bảo hộ bản quyền được giảm xuống cùng thời hạn với các thiết kế đã đăng ký.
Năm 1986, House of Lords (Thượng viện) tại Anh trong vụ việc Leyland v Armstrong đã quyết định rằng một bản sao ba chiều được tạo ra từ một bản vẽ hai chiều, trong trường hợp này là một ống xả được làm bằng kỹ thuật đảo ngược, bất kể bản vẽ thực tế có được sử dụng hay không được coi là một hành vi xâm phạm bản quyền. Quyết định này đã gây ra một số hậu quả. Vì thời gian bảo hộ bản quyền dài hơn so với bằng sáng chế hoặc thiết kế, nó đã mở rộng độc quyền của nhà sản xuất. Trong Interlego AGC v Tyco [1988], Hội đồng Cơ mật (the Privy Council) đã hạn chế thêm phạm vi bản quyền mà trong đó một thiết kế có một số tính năng nghệ thuật và một số tính năng chức năng thì sự bảo hộ thích hợp nằm dưới quyền thiết kế. Mục đích là để khuyến khích cạnh tranh.
Đạo luật CDPA năm 1988 đã công nhận những vấn đề này và đã tạo ra một quyền thiết kế mới, nhưng mối liên hệ giữa quyền mới này và luật cũ rất phức tạp, đặc biệt khi xem xét sự phân biệt giữa quyền bảo hộ mẫu tiện ích và quyền chống sao chép. Năm 1998, EU đã thông qua Chỉ thị thiết kế (Directive 98/71/EC of the European Parliament and of the Council of 13 October 1998 on the legal protection of designs). Mục tiêu của chỉ thị là hài hòa giữa việc bảo vệ thiết kế ở cấp quốc gia và đưa ra một quyền duy nhất cho toàn cộng đồng, cung cấp sự bảo vệ đầy đủ ở tất cả các quốc gia thành viên. Các mục tiêu này có thể so sánh với chỉ thị của EU về việc thiết lập Nhãn hiệu Thương mại Cộng đồng. Điều này có tác dụng yêu cầu các quốc gia thành viên sửa đổi luật pháp quốc gia của họ và chỉ thị này đã giới thiệu Nhãn hiệu Thương mại Cộng đồng. Chức năng kép của chỉ thị có nghĩa là người nộp đơn có thể lựa chọn tham gia bảo vệ tại quốc gia địa phương hay toàn Cộng đồng.
Xin nói thêm rằng Kiểu dáng công nghiệp là chủ đề duy nhất của luật IP mà tôi chưa từng dạy qua. Năm đầu tiên ở Durham, đồng nghiệp mà tôi được tuyển vào để dạy thay lúc đó bảo rằng, sinh viên không hứng thú lắm với chủ đề này, thành ra thầy ấy không bao giờ dạy kiểu dáng công nghiệp. Vậy là tôi cũng nối gót thầy mà bỏ qua chủ đề này cho tới tận bây giờ.
Sáng chế
Hình thức tài sản trí tuệ này liên quan đến việc bảo vệ các hình thức đổi mới khoa học và kỹ thuật hữu hình, chẳng hạn như các phát minh. Cũng như các hình thức IP khác, sáng chế liên quan đến quyền khai thác và ngăn chặn người khác sử dụng bất công thành quả lao động của chủ sở hữu. Quyền được trao cho sáng chế là hình thức độc quyền tuyệt đối nhất so với các hình thức IP khác và do đó nhà phát minh phải đáp ứng các yêu cầu hết sức nghiêm ngặt trước khi nhận được bằng sáng chế.
Nhà phát minh sẽ phải chứng minh rằng sáng chế có tính mới (trước đây chưa được công bố rộng rãi ở bất cứ đâu trên thế giới trước khi đơn đăng ký sáng chế được thực hiện), tính sáng tạo (sáng chế không hiển nhiên với người có trình độ kỹ thuật trong ngành – tiếng Anh gọi là the person skilled in the art) và sáng chế phải có khả năng ứng dụng công nghiệp.
Quy chế liên quan của Vương quốc Anh là Đạo luật Sáng chế 1977, mặc dù một phần lớn hoạt động cấp bằng sáng chế của Vương quốc Anh bắt nguồn từ Công ước Sáng chế Châu Âu (European Patent Convention). Điều quan trọng cần lưu ý là Văn phòng Sáng chế châu Âu (European Patent Office – trụ sở tại Munich, Đức) chỉ có nhiệm vụ xét và cấp bằng sáng chế, trả lời những phản đối dựa trên tính hợp lệ của một sáng chế. EPO không có bất kỳ quyền tài phán nào đối với kết luận có hay không việc vi phạm bằng sáng chế. Đây là vấn đề của các tòa án quốc gia. Do vậy, có rất nhiều những vấn đề nảy sinh trong các tranh chấp pháp lý liên quan đến sáng chế ở châu Âu vì cơ quan cấp bằng là EPO, trong khi đó cơ quan xét xử vi phạm lại là tòa án quốc gia.
Chú thích: EPO là một cơ quan quốc tế, độc lập với liên minh châu Âu (EU). Nó không thuộc EU và không phải là một bộ phận của EU.