Học luật ở tuổi 29. Dũng cảm hay điên rồ?
Ở tuổi 29 và có một công việc ổn định ở xứ người, liệu có bao nhiêu người sẵn sàng dừng lại sự nghiệp để theo đuổi việc học, chưa kể là một ngành học vô cùng vất vả – ngành luật?
Email là đầu câu chuyện
Một ngày cuối năm 2021, tôi nhận được một email từ một bạn tên là Thanh Tú, muốn hỏi tôi một vài vấn đề liên quan đến việc học luật. Qua trao đổi, tôi mới biết Tú hiện đang sống ở Úc gần 10 năm nay và đã có công việc ổn định trong cơ quan chính quyền sở tại. Tuy nhiên, Tú sắp nghỉ việc không lương để học lấy bằng cử nhân luật. Vào thời điểm hai chị em trao đổi email, Tú đã nhận được thư mời nhập học từ hai trường khá nổi tiếng ở Úc là University of Sydney và University of New South Wales.
Tôi hết sức ngỡ ngàng khi đọc email của Tú vì phải đam mê cỡ nào, bạn mới quyết tâm đi học vào thời điểm mà những người bạn cùng trang lứa có thể đang trên đà thăng tiếng. Chưa kể, học luật không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ngưỡng mộ sự dũng cảm của Tú và cũng tò mò trước quyết định của em – một người đang ở một giai đoạn ổn định cả về độ tuổi lẫn công việc lại muốn dấn thân vào một trải nghiệm “xương xẩu”, tôi hẹn gặp Tú. Cuộc trò chuyện của hai chị em kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Trước khi gặp Tú, tôi cứ nghĩ câu chuyện sẽ chỉ xoay quanh chuyện học luật nhưng rốt cuộc nó lại trải dài từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay và cả những ấp ủ tương lai. Đằng sau sự ổn định hiện tại là cả một quá trình Tú vượt qua nhiều nỗi sợ hãi để thực hiện được ước mơ của mình. Câu chuyện của Tú hiện ra sống động như một cuốn phim với một kết thúc có hậu.
Âm nhạc là mối tình đầu
Tú: Em sinh ra trong một gia đình bình thường ở Sài Gòn. Mẹ làm giáo viên, ba làm kỹ sư cơ khí. Từ nhỏ em đã có một niềm đam mê với âm nhạc nên mặc dù ba mẹ không đầu tư vì không nghĩ em có thể thành công với con đường này, nhưng em đã đậu á khoa chuyên ngành guitar của hệ trung cấp thuộc nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Em học nhạc viện được 3 năm song song với học phổ thông ở trường. Em lúc đó muốn học violin nhưng vì giá một chiếc đàn violin quá đắt (15-16 triệu) so với thu nhập của gia đình. Trong khi đó, một người quen của em lại có sẵn một chiếc guitar nên em quyết định học guitar cho tiết kiệm.
Em rất biết ơn trải nghiệm này vì nó khiến tâm hồn em trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy em luôn khuyến khích các em họ của em đi học nhạc hay một môn nghệ thuật. Chưa kể, biết thêm một môn nghệ thuật sẽ giúp cho hồ sơ đi du học, nhất là Mỹ, mạnh hơn. Nhiều bạn bè của em có một bằng trung cấp chuyên nghiệp của trường múa hay nhạc viện.
Học xong cấp 3, em không biết mình thích gì và làm gì nhưng nhìn thấy dì ruột làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn lớn và rất thành công, em ngưỡng mộ dì lắm và muốn mình trở thành một người như vậy. Em quyết định học kinh doanh tại đại học ngoại thương mặc dù em biết bản thân mình không phải là người có đầu óc kinh doanh nhạy bén. Trong khoảng thời gian học ở đây, em nhận ra môi trường đại học ở Việt Nam không phù hợp với em. Chưa kể sự thiếu hụt về mặt nhân sự tại trường vào thời điểm đó cũng khiến em nản lòng. Lúc đó, tụi em học một chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng chi nhánh trong Sài Gòn không đủ người nên nhà trường phải điều các thầy cô từ ngoài Hà Nội vào, và dạy trong vòng ba đến bốn tuần với khối lượng kiến thức vô cùng nặng khiến em cảm thấy chán nản. Em xin mẹ đi du học sau khi hết năm 1.
“Em sợ”
Thời điểm đó mẹ là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Tiền lương của mẹ chỉ có 8 triệu một tháng, nhưng nếu đi du học thì phải chi cho em một con số lớn hơn nhiều. Tính tới tính lui, em đã nhiều lần nghĩ đến việc từ bỏ việc đi du học vì số tiền đó vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Nhưng mẹ muốn thay đổi tương lai cho em, nên quyết định cho em đi. Em rất biết ơn mẹ vì đã đánh một canh bạc vô cùng lớn như vậy.
Em đi du học mang theo rất nhiều nỗi sợ, không biết mình có đi hết con đường này không, hay là mình phải dừng việc học bất cứ lúc nào vì tình hình tài chính gia đình. Giai đoạn đó mẹ em làm 16 tiếng một ngày để kiếm đủ tiền cho em. Vậy nên khi sang Úc em tự nhủ với bản thân là mình phải cố gắng chăm chỉ học tập để bù lại nỗi vất vả của mẹ. (Tú sang học ngành tài chính kế toán tại đại học Tasmania.)
Em lao đầu vào học điên cuồng. Trước khi sang Úc, em là một đứa có tính nghệ sĩ. Nhưng ở Úc, em phải ép bản thân mình vào một khuôn khổ nhất định và rèn luyện bản thân trở nên kỷ luật hơn. Em quyết tâm phải ở lại Úc để kiếm được việc làm vì trong giai đoạn đó, kinh tế ở Việt nam vẫn chưa phát triển như bây giờ, nên em sợ là nếu em quay về, em có thể không kiếm đủ tiền để trả lại khoản nợ mà mẹ em đã vay để cho em đi du học.
Lúc đó em sợ lắm. Em sợ mình không học được, em sợ phải đi về, em sợ mình không có đủ tiền đóng nhà trọ thì mình phải ra đường, em sợ là mình không thể tìm được việc làm sau khi ra trường…
Em sợ cả việc học. Những ngày đầu khi mới tham gia các chương trình ngoại khóa định hướng, mọi người đều khen tiếng Anh của em tốt. Nhưng đến khi đi học, em chỉ nghe được 15 phút là em ngủ gật vì em không hiểu được thầy cô nói gì. Lúc đó, em bị quá tải vì em phải vừa hiểu tiếng Anh, vừa phải hiểu bài giảng. Chưa kể, khi mới sang em chưa quen với thời tiết ở đây. Mùa hè ở Tasmania là 24-25 độ nhưng lúc nào em cũng cảm thấy lạnh.
Gặp nhiều khó khăn như vậy nên em quyết định sử dụng các dịch vụ tư vấn của nhà trường vì nước Úc có rất nhiều chương trình giúp đỡ cho sinh viên quốc tế. Em nghĩ mình đã phải trả tiền rất nhiều rồi, nên lúc đó có bao nhiêu dịch vụ tư vấn là em xin đi hết. Sau trải nghiệm đó, em nhận ra rằng là mình nên học cách mở lòng và chia sẻ, đừng giữ trong lòng những khó khăn của mình.
Vân Anh: Chị hết sức chia sẻ với em. Trong quá trình giảng dạy, chị đã gặp rất nhiều bạn sinh viên bị mắc kẹt trong vấn đề sức khỏe tâm thần vì không thể mở lòng với gia đình. Có bạn tâm sự với mẹ nhưng mẹ lại gạt đi bảo rằng, chuyện này là chuyện nhỏ xíu mà cũng không vượt qua được. Tâm lý của bạn bất ổn trong suốt 3 năm học đại học đến mức bạn còn có ý định tự tử. Cho đến lúc bạn không chịu được nữa thì bạn mới tìm đến chuyên gia tâm lý nhưng lúc đó thì tình trạng của bạn đã trở nên vô cùng nghiêm trọng. Nên chị thấy Tú có một suy nghĩ cởi mở về vấn đề này tại thời điểm em mới sang Úc.
Tú: Trước khi sang Úc, em đã tham gia hướng dẫn cho một khóa học ở Việt Nam tên là “Tôi tài giỏi”. Khóa học này cho phép em tiếp xúc với các bạn học sinh phổ thông, và em nhận ra là có nhiều bạn muốn chia sẻ nhưng các bạn không có một môi trường an toàn để mở lòng vì sợ bị cười chê là yếu đuối. Ngày xưa có những trường hợp em bỏ cả tháng trời giúp các bạn nhưng rồi các bạn không tiến bộ lên được, em thất vọng lắm. Tuy nhiên đến khi mình trải qua những khó khăn đó, em mới biết là nó không hề dễ một chút nào. Rất may mắn thời điểm đó em chỉ dừng lại ở mức độ lo lắng chứ chưa đến mức trầm cảm. Rồi việc học cũng cuốn em đi.
Your network is your net worth (tạm dịch: Mạng lưới của bạn là giá trị ròng của bạn)
Vân Anh: Vậy em đã đi xin việc ở Tasmania như thế nào?
Tú: Như em đã chia sẻ, lúc sang đây, em đã xác định là mình phải xin được việc trong khi đó thành phố em đang sống (Hobart) ở Tasmania là một thành phố chuyên về du lịch. Doanh nghiệp lớn nhất ở đây chính là trường đại học Tasmania. Đây là nơi những người nghỉ hưu chọn làm chốn dừng chân nên kiếm việc chuyên ngành tài chính kế toán không dễ. Hobart là một thành phố mà mọi người không muốn phát triển nhiều về mặt cơ sở hạ tầng, mà chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng của nó. Tasmania còn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nên người dân rất coi trọng tự nhiên và không muốn phá rừng để mở đất hay phát triển công nghiệp mà làm ảnh hưởng tới thiên nhiên và cảnh quan chung.
Lúc đó, có một người đã nói với em rằng: Ở Tasmania, ai cũng biết nhau nên nếu Tú muốn xin việc thì phải tìm cách gặp gỡ mọi người để mọi người biết đến bạn. Lời khuyên này đã thức tỉnh em và em quyết định đi các sự kiện nhiều hơn để giới thiệu bản thân đến cộng đồng Tasmania. Hồi đó nhìn em rất chán. Mỗi lần đi các sự kiện, em rất sợ khi tiếp xúc với người lạ, nhất là khi người ta to cao, em nhỏ xíu khiến mình càng sợ hơn. Tuy nhiên vì em vô cùng cần một công việc, nên em phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình để tiếp chuyện và cư xử như thể là mình ngang hàng với họ. Em cố hết sức để mỗi phút nói chuyện với mình không phải là mỗi phút mất đi của người ta là mỗi phút có giá trị với họ.
Quý nhân xuất hiện
Trong một lần tham dự một event về quản lý và marketing, em gặp một cô diễn giả tên là P. P nói chuyện rất cuốn hút và thú vị khiến em thầm mong, một ngày nào đó em sẽ được như cổ. Kết thúc buổi event, em quyết định tiếp cận P và nhờ cổ xem qua CV cho em. Sau này, P kể lại với em rằng là cổ ấn tượng với em vì em là người duy nhất mang CV theo trong sự kiện đó. Từ lần gặp gỡ đó, P quyết định làm mentor cho em về networking. Em chưa bao giờ tưởng tượng có một người tốt với em và thương em như vậy. Cổ thậm chí còn trả tiền vé để em đi đến những sự kiện tương tự. Cổ còn dẫn em đi gặp những nghị viên của bang Tasmania.
Không những vậy, P còn đã dạy em cách đi đứng, ăn mặc. Cổ nhắc em luôn giữ thẳng lưng, nâng cằm để thể hiện sự tự tin. Cổ khuyên em nên tập nói chuyện rõ ràng và mạch lạc. Khi mới bắt đầu theo cô P, em rất sợ và thấy không thoải mái vì nó đi ngược lại những gì em đã được nuôi dạy ở Việt Nam. Nhưng P nói rằng, nếu em nói chuyện nhẹ nhàng và quá khẽ khàng, hay ngại nhìn thẳng vào mắt khi giao tiếp thì người ta lại cho rằng mình không tự tin. Nhờ P, em đã thay đổi và trở thành một con người khác. Và cũng nhờ networking, em đã tìm được công việc đầu tiên ở Tasmania, đó là làm kế toán cho một khách sạn.
Học luật ở tuổi 29
Vân Anh: Vậy em đã quyết định đi học luật lại như thế nào?
Tú: Sau một thời gian đi làm thì em nhận thấy mình an phận với công việc hiện tại (Tú lúc đó đi làm tại chính quyền bang Tasmania). Hệ thống an sinh xã hội của Úc rất tốt nên mình cần không lo lắng gì cả, mọi người có một cuộc sống hết sức an bình. Nếu mình thất nghiệp thì nhà nước sẽ có trợ cấp. Sự thoải mái và an tâm này có tác dụng ngược với em vì em sợ rằng một ngày nào đó khi quay lại Việt Nam, em sẽ thua sút bạn bè vì những kĩ năng của mình không được trau dồi. Nhưng quyết định học luật đến với em không phải theo một đường thẳng.
Sau khi em đi làm và có quốc tịch rồi, em quyết định theo đuổi niềm đam mê ban đầu của mình, đó là âm nhạc. Em đăng kí học bán thời gian chuyên ngành Bachelor of Musical Art (Cử nhân nghệ thuật âm nhạc – Tú học hát). Năm 2017, em được tham gia một vở nhạc kịch tên là Avenue Q ở Hobart vì vở kịch này cần một nhân vật nữ châu Á (người Nhật). Em vô cùng phấn khích với trải nghiệm này nhưng đồng thời em nhận ra rằng rất khó để em có thể kiếm sống bằng con đường nghệ thuật ở Úc, đặc biệt là đối với người châu Á. Vì nếu không có nhân vật châu Á thì cơ hội để em tham gia một dự án gần như là bằng 0. Nếu em tiếp tục học Musical Art thì em sẽ tiếp tục sống với đam mê của em nhưng em không thể sống bằng đam mê đó. Nên em quyết định dừng việc học nhạc và chuyển sang học luật (Tú lúc đó vẫn đi làm full time và học bán thời gian).
Lý do em chọn học luật là vì suốt 3 năm học cử nhân tài chính kế toán thì môn luật kinh doanh (Business law) là môn em học tốt nhất. Em luôn cảm thấy vui khi học luật trong khi đó em lại rất miễn cưỡng học các môn kế toán.
Khi quyết định học luật, ban đầu em học một kì bán thời gian ở Tasmania. Nhưng vì em muốn toàn tâm toàn ý nghiên cứu về luật, em đi đến quyết định nghỉ việc để có thời gian học luật một cách nghiêm túc. Rất may mắn là chỗ em làm cho em nghỉ việc không lương trong vòng 3 năm để đi học. Hết 3 năm đó, em có thể quay lại làm việc nếu muốn.
Trong quá trình làm hồ sơ xin học luật bằng JD (Juris Doctor – Đây là bằng luật dành cho người đã có một bằng cử nhân khác trước đó), em mới phát hiện rằng điểm cao của bằng cử nhân trước là tất cả. Lúc em còn học cử nhân tài chính kế toán, rất nhiều người khuyên em không cần học điểm quá cao, mà chỉ cần trau dồi các kỹ năng để sau này đi làm. Nhưng đến khi em nộp đơn xin học JD, hầu như tất cả các trường đều yêu cầu sinh viên phải có điểm tốt nghiệp xuất sắc trở lên.
Vân Anh: Em đúng là thử nghiệm qua rất nhiều thứ để tìm được điều mình thích há!
Tú: Em đã đọc bài phỏng vấn của chị về bạn Uyên đang học luật ở Úc, em rất thích Uyên vì Uyên biết mình thích gì ngay từ đầu. Còn em thì phải đi vòng vòng mới tìm ra mình muốn làm gì.
Vân Anh: Thật ra kinh nghiệm giảng dạy mấy năm của chị cho thấy những bạn như Uyên chỉ chiếm thiểu số, còn đa số đều không chắc chắn về sự lựa chọn của mình. Có bạn học xong kì 1 ngành luật bày tỏ tâm sự với chị là em muốn nghỉ, em học luật không nổi nữa rồi. Chị hỏi tiếp là, em nghỉ thì em định học gì? Bạn ấy bảo, em chưa biết em học gì nhưng em cứ nghỉ đã! Vậy là chị phải động viên là em cố gắng học thêm 1 kì nữa, sau khi học xong mà vẫn không thích thì nghỉ vẫn chưa muộn. Sau một hồi nói chuyện thì chị mới phát hiện ra lý do bạn muốn bỏ học luật vì số lượng bài đọc quá nhiều nên bạn kham không nổi. Lại có một bạn khác cũng học xong kì 1 luật thì muốn chuyển sang học hóa vì luật quá dễ với bạn ấy! Vậy dự định tương lai của Tú đối với ngành luật là gì?
Tú: Em muốn nghiên cứu về luật về công nghệ thông tin. Em thấy khoa học và công nghệ của thế giới đang ở nửa phía sau của bàn cờ (phát triển với cấp số nhân). Trong khi luật mất thời gian để thông qua, thì CNTT phát triển quá nhanh nên luật không phát triển kịp để điều chỉnh những lỗ hổng của công nghệ. Chẳng hạn như rất nhiều người ở Úc mất 400-500 ngàn đô dành dụm cả cuộc đời vì chơi crypto. Em đọc những tin tức như vậy và nghĩ đến người dân Việt Nam ở quê nhà; và em hy vọng một ngày nào đó, thông qua kỹ năng luật, có thể góp tay phần nào giúp bảo vệ người dân khi họ sử dụng công nghệ hay khi tham gia vào crypto với hy vọng đổi đời.
Vào thời điểm viết bài này, Tú đã bắt đầu việc học tại University of Sydney được 3 tuần và cô bạn “đã cảm nhận sức nặng của chương trình học sau tuần đầu tiên”. Khác với Ngọc Anh và Uyên mà tôi đã phỏng vấn trước đây, âm nhạc, chứ không phải luật, mới là sự lựa chọn đầu tiên của Tú. Nhưng đời mà, “chuyện tình yêu ban đầu, mấy ai may mắn chung nhịp cầu”. Quay lại trường học ở tuổi gần 30 chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Nhưng với lòng quyết tâm và sự bền gan của mình, tôi tin là Tú sẽ đi đến cùng với sự lựa chọn lần này.
Bạn có thể biết thêm về Tú qua một bài phỏng vấn năm 2018 khi Tú được trao giải “Công dân trẻ” của thành phố Hobart năm đó vì những công việc của cô bạn với cộng đồng Việt Nam và sự hỗ trợ của Tú đối với sinh viên quốc tế ở đây.