Book review: “The Things You Can See Only When You Slow Down: How to Be Calm and Mindful in a Fast-Paced World” by Haemin Sunim
Bằng một cách tình cờ, mình đọc được quyển sách “The Things You Can See Only When You Slow Down: How to Be Calm and Mindful in a Fast-Paced World” (Những điều bạn chỉ có thể thấy khi sống chậm lại: Cách bình tĩnh và thực hành chánh niệm trong một thế giới chuyển động nhanh) và mình cảm thấy vô cùng biết ơn khi đọc được quyển sách này. Nó đã chạm vào trái tim của mình một cách kì lạ.
Đây là quyển sách đầu tay của thiền sư Haemin Sunim, một người Hàn Quốc nhưng có thời gian học tập ở Mỹ và sau đó giảng dạy về đạo Phật ở một trường đại học tại bang Massachusetts. Có thể nói, trong những quyển sách do các thiền sư chắp bút mà mình đã được đọc, đây là quyển yêu thích nhất vì ngôn từ đẹp đẽ như dòng suối trong rừng sâu và những cảm tình tinh khiết như sương mai được ông gửi gắm qua những câu văn súc tích.
Mình thường rất khó tập trung suy nghĩ khi ngồi thiền và hầu hết các quyển sách mình từng đọc đều bảo hãy cố gắng. Nhưng thật sự là mình không thể “dập” được những suy nghĩ cứ thi nhau trồi lên trong đầu như những con vật trong trò chơi Whack-a-mole (Giết con chuột chũi). Sunim thì ngược lại, ông không khuyên mọi người cố sức gạt bỏ ý nghĩ vì điều này không có tác dụng, mà hãy chứng kiến lúc nó xuất hiện và rời đi. “Khoảnh khắc chúng ta nhận thức được điều này, tâm trí tĩnh lặng và trở nên rõ ràng.” Mình gật gù, à điều này có vẻ khả thi hơn đây.
Ông đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới với cảm xúc tiêu cực. Thay vì quản lý sự tức giận (managing anger) hay vượt qua hận thù (overcoming hatred), chúng ta hãy làm bạn với chúng (befriend your emotion). Ông khuyên mọi người hãy tách biệt năng lượng thô của cảm xúc tiêu cực ra khỏi các nhãn ngôn ngữ như “tức giận” hoặc “hận thù” vì cảm giác chỉ là tạm thời, chúng sẽ thay đổi dù cho chúng ta không làm gì, trong khi nhãn ngôn ngữ vẫn ở trạng thái tĩnh.
Bàn về khái niệm “không có người hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu”, Sunim đưa ra một ví dụ khá buồn cười nhưng vô cùng hợp lý, đó là chúng ta sẽ dễ mất hứng thú với những bộ phim mà nhân vật tốt luôn luôn tốt và những nhân vật xấu luôn luôn xấu. Vì điều này không phù hợp với thực tế. Vốn dĩ không có ai tốt hay xấu hoàn toàn. Chỉ có hoàn cảnh biến một người thành người tốt hay kẻ xấu. Ông ví von, một tên tội phạm tình cờ dừng một chiếc hơi xém chạy tông ta thì người này là một thiên thần do Chúa gửi đến. Còn cho dù một người đoạt giải Nobel Hòa Bình tình cờ va vào chúng ta thì đó là một kẻ ngu ngốc.
Rất thú vị và “trần tục” khi ông kể về mối tình đầu của mình với một cô người Mỹ (ông thú nhận, thật là xấu hổ khi một vị sư kể về tình yêu) bằng một giọng văn êm ả, triết lý và đầy tính điện ảnh. Mình có cảm giác mình là một nhân vật trong câu chuyện của ông, đứng im lặng nhìn chàng trai trẻ ôm mối tình đơn phương.
“Nàng dạy tiếng Anh cho tôi và bạn bè, và chúng tôi đã giúp nàng học tiếng Hàn. Mặc dù nàng lớn hơn tôi vài tuổi, chúng tôi có nhiều sở thích chung ngoài tôn giáo và ngôn ngữ. Cả hai đều yêu thích nhạc của George Winston, phim của Luc Besson và các vở nhạc kịch như Những người khốn khổ. Tôi tặng nàng đĩa nhạc, và nàng mang cho tôi bánh quy và bánh nướng. Mặc dù tôi hiếm khi có cơ hội được ở một mình với nàng, nhưng tôi đã mong mỏi được gặp nàng, ngay cả khi đó chỉ là trong lớp học. Rất sớm thôi, tôi nhận ra đây không đơn thuần là sự phải lòng của tuổi trẻ; mà đó là tình yêu.”
“Ba năm sau khi rời Hàn Quốc, nàng đã viết thư cho tôi để thông báo về đám cưới của mình: Cuối cùng nàng sẽ kết hôn. Vào thời điểm đó tôi đang học đại học, ở California; Tôi muốn bay xuống phía Nam để chúc mừng nàng. Nhưng tôi không có tiền bạc lẫn thời gian. Nhưng điều đã thực sự ngăn cản tôi đến dự đám cưới, đó là nỗi sợ hãi rằng tôi sẽ quá đau đớn nhìn thấy nàng kết hôn.”
“Hôm nay, khi nghĩ về mối tình đầu, tôi đã không còn cảm thấy buồn. Tuy nhiên, vào lúc đó, trái tim tôi đau nhói. Những cảm giác đó đã qua lâu rồi, thay vào đó là một lời tri ân sâu sắc. Tôi rất biết ơn mối tình đầu của mình, Gibran, và vũ trụ vì đã giới thiệu cho tôi điều kỳ diệu của tình yêu và sự tận tâm và cảm giác được sống thực sự ,và cho tôi trải nghiệm về một bản ngã biến mất, một vũ trụ của các ý nghĩa vô tận, và một cái nhìn thoáng qua về Chúa.”
Mình đã bật cười khi đọc những chia sẻ của Sunim về những ngày đầu đi dạy khi tìm thấy bản thân trong chính câu chuyện của ông, rằng ông đã háo hức đến mức cho sinh viên quá nhiều bài tập về nhà, nhiều hoạt động mà quên mất rằng đây chỉ là một trong số các môn tự chọn của các bạn. Và lần lượt, niềm hứng thú của các bạn biến mất, các bạn không còn làm bài tập về nhà và cũng không đến lớp thường xuyên. Ông thốt lên đầy cảm thán: “Tôi đã làm tất cả những gì có thể cho các em ấy, vậy mà các em từ chối những gì tôi đề nghị.” Mình cũng đã từng hừng hực khí thế như vậy, và rất nhanh chóng nhận ra rằng kỳ vọng của mình không thực tế khi yêu các em sinh viên đọc quá nhiều và hiểu tất cả mọi thứ trong vòng một vài buổi ngắn ngủi.
Những chia sẻ của Sunim khiến mình phải dừng lại rất nhiều lần để ngẫm nghĩ vì ngôn từ đẹp như thơ nhưng không hề sáo rỗng, giàu hình tượng nhưng lại vô cùng giản đơn.
“What makes music beautiful is the distance between one note and another. What makes speech eloquent is the appropriate pause between words. From time to time we should take a breath and notice the silence between sounds.” (Điều làm nên vẻ đẹp của âm nhạc là khoảng cách giữa các nốt nhạc. Điều làm nên một bài hùng biện là khoảng lặng đúng lúc giữa ngôn từ. Thỉnh thoảng chúng ta nên hít thở và để tâm đến sự im lặng giữa các âm thanh)
“…the art of maintaining a good relationship can be compared to sitting by a fireplace. If we sit too close for too long, we become hot and possibly burned. If we sit too far away, we cannot feel the warmth.” (Nghệ thuật để duy trì một mối quan hệ tốt giống như với việc ngồi bên lò sưởi. Nếu ngồi quá gần, chúng ta sẽ bị nóng và có thể bị bỏng. Nếu ngồi quá xa, chúng ta lại không thể cảm nhận được hơi ấm.)
“Relationships often begin accidentally, but when it comes to ending them, we usually have choices. Choose the ending wisely.” (Các mối quan hệ thường bắt đầu tình cờ nhưng kết thúc có chủ đích. Hãy chọn một cái kết khôn ngoan.”
“Be as gentle in ending a relationship as you were in starting it”. (Hãy nhẹ nhàng khi kết thúc một mối quan hệ giống như khi bạn đã bắt đầu nó)
“Everyone is kind to someone they meet for the first time. The question is how long their kindness lasts. Don’t be fooled just because someone is nice to you at first.” (Mọi người đều tử tế với người mà họ gặp lần đầu tiên. Câu hỏi đặt ra là lòng tốt của họ tồn tại trong bao lâu. Đừng để bị lừa chỉ vì ai đó tốt với bạn lúc đầu.”)
Cám ơn phần review và trích dẫn của bạn. Bạn đọc sách xong cho mình mượn đọc nhé. Cám ơn bạn