Phần 2: Quyền nhân thân trong các hiệp ước quốc tế về quyền tác giả

Quá trình quốc tế hóa luật bản quyền hay quyền tác giả bắt đầu với việc thông qua Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1886. Văn kiện này thu hẹp khoảng cách giữa hai hệ thống pháp luật common law và civil law bằng cách yêu cầu các quốc gia thành viên công nhận hai quyền nhân thân cơ bản: quyền được xác định là tác giả của một tác phẩm bất cứ khi nào tác phẩm đó được xuất bản, trình diễn hoặc phát sóng (right to paternity) và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (right to integrity).

Để thực hiện Công ước Berne, Vương quốc Anh đã bổ sung một vài quyền nhân thân thông qua Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng & Bằng sáng chế năm 1988 (Copyright, Designs & Patents Act – CDPA 1988). Ngược lại, Hoa Kỳ đã trì hoãn việc gia nhập Berne hơn một trăm năm, sau khi Công ước này được thành lập. Cuối cùng, khi Hoa Kỳ quyết định trở thành thành viên của Berne vào năm 1989, các quyền nhân thân đã được thực hiện nhưng các điều khoản bị giới hạn để chỉ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu. Một năm sau khi tham gia Berne, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật về Quyền của Nghệ sĩ Trực quan (Visual Artists Rights Act – VARA) – đạo luật liên bang đầu tiên trao quyền nhân thân và tính toàn vẹn cho chỉ riêng các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật trực quan (visual art).

Định nghĩ về visual art có thể tham khảo tại đây (17 U.S. Code § 101 – Definitions)

Một ví dụ của nghệ thuật trực quan

Sự miễn cưỡng của Hoa Kì trong việc công nhận quyền nhân thân có thể nhận thấy qua hạn chế các đối tượng và phạm vi của các quyền. Chỉ những nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật trực quan mới được bảo vệ quyền nhân thân; những hoạt động sáng tạo khác như âm nhạc sẽ bị loại trừ vì chúng không thể đáp ứng định nghĩa của “nghệ thuật trực quan”.

Quyền nhân thân trong Công ước Berne

Công ước Berne là hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm hài hòa luật bản quyền giữa hai quan điểm common law and civil law. Berne quy định hai quyền nhân thân tối thiểu: right to paternity và right to integrity tại Điều 6bis như sau:

Độc lập với các quyền kinh tế của tác giả và ngay cả sau khi chuyển giao các quyền nói trên, tác giả sẽ có quyền yêu cầu quyền tác giả của tác phẩm (claim authorship of the work) và phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hoặc sửa đổi nào khác hoặc hành động xúc phạm khác liên quan đến tác phẩm nói trên, điều này sẽ gây phương hại đến danh dự (honour) hoặc uy tín (reputation) của họ.

Điều 6bis, công ước Berne

Mặc dù công ước Berne được thông qua lần đầu tiên vào năm 1886 nhưng quyền nhân thân đã không được ghi nhận cho tới kì sửa đổi tại Rome năm 1928. Rất nhiều tài liệu ghi nhận rằng, các học giả đại diện cho trường phái common law đã rất ngạc nhiên với khái niệm “moral rights” do các nước civil law nêu ra. Việc đưa ra hai khái niệm “danh dự” và “uy tín” cũng được xem là sự thỏa hiệp giữa hai trường phái này vì các nước common law cho rằng việc cắt xén, sửa đổi tác phẩm chỉ được xem xét khi ảnh hưởng đến “uy tín” của tác giả. Tuy nhiên, khối civil law khăng khăng yêu cầu “danh dự” cũng phải được đưa vào. Cho tới nay, chưa có vụ việc nào phân định sự khác biệt giữa hai khái niệm này. Tuy nhiên, một sinh viên của tôi đã đưa ra một lý giải mà tôi thấy khá hợp lý: “uy tín” hướng về bên ngoài, là cách mà công chúng nhìn nhận tác giả, trong khi đó “danh dự” hướng về bên trong, là lăng kính mà tác giả nhìn nhận về mình.

Nước Pháp – đại diện nổi bật cho việc bảo hộ quyền nhân thân ghi nhận bốn quyền: (i) quyền được xác định tác giả cho tác phẩm khi tác phẩm được sao chép hoặc truyền đạt, (ii) quyền bảo vệ tính toàn vẹn, cho phép tác giả kiểm soát hình thức tác phẩm của mình, (iii) quyền xuất bản, quyền không tiết lộ tác phẩm trước khi tác giả của nó đồng ý, và (iv) quyền rút lại tác phẩm sau khi tác phẩm đã được xuất bản vì tác giả không hài lòng với việc lưu hành hoặc trưng bày tác phẩm đó nữa.

Như đã đề cập ở trên, vì Công ước Berne chỉ quy định mức độ bảo vệ tối thiểu, Điều 6bis để lại một số câu hỏi chưa được làm rõ. (1) Liệu right to paternity có bao gồm quyền không được xác định là tác giả của tác phẩm hay không (quyền phản đối việc gán ghép sai)?Nước Anh có quy định về quyền này và đây được xem là quyền nhân thân lâu đời nhất tại đây. (2) Điều 6bis không quy định về thời hạn bảo hộ của quyền nhân thân dẫn đến việc quyền này hết hiệu lực cùng với quyền tài sản theo luật Anh, nhưng lại tồn tại vĩnh viễn theo luật của Pháp. (3) Điều 6bis cũng không nêu rõ quyền nhân thân có được chuyển nhượng hay từ bỏ. Theo CDPA của Anh, quyền nhân thân không được phép chuyển nhượng nhưng tác giả có quyền từ bỏ. Trong khi đó, luật của nước Pháp không chấp nhận chuyển nhượng hay từ bỏ này.

Bất chấp những hạn chế nói trên, Công ước Berne đã tạo ra một bước ngoặt khi lần đầu tiên tuyên bố sự độc lập và khác biệt của quyền nhân thân so với quyền kinh tế. Ngay cả khi tác phẩm sau được chuyển giao cho một bên khác hoặc tác giả không phải là chủ sở hữu bản quyền (ví dụ: nhân viên sản xuất tác phẩm theo hợp đồng), tác giả vẫn có các quyền cá nhân. Nói tóm lại, Công ước Berne không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa hai hệ thống pháp luật mà còn đặt nền móng cho sự hài hòa của luật bản quyền.

Hiệp định TRIPS

Thành công của Vòng đàm phán Uruguay dẫn đến việc thành lập WTO và Hiệp định TRIPS vào năm 1995. TRIPS được xem là “cột mốc” trong luật sở hữu trí tuệ quốc tế, củng cố vai trò của Công ước Berne khi một quốc gia trở thành thành viên TRIPS sẽ tự động trở thành thành viên của Berne. Tuy nhiên, quyền nhân thân không được quy định trong TRIPS.

Lý do cho sự vắng mặt này có thể được tìm thấy trong tiêu đề của TRIPS: hiệp định bao gồm Các khía cạnh liên quan đến thương mại. Trong khi đó, quyền nhân thân nằm ngoài phạm vi kinh tế của quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của Hoa Kì lên đàm phán hiệp định TRIPS cũng được xem là một nguyên nhân dẫn đến việc quyền nhân thân không được nhắc đến trong TRIPS.

WIPO Internet Treaties (Các hiệp ước về Internet của WIPO):

WIPO Copyright Treaty (WCT – Hiệp ước bản quyền của WIPO):

WCT thông qua vào năm 1996 đưa ra các điều khoản liên quan đến cái gọi là “chương trình kỹ thuật số” bao gồm quyền áp dụng cho việc lưu trữ và truyền tải tác phẩm trong hệ thống kỹ thuật số, các hạn chế và ngoại lệ trong môi trường kỹ thuật số, các biện pháp công nghệ bảo vệ và thông tin quản lý quyền.

Tuy nhiên, quyền nhân thân không được nhắc đến trong hiệp ước này.

WIPO Treaty on Performances and Phonograms (WTPP – Hiệp ước về Biểu diễn và Bản ghi âm):

Cùng với WCT, WTPP cũng được thông qua năm 1996 qua để giải quyết luật bản quyền và các quyền liên quan của Kỷ nguyên kỹ thuật số. Mặc dù WTPP tập trung vào các quyền liên quan hơn là quyền tác giả, Điều 5 quy định rights of attribution and integrity của người biểu diễn, đây chính là quy định song song với Điều 6bis của Berne. Tương tự, những quyền này đã được công nhận độc lập với các quyền kinh tế và vẫn có giá trị sau khi người biểu diễn qua đời, ít nhất là cho đến khi các quyền kinh tế của anh ta hết hiệu lực.

UK’s Copyright, Designs, & Patents Act 1988

CDPA 1988, ngoài hai quyền cốt lõi, mở rộng quyền nhân thân đối với quyền không được nêu tên là tác giả của một tác phẩm mà người ta không tạo ra (quyền phản đối việc ghi nhận sai – False attribution) và quyền bảo mật đối với một số bức ảnh và phim nhất định (quyền riêng tư – right to privacy). Right to paternity, right to integrity và right privacy tồn tại miễn là bản quyền trong tác phẩm còn tồn tại. False attribution, ở một vài quốc gia common law được xem là một phần của luật về nghĩa vụ thông thường, chứ không phải là một loại quyền nhân thân. Theo CDPA, nó chỉ tồn tại 20 năm sau khi một người được gán cho là tác giả hoặc đạo diễn qua đời.

False attribution

Quyền ghi nhận tác giả không chính xác lần đầu tiên được đưa vào Đạo luật bản quyền năm 1956. Hiện quyền này được quy định tại Mục 84 của CDPA, rằng một người có quyền phản đối việc một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật hoặc phim bị gán ghép là tác phẩm của người đó. Có không nhiều các vụ việc liên quan đến quyền này, dưới đây là một trong số đó.

Nguyên đơn (Clark) là một nghị sĩ đảng Bảo thủ nổi tiếng, người đã xuất bản nhật ký ghi lại đời sống riêng tư và những khía cạnh công khai của mình. Bị đơn (Associated Newspaper Ltd), là nhà xuất bản tờ báo Evening Standard ở London, đã đăng một loạt bài báo nhại nhật ký của Clard. Loạt nhật kí này có tiêu đề “Nhật ký bầu cử bí mật của Alan Clark” hoặc “Nhật ký chính trị bí mật của Alan Clark” và kèm theo một bức ảnh tiêu đề nhỏ về nguyên đơn. Bên dưới tiêu đề là một đoạn giới thiệu có tên của tác giả thực sự (Mr Peter Bradshaw) bằng chữ in hoa và tuyên bố rằng tác giả đang hình dung cách mà nguyên đơn sẽ ghi lại các sự kiện trong ngày. Clark đã khởi kiện thành công theo mục 84 của CDPA.

Clark v Associated Newspaper Ltd [1998] 1 WLR 1558

Right to paternity

Right to paternity – quyền được xác định là tác giả của tác phẩm là một trong những quyền nhân thân được công nhận nhiều nhất. Quyền nhận dạng cho phép tác giả được tự do ẩn danh, chẳng hạn như tên, bút danh hoặc ký hiệu được xác định là người sáng tạo.

Đây là một trường hợp liên quan đến âm nhạc của nhà soạn nhạc baroque thế kỷ 17 và 18 Michel-Ricard de Lalande. Nguyên đơn, Tiến sĩ Lionel Sawkins,một nhà âm nhạc học có uy tín cao và là người có thẩm quyền hàng đầu về âm nhạc của Lalande, đã tạo ra các phiên bản biểu diễn hiện đại — cho phép những người biểu diễn ngày nay có thể chơi nhạc của Lalande. Ông đã tham khảo và dựa trên các nguồn bản thảo và bản in từ thế kỷ 17 và 18 và chuyển âm nhạc từ các bản nhạc gốc thành ký hiệu hiện đại. Ngoài ra, Tiến sĩ Sawkins đã thực hiện nhiều chỉnh sửa và bổ sung ký hiệu bao gồm tái tạo các phần bị thiếu. Việc sản xuất các ấn bản này đòi hỏi chuyên môn đáng kể, cũng như kỹ năng và nỗ lực — khoảng 300 giờ cho mỗi ấn bản trình diễn của bốn tác phẩm.

Các bị cáo đã ghi âm buổi biểu diễn âm nhạc của Lalande từ các ấn bản biểu diễn hiện đại do Tiến sĩ Sawkins chuẩn bị. Trên đĩa CD ghi nhận và cảm ơn Sawkins đã chuẩn bị tài liệu biểu diễn cho bản ghi âm; tuy nhiên, thẩm phán xét xử và Tòa phúc thẩm cho rằng điều này không đủ để xác định nguyên đơn là tác giả của các phiên bản biểu diễn hiện đại của nhạc Lalande.

Hyperion Records v Sawkins [2005] EWCA Civ 565

Right to integrity

Mục 80 của CDPA Quyền này cho phép tác giả bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm khỏi việc bị bóp méo hoặc cắt xén, nhưng người sáng tạo chỉ có thể phản đối việc thay đổi tác phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến “danh dự hoặc danh tiếng” của mình. Một câu hỏi đặt ra nhưng chưa có có câu trả lời, đó là nên xác định tổn thương về uy tín của tác giả dựa trên phản ứng của công chúng hay quan điểm cá nhân? Điều gì sẽ xảy ra nếu sự thay đổi khuếch đại tên tuổi của tác giả đến một lượng lớn khán giả, nhưng tác giả cho rằng nó làm thay đổi bối cảnh ban đầu của tác phẩm. Chỉ có một số vụ việc ở Anh thảo luận đến khái niệm “đối xử tiêu cực” (derogatory treatment) của tác phẩm.

Mr Alcee đã sáng tác một bản nhạc garage có tên là “Burnin” và bán cho Confetti Records. Bị đơn (Warner Music) đàm phán với Confetti để sử dụng bài hát “Burnin” trong một album tổng hợp, nhưng kết quả đàm phán không thành công.

Tuy nhiên, lúc đó bị đơn đã hoàn thành xong việc thu âm, tạo ra một album mới và tạo ra một số lượng bản sao. Phiên bản gốc của “Burnin” bao gồm phần beat nhạc cụ kèm theo sự lặp lại giọng hát của từ “burn”. Phiên bản do bị đơn sản xuất có Heartless Crew, một nhóm nhạc garage ba người bao gồm DJ Fonti, MC Mighty Mo và Bushkin. Heartless Crew đã sử dụng phiên bản gốc của “Burnin” làm bản đệm và đọc lời rap trên bản đệm đó. Mr Alcee cáo buộc rằng đây là một cách xử lý xúc phạm đến tác phẩm của mình vì lời bài hát rap gợi ý bạo lực và sử dụng ma túy.

Confetti Records v Warner Music UK Ltd [2003] EWHC 1274 (Ch)

Tuy nhiên cáo buộc này không thành công vì các thẩm phán cho rằng: Khi được phát ở tốc độ bình thường, rất khó để giải mã các từ của đoạn rap nói trên và thậm chí các bên cũng không thống nhất các từ đó là gì. Ngay cả khi chơi ở tốc độ một nửa, vẫn có những bất đồng về lời bài hát. Vì bản thân các từ rap khó giải mã khiến cho yêu cầu của Alcee không được chấp nhận.

Xem phần 1 tại đây.

*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Image 1: BP Miller tại Unsplash

Image 2: Bagus Wihardana tại Unsplash

One Reply to “Phần 2: Quyền nhân thân trong các hiệp ước quốc tế về quyền tác giả”

Leave a Reply