Is it true that “Anything under the sun is patentable”?
“Anything under the sun that is made by man is patentable” là câu nói nổi tiếng trong vụ việc Diamond v. Chakrabarty, 447 U.S. 303, 309 (1980). Câu nói này liên quan đến đối tượng được cấp bằng sáng chế (patentable subject matters) bắt nguồn từ một lời khai (testimony) trong Đạo luật Sáng chế năm 1952 của Mỹ mà hiện nay vẫn đang có hiệu lực. Nhận định này được Tối cao pháp viện (Supreme Court) ủng hộ trong những năm 1980, và được sự hậu thuẫn của Quốc hội trong hầu hết nửa sau của thế kỷ XX. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Phán quyết Diamond v. Chakrabarty đã tạo ra một tiền lệ quan trọng, mở đường cho rất nhiều sáng chế được cấp về sau.
Yêu cầu đối tượng được cấp bằng sáng chế (patentable subject matters) là một yêu cầu bổ sung để loại trừ một số đối tượng khỏi khả năng được cấp bằng độc quyền, ngay cả khi chúng đáp ứng các yêu cầu khác như tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Các án lệ của Mỹ đặt ra ba ngoại lệ đối với các đối tượng bị loại trừ: luật tự nhiên (law of nature), các hiện tượng tự nhiên (hoặc sản phẩm của tự nhiên) (natural phenomena or products of nature) và các ý tưởng trừu tượng (abstract ideas).
Trong vụ việc Diamond v. Chakrabarty, kỹ sư di truyền Ananda Mohan Chakrabarty, làm việc cho General Electric (GE), đã phát triển một loại vi khuẩn có khả năng phân hủy dầu thô. Sáng chế này được sử dụng để xử lý dầu tràn. GE đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho loại vi khuẩn nêu trên, liệt kê Chakrabarty là nhà sáng chế. Tuy nhiên đơn bị từ chối vì giám định viên cho rằng, các sinh vật sống không phải đối tượng có thể được cấp bằng sáng chế theo quy định tại U.S.C. § 101 của đạo luật Sáng chế Hoa Kì.
Whoever invents or discovers any new and useful process, machine, manufacture, or composition of matter, or any new and useful improvement thereof, may obtain a patent therefor, subject to the conditions and requirements of this title.
U.S.C. § 101
Cả GE và Chakrabarty đã kháng cáo lên Ban kháng nghị nhưng không thành công. Không đồng ý với kết luận của Ban Kháng nghị, GE và Chakrabarty đã đưa vụ việc lên Tòa án Hải quan và Kháng nghị Bằng sáng chế (the Court of Customs and Patent Appeals). Lần này, phần thắng thuộc về cả hai khi toà lập luận “các vi sinh vật còn sống không có ý nghĩa pháp lý đối với các mục đích của luật sáng chế.” Lần này, tới phiên văn phòng Sáng chế Mỹ, với danh nghĩa là đại diện cho Ủy viên Sidney A. Diamond, đã kháng cáo lên Tối cao pháp viện.
Với kết quả 5-4 nghiêng về Chakrabarty, Tối cao pháp viện việc khẳng định lại phán quyết của toà cấp dưới. Tối cao pháp viện mô tả câu hỏi quyết định là “liệu vi sinh vật của bị đơn có cấu thành “sản xuất” hoặc “thành phần của vật chất” theo định nghĩa của đạo luật.” (“whether respondent’s micro-organism constitutes a ‘manufacture’ or ‘composition of matter’ within the meaning of the statute.”) Khi giải thích phạm vi dự kiến a “manufacture” và “composition of matter”, Tối cao pháp viện lập luận rằng việc sử dụng từ ngữ như vậy (any) chứng tỏ Quốc hội dự định ban hành luật sáng chế trên diện rộng. Toà án trích dẫn các Báo cáo của đi kèm Đạo luật 1952 để khẳng định rằng Quốc hội có ý định cấp bằng sáng chế cho “bất cứ thứ gì dưới ánh mặt trời do con người tạo ra.”
Chánh án Warren E. Burger, người viết phán quyết thay cho số đông, cho rằng mặc dù Quốc hội dự định ban hành luật sáng chế ở “phạm vi rộng”, phạm vi này không phải không có giới hạn. Theo tiền lệ của Tòa án, “quy luật tự nhiên, hiện tượng vật lý và ý tưởng trừu tượng” không được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, những tiền lệ này không áp dụng cho trường hợp của Chakrabarty vì ông không xin cấp bằng sáng chế cho một “hiện tượng tự nhiên” mà là cho một loại vi khuẩn do chính ông đã phát triển.
Có thể nói Diamond v. Chakrabarty là một quyết định pháp lý quan trọng đối với luật sáng chế và đặc biệt ngành công nghệ sinh học ở Mỹ. Theo sau Diamond v. Chakrabarty, USPTO đã cấp sáng chế cho hàng loạt đối tượng “made under the sun by man” như thực vật vĩ mô (J.E.M. Ag Supply, Inc. v. Pioneer Hi-Bred Int’l, Inc., 534 U.S. 124), động vật (Ex parte Allen, No. 86-1790, 1987 WL 123816), và động vật có vú (Vụ việc OncoMouse). Năm 2001, Tối cao pháp viện xác nhận khả năng cấp bằng sáng chế của toàn bộ sinh vật sống trong một trường hợp liên quan đến khả năng cấp bằng sáng chế của cây trồng sinh sản hữu tính (J.E.M. Ag Supply, Inc., 534 U.S). Ngoài ra USPTO đã cấp thêm bằng sáng chế về di truyền động vật chuyển gen (không phải của con người) đã thay đổi, chẳng hạn như chuột, bò, dê, cừu và thỏ, cho các mục đích khác nhau, từ sản xuất sữa lowlactose đến tạo ra các động vật bị giác mạc tổn thương biểu mô để kiểm tra các sản phẩm mắt (Transgenic Animals Producing Low-Lactose Milk and Newly Identified Human Small Intestinal Extracellular Lactase-Phlorizin Hydrolase (ecLPH) Gene, U.S. Patent No. 7,501,554 (filed May 15, 2006) (issued Mar. 10, 2009); Experimental Animals for Evaluation of Therapeutic Effects on Corneal Epithelial Damages, U.S. Patent No. 6,924,413 (filed Jan. 10, 2002) (issued Aug. 2, 2005))
Vào năm 2018, Time đã đánh giá Diamond v. Chakrabarty là một trong 25 thời điểm quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, với giáo sư Gerardo Con Diaz nhận xét rằng phán quyết này cho phép “các nhà sáng chế tại các cơ sở tư nhân và công cộng có được bằng sáng chế cho các sinh vật biến đổi gen – từ thực vật và động vật để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, đến nhiều loại thực phẩm có sẵn trong siêu thị ngày nay. Nó cũng khuyến khích các công ty công nghệ sinh học dựa luật sáng chế, đặc biệt là do chi phí nghiên cứu cao liên quan đến việc phát triển các sinh vật mới có thể tự sinh sản để mở đường cho thế giới biến đổi gen mà chúng ta đang sống ngày nay”. Viết cho IPwatchdog vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày phán quyết ra đời, Gene Quinn gọi quyết định này là một “bước ngoặt đối với ngành công nghệ sinh học” và ca ngợi phán quyết của Tòa án là “biểu tượng cho sự cần thiết phải có một cái nhìn rộng rãi về các đối tượng có thể được cấp bằng sáng chế.”
Tuy nhiên, phán quyết Diamond v. Chakrabarty cũng đã thu hút một số chỉ trích từ các học giả tin rằng Tòa án đã mở rộng luật bằng sáng chế theo cách mà Quốc hội không cho phép.
Tiền lệ mà vụ việc này tạo ra tồn tại cho đến tận năm 2013 khi Tối cao Pháp Viện tuyên bố rằng gene không được cấp bằng sáng chế (genes are not patented) trong một phán quyết mà dư chấn của nó ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến ngành công nghiệp sinh học Hoa Kì không kém gì phán quyết trước đó.
Đón xem kì sau: Can genes be patented?
*Nếu bạn yêu thích bài viết này, có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.