Sói rừng (Wolfoo) đấu với lợn nhà (Peppa): Phần thắng sẽ thuộc về ai?

Câu trả lời thông thường đương nhiên là chú chó sói rồi! Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.

Tháng 8 và 9 vừa qua, truyền thông Việt Nam và nước ngoài đưa tin công ty Sconnect (một công ty chuyên sản xuất nội dung sáng tạo và phát hành trên nền tảng trực tuyến) vừa nộp đơn khởi kiện hai doanh nghiệp có trụ sở tại London (Anh) là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi tắt chung là EO) ra tòa án nhân dân Hà Nội liên quan đến vụ tranh chấp quyền SHTT giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (chú sói do Sconnect sở hữu) và Peppa Pig (cô lợn do EO sở hữu).

Có thể nói đây là một vụ kiện hi hữu khi một công ty nội địa không những khởi kiện mà còn tích cực truyền thông vụ tranh chấp này. Vì vậy, đây là một case study thú vị và chứa đựng nhiều thách thức, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại EVFTA, UKFTA và RCEP – vốn theo chiều hướng tăng cường bảo hộ SHTT – bắt đầu có hiệu lực.

Fact:

Peppa Pig là series phim hoạt hình Anh dành cho lứa tuổi mẫu giáo, do Astley Baker Davies đạo diễn và hợp tác sản xuất cùng Entertainment One. Series về gia đình Peppa Pig chính thức lên sóng lần đầu tiên vào ngày 31/5/2004. Loạt phim kể về cô lợn Peppa, người sống trên một ngọn đồi với Mummy Pig, Daddy Pig và em trai George, qua hàng trăm tập phim trong suốt 17 năm. Cho đến nay Peppa Pig là một hiện tượng toàn cầu, được phát sóng ở 188 nước và thu về 1 tỉ đô la vào năm 2015. Kênh Youtube chính thức của Peppa Pig có 8 triệu lượt đăng kí và 3 tỉ lượt view.

Độ nổi tiếng của Peppa Pig thật là không thể đùa được khi người Mỹ lo ngại rằng trẻ em Mỹ đang học nói theo giọng Anh vì xem Peppa Pig quá nhiều. Ở Trung Quốc, Peppa Pig đã tạo nên một cú hít lớn khi một đoạn phim được trình chiếu nhân dịp tết Kỉ Hợi.

Tương tự Peppa Pig, Wolfoo là một web series hoạt hình dành cho trẻ em do SCONNECT sản xuất. Bộ phim kể về Wolfoo, một con sói đực sống trên một ngọn đồi ở một ngôi làng nhỏ ở Mỹ cùng với cha mẹ và chị gái của mình, Lucy và Jenny. Pando và Kat là bạn thân của Wolfoo. Wolfoo được xem là một kì lân của Việt Nam khi nhanh chóng dành được nút Kim Cương trong một thời gian ngắn và có hàng triệu lượt đăng kí ở ba kênh chính.

Các vấn đề pháp lý và bình luận

Dưới góc độ luật SHTT, Peppa Pig đã được cấp nhãn hiệu ở thị trường châu Âu và nước Anh. Tại Việt Nam, tra cứu của người viết cho thấy nhãn hiệu (sign) “Peppa Pig, hình” và “Wolfoo, hình” đã nộp hồ sơ lần lượt vào các ngày 25/6/2020 và 25/11/2021 nhưng hệ thống chưa ghi nhận bảo hộ đã được cấp cho bất kì loại nhãn hiệu nào.

Nói một cách chính xác, khi một nhãn hiệu (trademark) chưa được cấp bảo hộ thì đây vẫn chỉ xem là “dấu hiệu” (sign). Tuy nhiên, vì chúng ta đã quen miệng gọi là “nhãn hiệu” nên bài viết này sẽ sử dụng cách dùng từ này.

Trước khi chú sói Wolfoo khởi kiện cô lợn Peppa ở Việt Nam, lợn Peppa đã đi trước một bước, tiến hành hai vụ kiện với Wolfoo Nga (tháng 1/2022) vì vi phạm quyền tác giả và nước Anh (cùng thời gian) vì hành vi giả mạo (passing off: có thể đọc thêm tại đây) và vi phạm quyền tác giả. Nhìn chung, Peppa có kha khá kinh nghiệm trong việc khởi kiện các vụ việc xâm phạm quyền SHTT.

Tuy nhiên, theo Sconnect, phán quyết của tòa án Moscow vào tháng 7 đã đứng về phía doanh nghiệp này khi các thẩm phán và chuyên gia của Nga cho rằng sói Wolfoo không vi phạm quyền SHTT của cô lợn Peppa.

Đại diện Sconnect cho hay vào tháng 7-2022, các chuyên gia nghệ thuật, văn học của Nga đã nhận định: “bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”. Sau đó, vào ngày 7-7-2022 phía EO đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Cùng ngày, tòa án Moskva đã ra quyết định chấp nhận đơn rút yêu cầu khởi kiện của EO và quyết định chấm dứt vụ kiện. Tòa án Moskva cũng ra phán quyết: “buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”

Thừa thắng xông lên, vào tháng 8-2022, Sconnect đã khởi kiện ngược lại EO tại tòa án Moskva yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh mà EO gây ra, vụ kiện này đang trong tiến trình giải quyết.

Mặc dù phán quyết tháng 7 có lợi cho một công ty Việt Nam, tác giả bài viết cho rằng kết luận của tòa án Nga không phải là một tiền lệ đáng tin cậy về mặt pháp lý vì vụ việc này có xen lẫn yếu tố chính trị. Việc Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022 đã dẫn đến một loạt biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Để trả đũa, vào tháng 3/2022, Nga đã ban hành một đạo luật cho phép sử dụng sáng chế, bí mật thương mại và giải pháp hữu ích (patents, trade secrets và utility inventions) của các chủ sở hữu thuộc các nước không thân thiện với chính quyền Nga (bao gồm Mỹ, các nước EU, UK và một số các nước khác) mà không cần trả thù lao.

Mặc dù luật mới không đề cập đến nhãn hiệu (trademarks), nhưng phán quyết gần đây của tòa án thương mại Nga về việc Ivan Vladimirovich Kozhevnikov sử dụng hai nhãn hiệu thương mại Peppa Pig cho thấy thái độ của tòa án Nga đối với quyền nhãn hiệu do chủ sở hữu từ “các quốc gia không thân thiện” nắm giữ.

Kozhevnikov, một doanh nhân người Nga, đã sao chép từ “PEPPA PIG” và hình vẽ “Daddy Pig”, cả hai đều là nhãn hiệu thương mại hợp lệ ở Nga và thuộc sở hữu của công ty EO.

Tháng 9/2021, EO khởi kiện Kozhevnikov vì vi phạm nhãn hiệu thương mại và yêu cầu bồi thường khoảng £400. Tháng 3/2022, tòa án Kirov đã bác bỏ đơn kiện của EO trên cơ sở rằng một công ty của Vương quốc Anh đòi bồi thường cho hành vi vi phạm nhãn hiệu thương mại được coi là “lạm dụng quyền” theo Điều 10 của Bộ luật Dân sự Nga, chiếu theo các biện pháp trừng phạt của Vương quốc Anh đối với Nga. Quan điểm này đã được Thẩm phán Andrei Slavinsky tuyên bố rõ ràng rằng “các hành động không thân thiện của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và các nước liên kết” đã ảnh hưởng đến quyết định của ông. (Case No: 2.3.2022- A28-11930/2021).

Peppa Pig không phải là nạn nhân duy nhất. Một loạt các thương hiệu nổi tiếng của phương Tây như IKEA, McDonalds… cũng phải chấp nhận cảnh bị sao chép.

Dựa vào những sự kiện nói trên, người viết bài mạo muội cho rằng việc Sconnect thắng kiện EO ở nước Nga phần lớn vì thái độ thù địch đối với các nước phương Tây hơn là dựa trên các lập luận pháp lý.

Phán quyết của tòa án London nếu vụ án được thụ lý, sẽ mang lại nhiều giá trị hơn về mặt học thuật lẫn thực tế. Tuy nhiên, tới giờ phút này tòa London vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có thụ lý vụ án hay không, có lẽ vì quyền hạn của tòa London trong vụ việc này chưa rõ ràng.

Quay trở lại vụ việc Peppa Pig của doanh nhân Kozhevnikov nêu trên, EO quyết định kháng cáo và hành động này mang lại kết quả tích cực. Tháng 6/2022, Tòa phúc thẩm tuyên bố rằng theo Công ước Berne và Công ước Madrid, sự bảo hộ bình đẳng đối với tài sản trí tuệ của các tổ chức nước ngoài, bao gồm cả những tổ chức đã đăng ký tại Anh, phải được đảm bảo tại Liên bang Nga. Hơn nữa, Tòa phúc thẩm tuyên bố rằng bản thân việc nộp đơn kiện không thể được công nhận là hành vi lạm dụng quyền hoặc hành vi không trung thực theo Bộ luật Dân sự của Liên bang Nga. Phán quyết này có thể sẽ khiến các chủ quyền thở nhẹ một chút, mặc dù thẩm phán yêu cầu số tiền bồi thường thiệt hại thấp hơn (£200) so với yêu cầu ban đầu của nguyên đơn.

Tại Việt Nam, sau khi khởi kiện lên tòa án, Sconnect đã gởi đơn đến rất nhiều các bộ yêu cầu được giúp đỡ (?!), bao gồm “nhờ” Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tác động đến “Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đẩy mạnh các hoạt động giải quyết tranh chấp vi phạm nhãn hiệu theo đơn khởi kiện và đơn khiếu nại mà doanh nghiệp này đã gửi”. Sconnect cũng “có lời” với Bộ Thông tin và Truyền thông; và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu nền tảng internet như YouTube, Google, Facebook… không được gỡ bỏ hoặc xóa các nội dung phim hoạt hình Wolfoo trên các nền tảng kinh doanh trên Internet.

Thậm chí, Sconnect “thúc” Bộ Công Thương gửi văn bản yêu cầu phía EO chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật cạnh tranh. Để gia tăng áp lực, Sconnect “giục” Bộ Khoa học và Công nghệ gửi văn bản yêu cầu EO tôn trọng pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và quyền sở hữu trí tuệ của Sconnect đã được Việt Nam chứng nhận.

Có thể việc EO “gửi một loạt các thông báo đến các đối tác của Sconnect để khẳng định và kết luận rằng phim hoạt hình Wolfoo vi phạm bản quyền của phim hoạt hình Peppa Pig” và “yêu cầu các đối tác phải gỡ bỏ toàn bộ các nội dung Wolfoo trên các nền tảng kinh doanh” là một hành vi có phần “xa lạ” với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đây là một hoạt động khá là bình thường đối với các công ty nước ngoài. Chẳng hạn như trong vụ việc giấy phép bắt buộc (compulsory licensing) mà chính phủ Thái Lan sử dụng vào năm 2006-2008 để buộc các công ty dược chuyển giao bằng sáng chế đã dẫn đến một loạt các hành động trả đũa của các công ty này. Trong số đó, Sanofi-Aventis, chủ sở hữu của Plavix, đã đe dọa khởi kiện Cadila, một công ty Ấn Độ sắp cung cấp phiên bản generics cho Thái Lan. Lo sợ bị kiện, Cadila đã hoãn việc giao hàng cho chính phủ Thái đến tận tháng 6/2008, mặc dù giấy phép bắt buộc đã được cấp vào tháng 01/2007.

Nói một cách nghiêm túc, Sconnect đang có rất nhiều lợi thế trong vụ việc lần này: được “đá ở sân nhà” và cả hai nhãn hiệu chưa hề được đăng kí, thì không hiểu lý do tại sao doanh nghiệp này lại muốn sử dụng con đường “mệnh lệnh hành chính” yêu cầu sự can thiệp từ rất nhiều các tổ chức cơ quan nhà nước cho một mối quan hệ dân sự – thay vì chờ đợi kết quả từ tòa án. Xã hội Việt Nam đã trả một giá rất đắt cho lựa chọn “quan liêu bao cấp” để đi đến một “xã hội pháp quyền” mà ở đó người dân tự mình sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho bản thân. Chưa kể, Sconnect đã “chơi không đẹp” trong trận đấu này khi lợi dụng “lợi thế sân nhà” để tác động đến các cơ quan nhà nước yêu cầu sự giúp đỡ đặc biệt đối với mình, thay vì chơi một cách tay đôi với đối thủ. Các hiệp định thương mại Việt Nam vừa mới kí kết chưa kịp ráo mực và bộ luật SHTT vừa mới sửa đổi tháng 6/2022 đều theo hướng thượng tôn pháp luật và bảo hộ SHTT một cách bình đẳng. Đã ra sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải “lớn” đi thôi!

Image: Mateusz Wacławek on Unsplash

Leave a Reply