Phần 3: Quyền nhân thân và kĩ thuật số

Giới thiệu

Sự bùng nổ truy cập Internet và kĩ thuật số trong 25 năm qua đã thách thức quyền tác giả, và đặc biệt là khái niệm về quyền nhân thân. Không giống như sáng chế hoặc nhãn hiệu cần phải đăng ký để tìm kiếm sự bảo hộ, quyền tác giả không yêu cầu thủ tục này vì vậy tính chất lãnh thổ của nó yếu hơn hai loại hình sở hữu trí tuệ kia. Chưa kể, tính chất không biên giới của internet khiến cho quyền tác giả càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Chỉ một cú nhấp chuột có thể truyền thông tin từ bên này sang bên kia của địa cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cả Internet và kĩ thuật số giúp ta chúng ta sản xuất ra “đứa con tinh thần” nhanh hơn và sáng tạo hơn bằng cách sử dụng phần mềm máy tính và cả trí thông minh nhân tạo (AI). Internet cho phép tác giả chạm tới số lượng người dùng đông đảo hơn không tưởng. Ngoài ra, công nghệ còn phục vụ lợi ích cộng đồng tốt hơn khi số hóa di sản lịch sử và văn hóa vì nhiều lý do các phiên bản gốc khó hoặc không thể được duy trì.

Phần cuối của series về quyền nhân thân sẽ tập trung vào thách thức về mặt pháp lý lẫn thực tiễn của internet và kĩ thuật số đối với các quyền này.

Kĩ thuật số đã tăng cường quyền nhân thân như thế nào?

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Marjut Salokannel và Alain Strowel (A Study Contract Concerning Moral Rights in the Context of the Exploitation of Works through Digital Technology – 2000) chỉ ra hai cách mà công nghệ kỹ thuật số giúp tác giả bảo vệ quyền nhân thân tốt hơn.

Thứ nhất, việc xác định một tác phẩm dễ dàng hơn nhờ các hệ thống nhận dạng công nghệ khác nhau. Việc tạo ra một mã tiêu chuẩn hóa cho tài liệu văn học (ISBN), bản ghi âm (số ISRC) và tài liệu nghe nhìn (số ISAN) bằng công nghệ kỹ thuật số, có thể được coi là một hình thức mới của right to paternity. Mặc dù những hệ thống đó có thể không tiết lộ tác giả là ai, nhưng chúng có thể được sử dụng như một công cụ để xác thực tác phẩm. Chúng không đề cập chính xác đến tên của người sáng tạo nhưng có khả năng cung cấp nguồn gốc của tác phẩm trong môi trường khai thác thương mại. Nghiên cứu nói trên xem việc xác thực tác giả trong copyright tương tự như chức năng xác định xuất xứ của nhãn hiệu.

Thứ hai, công nghệ kỹ thuật số có thể bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm khỏi sự sửa đổi bất hợp pháp. Các phương pháp như mã hóa, chữ ký số và hệ thống nhận dạng củng cố tính toàn vẹn của tác phẩm vì chúng giúp tác giả chứng minh rằng kết quả của họ đã bị bóp méo. Tuy nhiên, những phương pháp này không thể thay thế quyền nhân thân hoàn toàn vì vai trò của chúng bị giới hạn trong việc hỗ trợ chủ quyền theo dõi và chứng minh các hành vi xâm phạm, hơn là cung cấp hành lang pháp lý để bảo hộ quyền nhân thân.

Tiếp theo đó, nền tảng phát trực tuyến có thể tạo điều kiện cho việc thu hồi tác phẩm khỏi thị trường hiệu quả hơn nhiều. Đầu năm 2022, Neil Young – một nghệ sĩ đã yêu cầu Spotify rút toàn bộ tác phẩm của mình khỏi nền tảng này để phản đối sự ủng hộ của công ty dành cho podcaster Joe Rogan gây tranh cãi. Động thái này có nghĩa là nhạc của Young không chỉ không bán được mà còn bị xóa khỏi các thiết bị riêng tư của người dùng Spotify. Thật khó mà tưởng tượng quyền thu hồi có thể đạt được kết quả tương tự trong môi trường bình thường. Với các nước common law, ví dụ của Young mang ý nghĩa lớn vì cung cấp một quyền thu hồi trên thực tế, vì luật của Vương quốc Anh không quy định về quyền này.

Kĩ thuật số thách thức quyền nhân thân như thế nào?

Ngoài những lợi ích nói trên, môi trường kỹ thuật số tiềm ẩn những mối đe dọa đối với quyền nhân thân.

Internet trao cho người dùng phương tiện và cơ hội vô hạn để chuyển đổi thành quả lao động sáng tạo của tác giả mà không cần sự đồng ý của người này. Người dùng có thể repost nội dung hoặc thêm bình luận của mình vào tác phẩm gốc mà không cần quan tâm (và trong nhiều trường hợp là không thể biết được) nội dung chính xác của tác phẩm gốc hoặc bỏ qua danh tính thực của tác giả.

Internet đã cho phép tác phẩm được phổ biến trên một quy mô chưa từng có. Đi cùng với nó là quyền thu hồi tác phẩm trở nên vô nghĩa. Trước thời đại internet, tác giả có thể rút lại tác phẩm của mình khi họ không hài lòng với nó nữa hoặc nó không còn phản ánh thế giới quan của tác giả. Tuy nhiên, internet vô hiệu hóa quyền này. Một khi tác phẩm được phát tán trực tuyến, gần như không thể để tác phẩm đó biến mất khỏi thế giới mạng.

Các nền tảng dựa trên Internet để tạo ra và phổ biến các tác phẩm thách thức không chỉ khái niệm về quyền nhân thân nói chung mà còn đối với khái niệm về tác giả nói riêng. Wikipedia, bách khoa toàn thư trực tuyến, là một ví dụ nổi bật. Nội dung được cộng tác sản xuất bởi những người đóng góp ẩn danh. Trong hệ sinh thái này, khái niệm quyền nhân thân của tác giả bị tiêu tan. Ẩn danh, chứ không phải là xác định tác giả, và sửa đổi, thay vì tính toàn vẹn, là giá trị cốt yếu. Wikipedia không đơn thuần không bảo vệ các quyền nhân thân; nó phát triển dựa trên việc bỏ qua các giá trị này. Áp dụng phương pháp ẩn danh và sửa đổi cho phép Wikipedia cập nhật hơn bất kỳ bách khoa toàn thư có tác giả thông thường nào. Đây là trang web tham khảo lớn nhất trên thế giới, với 1,7 tỷ người dùng hàng tháng.

Đối với hệ thống pháp luật lấy tác giả làm trung tâm như Pháp, Wikipedia đại diện cho một mối đe dọa hiện hữu. Trong khi right to paternity và right to integrity biến mất, quyền tiết lộ và thu hồi tác phẩm hồi đóng một vai trò hạn chế: mỗi người đóng góp có thể quản lý việc phát hành và xóa “tác phẩm” của họ. Tuy nhiên, quyền thu hồi có hiệu lực thực tế tối thiểu: bất kỳ ai cũng có thể sao chép và đăng lại nội dung đã xóa.

Nhìn từ góc độ common law, Wikipedia ít có vấn đề vì trong mọi trường hợp, quyền nhân thân có thể được từ bỏ. Như vậy, Wikipedia chỉ là một ví dụ về quyền tác giả nhường chỗ cho các quyền kinh tế.

Một thách thức nữa đối với quyền nhân thân được đưa ra bởi các dịch vụ phát trực tuyến. Ở đây, tác động qua lại giữa quyền nhân thân và công nghệ phân phối phức tạp hơn vì sự tương tác giữa tác giả và khán giả được định hình bởi các ưu tiên thương mại của nền tảng, chẳng hạn như đề nghị playlist. Điều này có thể làm giảm tính toàn vẹn của một album khi nền tảng trực tiếp phá vỡ cấu trúc của nó. Vào năm 2010, Pink Floyd đã kiện thành công EMI vì đã chia các album của mình thành các bài hát riêng lẻ (link).

Sự nhúng tay của nhà nước đã khiến cho tác giả không còn tiếng nói trong việc quyết định số phận của tác phẩm của mình. Chẳng hạn khi khán giả xem “Fight Club” trên nền tảng Tencent của Trung Quốc, cái kết đã bị thay đổi hoàn toàn. Thay vì một âm mưu phá hủy hàng loạt tòa nhà được thực hiện thành công trong phiên bản gốc, phiên bản Trung Quốc kết thúc với một lưu ý cho người xem rằng cảnh sát “nhanh chóng tìm ra toàn bộ kế hoạch và bắt giữ tất cả tội phạm, ngăn chặn thành công bom khỏi phát nổ.” (link) Sự thay đổi này đã bị phản đối dữ dội và kết quả là Tencent phải khôi phục lại cái kết nguyên gốc. Mặc dù vậy, ví dụ này cho thấy quyền nhân nhân trở thành đứa con ghẻ trong hệ thống luật về quyền tác giả.

Quyền tiết lộ (right to disclosure) của tác giả cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tốc độ phát tán ánh sáng của internet. Một ví dụ khác trong ngành công nghiệp âm nhạc là Scarface’s The Fix và Ludicras ’Word of Mouf đã bị chia sẻ bất hợp pháp trên internet lần lượt 22 và 24 ngày trước khi phát hành chính thức (link).

Theo nguyên lý truyền thống, quyền tác giả không tồn tại ở dạng ý tưởng mà chỉ được bảo hộ khi được thể hiện dưới một hình thức nhất định. Một bài thơ không thể được bảo hộ trừ khi tác giả chuyển nó thành một hình thức vật chất. Tương tự, một nhà soạn nhạc chỉ có thể tìm kiếm sự bảo vệ cho bản nhạc của mình thông qua biểu thức ghi âm. Right to integrity trở nên yếu hơn trong thời đại kỹ thuật số. Để được máy tính hiểu và phổ biến trên mạng, một tác phẩm trong nhiều trường hợp không thể được bảo toàn nguyên bản mà phải được dịch sang dạng kỹ thuật số, dẫn đến giảm chất lượng. Màu sắc và sắc thái của một bức tranh gốc có thể không được giữ nguyên như trong phiên bản nén. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sự thay đổi này có làm tổn hại đến danh dự và uy tín của tác giả hay không?

Tương tự, việc giảm chất lượng của bất kỳ đầu ra nào, chẳng hạn như một bộ phim, một bài hát hoặc một bản nhạc, có thể luôn khiến các tác giả không hài lòng vì họ đã cống hiến rất nhiều để tạo ra và phổ biến nghệ thuật, kiến ​​thức và văn hóa. Họ muốn bảo quản tác phẩm chính xác như thiết kế, không thay đổi. Tuy nhiên, không phải mọi sửa đổi đều mang tính tiêu cực. Ví dụ, một nhạc sĩ sáng tác một bài hát dài 4 phút 30 giây, nhưng bài hát đó kết thúc ở phút 4:23; 7 giây còn lại không có âm nhạc, nhưng được thêm vào để tạo hiệu ứng tiếng vang. Công nghệ kĩ thuật số hoàn toàn có thể nén nó lại với độ dài mới là 4 phút 23 giây để giảm dung lượng. Không thể phủ nhận tính toàn vẹn của tác phẩm của nhà soạn nhạc bị bóp méo, nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là liệu sự bóp méo này có đủ nghiêm trọng đến danh dự hay danh tiếng của tác giả không?

Kĩ thuật số cho phép người dùng loại bỏ hoặc trích xuất một phần của tác phẩm khỏi bối cảnh ban đầu của chúng hoặc/và kết hợp chúng để tạo ra các tác phẩm hoàn chỉnh. Rất khó để phát hiện sự thay đổi nói trên, một câu hỏi đặt ra phải chăng đã có sự thay đổi vai trò của tác giả, từ việc là “cha đẻ”(authoring) của tác phẩm chuyển sang là người “đóng góp” (contributing)?

Mặt khác, việc bảo vệ chặt chẽ hơn các quyền nhân thân có thể cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, du lịch. Right to paternity và right to integriy ngăn cản việc khai thác và thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật mới. Ngoài ra, việc lạm dụng quyền thu hồi có thể gây ra tổn thất đáng kể cho nhà xuất bản nếu tác giả muốn rút tác phẩm của mình khỏi thị trường, trong khi đó nhiều công ty, đặc biệt là ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc hiện sử dụng internet như một kênh chính để phổ biến các tác phẩm mới.

Kết luận

Internet đã quốc tế hóa cuộc sống của chúng ta kể từ khi nó được tạo ra. Sự xuất hiện của nó làm đảo lộn định nghĩa về “khoảng cách”, dẫn đến sự xói mòn ranh giới địa lý. Thế giới trở nên nhỏ hơn và phẳng hơn, nhưng phạm vi của các xung đột về quyền lại rộng lớn và đa dạng hơn bao giờ hết. Quyền nhân thân vốn không tạo ra lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu quyền tác giả trở nên yếu hơn và gần như bị gạt khỏi bên lề trong thời đại kỹ thuật số. Thế giới nhỏ hơn nhưng rủi ro hơn. Khả năng kiểm soát vận mệnh của “đứa con tinh thần” của người sáng tạo không còn trong tầm tay mà phụ thuộc vào ý thức và động cơ vị tha của người dùng. Đây chắc chắn không phải là một biện pháp hiệu quả để bảo hộ quyền nhân thân.

Một khi một tác phẩm đã được xuất bản trực tuyến, theo dõi việc phát hành sau đó là điều không tưởng. Truy tìm vi phạm quyền nhân thân trên mạng đòi hỏi hợp tác quốc tế, cả về mặt kỹ thuật và pháp lý. Hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác tư pháp lẫn nhau giữa các quốc gia có thể là chìa khóa để giảm thiểu và trừng phạt vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, không chắc là các nhà chức quyền quan tâm nhiều đến lĩnh vực này.

Dựa vào những phân tích nêu trên, liệu rằng đã đến lúc các tác giả nên nhìn nhận quyền nhân thân một cách linh hoạt hơn để giải quyết xung đột giữa mình và người dùng trong thế giới kĩ thuật số? Ở một mức độ nào đó, có lẽ các tác giả nên học cách cùng tồn tại với một số “vi phạm” về quyền nhân thân?

* Hình ảnh: Marvin Meyer tại Unsplash
*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Xem Phần 2 tại đây

Xem Phần 1 tại đây

One Reply to “Phần 3: Quyền nhân thân và kĩ thuật số”

Leave a Reply