Nhập môn Sở hữu trí tuệ – Phần 3 (phần cuối)

Nhãn hiệu

Tại vương quốc Anh, nhãn hiệu có thể được bảo hộ dưới hai dạng: không đăng kí thông qua luật chống giả mạo (passing off) và đăng kí thông qua đạo luật về nhãn hiệu 1994.

Passing off (unregistered trademarks)

Passing off là một chế định đặc biệt của hệ thống các nước thông luật (common law) ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh bằng cách không cho phép một thương nhân lợi dụng danh tiếng thương mại của một thương nhân khác bằng cách (1) sử dụng tên thương mại giống hệt hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn; (2)hoặc bằng cách tiếp thị sản phẩm theo cách khiến công chúng nghĩ rằng họ đang nhận được hàng hóa của thương nhân đã có uy tín thương mại (goodwill). Passing off không thực sự là một phần của luật tài sản, cũng không thể kiểm soát được bằng hợp đồng, mà thuộc về luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort law).

Trọng tâm của passing off chính là việc công chúng đã bị đánh lừa dẫn đến việc một nhà kinh doanh có uy tín phải chịu thiệt hại. Các tiêu chí xác định một hành vi giả mạo theo chế định passing off được đưa ra trong vụ việc The Jif Lemon như sau:

Reckitt là nhà sản xuấn nước chanh với tên “Jif Lemon”, được đựng trong hộp nhựa màu vàng có hình quả chanh. Borden, một đối thủ cạnh tranh, bắt đầu sản xuất nước chanh trong một hộp nhựa hình quả chanh tương tự. Reckitt đã kiện Borden dựa trên chế định passing off. Khi xét xử, Tòa án đưa ra phát quyết ủng hộ Reckitt và được giữ nguyên tại Tòa phúc thẩm.

Reckitt & Colman Ltd v Borden Inc [1990] 1 All E.R. 873

Nguyên đơn
a) Phải thiết lập uy tín (goodwill) hoặc danh tiếng (reputation) gắn liền với hàng hóa hoặc dịch vụ trong tâm trí công chúng. Goodwill hoặc reputation này phải đến từ một đặc điểm phân biệt cụ thể của sản phẩm hay dịch vụ (ví dụ: tên, biểu tượng, kiểu đóng gói), gắn liền với tâm trí của công chúng vì nó chính là lực hấp dẫn mang lại khách hàng cho nguyên đơn. Chẳng hạn, nếu khách hàng thường xuyên mua sản phẩm từ một cửa hàng vì giá rẻ hay có giờ mở cửa thuận lợi thì hai yếu tố này (giá cả và giờ mở cửa) không được xem là uy tín hoặc danh tiếng theo quy định của passing off.
b) Phải chứng minh có sự xuyên tạc hay giả mạo của bị đơn đối với công chúng, có khả năng khiến họ tin rằng hàng hoá là của bị đơn chính là của nguyên đơn. Sự nhầm lẫn của công chúng có thể liên quan đến nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ (tin rằng sản phẩm của bị đơn có cùng nguồn gốc với nguyên đơn), hoặc chất lượng (tin rằng sản phẩm của bị đơn có chất lượng tương tự của nguyên đơn). Sự nhầm lẫn có thể liên quan đến người nổi tiếng khi hình ảnh của họ bị “vay mượn” cho việc quảng cáo mà không có sự đồng ý của người này.
c) Phải chịu thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại. Thiệt hại này có thể là thiệt hại về vật chất (doanh thu) trong hiện tại, tương lai, hoặc thiệt hại phi vật chất như danh tiếng bị ảnh hưởng hay uy tín của nguyên đơn có thể bị pha loãng (dilution) vì cách sử dụng của bị đơn.

Chế định passing off chỉ được kích hoạt nếu nguyên đơn là thương nhân có uy tín và danh tiếng. Chế định này tập trung vào hậu quả có thể xảy ra của lời nói hoặc hành động, không phải chủ ý (intention). Passing off có thể sử dụng để bảo vệ tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, không riêng gì đối với nhãn hiệu. Nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh khá nặng nề.

Nhãn hiệu bảo hộ thông qua đăng kí (registered trademarks)

Chức năng chính của nhãn hiệu là biểu tượng xuất xứ của sản phẩm, là chỉ báo về nguồn gốc. Nhãn hiệu cũng đồng thời là dấu hiệu thể hiện chất lượng của sản phẩm, phân biệt sản phẩm của thương nhân này với sản phẩm của thương nhân khác. Vì lý do đó, bảo hộ nhãn hiệu là vô thời hạn. Trong khi đó, bằng sáng chếbản quyền và các sản phẩm được bảo vệ quyền thiết kế thể hiện thành tựu sáng tạo và phát minh, việc bảo vệ có thời hạn cho phép các nhà phát minh và người sáng tạo có thời gian để thu hồi những khoản đầu tư. Sau thời gian đó, các thành tựu này thuộc về công chúng.

Đối với một số công ty, nhãn hiệu có thể là tài sản thương mại có giá trị nhất của họ. Lấy ví dụ như Coca Cola. Giá trị của thương hiệu Coca cola là 79,2 tỷ USD, vượt xa giá trị tài sản hữu hình của công ty là 9,74 tỷ USD, thậm chí vượt cả bí mật thương mại là công thức Coca-Cola, chỉ được định giá 1,7 tỷ.

Hay một ví dụ khác là thuốc Aspirin (không còn được bảo hộ bởi bằng sáng chế). Aspirin được phát minh bởi công ty dược Bayer của Đức vào năm 1853 và sau đó được đăng ký nhãn hiệu trên toàn thế giới vào năm 1899. Aspirin trở thành nhãn hiệu dược phẩm được sử dụng rộng rãi nhất và được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Nó được mệnh danh là “loại thuốc của thế kỷ” 19 và hỗ trợ mạnh mẽ cho thành công thương mại của Bayer

Năm 1917, bằng sáng chế của Aspirin hết hạn, có nghĩa là bất kỳ công ty nào cũng có thể sản xuất phiên bản generic của Aspirin. Với sự thất bại của Đức trong Thế chiến thứ 1, Bayer buộc phải từ bỏ cả hai nhãn hiệu Aspirin và Heroin như một phần của Hiệp ước Versailles được ký kết vào năm 1919. Bayer chấp nhận mất Aspirin ở Hoa Kỳ, Pháp và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, năm 1994, Bayer AG mua lại một công ty kinh doanh thuốc ở Hoa Kỳ, đòi lại quyền thương hiệu của Hoa Kỳ và Canada đối với Bayer Aspirin và đã quảng bá loại thuốc này kể từ đó. Nếu thuật ngữ “aspirin” không còn được tiếp tục được sử dụng như là nhãn hiệu ở Mỹ (không nên nhầm lẫn với Bayer Aspirin vì nhãn hiệu này được bảo hộ) Anh, và Pháp và rất nhiều quốc gia khác đây vẫn là nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ của Bayer tại hơn 80 quốc gia, bao gồm Canada, Mexico, Đức và Thụy Sĩ. Ngày nay, nó là một trong số ít các loại thuốc được xem là block-buster của Bayer, là sản phẩm tạo ra hơn 1 tỷ đô la mỗi năm.

Định giá giá trị các thương hiệu năm 2017

Tại nước Anh, trước năm 1994, quy chế liên quan là Đạo luật Thương hiệu 1938 cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ định loại hàng hóa liên quan đến nhãn hiệu của họ sẽ được sử dụng và sau đó họ có thể ngăn không cho bất kỳ ai khác sử dụng một nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn liên quan đến hàng hóa cũng thuộc nhóm đó.

Tuy nhiên, nếu việc sử dụng một nhãn hiệu liên quan đến hàng hóa thuộc một loại khác sẽ không bị coi là vi phạm. Ví dụ Jif Lemon là nhãn hiệu đã đăng ký cho nước chanh của một công ty, nhưng một công ty khác cũng đã đăng ký tên này cho sản phẩm chất tẩy rửa (Bây giờ được gọi là Cif ở Anh). Nước chanh và sản phẩm tẩy rửa không được xem là cùng loại.

Nhằm muc đích đưa luật nhãn hiệu của vương quốc Anh phù hợp với phần còn lại của Châu Âu (do việc thông qua Chỉ thị của EU về Nhãn hiệu Thương mại Cộng đồng năm 1996), một Đạo luật mới đã có hiệu lực vào ngày 1/10/1994, Đạo luật Thương hiệu 1994 (Trademarks Act 1994). Một trong những tác động của việc ban hành TMA 1994 là cho phép quảng cáo so sánh, ví dụ: “Sản phẩm X có chất lượng đáng mơ ước này khi so sánh với Sản phẩm Y”, miễn là quảng cáo đó phải công bằng.

Vào tháng 12 năm 2015, Quy định 2015/2424 về Nhãn hiệu có hiệu lực. Điều này có ba tác động chính. Đầu tiên, Văn phòng Hài hòa Thị trường Nội bộ (OHIM) đã được đổi tên thành Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO). Thứ hai, nhãn hiệu Cộng đồng chung (Community Trademark) được đổ tên thành Nhãn hiệu Liên minh Châu Âu (EUTM). Thứ ba, quy định này bỏ yêu cầu trình bày nhãn hiệu bằng hình ảnh (graphic representation) là một phần của tiêu chí cấp phép vì tiến bộ của công nghệ đã cho phép các chủ sở hữu đăng kí nhãn hiệu phi truyền thống (âm thanh, mùi vị, màu sắc, nhãn hiệu đa phương tiện…) dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chủ sở hữu có thể sử dụng cả passing off và registered trademark để khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Leave a Reply