Nước Anh có quyền tài phán trong vụ việc Peppa Pig vs Wolfoo
Bài viết được đăng tải trên tờ Thời báo kinh tế Sài gòn tại đây.
Khi không khí giáng sinh đang tràn ngập trên khắp nẻo đường, ngày 23/12 thẩm phán người Anh Briggs đã phán quyết rõ ràng rằng, tòa án nước này có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ (SHTT) giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig (thuộc EOne của Anh) và Wolfoo (thuộc Sconnect của Việt Nam).[1]
Peppa Pig vs Wolfoo là một tranh chấp liên lục địa, khi mà các bên lần lượt kiện đối phương ra các tòa án khác nhau tại Nga, Việt Nam và Anh.[2] Khi Sconnect tuyên bố chiến thắng tại Nga nơi tòa án kết luận rằng Wolfoo không phải tác phẩm phái sinh của Peppa Pig, EOne đáp trả thông qua một lá thư gởi đến các cơ quan Việt Nam rằng, EOne đơn phương từ bỏ vụ kiện và không có phán quyết nào như phía Sconnect đã tuyên bố. Thư của EOne được trích dẫn thông qua một bài viết của kí giả Max Walters trên tờ báo trực tuyến Managing IP.[3] Người viết bài này đã liên lạc Max để có thêm thông tin nhưng vì lí do bảo mật, Max không thể cung cấp nhiều hơn những gì đã có trong bài viết đã nêu. Max cũng chia sẻ thêm rằng, vì vụ việc đã bị đình chỉ nên có khả năng cao thông tin không còn tồn tại trong hệ thống của tòa án nước Nga.
Tại Việt Nam, khi tòa án Hà Nội – nơi tiếp nhận đơn kiện của Sonnect chưa có thêm cập nhật gì, tòa án London trong bản án dài 33 trang (mà gần 2/3 tập trung vào thủ tục tố tụng) đã lần lượt bác bỏ hai lí do phía Sconnect đưa ra. Đó là (1) Sconnect không “nhắm mục tiêu” (target) đến thị trường Anh mà chỉ tập trung vào Việt Nam và Mỹ; và (2) tòa án Việt Nam, chứ không phải Anh, là nơi thích hợp để giải quyết tranh chấp.
1. Mục tiêu
Luật SHTT mang tính lãnh thổ, có nghĩa rằng quyền SHTT được giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia nơi chúng được cấp. Nói một cách đơn giản, một sáng chế, một nhãn hiệu, một tác phẩm hay bất kì một tài sản trí tuệ nào được bảo hộ ở quốc gia A (ví dụ Anh) không có nghĩa là chúng sẽ được bảo hộ tại quốc gia B (ví dụ Việt Nam). Tương tự như vậy, một sản phẩm SHTT bị tuyên bố không được bảo hộ, vô hiệu hay vi phạm SHTT tại một nước (ví dụ Nga) sẽ không ảnh hưởng đến chính sản phẩm này tại một nước khác (ví dụ Anh).
Vì đây là nguyên tắc rường cột của luật SHTT, những ai đang kinh doanh hoàn toàn bên ngoài Vương quốc Anh sẽ không chịu sự chi phối của luật pháp nước này. Tuy nhiên, thẩm phán Briggs thừa nhận rằng internet đã khiến cho nguyên tắc lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy tòa án cần phải xác định một cách kĩ lưỡng rằng, liệu một thương nhân (trong trường hợp này là Sconnect) có thực hiện bất kỳ hành vi thương mại liên quan nào ở Anh hay không.
Đầu tiên, thẩm phán nhận thấy đối tượng khán giả của hai bên có sự chồng lấn (2-5 tuổi trong trường hợp của Peppa và 3-8 tuổi của Wolfoo).[4] Về mặt thị trường, Bị đơn Sconnect lập luận rằng họ chỉ tập trung vào Mỹ và Việt. Bằng chứng là nội dung video chỉ được tải lên máy chủ ở Mỹ và tất cả những kênh liên quan đều có địa chỉ ở Mỹ, Sconnect hoàn toàn không có kênh nào ở nước Anh.
Nguyên đơn EOne đáp trả bằng cách chứng minh rằng video của Sconnect sử dụng các địa danh ở Anh như cầu London và các nhân vật trong video nói tiếng Anh giọng Anh. Tuy nhiên Sconnect phản đối rằng sử dụng tiếng Anh và các địa danh nổi tiếng là không có nghĩa nước Anh là thị trường mục tiêu:
“hình ảnh về phong cảnh và các điểm tham quan của Vương quốc Anh rất nổi tiếng và lan rộng khắp thế giới. Và không phải chỉ mỗi video của Wolfoo mới sử dụng các chủ đề như vậy. Nước Anh cũng quảng bá hình ảnh của mình về những nơi này trên toàn thế giới. Sách thiếu nhi có hình ảnh của cầu London rất dễ tìm thấy ở [các nguồn khác nhau].
Ngôn ngữ Wolfoo sử dụng theo phong cách và ngữ điệu của ngôn ngữ Anh-Mỹ, không phải Anh Anh.”[5]
Lập luận này rất tiếc không được chấp nhận. Thẩm phán Briggs đưa ra những lý do sau chứng tỏ Sconnect nhắm đến thị trường Anh:
- Website học viện đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect có một bài báo nói rằng loạt phim hoạt hình ngắn xuất hiện trên YouTube có một tỷ lượt xem hàng tháng và kênh này thu hút khán giả từ Anh.
- Ảnh chụp màn hình của trang web cho thấy một đoạn âm thanh có 1.039.910 lượt xem và người dùng tại nước Anh có thể tiếp cận được.
- Ảnh chụp màn hình của kênh YouTube thể hiện quảng cáo nhắm vào khán giả Anh chẳng hạn như onepeloton.co.uk.
- Kênh có quảng cáo sử dụng đơn vị tiền tệ là đồng bảng Anh và quảng cáo biểu ngữ nhằm vào người xem nước này.
Phán quyết cũng dựa vào sự xuất hiện của Sconnect trên truyền thông để kết luận rằng phát ngôn trong vụ việc không nhất quán với chiến lược kinh doanh của công ty.
- Một bài báo tài trợ bởi Sconnect được xuất bản trong “The List” (được xem là tạp chí trực tuyến tập trung vào nước Anh) có tiêu đề “Wolfoo đang thống trị YouTube dành cho trẻ em” đã được đăng vào ngày 25/3/2021. Tòa nhận định, bằng cách xuất bản trong The List, Sconnect đã có ý định giao tiếp với người xem nước này.
- Một bài báo khác cũng được tài trợ bởi Sconnect trên WFMZ-TV cho thấy Sconnect muốn “nắm bắt” (capture) thị phần quốc tế. Việc sử dụng động từ “capture” gợi ý Sconnect muốn đẩy mạnh chiếm lĩnh mục tiêu.
- Wolfoo đã được lồng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật. Điều này chứng tỏ Sconnect có ý định “thu hút” hoặc nhắm vào khán giả ở các nước đó. Vì vậy, nó không nhất quán với lập luận rằng công ty chỉ giới hạn người xem ở Mỹ và Việt Nam.
- Hàng hóa của Wolfoo có sẵn trên các trang web mà người dùng tại Anh có thể truy cập được như Wolfoo World Store, Redbubble và amazon.com
- Sconnect chưa thêm điều kiện vào kênh YouTube để chặn người xem từ các quốc gia ngoài Mỹ và Việt Nam và đặc biệt không chặn nước Anh. Suy luận tự nhiên rằng Sconnect bằng lòng cho người xem tại đây truy cập vào video.
Sconnect đưa ra bằng chứng chứng minh rằng số lượt người xem từ Anh chỉ chiếm 2-3,45% tổng số người xem trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thẩm phán Briggs cho rằng tùy thuộc vào cách tính của Anh hay Mỹ, 2-3% có thể chiếm đến mấy trăm triệu lượt view trên tổng số 68 triệu dân của nước Anh thì đây không phải là một con số nhỏ.
Theo đánh giá của thẩm phán, một người tiêu dùng bình thường sẽ kết luận rằng lập luận Wolfoo chỉ được phát sóng và sử dụng trong Hoa Kỳ và Việt Nam không có bằng chứng đi kèm. Đây cũng không phải là trường hợp bên vi phạm thỉnh thoảng thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng ở Anh. Vì vậy, thẩm phán kết luận các tòa án của Anh và xứ Wales có quyền tài phán trong vụ việc.
2. Việt Nam hay nước Anh là nơi phù hợp hơn để giải quyết tranh chấp?
Mặc dù kết luận như trên, nhưng nếu phía bị đơn có thể chứng minh rằng có một tòa án khác, với thẩm quyền xét xử “rõ ràng hoặc đặc biệt phù hợp hơn” (clearly or distinctly more appropriate), tòa án Anh sẽ tạm dừng thủ tục hiện tại.[6] Tuy nhiên, phía Sconnect không cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng nơi nào là một giải pháp thay thế tốt hơn. Bị đơn chỉ tuyên bố chung chung rằng vụ việc nên được giải quyết “ở vùng tài phán tương đương” mà không giải thích gì thêm. Mặc dù vậy, Sconnect đặt câu hỏi ngược lại, phía EOne sẵn sàng theo đuổi kiện tụng ở các khu vực tài phán khác nhau (Nga), vậy thì tại sao họ không thể làm việc tương tự ở Việt Nam và Mỹ vì các hoạt động được cho là vi phạm quyền SHTT bắt nguồn từ các quốc gia này? Thẩm phán cũng nhận định rằng vì nhân chứng của Sconnect nói tiếng Việt và có mặt Việt Nam, có vẻ như Sconnect cho rằng Việt Nam chứ không phải Mỹ là sự thay thế tốt hơn.[7]
Nguyên đơn EOne đưa ra lập luận tương tự nhưng ở chiều ngược lại để chứng minh nước Anh là nơi có thẩm quyền phù hợp hơn.
Theo án lệ của nước Anh, bị đơn phải chứng minh rằng các tòa án của nước ngoài đều (1) “sẵn sàng” (available) và (2) “rõ ràng hoặc đặc biệt phù hợp hơn” các tòa án Anh để giải quyết tranh chấp. Bị đơn phải làm nhiều hơn để chứng tỏ rằng nước Anh không phải là một “diễn đàn” (forum) tự nhiên hoặc phù hợp cho vụ việc. Một lập luận đơn giản như tòa nước ngoài thuận tiện hơn cho bị đơn sẽ không được chấp nhận. Theo nhận định của thẩm phán, Sconnect chưa chứng minh được rằng các tòa án của Việt Nam “sẵn sàng” hoặc “rõ ràng hoặc đặc biệt phù hợp hơn”. Có thể thấy, vụ kiện tại Việt Nam chưa có thêm thông tin gì đã khiến cho Sconnect mất đi lợi thế về quyền tài phán.
Trong khi đó, thẩm phán Briggs có nhiều lý do chính đáng để kết luận thấy rằng tòa án Anh là nơi phù hợp. Danh tiếng thương mại (good will thông qua chế định passing off), bản quyền (copyright) và thương hiệu (trademark) của EOne không thể được bảo vệ bên ngoài Vương quốc Anh; công ty EOne đăng ký tại đây; và cả video của Wolfoo và Peppa Pig đều sử dụng tiếng Anh. Sconnect có đội ngũ luật sư tại đây và thiệt hại của EOne (nếu có) xảy ra tại nước này. Vì những lý do trên, tòa án kết luận rằng nước Anh là diễn đàn phù hợp để giải quyết tranh chấp.
3. Một vài nhận xét
Phán quyết này mặc dù đặt Sconnect vào tình thế bất lợi nhưng đây chỉ mới là khởi đầu, chưa phải là kết thúc vụ việc. Kết luận lần này chỉ tập trung vào thẩm quyền tài phán chứ chưa giải quyết tranh chấp. Hai bên đã được hướng dẫn các bước tiếp theo để tiến hành vụ án.
Sự xuất hiện của internet đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Nó xóa mờ lãnh thổ địa lý giữa các quốc gia và khiến cho tranh chấp SHTT trở nên phức tạp như mạng nhện vì có thể có nhiều quyền tài phán chồng lấn. Trong bối cảnh đó việc chọn nơi để kiện trở nên quan trọng vì từng tòa án sẽ có quan điểm và cách thức giải quyết khá đặc trung. Việc chọn tòa là một bước đi chiến lược trong tranh tụng vì nó ảnh hưởng đến khả năng thắng thua trong vụ việc.[8]
Trong câu chuyện hiện tại, hành vi (được cho là) vi phạm xảy ra ở một nơi (Mỹ và Việt Nam) nhưng thiệt hại lại đến từ một nơi khác (Anh). Phán quyết của tòa Anh và Việt Nam (nếu có) sẽ là một bài học tham khảo quan trọng cho các doanh nghiệp và người thực hiện nội dung sáng tạo trên môi trường số vì các bản án sẽ bộc lộ thực tiễn tố tụng, việc áp dụng luật của nước nào, cách chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp. Thậm chí các thủ thuật của Youtube và các nền tảng xã hội khác sẽ được hé mở.
Đặc biệt hơn, phán quyết của tòa án Anh sẽ có đóng góp giá trị trong việc diễn giải những phạm trù như ý tưởng/thể hiện ý tưởng (idea/expression), làm thế nào xác định vi phạm quyền SHTT… mà luật Việt Nam đang còn thiếu. Đây sẽ là một nguồn quý giá cho các bạn sinh viên, giảng viên, những người hành nghề trong lĩnh vực này và các doanh nghiệp đang kinh doanh trên thị trường số.
[1] [2022] EWHC 3295 (Ch)
[2] Lê Vũ Vân Anh và Nguyễn Ngọc Trâm, “Đấu trường sở hữu trí tuệ quốc tế: cuộc chiến ở rừng xanh” (The Saigontimes, 29/10/2022) truy cập https://thesaigontimes.vn/dau-truong-so-huu-tri-tue-quoc-te-cuoc-chien-o-rung-xanh/
[3] Max Walters, “Peppa Pig owner snorts at ‘fallacious’ Wolfoo howls” (Managing IP, ngày 2/12/2022) https://www.managingip.com/article/2aynflsfm40h5vhnor6yo/exclusive-peppa-pig-owner-snorts-at-fallacious-wolfoo-howls
[4] [2022] EWHC 3295 (Ch), đoạn 134
[5] [2022] EWHC 3295 (Ch), đoạn 138
[6] [2022] EWHC 3295 (Ch), đoạn 151
[7] [2022] EWHC 3295 (Ch), đoạn 152
[8] Min Min, “Chuyển tòa án bang để tạo lợi thế trong phán quyết – chuyện chỉ có ở Mỹ?” (31/5/2022, IPLovers) truy cập tại https://iplovers.com/chuyen-toa-an-bang-de-tao-loi-the-trong-phan-quyet-chuyen-chi-co-o-my/