Độc quyền sáng chế trên động vật?

Hiện nay ngày càng nhiều các thí nghiệm liên quan đến động vật “chuyển gen” (transgenic animal) được nghiên cứu nhằm phục vụ cho mục đích y tế, sản xuất lương thực và protein hoặc các cơ quan nội tạng. Động vật được gọi là “chuyển gen” khi DNA từ các loài khác được đưa vào bộ gen của chúng. Chuyện gì sẽ xảy ra đối với các sáng chế công nghệ sinh học liên quan đến động vật? Liệu cách tiếp cận của cơ quan cấp bằng sáng chế có khác gì so với sáng chế liên quan đến con người? Một vụ việc tiêu biểu trong lĩnh vực này là OncoMouse sẽ giúp chúng ta có thêm một góc nhìn khác về vấn đề này.

Oncomouse là tên một chú chuột biến đổi gen do đại học Harvard tiến hành nghiên cứu vào đầu những năm 1980. Các nhà nghiên cứu đã đưa vào cơ thể chú chuột này một gen gây ung thư có thể kích hoạt sự phát triển của các khối u. OncoMouse (Onco tiếng Hy Lạp có nghĩa là khối u) được coi là một biện pháp tiềm năng để thúc đẩy quá trình nghiên cứu ung thư. Đại học Harvard đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ và một số nơi như Canada và cơ quan sáng chế châu Âu (EPO).

OncoMouse không phải là loài gặm nhấm chuyển gen đầu tiên được sử dụng trong nghiên cứu ung thư nhưng đây là động vật có vú đầu tiên được cấp bằng sáng chế. Việc cấp bằng sáng chế như vậy có ảnh hưởng đáng kể đến các nhà di truyền học vì trước vụ việc này, các nhà nghiên cứu thường chia sẻ thông tin di truyền học một cách công khai. Sáng chế cho OncoMouse là bước đầu tiên trong việc chuyển nghiên cứu học thuật ra khỏi văn hóa chia sẻ tài nguyên mở và miễn phí (hoặc với giá rất rẻ) sang văn hóa thương mại với các yêu cầu cấp phép và mua độc quyền.

Không có gì ngạc nhiên khi Hoa Kỳ với truyền thống “Anything under the sun that is made by man” is patentable” đã cấp bằng sáng chế số 4.736.866 cho Đại học Harvard vào năm 1988. (Đây là một câu trích dẫn nổi tiếng của Toà án tối cao Mỹ trong việc vụ việc năm 1980 cũng liên quan đến công nghệ sinh học mà chúng ta sẽ quay lại trong một post khác.) Mặc dù sáng chế cho OncoMouse đã hết hạn vào năm 2005 nhưng tên “OncoMouse” đã được đăng kí nhãn hiệu.

Là hàng xóm của Hoa Kì ở khu vực bắc Mỹ nhưng Canada có một cách tiếp cận trái ngược. Năm 2002, toà án Tối cao (với tỷ lệ ủng hộ 5-4) đã bác bỏ bằng sáng chế trong Harvard College v. Canada (Commissioner of Patents), lật lại phán quyết của Tòa phúc thẩm Liên bang ủng hộ bằng sáng chế. Một điều gây tranh cãi của phán quyết này là Toà án cho rằng các dạng sống cao hơn (higher life form) không phải là đối tượng có thể cấp bằng sáng chế ở Canada, nhưng các dạng sống thấp hơn (lower life form) như vi khuẩn, vi sinh vật có thể được bảo hộ.

Khu vực tài phán gây tranh cãi và kéo dài nhất xảy ra ở văn phòng sáng chế Châu Âu. Đơn xin sáng chế ban đầu bị từ chối vào năm 1989 với lý do Công ước Sáng chế Châu Âu (EPC) loại trừ khả năng cấp bằng sáng chế cho động vật. Quyết định này đã bị kháng cáo và Ban kháng nghị đồng ý cấp bằng sáng chế vào năm 1992 (EP 0169672).

Tuy nhiên, 17 đơn phản đối đã được đệ trình chống lại sáng chế nói trên trên cơ sở Điều 53 (a) và (b) của EPC. Điều 53 (a) loại trừ các bằng sáng chế cho các sáng chế “việc công bố hoặc khai thác sẽ trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức”. Và Điều 53 (b) loại trừ các bằng sáng chế về “các giống động vật hoặc về cơ bản các quy trình sinh học để sản xuất … động vật.”  

Đối với điều 53 (b), EPO quyết định rằng quy định loại trừ các giống động vật (animal varieties) được cấp bằng sáng chế không cấu thành lệnh cấm cấp bằng sáng chế cho một loại động vật như vậy (as such). EPO kết luận thêm rằng OncoMouse không phải là một loại động vật, và do đó không nằm trong danh sách các đối tượng bảo hộ bị loại trừ.

Đối với điều 53 (a), EPO đã đưa ra một bài kiểm tra cân bằng lợi ích (a utilitarian balancing test) nhằm mục đích đánh giá (1) lợi ích tiềm năng của một sáng chế và (2) các khía cạnh tiêu cực, trong trường hợp này là sự đau khổ của động vật bị thí nghiệm so với lợi ích y tế mang lại cho nhân loại. Các cân nhắc khác được tính đến trong bài kiểm tra này, như rủi ro về môi trường (OncoMouse có xâm nhập vào môi trường tự nhiên không, tuy nhiên yếu tố môi trường được xem trung tính trong trường hợp này), hoặc sự bất bình của công chúng (không có bằng chứng cho rằng văn hóa châu Âu không chấp thuận về mặt đạo đức đối với việc sử dụng chuột trong nghiên cứu ung thư). EPO kết luận rằng sự hữu ích mà Oncomouse mang lại trong nghiên cứu ung thư đáng kể và vượt trội hơn sự đau khổ gây ra cho động vật trong quá trình thí nghiệm. Trong đơn ban đầu, các tuyên bố đề cập đến động vật nói chung, nhưng trong quá trình tố tụng, bằng sáng chế đã được sửa đổi với các yêu cầu giới hạn đối với loài gặm nhấm.

Quyết định vẫn bị kháng cáo, tuy nhiên không thành công. Kháng nghị được EPO đưa ra vào ngày 6/7/2004, tuyên bố rằng sáng chế ở dạng sửa đổi có hiệu lực.

Vụ việc OncoMouse cho thấy việc tiếp cận khác nhau của nhiều khu vực tài phán đối với sáng chế sinh học liên quan đến động vật, chưa kể mỗi phán quyết đưa ra đều làm dấy lên những vấn đề tranh cãi đã cho thấy sự phức tạp của lĩnh vực này.

Image: Ricky Kharawala on Unsplash

*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Leave a Reply