Patent Pool – giải pháp cho patent thicket?

Để phá vỡ “mạng lưới bằng sáng chế” (patent thicket) bao gồm các bằng sáng chế chồng chéo lên nhau và hạn chế sự khai thác công nghệ, các chủ sở hữu đã nghĩ ra cách tập hợp các bằng sáng chế liên quan và thỏa thuận cấp phép cho nhau hoặc cho bên thứ ba. Hiện tượng này còn được biết đến với tên gọi “patent pool”. Tuy nhiên patent pool không hẳn là một phát minh đương đại. Ý tưởng đầu tiên được thành lập vào những năm 1850 tại Mỹ đối với máy may, một mặt hàng đóng vai trò nền tảng cho sự thành công của cách mạng công nghiệp tại quốc gia này.

Ai phát minh ra máy may là một câu hỏi khó trả lời vì sự ra đời của thiết bị này không thể quy về công sức của một người, mà đây là kết quả của sự phát triển và cải tiến ý tưởng ban đầu một cách liên tục. Tuy nhiên liên quan đến patent pool, câu chuyện bắt đầu vào năm 1846 khi Elias Howe đã được cấp bằng sáng chế cho máy may. Tuy nhiên, ông đưa ra một mức phí cấp phép cắt cổ cho những người muốn sử dụng sáng chế của mình. Singer, một doanh nhân lập dị, đã tìm cách cải thiện mô hình của Howe và được cấp bằng sáng chế cho phiên bản của mình vào năm 1851. Ông thành lập công ty I.M. Singer & Co..

Máy may của Howe

Nhưng sau đó, một số nhà phát minh khác đã có những cải tiến đối với ý tưởng ban đầu của Howe và họ được cấp bằng sáng chế dựa trên những cải tiến của mình. Tất cả những đổi mới này tạo ra “ma trận bằng sáng chế” (patent thicket), châm ngòi cho Cuộc chiến máy may (the Sewing Machine War) trong những năm 1850. Tại thời điểm đó, không một ai có thể sản xuất một chiếc máy may hoàn chỉnh vì cần nhiều bằng sáng chế để có thể làm được điều này. Ngành công nghiệp máy may rơi vào bế tắc vì không ai có thể sản xuất và bán máy. Ngoài ra, vì ngày càng có nhiều công ty được thành lập, mỗi công ty lại sa đà vào việc kiện tụng vi phạm bằng sáng chế, tiêu tốn tài nguyên và sức lực.

Đứng trước tình cảnh đó, Orlando Brunson Potter, một luật sư và đồng thời là chủ tịch của Công ty Máy may Grover and Baker đề xuất một ý tưởng chưa từng có: các phe phái có thể hợp nhất các lợi ích kinh doanh thông qua một thỏa thuận chia sẻ các bằng sáng chế và bên nào muốn sử dụng chỉ phải trải một khoản phí cấp phép duy nhất, có định và có giá thành thấp hơn giấy phép cho từng sáng chế. Lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ cho những người nắm giữ bằng sáng chế.

Thỏa thuận này bao gồm 4 chủ sở hữu Howe, Singer, công ty Grover and Baker, và công ty Wheeler and Wilson, hợp nhất chín bằng sáng chế vào Tổ hợp Máy may (Sewing Machine Combination). Mỗi bên sẽ được chia phần trăm thu nhập, tùy thuộc vào những gì họ đã đóng góp cho thiết kế cuối cùng. Nhóm này tồn tại cho đến khi hết bằng sáng chế cuối cùng vào năm 1877.

Tương tự như vậy, ngày nay trong các lĩnh vực công nghệ viễn thông, càng có nhiều trường hợp các công ty không thể sản xuất và sử dụng phần mềm liên quan đến điện thoại thông minh của họ mà không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của đối thủ cạnh tranh. Điều này đã dẫn đến việc tạo ra các patent pool trong các lĩnh vực cụ thể mà thông qua đó chủ sở hữu hiểu rằng, để thu được lợi nhuận từ tài sản trí tuệ, điều cần thiết là phải hợp tác với những người khác. Đi theo con đường kiện tụng chỉ có thể dẫn đến mất doanh thu cho tất cả những người liên quan, oh, đương nhiên là ngoại trừ các luật sư!

Leave a Reply