Khoa học vs. đạo đức
Để một sáng chế (invention) được bảo hộ độc quyền (patent), ngoài việc đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp, nó còn phải không thuộc đối tượng loại trừ theo quy định tại Điều 27.2 và 27.3 của Hiệp định TRIPS. Một trong những quy định như vậy là sáng chế không được bảo hộ là khi việc khai thác thương mại (commercial exploitation) của sáng chế đó đi ngược lại trật tự công cộng (ordre public) hoặc đạo đức xã hội (morality). Quy định này gần như được các quốc gia thành viên của TRIPS giữ nguyên hoàn toàn trong pháp luật nội địa.
Có thể nói rằng, sử dụng luật pháp để điều chỉnh mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức luôn là một điều khó khăn và vô cùng nhạy cảm. Thêm vào đó, khái niệm trật tự công cộng hay đạo đức xã hội là những khái niệm bất biến và thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, thuốc tránh thai từng được xem là không xứng đáng để được cấp patent. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền bao gồm cơ quan cấp bằng sáng chế và các toà án ở châu Âu đã nhiều lần đứng trong tình thế khó khăn khi phải quyết định các câu hỏi đạo đức là gì, các tiêu chuẩn cần áp dụng để loại trừ (hoặc cấp bằng sáng chế) và ai là người đưa quyết định nói trên.
Brüstle v Greenpeace Case C-34/10 [2012] 1 CMLR 41
Brüstle là nhà khoa học tế bào gốc hàng đầu của Đức, người đã nắm giữ bằng sáng chế về tế bào thần kinh được sản xuất từ tế bào gốc phôi người (embryo). Bằng sáng chế của ông liên quan đến các phương pháp chuyển đổi tế bào gốc phôi người (hESC) thành tế bào tiền thân thần kinh có thể điều trị chấn thương và bệnh thần kinh (chẳng hạn như bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng). Để chữa trị các bệnh thần kinh đó, cần phải cấy ghép các tế bào tiền thân chưa trưởng thành, vẫn còn có khả năng phát triển. Về bản chất, loại tế bào đó chỉ tồn tại trong giai đoạn phát triển của não. Hay nói một cách khác, muốn thu hoạch được tế bào này, phôi cần phải bị khá huỷ.
Việc sử dụng mô não từ phôi thai người đặt ra những câu hỏi quan trọng về đạo đức và vì lý do đó, tổ chức dân sự Greenpace đệ đơn lên toà án Đức xin hủy bỏ bằng sáng chế cơ sở Điều 6 (2)(c) của Chỉ thị Công nghệ Sinh học của liên minh Châu Âu (Directive 98/44/EC on the legal protection of biotechnological inventions), rằng việc phá huỷ phôi người như trên là trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội.
1. Inventions shall be considered unpatentable where their commercial exploitation would be contrary to ordre public or morality; however, exploitation shall not be deemed to be so contrary merely because it is prohibited by law or regulation.
2. On the basis of paragraph 1, the following, in particular, shall be considered unpatentable: …
(c) uses of human embryos for industrial or commercial purposes;
Article 6, Directive 98/44/EC on the legal protection of biotechnological inventions
Brüstle lập luận rằng là chỉ thị (Directive) không định nghĩa như thế nào là một phôi thai (embryo). Theo ông, một “phôi” được hình thành sau 14 ngày kể từ khi thụ tinh. Vì tế bào gốc trong sáng chế của ông được lấy từ các phôi năm hoặc sáu ngày tuổi (phôi nang – blastocyst stage), nên quy định loại trừ của Directive không thể áp dụng với các phôi này.
Bundesgerichtshof (Tòa án Tối cao Liên bang Đức) đã quyết định tham vấn Toà án công lý châu Âu (CJEU) ba câu hỏi liên quan đến Điều 6 (2)(c) như sau:
1) khái niệm “phôi người” (human embryos);
2) liệu “việc sử dụng phôi người cho mục đích công nghiệp và thương mại” có bao gồm việc sử dụng phôi người cho mục đích nghiên cứu khoa học hay không; và
3) liệu một sáng chế có được cấp độc quyền hay không khi việc sử dụng phôi người không phải là một phần của hướng dẫn kỹ thuật của bằng sáng chế nhưng là điều kiện tiên quyết cần thiết để áp dụng kĩ thuật đó.
Dưới đây là ba câu trả lời của CJEU
(1) CJEU đã đưa ra một cách cắt nghĩa khái niệm “human embryo” như sau:
bất kỳ noãn nào của con người sau khi thụ tinh, hoặc không được thụ tinh mà nhân tế bào từ một tế bào trưởng thành của con người đã được cấy ghép, và bất kỳ noãn nào của người không được thụ tinh [mà] có sự phân chia và sự phát triển sau đó đã được kích thích bởi sự sinh sản vô tính (parthenogenesis), thì được xem là một “phôi thai người” theo nghĩa của Điều 6 (2)(c) của Chỉ thị;
– Đó là việc của toà án [quốc gia thành viên] có tính đến sự phát triển khoa học, liệu một tế bào gốc thu được từ phôi người ở giai đoạn phôi nang (blastocyst stage) có được xem là “human embryo” theo Điều 6 (2)(c) hay không.
Có hai điều thú vị rút ra được từ câu trả lời này của CJEU. Thứ nhất, CJEU đưa ra một cách cắt nghĩa khá rộng đối với việc “phôi thai” được hình thành khi nào. Có thể nói rằng đây là câu trả lời gây tranh cãi nhất, vì việc xác định thời điểm phôi được thành hình là một vấn đề không chỉ liên quan đến khoa học, tôn giáo mà còn liên quan đến các ngành luật khác, như luật về bỏ thai (abortion law). Thứ hai, CJEU đã rất khéo léo khi trao quyền “tự quyết” lại cho quốc gia thành viên (hay tránh né việc tự mình đưa ra một quyết định có khả năng gây tranh cãi?)để toà án địa phương tự quyết định liệu rằng một phôi ở giai đoạn 5, 6 ngày tuổi có được xem là một “embryo” hay không. Điều này vô cùng quan trọng vì ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ việc cấp bằng sáng chế cho nghiên cứu tế bào phôi gốc là điều khá phổ biến.
(2) CJEU cho rằng “mục đích công nghiệp và thương mại ”cũng bao gồm việc sử dụng phôi đối với nghiên cứu khoa học, vì về mặt nguyên tắc, khi một sáng chế được cấp patent đã ám chỉ rằng sáng chế đó có khả năng ứng dụng công nghiệp và thương mại. Do việc sử dụng phôi người cho mục đích nghiên cứu khoa học sẽ không thể phân biệt được với mục đích thương mại, một sáng chế cho mục đích như vậy sẽ không được cấp quyền. Tòa án đã lập luận rằng “chỉ khi phôi được sử dụng để điều trị hoặc chẩn đoán được áp dụng để chữa một căn bệnh di truyền hoặc để cải thiện cơ hội sống có thể được cấp bằng sáng chế ”(§46).
(3) CJEU đã phán quyết rằng “Điều 6 (2)(c) của Chỉ thị loại trừ khả năng cấp độc quyền cho sáng chế mà ở đó yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi việc phá hủy trước (prior destruction) phôi thai người hoặc việc sử dụng chúng làm vật liệu cơ bản, bất kể giai đoạn nào diễn ra và thậm chí nếu mô tả của kỹ thuật không đề cập đến việc sử dụng phôi người”(§52). Do đó, không thể tách biệt chủ thể của bằng sáng chế với việc phá hủy phôi trước đó, ngay cả khi mối liên hệ giữa cả hai là không trực tiếp (immediate).
Mặc dù phán quyết của CJEU gây lo lắng cho cộng đồng sinh học và dấy lên rất nhiều tranh cãi, tuy nhiên toà án Đức tuyên bố rằng bằng sáng chế cấp cho ông Brüstle giữ nguyên hiệu lực. Lý do mà toà Đức, tạm gọi là đi “ngược” lại với CJEU bởi vì “khoảng trống pháp lý” về việc một phôi ở giai đoạn blastocyst stage có được xem là embryo hay không đã được CJEU giữ lại cho toà án thành viên tự quyết định.
Image: National Cancer Institute on Unsplash
*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.