Không gian pháp lý miễn phí giữa vòng vây thách thức đương đại

Bài viết được đăng tải lần đầu trên Thời báo kinh tế Sài gòn số 37 ngày 15/9/2022.

Public domain – không gian pháp lý miễn phí – giàu có trong sở hữu trí tuệ (SHTT) rất quan trọng với trí thức nhân loại. Bài viết đề cập đến hiện trạng của miền không gian này qua các quy định pháp luật mà nó bị chi phối và tình trạng bị thu hẹp lại của nó trước những thách thức đương đại.

Chế định SHTT là một thỏa ước xã hội giữa người sáng tạo và nhà nước, mà ở đó người sáng tạo được cấp các độc quyền trong một thời gian để đổi lấy việc công chúng tự do sử dụng ý tưởng đó khi thời hạn bảo hộ chấm dứt. Các giới hạn của luật SHTT được thể hiện ở nhiều mặt.

3 giới hạn

Giới hạn phạm vi bảo hộ.

Trong lĩnh vực sáng chế, độc quyền (patent) ban đầu được thiết lập để bảo hộ những sáng chế trong lĩnh vực công nghiệp hay khoa học kỹ thuật. Thường trong một đơn sáng chế, phần được trao quyền bảo hộ hầu như chỉ nằm ở Claims (tuyên bố) được liệt kê trong đơn. Đồng thời, các đơn đăng ký sáng chế phải công bố thông tin đầy đủ để bảo đảm cho công chúng có thể khai thác sáng chế có hiệu quả khi thời hạn bảo hộ kết thúc.

Luật bản quyền bảo vệ các tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa và chỉ áp dụng đối với hình thức thể hiện của tác phẩm, chứ không phải là thông tin hoặc ý tưởng nằm trong tác phẩm. Còn nhãn hiệu nhìn chung chỉ bảo hộ với những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có sự phân biệt giữa nhà cung cấp dịch vụ – hàng hóa này với một nhà cung cấp dịch vụ – hàng hóa khác. Vì lý do đó, hai nhãn hiệu tương tự có thể cùng tồn tại nếu chúng không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ví dụ, Nhãn hiệu Polo được cả ba công ty cùng sử dụng, gồm áo quần Polo của hãng thời trang Ralph Lauren, xe hơi Polo của công ty Volkswagen và kẹo Polo của công ty Nestlé. Vì nhãn hiệu Polo đăng ký ở ba công ty này thuộc các nhóm khác nhau, (có 45 nhóm hàng hóa tổng thể được dùng trong đăng ký nhãn hiệu trên thế giới), nên chúng tồn tại song song mà không gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng.

Giới hạn thời hạn bảo hộ.

Quãng thời hạn hiện là 20 năm cho sáng chế, từ 50 đến 70 năm cho luật bản quyền (tùy quốc gia), nhãn hiệu có thời hạn bảo hộ là vô tận nhưng chủ sở hữu phải gia hạn mỗi lần 10 năm và nếu không sử dụng trong vòng 5 năm liên tiếp thì nhãn hiệu đó sẽ bị hủy bỏ.

Ngoại lệ trong bảo hộ SHTT

Giới hạn này cho phép bên thứ ba sử dụng đối tượng bảo hộ mà không vi phạm độc quyền. Đó có thể là quy định về bắt buộc chuyển giao sáng chế theo quy định của nhà nước (compulsory licensing); việc sử dụng hợp lý (fair use của Mỹ hay fair dealing của Anh) tác phẩm được bảo hộ trong lĩnh vực bản quyền. Đối với bí mật kinh doanh, việc phân tích ngược (reverse engineering) hay khám phá độc lập (independent discovery) một bí mật thương mại là hành vi hợp pháp.

Ngày càng bị thu hẹp

Tính hợp pháp của thỏa ước xã hội giữa nhà sáng tạo và nhà nước ngày càng bị thách thức khi sự chồng chéo giữa đối tượng bảo hộ ngày càng gia tăng. Phát biểu của Thẩm phán Kozinski trong vụ việc Vanna White gợi ý rằng phạm vi bảo vệ nên được hiểu theo nghĩa hẹp để bảo vệ càng nhiều quyền tự do cho công chúng càng tốt và luật chỉ nên cung cấp mức bảo vệ cần thiết cho chủ sở hữu để đủ khuyến khích sáng tạo.

Khi các hiệp định thế giới về SHTT được tạo ra trong nửa cuối thế kỉ 19, những nhà làm luật đã đưa ra nhiều quy định khác nhau cho từng loại hình SHTT dẫn đến sự khác biệt về đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ. Tất cả đều nhằm một mục đích để đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo được cân bằng với lợi ích của công chúng.

Tuy nhiên, các luật gia đã không tính đến sự chồng lấn và mở rộng độc quyền SHTT về sau. Theo thời gian, cùng một sự sáng tạo nhận được nhiều hình thức bảo hộ và do đó được hưởng lợi từ các khía cạnh mạnh nhất của mỗi cơ chế. Điều này được coi là sự chồng chéo không mong muốn. Chẳng hạn như âm thanh có thể bảo hộ dưới dạng luật bản quyền và đồng thời là nhãn hiệu (sound trademark). Hình dáng một vật vừa có thể được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp (industrial design), quyền tác giả và cả nhãn hiệu (shape trademark).

Các vụ việc ở toà án Liên Minh châu Âu như Cofemel v G-Star Raw (C-683/17) (liên quan đến việc kiểu dáng thiết kế của áo quần có được bảo hộ bởi luật bản quyền) hay SI and Brompton Bicycle Ltd v Chedech/Get2Get (Case C-833/18) (liên quan đến việc liệu một  chiếc xe đạp có thể được bảo hộ dưới luật bản quyền, đặc biệt là khi độc quyền sáng chế đã hết hạn) trong những năm gần đây là những minh chứng nổi bật cho sự chồng chéo nêu trên.

Hay sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học cũng làm mờ dần đi ranh giới giữa hai khái niệm sáng chế (invention) và phát minh (discovery). Liệu một đoạn gen của con người sau khi được tinh khiết và phân lập trong phòng thí nghiệm để nó chỉ mang những protein exon chứa thông tin mã hoá thì được xem là một sáng chế hay chỉ là một sự phát minh, một sự khám phá vật đã có sẵn trong tự nhiên? Vì nếu đây là cái đã có sẵn và con người chỉ mất công tìm ra thì nó không thuộc đối tượng bảo hộ.

Những chồng chéo nói trên đã xóa bỏ ranh giới giữa đối tượng bảo hộ và đối tượng không được bảo hộ, làm mờ đi phân định giữa luật sáng chế, bản quyền và nhãn hiệu, mà các nhà làm luật chủ ý tạo ra ban đầu. Kết quả là nó thu hẹp không gian pháp lý miễn phí ít ỏi còn lại cho công chúng. Một đối tượng sáng tạo có thể được bảo hộ đồng thời bởi các đối tượng khác nhau và nhà sáng tạo cần phải cẩn trọng hết sức trong mỗi “bước đi” để kiểm tra liệu đã có độc quyền SHTT nào tồn tại hay chưa.

Bảo vệ quá mức SHTT bỏ qua môt thực tế rằng bất kỳ thứ gì “mới” mà chúng ta tạo ra ngày nay đều được xây dựng dựa trên những gì đã tồn tại trong miền công cộng. Có một câu nói nổi tiếng trong giới luật sư sáng chế rằng “mọi thứ có thể được sáng chế đều đã được sáng chế” (everything that can be invented has been invented). Mặc dù nguồn gốc của câu nói này chưa được xác định, nó nêu lên một sự thật rằng, rất ít những gì được bảo hộ bởi luật SHTT là thực sự mới (“genuinely new”, như lời thẩm phán Kozinski). Nếu các ý tưởng và kiến ​​thức trong miền công cộng là nền tảng thiết yếu cho sự sáng tạo và đổi mới, việc tư nhân hóa khu vực này sẽ đặt ra những rào cản đối với những người mong muốn tạo ra các tác phẩm có lợi cho xã hội.

Trong lĩnh vực sáng chế, việc trao cho chủ hữu độc quyền có khả năng kìm hãm tiến bộ công nghệ theo nhiều cách. Nghiên cứu trong tương lai sẽ bị chặn nếu chủ sở hữu từ chối chuyển giao sáng chế (licensing). Nhưng ngay cả khi chủ sở hữu sẵn sàng tham gia vào việc thỏa thuận cấp phép, chi phí giao dịch liên quan đến đàm phán sẽ vẫn làm cho nghiên cứu nói trên trở nên đắt đỏ. Hậu quả của việc tư nhân hóa nhiều nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến việc hình thành các lớp sáng chế (patent troll/patent thicket), mà ở đó việc phát triển hoặc tiến tới một giải pháp hữu ích sẽ liên quan đến việc vi phạm nhiều bằng sáng chế do các bên khác nhau nắm giữ.

Nếu sáng chế vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực có chi phí sáng tạo cao như dược phẩm; hoặc nếu luật bản quyền đóng vai trò then chốt đối với ngành công nghiệp điện ảnh, thì lợi ích bảo hộ của hệ thống SHTT không nhất thiết đúng trong các lĩnh vực sáng tạo khác như hài kịch, ẩm thực, và thời trang, nơi việc sáng tạo mạnh mẽ diễn ra trong điều kiện gần như không có bất kì loại hình bảo hộ nào.

Chẳng hạn các đầu bếp Pháp dựa trên quy chuẩn riêng để bảo vệ công thức nấu ăn của họ, một thứ nằm ngoài phạm vi bảo hộ SHTT truyền thống. Vì giới ẩm thực cao cấp nhỏ và mọi người trong cộng đồng, bao gồm cả đầu bếp và người tiêu dùng, sẽ lên án những người sao chép công thức của người khác hoặc tiết lộ bí mật liên quan đến công thức, nên hầu hết các đầu bếp biết rằng họ không thể thành công mà không có sự tôn trọng và hỗ trợ của cộng đồng.[1]

Trong khi các đầu bếp vẫn sẽ có động lực để tạo ra nhiều công thức nấu ăn hơn bất chấp những sáng tạo đó có được bảo vệ bởi luật SHTT hay không, điều tương tự sẽ không áp dụng cho các lĩnh vực mà ở đó người sáng tạo ít hoặc không có nhu cầu cá nhân để tránh bị lên án vì “sao chép” hoặc “vi phạm bản quyền”. Hãy xem xét ngành công nghiệp dược phẩm – nếu thuốc được bảo vệ bởi sáng chế quá đắt so với khả năng chi trả của khách hàng, họ sẽ chỉ mua phiên bản rẻ hơn từ các nhà sản xuất thuốc sao chép (generic) thay vì lên án các công ty nắm giữ bằng sáng chế. Do đó, dược phẩm sẽ được sản xuất kém nếu không được bảo hộ quyền SHTT đầy đủ vì đơn giản là không có động cơ để đổi mới trong những trường hợp này.

Trong nhiều trường hợp, việc toà án công nhận bảo hộ SHTT còn vì nhiều lý do văn hoá xã hội khác. Chẳng hạn trong vụ việc Hyperion Records Ltd v Sawkins ở Anh, bản quyền của Tiến sĩ Sawkins đối với các bản nhạc cổ gần ba thế kỷ được ông tái tạo đã được công nhận vì đây là loại công việc bảo tồn lịch sử cần được khuyến khích.

Lời kết

Có thể nói mục tiêu cuối cùng của SHTT là cung cấp đầy đủ hành lang pháp lý để khuyến khích cá nhân tham gia vào các hoạt động sáng tạo; và đồng thời cho phép sự lưu thông của dòng chảy ý tưởng và thông tin vì lợi ích của xã hội. Tỷ lệ vàng giữa hai lợi ích đối lập này thường bị cản trở bởi sự bảo vệ quá mức của SHTT nằm ở sự chồng chéo trong các chế định về SHTT cũng như việc mở rộng đối tượng của chúng.

Bài toán về giới hạn quyền không phải là một đề bài dễ dàng một khi mà xu hướng bảo hộ tài sản trí tuệ, kể từ hiệp định TRIPS, chỉ ngày càng gia tăng, chứ không hề giảm đi. Ngày nay gần như mọi ngóc ngách trên thế giới đều có mặt của tài sản trí tuệ. Thật khó để tìm ra một thứ không được bảo hộ. Môt public domain cho công chúng sẽ còn lại được bao nhiêu? Người viết bài cho rằng các nhà làm luật mở rộng các quy định về sử dụng hợp lý (fair use/fair dealing) trong lĩnh vực bản quyền sang các lĩnh vực khác hoặc áp dụng nó một cách linh hoạt và nhanh chóng để chống lại việc bảo vệ quá mức. Để từ đó, công chúng có thể thoải mái bước đi trên con đường sáng tạo mà không sợ giẫm phải chiếc gai nhọn mang tên “độc quyền SHTT”.

Image: Hunter Harmon on Pexels


[1] Emmanuelle Fauchart, Eric von Hippel, (2008) Norms-Based Intellectual Property Systems: The Case of French Chefs. Organization Science 19(2):187-201

Leave a Reply