AIA: Đề xuất Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của EU

Lý do ra đời của AIA

Vào ngày 21/4/2021, Ủy ban Liên minh châu Âu đã công bố đề xuất Đạo luật trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Act – AIA). Lý do đằng sau đề xuất này là vì AI ngày càng được sử dụng trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như các thuật toán trên nền tảng trực tuyến phân cực các cuộc thảo luận, sử dụng các chatbot, và cả việc tranh luận về tư cách sáng chếtác giả của AI. Nhiều tổ chức trong lĩnh vực tư lẫn công sử dụng AI để ghi điểm, xếp hạng và dự đoán hành vi của mọi người. AIA ra đời nhằm mục đích thiết lập một cách tiếp cận chung đối với các hoạt động này.

Một cách tổng quát, AIA tập trung vào 3 lĩnh vực chính

  • Bảo vệ sức khỏe và an toàn
  • Bảo vệ các quyền cơ bản
  • Yêu cầu bắt buộc đối với AI rủi ro cao (high-risk AI)

Đây là một đề xuất độc nhất vô nhị ở cấp độ quốc tế, chứng tỏ sự tham vọng của EU trở thành một nhà lập pháp AI. Tác động của AIA sẽ không dừng lại ở biên giới của EU mà sẽ là nguồn cảm hứng cho các nỗ lực lập pháp tương tự. Trên thực tế, rất nhiều chính sách của khu vực này, đơn cử như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation – GDPR) và hệ thống Chỉ dẫn địa lí (GI) đã lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới. Điều này thường được gọi là “Hiệu ứng Brussels” (Brussels effect). Hiệu ứng Brussels có ý nghĩa quan trọng rằng EU có thể đơn phương thiết lập các quy tắc trở thành tiêu chuẩn trên toàn thế giới, không phải thông qua ép buộc, mà thông qua sự hấp dẫn của thị trường tiêu dùng 450 triệu dân.

white and blue robot figure
Photo by Kindel Media on Pexels.com

Các điểm chính của AIA

AIA định nghĩa hệ thống AI là phần mềm được phát triển bằng các kỹ thuật khác nhau và có thể, cho một tập hợp các mục tiêu do con người xác định, tạo ra các kết quả đầu ra như nội dung, dự đoán hoặc quyết định ảnh hưởng đến môi trường mà chúng tương tác (Điều 3). Tuy nhiên quy định này được cho là quá rộng và EU đang tranh luận để thu hẹp lại.

Điều 5 nghiêm cấm các hoạt động trí tuệ nhân tạo sau đây:

  • AI triển khai các kỹ thuật cao siêu ngoài ý thức của con người nhằm bóp méo hành vi của một người, gây ra hoặc có khả năng gây ra tổn hại về thể chất hoặc tâm lý cho người đó hoặc người khác.
  • Chấm điểm xã hội của cơ quan công quyền
  • Nhận dạng sinh trắc học cho các mục đích thực thi pháp luật.

AIA sẽ sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro “tương xứng”, rằng

“Đề xuất […] chỉ đặt ra gánh nặng pháp lý khi hệ thống AI có khả năng gây ra rủi ro cao đối với các quyền cơ bản và sự an toàn. Đối với các hệ thống AI không có rủi ro cao khác, chỉ áp đặt các nghĩa vụ minh bạch rất hạn chế, chẳng hạn như việc cung cấp thông tin để thông báo (flag) việc sử dụng hệ thống AI khi tương tác với con người. Đối với các hệ thống AI có rủi ro cao (high-risk AI), các yêu cầu về dữ liệu chất lượng cao, tài liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc, tính minh bạch, sự giám sát của con người, độ chính xác và tính mạnh mẽ, là cần thiết để giảm thiểu rủi ro đối với các quyền cơ bản và sự an toàn do AI gây ra và không được đề cập trong các khuôn khổ pháp lý hiện hành”.

(Phần 2.3)

Hệ thống AI “rủi ro cao” chỉ có thể được sử dụng nếu chúng tuân thủ hệ thống quản lý rủi ro dành riêng cho AI loại này, đảm bảo tính minh bạch, có sự giám sát của con người, chất lượng dữ liệu phù hợp và các yêu cầu về an ninh mạng hiệu quả (xem Chương 2).

Tính mới chính của AIA là yêu cầu tuân theo các quy trình đánh giá sự phù hợp (conformity assessment procedures) trước khi đưa hệ thống AI rủi ro cao vào thị trường của EU. Theo Điều 71 của AIA, các thành viên EU có thể thiết lập các quy tắc phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, các cơ quan chức năng quốc gia được khuyến khích giúp đỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với các quy định mới và thiết lập các “hộp cát quy định“ (regulatory sandboxes) để giảm gánh nặng quy định.

Tương lai của AIA

Mục đích tối thượng của AIA chính là tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng cho các nhà cung cấp và người dùng AI và bảo vệ người dùng AI khỏi những tác hại của AI. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu được thông qua AIA sẽ dẫn đến rất nhiều thay đổi, thậm chí đối với những tổ chức cơ quan nằm ngoài EU. Với tốc độ đàm phán hiện tại cộng thêm tính phức tạp về mặt kĩ thuật của để xuất, thời hạn AIA có hiệu lực được dự đoán sớm nhất là vào năm 2025-2026.

Leave a Reply