Chỉ dẫn địa lý (GI) có phải là một tài sản trí tuệ?

Theo WIPO, “chỉ dẫn xuất xứ địa lý (Geographical indication-GI) là một dấu hiệu được sử dụng trên các sản phẩm có nguồn gốc địa lý cụ thể và sở hữu phẩm chất hoặc danh tiếng do nguồn gốc đó.” Nói một cách đơn giản, GI là một nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một nhãn thương mại thông thường vốn chỉ hiển thị thông tin cơ bản của sản phẩm. GI tiết lộ nguồn gốc địa lý của sản phẩm cũng như chất lượng hoặc danh tiếng của sản phẩm do điều kiện địa lí của khu vực đó.

delicious fried fish and potato chips with salsas
Photo by Pegah Sharifi on Pexels.com

Các nhãn GI như nước mắm Phú Quốc, bưởi Năm Roi hay xì gà Cuba, cà phê Colombia, tương đương với một chứng chỉ đảm bảo tính xác thực và độc đáo của sản phẩm. Chẳng hạn, GI rượu vang Vinho Verde của Bồ Đào Nha được biết đến với hàm lượng khoáng chất và độ chua cao, góp phần tạo nên hương vị tươi ngon. Phô mai Parmigiano-Reggiano nổi tiếng với hương vị béo ngậy, mùi đất và kết cấu vụn, trong khi giấm balsamic Modena được đánh giá cao nhờ vị ngọt đậm và độ sệt của xi-rô. Trong khi đó, các quy định xung quanh việc sản xuất Champagne bao gồm tất cả mọi thứ từ quy trình già hóa nho và sản lượng ép nho đến nồng độ cồn tối thiểu.

Vì vậy, một sản phẩm có nhãn GI có thể thuyết phục người tiêu dùng móc hầu bao nhiều hơn so với sản phẩm tương đương mà không có GI. Không chỉ vậy, GI còn trao quyền cho chủ sở hữu để cấm bên thứ ba lạm dụng hoặc bắt chước sản phẩm, từ đó giảm chi phí tìm kiếm của người tiêu dùng khi hình ảnh sản phẩm có thể không khác biệt rõ ràng. Chẳng hạn như các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc có thể loại trừ việc sử dụng thuật ngữ “Phú Quốc” cho loại nước mắm không được làm ở Phú Quốc hoặc không sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định trong quy tắc thực hành cho chỉ dẫn địa lý.

Tuy GI được xem là một loại tài sản trí tuệ đến từ sáng tạo trí óc nhưng nó lại mang trong mình những đặc điểm khiến chúng ta hoài nghi về điều này.

Có hay không sự sáng tạo của trí óc?

Mặc dù GI được bảo vệ bởi một số chế định pháp luật khác nhau và các yêu cầu bảo vệ cũng khác nhau, nhìn chung một GI phải thỏa mãn các yêu cầu sau: (1) dấu hiệu phải xác định sản phẩm là độc đáo trong một khu vực, (2) chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính khác của sản phẩm phải được quy cho khu vực này, và (3) ít nhất một trong các bước sản xuất phải diễn ra trong khu vực đã xác định.

Tuy nhiên, không có yêu cầu nào trong số này tương đương với “tính nguyên bản” (originality) như trong quyền tác giả hoặc “tính sáng tạo” như luật sáng chế. Chúng ta có thể lập luận rằng “chất lượng, danh tiếng hoặc khía cạnh đặc trưng khác”, có thể xem là “tính nguyên bản” theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên, tính chất này liên quan đến sản phẩm, chứ không phải nhãn hiệu GI chỉ ra.

Tính tài sản

Đa phần các học giả đều đồng ý rằng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) không phải là tài sản, nhưng có thể được coi như vậy. Vậy thì quyền tài sản là gì? Mặc dù không có định nghĩa rõ ràng, chúng ta có thể xác định một số đặc điểm chung của quyền tài sản như sau: (1) có ranh giới rõ ràng và có thể xác định được, (2) có tính cạnh tranh và (3) được sở hữu.

Trong khi đó, GI lại được bảo hộ bởi rất nhiều cách thức khác nhau. WIPO xác định bốn cách chính để bảo hộ chỉ dẫn địa lý: (1) hệ thống sui generis (tức là các chế độ bảo vệ đặc biệt như ở EU); (2) sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận; (3) phương pháp tập trung vào các phương thức kinh doanh, bao gồm các biện pháp hành chính phê duyệt sản phẩm; và (4) thông qua luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Vì lý do này, rất khó để xác định được đâu là ranh giới rõ ràng của luật GI.

Ngoài ra, tài sản vô hình, khác với tài sản hữu hình, không có tính cạnh tranh. Chỉ một người có thể sử dụng một mảnh đất tại một thời điểm trong khi đó GI và nhiều loại tài sản trí tuệ khác không có đặc tính này. Nhiều người có thể sử dụng nhãn GI miễn sao họ tuân thủ theo đúng các quy tắc thực hành. Trên thực tế, để có được GI cho một sản phẩm cụ thể, bạn phải làm việc với các tổ chức thương mại và cơ quan chính phủ.

Không giống như hầu hết các quyền SHTT khác, GI là quyền tập thể – tức là không có “chủ sở hữu” như trong trường hợp đối với nhãn hiệu (trademark). Bất kỳ thương nhân nào tuân thủ các quy định quản lý việc sử dụng GI (bao gồm điều kiện đăng ký) đều có quyền sử dụng nó. Số lượng những người sở hữu GI có thể dao động và vì vậy tính ổn định không đủ để mô tả quyền này như một quyền sở hữu. Chưa kể, ở nhiều nước chẳng hạn như Việt Nam, GI không thể chuyển giao. Quyền sở hữu của GI, trở nên xa rời định nghĩa thông thường.

Bất chấp những phân tích nêu trên, GI vẫn được chấp nhận là một phần của tài sản trí tuệ trong sách giáo khoa, trong các công ty luật, theo WIPO và rất nhiều tổ chức khác.

Theo bạn, tính trí tuệ và tài sản của GI nằm ở đâu?

Leave a Reply