Xuất bản nghiên cứu khoa học SHTT bằng tiếng Anh ở đâu?
Với kinh nghiệm khiêm tốn trong việc xuất bản bài Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực luật SHTT, bài chia sẻ này của tôi dành cho những ai đang không biết mình nên xuất bản nghiên cứu tiếng Anh với những tập san nào? Bài viết này tập trung vào các tập san của châu Âu và nước Anh, và đều là các tập san có bình duyệt, hy vọng sẽ có ích cho nhiều bạn, ít nhất giúp bạn tránh được những tập san săn mồi, tiền mất tật mang, không những tốn tiền mà danh tiếng học thuật của bản thân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước khi trả lời câu hỏi về việc chọn tập san, tôi muốn dành vài lời liên quan đến cách mà tôi và và đồng nghiệp tiếp cận việc nghiên cứu:
- Bạn có thể nhắm một tập san trước, và sau đó tìm kiếm đề tài hoặc chọn góc khai thác để phù hợp với tập san. Chẳng hạn như nhiều tập san chuyên ngành của nước Mỹ yêu cầu bài viết phải thu hút độc giả Mỹ. Trong những trường hợp như vậy, bài nghiên cứu thường phải liên quan phần nhiều đến quốc gia này. Hoặc nếu bạn chọn các tập san nhắm đến bạn đọc là những người hành nghề trong khối tư nhân, bài viết sẽ chạm đến một vấn đề trong thực tế, hơn là các học thuyết chuyên sâu.
- Bạn cứ viết những gì mình thích, và tìm kiếm tập san sau.
Cho tới giờ phút này tôi hay làm theo cách thứ (2), nhưng trong thời gian sắp tới tôi sẽ chuyển sang hướng thứ (1), lý do đơn giản là vì tôi mong muốn những nghiên cứu của mình được đăng trên những tập san như thế nào. Không có cách nào tối ưu hơn, mà tất cả phụ thuộc vào sở thích, thói quen và cả chút xíu may mắn nữa. Chẳng hạn một bạn đồng nghiệp tôi quen đã được một tạp chí về SHTT ở châu Âu mời bạn viết bài, trong khi bạn nghiên cứu về luật bản quyền của nước Mỹ. Lý do buồn cười là vì biên tập vô tình nhìn thấy thông tin về dự án của bạn trên website của Đại học Oxford khi bạn tham gia một buổi sinh hoạt chuyên môn tại đây. Vậy nên nếu có cơ hội, bạn đừng ngần ngại chia sẻ nghiên cứu của mình. Biết đâu, đề tài của bạn vô tình lọt vào “mắt xanh” của ai đó khi họ đang có những dự án liên quan đến đề tài của bạn.
Các tập san chuyên ngành (Specialist Journal)
Sau đây là các tập san chuyên ngành có tiếng trong lĩnh vực SHTT, xếp theo thứ tự ngẫu nhiên:
IIC – International Review of Intellectual Property and Competition Law. Đây là tập san mà tôi vừa mới có bài đăng.
EIPR – European Intellectual Property Review. Đây là tập san mà tập trung phần lớn với khu vực châu Âu.
GRUR International – Journal of European and International IP law. Tập san này mang tính quốc tế cao, bao phủ nhiều khu vực tài phán khác lạ, độc đáo, không hẳn chỉ là các khu vực như EU, UK, US, China… Tôi cũng đã từng có bài đăng với tập san này.
IPQ – Intellectual Property Quarterly
Queen Mary Journal of Intellectual Property
JIPLP – Journal of Intellectual Property Law and Practice: Tập san này, đúng như tên gọi của nó, được thiết kế đặc biệt dành cho các luật sư về SHTT, luật sư về bằng sáng chế, về nhãn hiệu cả trong lĩnh vực hành nghề tư nhân và làm việc trong ngành công nghiệp.
The Journal of World IP Law: tương tự như GRUR, đây cũng là một tập san có tính quốc tế cao.
SCRIPTed: một tập san của đại học Edinburgh, Scotland.
Các tập san chung chuyên về luật (Legal Generalist Journal)
Ngoài việc xuất bản với các tập san chuyên ngành, bạn cũng có thể đăng trên các tập san chung chuyên về luật, cho phép nghiên cứu của bạn đến với nhiều độc giả hơn. Vì những tập san này không chuyên về một lĩnh vực luật cụ thể nên bài nghiên cứu của bạn phải mang tính tổng thể và kết nối cao, để bạn đọc dù không phải trong lĩnh vực SHTT vẫn có thể thấy sự liên quan. Chưa kể tính cạnh tranh ở các tập san này cũng cao hơn so với tập san chuyên ngành, vì bạn phải “chiến đấu” với các học giả trong các lĩnh vực luật khác. Theo đánh giá của những đồng nghiệp có tên tuổi, xuất bản trong các tập san chung bao giờ cũng khó hơn so với tập san chuyên ngành. Sau đây là những tập san chung về luật mà tôi biết và cũng đã từng đọc những bài nghiên cứu về SHTT ở đây.
The Oxford Legal Journal of Studies
The Cambridge Law Journal: editor của tập san này là một giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực SHTT nên khả năng bài trong lĩnh vực này được đăng chắc sẽ không quá thấp.
The Asian Journal of Comparative Law: đây là tập san chuyên về nghiên cứu so sánh luật châu Á, nên nếu bài nghiên cứu của bạn có liên quan đến một nước châu Á thì bạn có thể cân nhắc nộp tại đây. Hiện tôi đang có một bài nghiên cứu đang chờ bình duyệt.
Những tập san khác
Ngoài những tập san nói trên, có rất nhiều tập san khác liên quan mật thiết đến luật SHTT:
Entertainment Law Review: nếu bài nghiên cứu của bạn liên quan đến luật bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật, hoặc quyền hình ảnh của người nổi tiếng… thì đây sẽ là một tập san phù hợp.
The International Journal of Law and Information Technology: những bài viết về AI, luật bản quyền đối với chương trình máy tính có thể tìm thấy chỗ đứng trong các tập san này.
Nếu nghiên cứu SHTT của bạn liên quan đến sức khỏe, các tập san về y tế hoặc chính sách công là một lựa chọn Asian Journal of WTO and International Health Law and Policy
Nếu bạn nghiên cứu dính dáng đến marketing, hay tâm lý người tiêu dùng thì các tập san về tâm lý học là nơi bạn cũng nên nghĩ đến. Đây là một ví dụ.
Thậm chí có những học giả đăng những nghiên cứu về SHTT lên những tập san tưởng như rất không liên quan, chẳng hạn như Eighteenth-Century Studies (The Genius and the Copyright). Đây là bài nghiên cứu về hình dáng “tác giả” thông qua luật bản quyền, và vì nguồn gốc của luật bản quyền có từ Thời đại Khai sáng nên nghiên cứu của học giả này hoàn toàn phù hợp để đăng trên tập san chuyên nghiên cứu về thế kỉ 18.
Hoặc nếu bài viết của bạn dính dáng đến kinh tế, hoặc phân tích luật SHTT thông qua góc nhìn kinh tế học thì các tập san liên quan như Manchester Journal of Economic Law cũng là một sự lựa chọn không tồi. Tôi đã từng đăng hai bài ở đây và ở đây.
Nhìn chung, các tập san có uy tín ở châu Âu và nước Anh đa phần đều có phản biện và miễn phí. Bạn không cần phải trả tiền để được đăng báo. Thời gian bình duyệt khá lâu, kéo dài từ 3 đến 6 tháng là chuyện bình thường, chưa kể yêu cầu chỉnh sửa từ các bình duyệt viên, không phải bao giờ cũng dễ thực hiện.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có được những ý tưởng mới cho việc xuất bản nghiên cứu khoa học.