Phần 1: Giới thiệu về Quyền nhân thân (Moral rights) trong luật Bản quyền
Giới thiệu
Ngày nay khái niệm “tài sản” không còn gói gọn trong tài sản hữu hình như nhà, đất, xe cộ… mà đã bao gồm tài sản vô hình như ý tưởng và thông tin. Thật ra kể từ thời La Mã, con người đã nhận thức được giá trị của những tài sản xuất phát từ trí tuệ của chúng ta. Tài sản trí tuệ (TSTT) không kém phần quan trọng và có giá trị không thua gì những tài sản vật chất như nhà cửa, đất đai, cây cối, gia súc, đá quý hay đồ trang sức. Bằng chứng là vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, trong cả thư từ và công việc của mình, nhà triết học Cicero thường nhắc đến cái mà ngày nay chúng ta gọi là “đạo văn”. Một ví dụ khác nữa là mặc dù luật sở hữu trí tuệ (SHTT) là một ngành luật hiện đại, nhưng các luật gia La Mã đã có sự phân biệt giữa tác phẩm (corpus mysticum) và sự thể hiện hữu hình của nó (corpus mechanicum). Đó là gì nếu không phải tiền thân của ý tưởng (ideas) và sự thể hiện của ý tưởng (expression of ideas) của luật bản quyền hiện đại? Giá trị của những khái niệm này đã được minh chứng qua thời gian khi CJEU đã tham chiếu đến chúng trong một vụ việc năm 2015 liên quan đến việc làm và bán áp phích các tác phẩm nghệ thuật!
Cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp, nhu cầu bảo vệ các phát minh và tác phẩm nghệ thuật khỏi việc bị người khác sử dụng mà không có xin phép đã tăng lên. Kết quả là, luật SHTT ra đời, trong đó ba chế định hay ba loại TSTT quan trọng là bằng sáng chế (patent), nhãn hiệu (trademark) và bản quyền (copyright).
Mặc dù là một yếu tố có liên quan đến copyright, quyền nhân thân (moral rights) vẫn chưa được coi trọng như người đồng chí của nó – quyền tài sản. Lý do lớn nhất cho sự phân biệt đối xử này chính là sự khác biệt giữa các quốc gia theo luật dân sự (civil law system) và các quốc gia thông luật (common law systems) khiến các quyền nhân thân ít có trọng lượng hơn các quyền kinh tế.
Trong khi hệ thống dân sự như Pháp và Đức kể từ thời La Mã đã công nhận “quyền (của) tác giả” (droit d’auteur – tiếng Pháp) để chống lại việc đạo văn, thì Anh và Mỹ – đại diện của hệ thống thông luật đã không chấp nhận quyền riêng tư hoặc quyền cá nhân của tác giả cho đến khi hai nước này trở thành thành viên của Công ước Berne.
Trong thời đại gia tăng của công nghệ mới và sự lan rộng của internet, một câu hỏi đặt ra là liệu moral rights có trở nên dễ bị tổn thương hơn hay không. Mặc dù không thể phủ nhận rằng internet và công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến văn hóa đến đông đảo khán giả; và rằng môi trường kỹ thuật số mang lại cơ hội cho các tác giả; chúng cũng đi kèm với các mối đe dọa. Những “đứa con tinh thần” của tác giả dễ bị tấn công hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nhìn chung thì moral rights vẫn chưa được coi trọng như quyền tài sản. Bằng chứng là moral rights hầu như không được giải quyết trong quá trình quốc tế hóa copyright. Công ước Berne, Hiệp định TRIPS, Hiệp ước Internet WIPO và thậm chí cả các Chỉ thị hài hòa của EU đều né tránh vấn đề quyền nhân thân trong “Kỷ nguyên số”. Trong thời đại mà công nghệ phát triển với tốc độ nhanh hơn luật pháp, quyền nhân thân có lẽ đang bị xem nhẹ. Trước khi phân tích cách mà internet đang ảnh hưởng đến moral rights, bài đầu tiên trong series này sẽ xem xét chế định moral rights qua hai hệ thống civil law và common law.
Copyright in the common law system
Lịch sử của luật copyright của nước Anh gắn liền với sự ra đời của công nghệ in ấn. Trong quá khứ, những người giàu có và quyền lực như vua, chúa hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo đã hỗ trợ tài chính cho những nghệ sĩ để đổi lại họ có độc quyền đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật của những nghệ sĩ đó. Vì vậy, công chúng không thể tiếp cận các tác phẩm vì chúng là độc bản và được giữ kín để các nhà bảo trợ thưởng thức. Tuy nhiên, phát minh của Gutenberg về máy đánh chữ chuyển động vào năm 1455 và sự phát triển của máy in sau đó đã thay đổi ngành công nghiệp in ấn và mối quan hệ giữa tác phẩm và công chúng. Sự kiện tác phẩm Canterbury Tales (Chuyện cổ tích ở Canterbury) của nhà văn Chaucer đã trở thành “sách bán chạy nhất” đầu tiên vào năm 1478, đã tạo ra một bước đột phá trong ngành in.
Phát minh trong lĩnh vực in ấn đã cho phép nhiều bản được sao in một cách nhanh chóng, chính xác với chi phí tương đối thấp. Tuy nhiên điều này đã ảnh hưởng đến đặc quyền của Stationers’ Chamber – một tổ chức do vua Henry VIII lập ra để giới hạn quyền in sách (right to copy) chỉ dành cho một số thành viên đã đăng ký của tổ chức này mà thôi. Để hạn chế và kiểm soát việc in ấn, các thành viên này phải đăng kí tên sách vào Sổ đăng ký của Stationers’ Chamber trước khi xuất bản. Bởi vì chỉ các thành viên mới có quyền in vĩnh viễn, quyền này được gọi là “copyright”, có nghĩa là quyền sao chép. Lịch sử ở Anh chứng minh rằng ý tưởng ban đầu về copyright chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế mà tác phẩm mang đến cho nhà bảo trợ, thay vì nhấn mạnh đến bản thân tác giả.
Hệ thống đặc quyền này sau đó được thay thế bằng luật copyright đầu tiên trên thế giới – Đạo luật Anne ban hành ở Anh vào năm 1710. Đạo luật này nhằm hạn chế độc quyền của ngành xuất bản, cho phép nhập khẩu sách bằng tiếng nước ngoài, chứ không hề có mục đích hướng tới các tác giả và bảo vệ quyền lợi của họ. Quyền sao chép, vốn bị hạn chế đối với Stationers trước đây, giờ đã được cấp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, thay vì là quyền vĩnh viễn, copyright mới sẽ hết hạn sau 14 năm, với một lần gia hạn thêm 14 năm nữa.
Năm 1790, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật có nội dung tương tự của Đạo luật Anne – Đạo luật Bản quyền 1790 với tên gọi đầy đủ là Đạo luật Khuyến khích Học tập, Bằng cách bảo vệ bản sao của Bản đồ, Biểu đồ và Sách cho các Tác giả và Chủ sở hữu của những Bản sao đó (An Act for the Encouragement of Learning, by Securing the Copies of Maps, Charts, and Books to the Authors and Proprietors of such Copies). Đạo luật này cấp cho các tác giả Mỹ quyền in, tái bản hoặc xuất bản tác phẩm trong 14 năm và quyền gia hạn 14 năm. Cho đến nay, Đạo luật 1790 đã trải qua một số lần sửa đổi. Lần sửa đổi đầu tiên vào năm 1831 đã mở rộng thời hạn bảo hộ lên 28 năm cộng với việc gia hạn 14 năm, lần thứ hai vào năm 1870 tập trung vào việc đăng ký hành chính. Lần sửa đổi thứ 3 xảy ra vào năm 1909, mở rộng phạm vi đối tượng bảo hộ cho tất cả các tác phẩm (authorial works) và kéo dài thời hạn gia hạn lên 28 năm.
Lần thay đổi đáng kể nhất được thực hiện vào năm 1976 vì hai lý do chính. Thứ nhất, Mỹ nhận thấy các quy định về copyright hiện tại không thể theo kịp sự phát triển của công nghệ, vì vậy cần phải nỗ lực để ứng phó nhanh chóng với các tiến bộ khoa học. Thứ hai, đó là một bước chuẩn bị để Hoa Kỳ tham gia Công ước Berne vì chính sách copyright của Hoa Kỳ khác với thông lệ quốc tế. Một số chế định ở các khu vực tài phán khác như sử dụng hợp lý (fair use), học thuyết bán hàng đầu tiên (first sale doctrine) và sao chụp thư viện không được chấp nhận ở Hoa Kỳ trước năm 1976. Do đó, quốc gia này đã thay đổi luật copyright đáng kể vào thời điểm đó.
Author’s rights in the civil law system
Hệ thống luật dân sự sử dụng thuật ngữ author’s rights hay droit d’auteur, có nghĩa là quyền của tác giả, để công nhận sự sáng tạo của chủ thể sáng tạo và nhấn mạnh các quyền tự nhiên trong các tác phẩm của họ. Khái niệm về moral rights có thể bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại và Đế chế La Mã khi các tác phẩm có bản quyền được cho là phải thấm nhuần cá tính của tác giả; do đó moral rights được quan tâm hơn thông qua các quy định bảo vệ các tác phẩm khỏi việc sao chép và “đạo văn”.
Moral rights, hay còn được gọi là quyền phi kinh tế, quyền cá nhân, dựa trên học thuyết rằng một tác giả là một cá nhân thiên tài có khả năng tạo ra những tác phẩm phi thường. (Tuy nhiên học thuyết này không còn phù hợp với tình hình hiện tại khi chủ sở hữu của nhiều tác phẩm là các công ty lớn như Dysney, hay là chủ lao động thông qua hợp đồng với chủ thể sáng tạo) Do đó, tác giả và tác phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tác phẩm phản ánh cá tính độc đáo của tác giả; bất kỳ thiệt hại nào – ngay cả khi nó không phải là vật chất – có thể ảnh hưởng đến cá nhân, trí tuệ, tinh thần của anh ta.
Các học giả sống vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại là những người đầu tiên được công nhận là tác giả của các tác phẩm của họ; tuy nhiên, họ không có bất kỳ quyền kinh tế nào để kiểm soát việc phổ biến và sao chép. Đáng chú ý, giá trị của quyền tác giả còn hơn cả khía cạnh tài chính đơn thuần bởi nó không chỉ là thành quả lao động trí óc mà còn là “đứa con tinh thần” của tác giả. Là chất liệu của lao động trí óc, một nghệ sĩ phải được trả thù lao cho thời gian và công sức của mình. Là “đứa con tinh thần” mà chủ thể sáng tạo mang đến cho thế giới, anh ta có quyền tự do kiểm soát vận mệnh của chúng và phản đối mọi hành vi xâm phạm đến tác phẩm.
Common law versus civil law
Sự khác biệt về quan điểm giữa hai hệ thống pháp luật dẫn đến các cách xử lý khác nhau về moral rights và ảnh hưởng đến các vấn đề pháp lý như tính nguyên gốc (originality), thủ tục và thời hạn. Ví dụ, nếu civil law yêu cầu tính originality phải thể hiện cá tính và sự sáng tạo của tác giả (author’s intellectual creation), thì common law đặt ra ngưỡng thấp hơn. Có hai khía cạnh được coi là một tác phẩm gốc (original works) theo quy định của Vương quốc Anh. (1) Tác phẩm không được sao chép. Từ “original” không yêu cầu “thể hiện tư tưởng nguyên bản hoặc sáng tạo”. (The word “original” does not require the expression of original or inventive thought. University of London Press v University Tutorial Press [1916]). (2) Tác phẩm phải được kết tinh từ lao động, óc phán đoán và kỹ năng (labour, judgement and skills) của tác giả. Cụ thể hơn, trong việc xác định liệu một tác phẩm có phải là original hay không, copyright ở common law quan tâm đến đầu vào mà tác giả đã đóng góp cho tác phẩm.
Cách hiểu về tác giả – tác phẩm cũng ảnh hưởng đến hình thức bảo vệ. Tác phẩm được bảo vệ tự động kể từ thời điểm nó xuất hiện dưới một dạng thể hiện cụ thể; một số quốc gia theo common law, cụ thể là Hoa Kỳ, yêu cầu các thủ tục như đăng ký, thông báo hoặc thậm chí đặt cọc nếu tác giả muốn tìm kiếm sự bảo hộ. Tuy nhiên, thủ tục không phải là điều kiện để cấp phép bảo hộ quyền tác giả mà chỉ là bằng chứng ban đầu trong trường hợp có tranh chấp. Chế độ bản quyền Anglo-Saxon tin rằng vì bản quyền là khoản thù lao cho công việc sáng tạo của một người, nên hình thức là cần thiết để chứng minh thành quả của công việc đó.
Thời hạn bảo hộ moral rights của các quốc gia civil law cũng dài hơn các quốc gia common law. Ở Pháp, moral rights tồn tại vĩnh viễn. Trong khi đó, luật Anh quy định moral rights sẽ hết hiệu lực cùng lúc với quyền tài sản.
Một điểm khác biệt đáng kể nữa giữa hai hệ thống pháp luật là vị trí của quyền nhân thân. Ở các nước civil law, quyền của tác giả bao gồm hai nhóm quyền: quyền kinh tế và quyền nhân thân (moral rights). Nếu quyền tài sản nhấn mạnh việc khai thác thương mại một tác phẩm như sao chép, phát sóng, biểu diễn trước công chúng, phóng tác, dịch thuật, v.v., quyền nhân thân là quyền cá nhân liên quan đến một tác giả thay vì đầu ra của mình. Nói một cách khác, trong khi quyền khai thác là một quyền tài sản liên quan đến khía cạnh vật chất, thì moral rights được coi là một quyền con người liên quan nhiều hơn đến quan điểm triết học ở các quốc gia theo civil law. Họ đặt lợi ích đạo đức của tác giả lên đầu tiên và khía cạnh kinh tế ở vị trí thứ hai. Ngược lại, Anh và Mỹ đã không áp dụng quyền nhân thân trong luật bản quyền cho đến thế kỷ 19 trong khi nước Pháp đã có quyền này trước đó rất lâu.
*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.