Patent thicket là gì?
What is a patent thicket?
Patent thicket là tập hợp các bằng sáng chế chồng chéo lên nhau, yêu cầu các nhà sáng tạo phải đạt được các thỏa thuận cấp phép (licensing) để việc khai thác sáng chế được tiến hành. Hiện nay trong tiếng Việt không có thuật ngữ tương đương, chúng ta có thể tạm dịch là “ma trận bằng sáng chế” hay “mạng lưới bằng sáng chế”, dù đây không hẳn là sự lựa chọn ngôn ngữ chính xác nhất. Để hiểu về patent thicket, chúng ta cần điểm sơ qua về patent và claim.
A patent and patent claim(s)
Patent là bằng độc quyền cấp cho một sáng chế đáp ứng những điều kiện nhất định về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghiệp. Chủ sở hữu bằng sáng chế có quyền ngăn chặn người khác khai thác sáng chế mà không có sự đồng ý của mình trong thời hạn 20 năm. Trong đơn xin cấp bằng sáng chế, người nộp đơn phải đưa ra cái gọi là claims – đây là các tuyên bố xác định rõ ràng và chính xác về phạm vi bảo hộ của “ứng viên sáng chế”. Thẩm phám Russell đã đưa ra một định nghĩa về claims (thường xuyên được trích dẫn) như sau:
“Chức năng của các tuyên bố là xác định rõ ràng và chính xác phạm vi độc quyền, để những người khác có thể biết ranh giới chính xác của khu vực mà họ có khả năng xâm phạm. Mục tiêu chính của các tuyên bố là hạn chế chứ không mở rộng độc quyền. Những gì không được tuyên bố sẽ không được bảo hộ.”[1]
Tuyên bố bằng sáng chế (claims) thường được ví von như chứng thư bất động sản – phân định chính xác phạm vi của bằng sáng chế giống như chứng thư bất động sản mô tả vị trí chính xác của mảnh đất. Vì vậy, nếu một người đã “định cư” lên một khu vực thì người tiếp theo không được định cư đối với cùng một “vùng đất”. Và để đổi lấy việc được cấp “đất” (độc quyền), luật sáng chế yêu cầu người nộp đơn tiết lộ công nghệ sao cho những người khác trong cùng bối cảnh công nghệ có thể học hỏi và phát triển các sáng chế liên quan khác.
Tuy nhiên, việc đọc đơn xin cấp bằng sáng chế không phải là một điều dễ dàng. Các tuyên bố được viết theo một trình tự chặt chẽ với ngôn từ kĩ thuật nhất định. Một mặt, trình tự này đảm bảo cho cơ quan cấp sáng chế có thể xác định một cách chính xác và cụ thể yêu cầu của người nộp đơn. Nhưng mặt khác nó có thể khiến cho một độc giả bình thường nhầm lẫn hay khó hiểu về phạm vi bảo hộ thực sự mà bằng độc quyền cung cấp.
Lĩnh vực công nghệ nơi patent thicket xảy ra thường xuyên
Patent thicket được áp dụng cho khu vực công nghệ bị phân mảnh (nơi có một số lượng lớn các bằng sáng chế nhỏ, chẳng hạn như viễn thông và công nghệ thông tin), hoặc công nghệ mà chỉ có số ít công ty lớn nắm giữ phần lớn sáng chế (chẳng hạn như vaccine hay công nghệ sinh học). Ngoài thuật ngữ “patent thicket”, các thuật ngữ khác như “patent floods” hay “patent clusters” cũng được sử dụng thay thế.
Trong lĩnh vực công nghệ đã hoàn thiện (mature technology), nơi số lượng bằng sáng chế lên tới con số ngàn, rất khó để phân biệt đâu là một sáng chế mới và đâu chỉ đơn thuần là sự mở rộng hoặc cải tiến của một công nghệ cũ. Trên thực tế, patent thickets tồn tại dưới rất nhiều dạng.
- Quyền tài sản bị phân mảnh:[2]
• Khi có nhiều tổ chức mà mỗi tổ chức nắm giữ các bằng sáng chế riêng lẻ nhưng các bằng này phải được sử dụng cùng nhau cho một công nghệ cụ thể, ví dụ như công nghệ nano.
• Nhiều quyền sở hữu chồng chéo ở thị trường công nghệ bị phân mảnh
• Nhiều công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế của từng phần riêng lẻ cho một sản phẩm. Máy may của nước Mỹ trong những năm 1850 là một ví dụ như vậy.
2. Bằng sáng chế ngăn chặn (blocking patents):
• Khi công nghệ phức tạp và số lượng lớn bằng sáng chế kết hợp với nhau tạo ra mạng lưới dày đặc các quyền sáng chế chồng chéo, mà trong đó ít nhất một quyền đang cản trở việc đổi mới.
Một số lĩnh vực công nghệ mà patent thickets xảy ra thường xuyên:
• Chất bán dẫn
• Công nghệ sinh học
• Phần mềm máy tính (ở Mỹ)
• Thương mại điện tử (ở Mỹ)
• Công nghệ nano
• Viễn thông
• Dược phẩm
Dưới đây là một minh họa về khái niệm “patent thicket” và chỉ ra một số chiến lược cấp bằng sáng chế được người nộp đơn sử dụng. “Ngôi sao” trung tâm của hình đại diện cho sáng chế quan trọng của người nộp đơn.

Trong hình (a) bằng sáng chế chính được bảo vệ bởi các tuyên bố như đã nói trên; phạm vi bảo hộ được thể hiện bằng hàng rào bao quanh ngôi sao. Các hoạt động và bảo hộ bằng sáng chế khác hiện diện trong cùng một khu vực công nghệ, được đại diện bởi các khu vực có hàng rào khác. Ta có thể thấy rằng, có rất nhiều “khoảng trắng” mà đối thủ cạnh tranh có thể khai thác.
Trong hình (b), người nộp đơn được cấp một phạm vi tuyên bố rộng của lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm của cách tiếp cận này là, đối thủ cạnh tranh có nhiều khả năng thách thức phạm vi bảo hộ tại tòa án, và khả năng bằng sáng chế chính bị tuyên vô hiệu cũng cao hơn. Có bằng chứng cho thấy những người nộp đơn ở Hoa Kỳ và EU có xu hướng yêu cầu phạm vi bảo hộ rộng trong khi đó người Nhật nộp nhiều đơn với phạm vi yêu cầu hẹp hơn.
Trong hình (c), patent thicket được thể hiện như sau: một bằng sáng chế chính được bao quanh bởi các bằng sáng chế liên quan và các tuyên bố bảo hộ chồng chéo lên, do đó hạn chế đối thủ cạnh tranh giành được chỗ đứng trong “khoảng trắng” công nghệ. Ngay cả khi đối thủ có thể tấn công bất kỳ bằng sáng chế nào, “hàng rào vòng tròn” của bằng sáng chế chính khả năng cao sẽ vẫn được bảo vệ.
Lĩnh vực có mật độ bằng sáng chế cao dẫn đến việc thảo luận cấp phép diễn ra với một số lượng lớn sẽ cản trở việc đưa công nghệ vào thị trường. Hệ quả của điều này là hiện tượng “royalty stacking”, khi phí cấp phép chất chồng lên nhau vì một nhà sản xuất cần truy cập vào nhiều bằng sáng chế để tạo ra một sản phẩm cuối cùng, đẩy giá thành sản phẩm, và người tiêu dùng là người chịu thiệt. Để khắc phục điều này, “patent pool” đã được tạo ra.
Kì sau: Patent pool – giải pháp cho patent thicket?
[1] Electric and Musical Industries, Ltd. et al. v. Lissen, Ltd. et al. (1939), 56 R.P.C 23
[2] UKIPO, “Patent thickets” (25th November 2011) pg. 3-4 https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/312540/informatic-thickets.pdf