Book review “Give Trade a Chance: Inside the Negotiation of the US – Vietnam Trade Agreement” – Joseph Damond

Trong khi làm nghiên cứu về đề tài sở hữu trí tuệ, mình vô tình biết đến một quyển sách mang tựa đề “Give Trade a Chance: The Negotiation of the U.S. Vietnam Trade Agreement” (link trên Amazon) của tác giả Joseph Damond, vốn là trưởng phái đoàn đàm phán của Hoa Kì trong hiệp định thương mại Hoa Kì – Việt Nam suốt từ năm 1995 đến năm 2001, khi hiệp định kết thúc. Cuốn sách là lời tự sự cá nhân của Damond về cả quá trình đàm phán BTA, những khó khăn, những nốt trầm và cả những sự ồ à của hai bên khi tìm hiểu về nền kinh tế của nhau.

Có thể nói việc kí kết thành công hiệp định thương mại Việt-Mỹ không chỉ là cột mốc đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ hai nước mà còn mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế cho Việt Nam. Chẳng phải thế mà bác Nguyễn Đình Lương – trưởng phái đoàn Việt Nam trong một bài phỏng vấn đã nói rằng, “Chết trên bàn đàm phán cũng phải ký xong”. Tất nhiên, bác Lương không chết và hiệp định cũng đã hoàn thành. Việt Nam tham gia WTO năm 2007 và nền kinh tế đã có những sự phát triển nhanh chóng. Hơn 20 năm đã đi qua, sự chú ý dành cho BTA ở những năm đầu thế kỉ 21 đã không còn nữa mà nhường lại cho những hiệp định lớn hơn, đa phương hơn và cũng phức tạp hơn. Nhưng càng làm nghiên cứu, càng đọc nhiều, mình càng nhận ra tầm quan trọng của BTA đối với Việt Nam. Và đó là cơ duyên dẫn mình đến với quyển sách Give trade a chance.

Ông Nguyễn Đình Lương

Những phần đầu của quyển sách đưa mình về nền kinh tế Việt Nam những năm cuối thế kỉ 20 mà ở đó GDP của chúng ta chỉ khoảng 33 tỉ USD, trong khi giá trị thương hiệu Coca Cola đã là 90 tỷ (năm 1995)! Những khái niệm kinh tế, pháp luật rất quen thuộc với chúng ta hôm nay như nguyên tắc đối xử quốc gia (National treatment – Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và ngoài nước, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước), đối xử công bằng là những khái niệm xa lạ đối với Việt Nam thời điểm đó.

Mặc dù là người Việt Nam, đã từng nghe – đọc – học về thời kinh tế bao cấp, nhưng đến khi nghe tác giả Damond kể lại trong sách thì mình mới hiểu hết sự thay đổi sâu sắc và toàn diện mà BTA mang lại và tại sao BTA lại mất nhiều thời gian đến vậy. Tác giả giải thích rằng, trước đó quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam không được cấp rộng rãi cho bất kì thành phần nào mà chỉ có một vài công ty quốc doanh, vậy nên việc Mỹ đòi hỏi nguyên tắc đối xử quốc gia (yêu cầu quyền kinh doanh cho công ty Mỹ) chính là đòi hỏi cái quyền mà ngay cả một người Việt Nam bình thường chưa chắc đã có được! Đọc tới đây, mình thẫn thờ một lúc vì tầm vóc và sự thay đổi (hay là một cú shock?) mà BTA mang đến cho Việt Nam vào cuối những năm 90 – đầu những năm 2000.

Mình tìm đến quyển sách này với mong muốn là xem thử nó có nhắc gì đến luật SHTT hay không, nhưng cuối cùng mình lại bị cuốn vào toàn bộ quá trình đàm phán và những sự kiện lịch sử kinh tế xảy ra ở Việt Nam và các nước láng giếng như Campuchia, Laos và Trung Quốc lúc đó. Cuốc sách đã cho mình thấy rằng tốc độ đàm phán nhanh hay chậm, nội dung đàm phán ra sao, không chỉ phụ thuộc vào thiện chí của đôi bên, mà còn vào tình hình thế giới khi đó. Việc Việt Nam và Trung Quốc giải quyết xong những lấn cấn ở biên giới và Trung Quốc trở thành thành viên của WTO năm 2001 có tác động không nhỏ đến việc kí kết.

Không phải tự nhiên mà hiệp định về luật bản quyền giữa Việt Nam và Hoa Kì đã được kí kết vào năm 1997, 4 năm trước khi BTA hoàn thành. Nhờ đọc sách mà mình hiểu ra rằng, các hiệp hội về luật bản quyền của Hoa Kì lúc đó rất sốt ruột với tiến triển của BTA trong khi Trung Quốc đang siết chặt việc bảo hộ SHTT, nên họ lo rằng, hàng giả/hàng nhái sẽ tràn xuống Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thiên đường của vi phạm sở hữu trí tuệ. Nên bằng mọi giá, USTR đã khiến cho hiệp định về bản quyền xong trước tiên.  Cũng nhờ đọc sách mà mình mới biết rằng, quy định rằng “tác phẩm trái với đạo đức xã hội chủ nghĩa không được bảo hộ” (hay một quy định tương tự) được xoá đi chính là dưới sức ép của đoàn đám phán Mỹ, hay cụ thể hơn là Damond.

Ông kể rằng, phía Việt Nam lúc đó một hai đòi giữ quy định này, nhưng đoàn Mỹ nhất quyết không đồng ý vì nó đi ngược lại với giá trị của họ. Damond lúc đó đã thuyết phục đoàn Việt Nam rằng nếu Việt Nam không muốn xuất bản một tác phẩm như vậy thì tuỳ, nhưng một quy định thành văn như vậy sẽ không được đưa vào hiệp định. Phía Việt Nam trả lời rằng, như vậy nếu đối với Mỹ, điều khoản này không quan trọng thì hãy để nó vào hiệp định. Damond quyết định rời khỏi phòng đàm phán, sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Khi ông bước lên xe chuẩn bị về khách sạn, thì phía Việt Nam chạy ra, gõ vào cửa xe để Damond hạ kiếng xuống. Câu trả lời từ phía Việt Nam đưa ra “chúng tôi đồng ý”! Vậy là một điều khoản mang đậm màu sắc xã hội chủ nghĩa đã được đưa khỏi luật Việt Nam sau đó.

Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc nhưng là một nguồn tham khảo có giá trị vì nó chia sẻ những điều “thâm cung bí sử”, những quanh co trong quá trình đàm phán và quan trọng hơn hết quyển sách giúp mình hiểu rằng BTA quan trọng không chỉ với Việt Nam mà ngay cả với nước Mỹ. Đối với nước bạn, đây là hiệp định toàn diện đầu tiên mà nước Mỹ kí kết với một nước đang phát triển. Đây cũng là hiệp định mà tốn nhiều thời gian nhất, không phải chỉ vì mối quan hệ nhạy cảm Việt Nam – Hoa Kì lúc đó mà còn vì phía Mỹ, lần đầu tiên, đưa vào hiệp định những điều khoản mà họ không làm với những nước trước đó, kể cả các nước thuộc Liên Xô cũ.

Trong khi ngồi viết bài này, mình mới biết được bác Nguyễn Đình Lương cho ra tuyển tập “Việt Nam, lối rẽ của một nền kinh tế” vào năm 2021. Có thể xem đây như là tiếng nói của phía Việt Nam, sau khi Damond đã cho bạn đọc hiểu về cái nhìn của người Mỹ. Quyển sách của tác giả Damond chỉ có giá £2 (60 ngàn đồng Việt Nam) cho phiên bản Kindle. Đây là một cái giá rất rẻ cho nguồn kiến thức và trải nghiệm quý báu về hành trình đàm phán hiệp định BTA.

Leave a Reply