Đăng ký tên làm nhãn hiệu? Từ “Cao Thái Sơn” nghĩ đến “Messi”

Ngày 31.3, báo Thanh Niên đưa tin ca sĩ Nathan Lee đã nộp đơn đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Cao Thái Sơn”. Khoan bàn về việc đúng sai, câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến việc đăng kí họ tên (gọi tắt là tên) của cầu thủ Messi trong một vụ việc nổi tiếng gần đây ở châu Âu.

Messi v. Massi: 1-0

Vào tháng 8 năm 2011, Lionel Andrés Messi, cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Argentina, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Messi” với Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) cho các mặt hàng ở Nhóm số 9, 25 và 28 như sau:

Nhãn hiệu Messi
undefined
Cầu thủ Messi

Tháng 11/2011, chủ sở hữu của “Massi” – một nhãn hiệu đã đăng kí trước đó (đây là một công ty Tây Ban Nha kinh doanh thiết bị và quần áo đua xe đạp – các sản phẩm được đăng ký ở Nhóm 9, 25 và 28) đã phản đối đơn đăng ký của Messi với lý do nhãn hiệu Messi có khả năng gây nhầm lẫn với Massi. Tháng 6/2013, cơ quan Phản Đối của EUIPO đồng ý với đơn của Massi.

Không hài lòng với quyết định này, Messi (hay nói chính xác hơn, đại diện của anh) đã khiếu nại lên Ban phúc thẩm nhưng Ban phúc thẩm bác bỏ yêu cầu này. Ban phúc thẩm cho rằng các chi tiết nổi trội (dominant elements) của hai nhãn hiệu bao gồm các thuật ngữ “MASSI” và “Messi” hầu như giống hệt nhau về mặt hình ảnh và ngữ âm. Mặc dù có thể có sự khác biệt về khái niệm (conceptual), nhưng nếu xét tổng quát thì sự khác biệt đó không vượt trội sự tương đồng về ngữ âm và hình ảnh. Hơn nữa, hàng hóa của Messi giống với hàng hóa được đăng ký trước đó của “Massi”.

Cũng giống như trên sân cỏ, Messi xông xáo đã đệ đơn kháng cáo trước Tòa án chung của EU (General Court) vào tháng 7/2014, cho rằng Ban phúc thẩm đã sai lầm khi nhận định về nguy cơ nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu. Lần này, Tòa án chung đã đồng ý với Messi với lý do rằng đặt lên bàn cân, danh tiếng của Messi lớn hơn sự tương đồng về hình ảnh và âm thanh giữa hai dấu hiệu và do đó loại trừ mọi khả năng nhầm lẫn. Nói một cách ngắn gọn, quan điểm của tòa là Messi đã “quá nổi tiếng” để dẫn đến sự nhầm lẫn.

Messi v. Massi: 2-0

Cả EUIPO và chủ nhãn hiệu Massi đều không hài lòng với phán quyết của Tòa án chung, vì vậy họ đã đưa vụ việc lên CJEU (Tòa án công lý EU). Nhận định của CJEU như sau:

Thứ nhất, các nhãn hiệu chỉ tương tự về mặt trực quan (visually similar) nhưng chúng được cách điệu khác nhau.

Thứ hai, mặc dù CJEU tán thành quan điểm của Ban phúc thẩm rằng hai nhãn hiệu giống nhau về mặt ngữ âm, nhưng CJEU đã có một quan điểm khác về khái niệm của nhãn Messi. Theo đó, Ban phúc thẩm đã sai khi cho rằng danh tiếng của Messi chỉ được công nhận bởi một bộ phận công chúng quan tâm đến bóng đá và thể thao. Theo CJEU, Messi là một nhân vật được công chúng biết đến bởi những khách hàng am hiểu, chăm chú và có năng lực, những người đọc báo chí, xem tin tức trên TV, đi xem phim hoặc nghe đài. Messi là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới và người của công chúng, theo CJEU, đây là một sự thật hiển nhiên. Do đó, một người tiêu dùng bình thường đối với các mặt hàng thể thao và quần áo hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp nhãn hiệu “Messi” với cầu thủ nổi tiếng này và phân biệt anh ta với một thương hiệu mang âm hưởng khác.

Cuối cùng, không những khẳng định danh tiếng của Messi là điều hiển nhiên, CJEU còn đi một bước xa hơn khi cho rằng Messi không cần phải nộp bất kỳ bằng chứng nào về sự nổi tiếng của mình vì điều này quá rõ ràng.

Vì lý do đó, nhãn hiệu “Messi” được phép đăng kí.

Một vài nhận định

Quyết định này của CJEU đặt ra một vài thách thức cho các luật sư khi thu thập bằng chứng để chứng minh danh tiếng của một nhân vật của công chúng. Ai đó phải nổi tiếng đến mức nào để bằng chứng về tai tiếng của họ có thể được miễn trừ? Ta có thể tham khảo trường hợp liên quan đến ca sĩ Lady Gaga khi EUIPO kết luận rằng nữ ca sĩ Lady Gaga đã không chứng minh được rằng nhãn hiệu LADY GAGA của cô ấy có danh tiếng. Hơn nữa bằng chứng cô ấy đưa ra không cung cấp thông tin về việc sử dụng nhãn hiệu LADY GAGA và cũng không chỉ ra mức độ công nhận nhãn hiệu của công chúng có liên quan.

Ngược lại trong “Messi”, các tòa án không đánh giá danh tiếng dựa trên chứng cứ. Điều này đặt ra một câu hỏi nếu danh tiếng cá nhân vượt trội so với các yếu tố khác như ngữ âm, trực quan, ý nghĩa của nhãn hiệu, thì đâu là giới hạn và đâu là tiêu chí để đánh giá danh tiếng của người nổi tiếng trong vấn đề sử dụng tên làm nhãn hiệu? Hơn nữa, khó có thể nhận định rằng Messi nổi tiếng hơn Lady Gaga, người đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như ca sĩ, diễn viên và nghệ sĩ biểu diễn.

Quyết định này của CJEU đã khiến Stefan Martin – một thành viên của Ban phúc thẩm EUIPO chua chát thốt lên rằng:

Từ góc độ nhãn hiệu thương mại, phán quyết ngụ ý rằng việc phản đối đơn đăng ký có tên của một người nổi tiếng sẽ không thành công bất kể mức độ chú ý của công chúng có liên quan, danh tính của hàng hóa hoặc dịch vụ hay sự tương đồng về hình ảnh và ngữ âm của các dấu hiệu. Nhận định này chỉ đơn thuần xác nhận chân lý của câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng “giàu và khỏe còn hơn nghèo và ốm”

Stefan Martin, “Lionel Messi v EUIPO: 2-0. Court of Justice blows final whistle on opposition proceedings involving Leo Messi” (2021) 16(1) Journal of IP Law and Practice 11

Còn bạn nghĩ sao về quyết định này của CJEU?

Leave a Reply