Chiến tranh và sở hữu trí tuệ

Khi cuộc chiến tranh ở Ukraine vẫn còn đang tiếp diễn, sở hữu trí tuệ (SHTT) có lẽ là điều cuối cùng mà các bên nghĩ tới. Trước một loạt hành động cấm vận của các nước phương Tây đối với nước Nga trên mọi mặt trận từ kinh tế, khoa học, văn hóa, thể thao và thậm chí đến giáo dục, nước Nga đâu chịu ngồi yên. Họ bắt đầu trả đũa. Bài viết không bàn việc đúng sai về mặt chính trị, mà sử dụng bối cảnh chiến tranh để cung cấp một góc nhìn cho bạn đọc dưới lăng kính SHTT.

Chiếm đoạt tài sản trí tuệ?

Ngày 6/3/2022, nước Nga ban hành nghị định số 299 tên là “On Amendments to Clause 2 of the Methodology for Determining the Amount of Compensation Paid to a Patent Owner When Deciding to Use an Invention, Utility Model or Industrial Design without His Consent, and the Procedure for Its Payment” (tạm dịch sang tiếng Việt: Sửa đổi đối với khoản 2 của Phương pháp xác định số tiền bồi thường được trả cho chủ sở hữu bằng sáng chế khi quyết định sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp mà không có sự đồng ý của người đó và thủ tục thanh toán của chủ sở hữu bằng sáng chế). Bạn có thể đọc thêm về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp tại đây.

Nội dung của nghị định cho phép nước Nga sử dụng các sản phẩm sở hữu công nghiệp (SHCN) không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu. Nếu đối chiếu sang luật Việt Nam, quy định này có thể được biết đến với tên gọi “Bắt buộc chuyển giao quyền sử đụng đối với sáng chế” được quy định trong Mục 3, từ Điều 145 đến 147 luật SHTT 2005. Điều khác biệt là nếu luật Việt Nam chỉ áp dụng với sáng chế thì Nghị định đặc biệt của Nga mở rộng phạm vi áp dụng đến các đối tượng khác ngoài sáng chế, như giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. (Nghị định của Nga và điều khoản của Việt Nam còn được biết đến dưới tên gọi compulsory licensing.)

Không những vậy, nước Nga còn quyết định không trả tiền bồi thường cho chủ sở hữu. Nói một cách hàn lâm, chính phủ Nga đã hợp pháp hóa hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ bất kỳ ai liên kết với các quốc gia “thù địch” (enemy states) với nước này, tuyên bố rằng việc sử dụng trái phép sẽ không được bồi thường. Nói một cách dân dã, nước Nga chiếm đoạt/ăn cắp các đối tượng SHTT. Giờ đây, các thực thể của Nga không thể bị chủ sở hữu kiện để bồi thường thiệt hại nếu họ sử dụng một số bằng sáng chế mà không được phép.

Danh sách các quốc gia thù địch với Nga bao gồm Mỹ, các nước thành viên EU, , Britain, Canada, Australia, Japan, Switzerland, New Zealand, Montenegro, North Macedonia và Albania.

Bắt buộc chuyển giao sáng chế dưới luật quốc tế

Pháp luật quốc tế, Điều 31 hiệp định TRIPS cho phép một quốc gia tiến hành cưỡng chế sáng chế của chủ sở hữu để chuyển giao công nghệ (compulsory licensing). TRIPS không quy định trường hợp nào thì compulsory licensing được phép diễn ra, mà chỉ đưa ra các quy định về mặt thủ tục mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ. Một trong các quy định đó là chính phủ phải tham vấn với chủ sở hữu trước khi đưa tiến hành compulsory licensing (Điều 31b). Tuy nhiên quy định tham vấn trước này (prior negotiation) có thể bỏ qua trong ba trường hợp: national emergency (khẩn cấp quốc gia), extreme urgency (cực kì khẩn cấp), và public non-commercial use (sử dụng công cộng phi thương mại). Có thể nói rằng, trường hợp các nước phương Tây cấm vận Nga được xem là một trường hợp khẩn cấp quốc gia cho phép Nga tiến hành compulsory licensing.

Về bồi thường thiệt hại, Điều 31h TRIPS yêu cầu chính phủ phải bồi thường cho chủ sở hữu tính đến giá trị kinh tế của sáng chế. Nước Nga từ chối trả tiền cho chủ sở hữu, tức là đã vi phạm hiệp định TRIPS.

Việc quốc gia sử dụng compulsory licensing trong bối cảnh liên quan đến quân sự không phải chưa từng xảy ra. Một tình huống tương tự đã diễn ra tại Thái Lan vào năm 2007 – 2008 khi chính phủ đảo chính của quốc gia này sử dụng compulsory licensing cho 7 loại thuốc khác nhau. Chính phủ quân sự lâm thời lúc đó chỉ trả 0.5% tiền bồi thường thiệt hại cho các hãng dược. Hành vi này đã bị nhiều học giả lên án là “ăn cắp” và là “Robinhood của thế kỉ 21”. Tuy nhiên nếu 7 compulsory licences của Thái Lan vẫn được một bộ phận không nhỏ công chúng chấp nhận vì nó liên quan đến sức khỏe con người thì hành vi của Nga chắc chắn không nhận được sự ủng hộ từ phía công chúng. Chưa nói đến mặt đạo đức của cuộc chiến, Điều 31a của TRIPS còn quy định compulsory licensing phải được xét dựa trên từng trường hợp một. Nghị định đặc biệt của Nga áp dụng với toàn bộ tài sản SHCN cũng vi phạm tinh thần này của TRIPS.

Tương lai cho bảo hộ SHTT tại Nga sau chiến tranh?

Tiếp theo các đối tượng SHCN, các quan chức Nga cũng đưa ra khả năng dỡ bỏ các hạn chế đối với một số nhãn hiệu để cho phép các nhãn hiệu này được tiếp tục sử dụng (chẳng hạn như McDonald’s) khi các công ty đồng loạt rút lui khỏi Nga. Cụ thể, các phương tiện truyền thông ở Nga đã đưa tin rằng Bộ Phát triển Kinh tế có thể từ chối trách nhiệm dân sự đối với hành vi vi phạm nhãn hiệu liên quan đến hàng hóa bị thiếu hụt do các lệnh trừng phạt hoặc do các công ty đóng cửa cửa hàng trong thời gian này.

Một cách chắc chắn, sắc lệnh về bằng sáng chế và việc dỡ bỏ bảo vệ SHTT của Nga nhằm phản ứng lại cấm vận của các nước phương Tây trong cuộc chiến tranh ở Ukraine ảnh hưởng đến đầu tư của phương Tây vào Nga trong tương lai. Các công ty đã nhìn thấy rủi ro trong kinh doanh tại quốc gia này trước đây, nay lại có thêm lý do để lo lắng. Các hành động tập trung vào nhãn hiệu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp như thời trang, mỹ phẩm, dịch vụ. Có thể nói, đây là một ví dụ khác về việc Putin đã thay đổi mãi mãi mối quan hệ mà Nga sẽ có với thế giới bằng việc phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine.

*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Leave a Reply