Viết học thuật: Sáng tạo trên từng tiêu đề

Tại sao tiêu đề quan trọng trong bài báo học thuật?

Là một người làm nghiên cứu, mình đã rất nhiều lần bật cười vì cách đặt tiêu đề bắt tai và thú vị của các đồng nghiệp trong các bài báo học thuật, mà nói theo tiếng Việt bình dân là “giật tít”. Nhưng như giáo sư Helen Sword trong quyển Stylish Academic Writing đã ví von, tiêu đề giống như chiếc mũ hoặc cửa chính của một ngôi nhà. Một chiếc mũ nổi bật hay một khung cửa xinh đẹp sẽ mời gọi người đọc bước vào một lãnh địa học thuật, có thể xa lạ đối với chính người đó. Tuy nhiên, theo bà, đa phần tiêu đề các bài báo nghiên cứu khá khô khan và nặng tính kỹ thuật vì gần như mục tiêu chính của người viết là truyền tải dữ liệu nghiên cứu.

Helen không ngần ngại tuyên bố rằng một tiêu đề gồm các biệt ngữ chuyên ngành (disciplinary jargon) mơ mồ có thể có hai dụng ý. Một là tác giả muốn gây ấn tượng với người đọc, rằng “Bạn và tôi là thành viên của một câu lạc bộ độc quyền”, hoặc tác giả muốn nhắc nhở người đọc về sự thiếu hiểu biết của họ (“Nếu bạn thậm chí không thể hiểu tiêu đề của tôi, đừng bận tâm đọc bất kỳ hơn nữa”). Một lý do nữa dẫn đến sự cứng nhắc trong tiêu đề, đó là tập san, nhà xuất bản hay người hướng dẫn đòi hỏi tiêu đề phải đáp ứng một công thức nhất định.

Quay trở lại với Helen, bà cho rằng một tiêu đề gây cười, hấp dẫn, khiêu khích cho thấy một tác giả đang làm việc chăm chỉ để thu hút sự chú ý của độc giả. Tuy nhiên một động thái như vậy có thể chứa rủi ro: đôi lúc bị các đồng nghiệp đánh giá là phù phiếm và phi học thuật.

ethnic female cafe owner showing welcome we are open inscription
Photo by Ketut Subiyanto on Pexels.com

Tuy nhiên, bà dẫn chứng rằng sách khoa học bán chạy nhất của nhà sinh vật học Richard Dawkins là các quyển mang tiêu đề ngắn gọn, chỉ gồm một vài từ có sự chọn lựa cẩn thận:

  • The Selfish Gene (Gene vị kỷ) (1976)
  • The Blind Watchmaker (Người chế tạo đồng hồ mù) (1986)

Đương nhiên chúng ta không thể nào phủ định nội dung của các quyển sách nêu trên, nhưng một tiêu đề “gợi đòn” bao giờ cũng khiến người đọc quan tâm hơn là một tiêu đề mô tả, ví dụ như “Lý thuyết và thực tiễn trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam: Một nghiên cứu so sánh với pháp luật quốc tế”. (Đây hoàn toàn là trí tưởng tượng của chủ nhân blog)

Một vài ví dụ

Dạo quanh một vòng các tập san chuyên ngành (SHTT), không quá khó để bắt gặp các tiêu đề “mời gọi”, châm biếm lẫn hài hước:

Một tác giả có ý mỉa mai phép thử ba bước (three-step test) trong lĩnh vực quyền tác giả của EU đã không bỏ lỡ cơ hội chơi chữ bằng cách sử dụng tên gọi của phép thử trong tiêu đề của mình: EU Copyright Exceptions and Limitations and the Three-Step Test: One Step Forward, Two Steps Back (Các ngoại lệ và giới hạn về bản quyền của Liên minh Châu Âu và Thử nghiệm ba bước: Một bước tiến, hai bước lùi).

Còn đây là tiêu đề của bài báo trong lĩnh vực luật SHTT về trí tuệ nhân tạo, cụ thể hơn là large language model (mô hình ngôn ngữ lớn): On Words That Come Easy (Lời dễ nói). Đây là một mũi tên hai đích: một mặt, từ “words” tương tự như “language”, tạo ra mối liên kết giữa tiêu và nội dung. Ngoài ra, tiêu đề này cũng nhại lại bài hát rất nổi tiếng đối với các bạn Millennial: Words của ca sĩ FR David. Câu điệp khúc của bài hát “Words don’t come easy” bày tỏ sự bất lực của chàng trai khi không tìm được ngôn từ để thổ lộ tình yêu đối với người mình yêu thương.

Hoặc chính slogan của hãng mỹ phẩm L’Oréal (Because you’re worth it) đã được hai học giả chọn làm tiêu đề cho một bài báo phân tích một vụ kiện mà L’Oréal là nguyên đơn: Because You’re Worth It: L’Oreal and the prohibition on free riding (Bởi vì bạn xứng đáng: L’Oreal và lệnh cấm hưởng thụ miễn phí). Đây là vụ kiện đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của luật nhãn hiệu hiện đại và cũng là vụ việc mà tòa án công lý liên minh châu Âu (CJEU) bị chỉ trích rất nhiều vì bảo hộ cho kẻ mạnh hơn, trong trường hợp này là L’Oréal.

Còn đây là một ví vụ mà hai tác giả sử dụng điển tích của thần thoại Hy Lạp về nút thắt Gordian (Gordian knot) để phê phán Điều 17 của Luật bản quyền của EU: The knottiest of Gordian knots: Article 17 of the Copyright Directive (Nơi bị thắt nhất của nút thắt Gordian: Điều 17 của Chỉ thị Bản quyền). Gordian knot để chỉ một vấn đề nan giải và rắc rối, vậy nên hai tác giả đã mượn phép ẩn dụ này để so sánh với Điều 17, điều luật yêu cầu các nền tảng xã hội phải có hành động thích hợp bảo vệ lợi ích chủ quyền. Đây là điều luật dài dòng, khó hiểu và tạo ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng SHTT ở EU kể từ lúc nó chỉ mới là dự thảo. Việc sử dụng thành ngữ như vậy đã chuyển tải cho người đọc thông điệp của bài báo.

Công thức để tạo ra một tiêu đề không quá khô khan

Đây là chỉ là 4 trong rất nhiều bài báo mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong các tập san học thuật. Quan trọng hơn nữa, tất cả các bài trên đều được xuất bản trong các tập san danh tiếng của Anh và châu Âu như GRUR, Modern Law Review và EIPR. Qua những ví dụ trên, ta có thể rút ra một công thức để đặt một title học thuật nhưng không kém phần hấp dẫn, hay khiêm tốn hơn, không quá khô khan như sau: Not-so-boring title = phần mô tả + phần tự do. Phần mô tả thường bao gồm từ khóa hay những thuật ngữ chuyên ngành khiến cho bài báo của bạn dễ được tìm thấy trên nền tảng internet. Ngoài ra, phần này cũng cho độc giả biết lĩnh vực nghiên cứu trước khi quyết định đọc tiếp. Phần thứ 2 cho phép người viết được bay bổng, được thả cái tôi cá nhân đồng thời tạo ra ấn tượng về bài viết của mình: nghiêm túc, hài hước, xéo xắt… Và rất quan trọng, đảm bảo tiêu đề phản ánh đúng ý đồ của người viết.

Mình đã dùng công thức này để hướng dẫn một bạn PhD nộp abstract cho một hội nghị về luật ở nước Anh (và đã được chấp nhận). Đề tài của bạn liên quan đến việc đền bù thiệt hại trong luật Việt Nam và mình gợi ý như sau: Compensation in Vietnam’s X Law: Too little too late? Phần thứ 2 (Too little too late) phản ánh đúng hiện trạng mà bạn PhD muốn đề cập trong báo cáo, đó là việc bồi thường cho nạn nhân diễn ra quá chậm trễ, vài năm khi sự việc xảy ra và số tiền nạn nhân nhận được quá ít so với thiệt hại mà họ phải gánh chịu.

Một cách khác chúng ta có thể làm, là bỏ đi phần miêu tả, chỉ giữa lại phần bay bổng. Điều này khiến tiêu đều ngắn gọn hơn như “On Words that Come Easy”. Tuy nhiên, cách này có thể khiến bài của bạn khó hiển thị trên thanh công cụ tìm kiếm và đòi hỏi người đọc phải đọc abstract để hiểu được ý chính của bài. Lúc này, abstract phải “gánh” thêm nhiệm vụ mô tả thay cho tiêu đề.

Nhìn chung, để nghĩ ra được một tiêu đề (tiếng Anh) hấp dẫn và phản ánh chính xác nội dung bài viết, người viết phải có một ít hiểu biết nhất định về văn hóa, xã hội, lịch sử của phương Tây, các điển tích thần thoại La Mã/Hy Lạp, nếu bạn muốn nộp cho các tập san của Mỹ, Anh, châu Âu. Ngoài ra, biết đến các thành ngữ phổ biến để có thể áp dụng như Midas touch (câu chuyện về vua Midas chạm tay hóa vàng) hay Pyrrhic victory (Chiến thắng Pyrrhic là một chiến thắng phải trả giá đắt, thậm chí gây ra tổn thất nặng nề cho người chiến thắng đến mức nó tương đương với thất bại) sẽ trở nên hữu ích.

Một cách tiếp cận nữa là sử dụng những tiểu thuyết văn học nổi tiếng trên thế giới để tạo ra một tiêu đề hình tượng và mời gọi, chẳng hạn như các tiêu đề sau đây:

For Whom the Bell Tolls: Climate Change and Inequality (Chuông nguyện hồn ai: Biến đổi khí hậu và bất bình đẳng)

Crime and Punishment: An Economic Approach (Tội ác và trừng phạt: Một cách tiếp cận dưới góc độ kinh tế)

Pride and Prejudice: The Human Side of Incentive Theory (Kiêu hãnh và định kiến: Khía cạnh con người của lý thuyết khuyến khích)

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn thoát khỏi những tiêu đề khô khan và nặng tính mô tả để nghĩ ra một cái gì đó thật hấp dẫn và cuốn hút cho bài báo tiếp theo của bản thân.

Leave a Reply