Tri thức truyền thống và hệ thống sở hữu trí tuệ hiện đại: “Chúng ta không thuộc về nhau?”

1.     Tri thức truyền thống – Mỏ vàng lộ thiên

Tri thức truyền thống, từ thảo dược đến văn hóa dân gian và nghệ thuật bản địa, không chỉ là nền tảng cho hoạt động đổi mới của các ngành công nghiệp hiện đại như dược hóa phẩm mà còn là nguồn cảm hứng cho những người làm công việc sáng tạo. Lợi ích do tri thức truyền thống mang lại nhiều không kể xiết. Bà Đồ U U và các đồng nghiệp người Trung Quốc đã tìm ra cách chiết xuất Thanh hao tố (Artemisinin) từ cây Thanh Hao hoa vàng dùng để chữa bệnh sốt rét. Công trình này đã khiến bà Đồ trở thành người Trung Quốc đầu tiên chiến thắng giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2015.

Không chỉ mang lại danh tiếng cho một quốc gia, tri thức truyền thống còn đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty dược. Tuy nhiên, gần như toàn bộ các công ty này đến từ các nước phát triển, nơi có đủ điều kiện về mặt công nghệ lẫn pháp lý để khai thác kiến thức bản địa một cách triệt để. Nước Mỹ vào đầu những năm 1990 cấp bằng sáng chế cho (1) các sản phẩm thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ cây neem và (2) phương pháp sản xuất và sử dụng các sản phẩm đó. Điều này gây tranh cãi dữ dội vì từ xa xưa người Ấn Độ đã biết sử dụng cây neem cho nhiều mục đích y tế. Vì vậy, những sáng chế nói trên không được xem là “mới” để được bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khi xác định tính mới và tính sáng tạo dưới trong lĩnh vực công nghệ liên quan, luật sáng chế Hoa Kỳ không tính đến các bằng chứng về (1) việc thông tin sáng chế đã bộc lộ với công chúng hay (2) việc sử dụng sáng chế, nếu bằng chứng đó chưa được nhắc đến trong một bằng sáng chế khác hoặc trong một ấn phẩm in nào. Quy định nêu trên đã bị bãi bỏ vào năm 2011 khi Hoa Kì thay đổi luật.

Một ví dụ khác đến từ hãng dược Eli Lilly của Mỹ khi vào năm 1954 công ty này đã chiết xuất thành công hai chất Vinblastine và Vincristine có khả năng chống ung thư từ cây dừa cạn hồng ở Madagasca. Eli Lilly đã được cấp bằng sáng chế đối với phương pháp cô lập các chất này và thu hàng trăm triệu đô la từ việc bán các loại thuốc có chiết xuất nêu trên. Tuy nhiên, người dân Madagascar chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản thù lao nào cho việc sử dụng kiến ​​thức truyền thống của họ.

Tại Việt Nam, những tranh cãi cũng xảy ra khi nhiều ca sĩ sử dụng chất liệu dân gian trong các sản phẩm âm nhạc. Điều này bị nhận xét là “bắt chước” hay “ăn theo” khi một ca sĩ khác đã làm rất tốt việc này trước đó.

Những ví dụ nêu trên đặt ra câu hỏi về vấn đề sở hữu và khai thác tri thức truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự luân chuyển thông tin khiến tri thức truyền thống càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Hệ thống SHTT đương đại từng được đưa lên các chương trình nghị sự như là một công cụ tiềm năng để bảo vệ tri thức truyền thống. Tuy nhiên, hai hệ thống này gần như không tương thích, nếu không muốn nói là đối lập nhau, đã khiến cuộc thảo luận đi vào bế tắc. Giá trị của tri thức truyền thống và rủi ro của việc không được bảo hộ buộc các nhà làm luật tính đến một giải pháp khác khả thi hơn.

2.   Tri thức truyền thống và hệ thống SHTT đương đại: khác giống nhưng liệu có chung giàn?

Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về tri thức truyền thống vì phạm trù rộng lớn của khái niệm này. Tuy nhiên, Tổ chức SHTT Quốc Tế WIPO (World Intellectual Property Organisation) đã đưa ra một cách hiểu tạm thời được chấp nhận bởi nhiều bên: Tri thức truyền thống là kiến ​​thức, bí quyết, kỹ năng và thực hành được phát triển, duy trì và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một cộng đồng, thường tạo thành một phần bản sắc văn hóa hoặc tinh thần của cộng đồng đó.[1]

Trên thực tế, ngoài thuật ngữ “tri thức truyền thống” (Traditional Knowledge), các thuật ngữ khác như “tri thức bản địa” (Indigenous Knowledge), “tri thức dân gian” (Folklore Knowledge), “biểu hiện văn hóa truyền thống” (Traditional Cultural Expressions) cũng được sử dụng theo nghĩa tương tự và thường xuyên hoán đổi cho nhau.

dancers during festival
Photo by Luis German Ps on Pexels.com

Mặc dù tri thức truyền thống được tạo ra trong một cộng đồng và việc sử dụng nó là một phần của văn hóa trong chính cộng đồng nói trên, tri thức truyền thống không nhất định mang tính cổ xưa hay tĩnh tại. Dù vậy, rất khó để đối tượng này được bảo vệ bằng biện pháp SHTT Tây phương nhằm khuyến khích đổi mới.

Trở ngại đầu tiên đó là rất khó hay thậm chí không thể xác định được ai là người tạo ra tri thức truyền thống, trong khi hệ thống SHTT đương đại xoay quanh một chủ thể sáng tạo nhất định. Chẳng hạn, thời hạn bảo hộ một tác phẩm là cả cuộc đời tác giả và 50 (hoặc 70) năm kể từ khi tác giả qua đời. Quyền nhân thân hay tính nguyên bản (original) của một tác phảm đều có liên hệ mật thiết với cá nhân tác giả. Tương tự như vậy, việc xác định sai tên nhà sáng chế có thể khiến một bằng sáng chế trở nên không hợp lệ. Mặc dù luật SHTT có các điều khoản đồng sở hữu như doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động, nhà sáng tạo vẫn có thể được nhận dạng. Ngược lại tri thức truyền thống là tài sản của “cộng đồng”, đề cập đến một nhóm tập thể có cùng nền tảng văn hóa ở một số vùng nhất định. Nói một cách dí dỏm, “tri thức truyền thống” thuộc về mọi người nhưng cũng không thuộc về ai.

Thứ hai, những thành tố tạo nên tri thức truyền thống khó đáp ứng yêu cầu bảo hộ hiện đại. Gần như không thể chứng minh tính mới và tính sáng tạo của liệu pháp thảo dược dưới quy định của luật sáng chế. Hay vật tổ và truyện dân gian thường được xem là ý tưởng hơn là sự thể hiện của ý tưởng và do vậy, không đủ điều kiện để bảo vệ bằng quyền tác giả.[2]

Thứ ba, chế định SHTT được thiết kế để cho chủ sở hữu độc quyền trong thời gian hạn chế nhằm khuyến khích đổi mới, nhưng tri ​​thức truyền thống lại được sử dụng trong nhiều thế kỷ trước đó. Dưới góc độ xã hội lẫn đạo đức, sẽ hợp lý hơn nếu chúng được để lại trong không gian pháp lý miễn phí thay vì sở hữu hóa tư nhân.

Cuối cùng, việc thiếu một chủ nhân thực sự khiến cho việc quản lý, khai thác cũng như tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ tri thức truyền thống khi cần thiết trở nên bất khả thi.

Với tất cả những đặc điểm nêu trên, tri ​​thức truyền thống hoàn toàn không tương thích với các quyền SHTT hiện tại.

3.   Kẻ ngoài lề

Bản thân việc không (hoặc không thể) bảo hộ đã tước khỏi tri ​​thức truyền thống các quyền sở hữu liên quan. Trớ trêu thay, các sản phẩm dựa trên kiến ​​thức đó lại đủ điều kiện để hưởng độc quyền. Tác giả có thể yêu cầu bản quyền cho một bức tranh của mình, tác phẩm dựa trên văn hóa dân gian. Một công ty tìm ra một loại thuốc mới có chứa các thành phần thảo mộc có thể được cấp độc quyền sáng chế. Không thể phủ định rằng những chủ thể nói trên có quyền được tưởng thưởng cho thành quả tạo ra vì họ đã đóng góp một phần công sức của mình. Nhưng điều này không giải thích được tại sao một người lại sở hữu toàn bộ sản phẩm nếu anh ta chỉ đóng góp một phần nhỏ vào đó. Học giả Robert Nozick thắc mắc, nếu ông đổ một hộp nước cà chua vào đại dương, thì ông nên có quyền sở hữu đại hương hay chấp nhận mất đi hộp nước của mình?[3]

Sẽ không công bằng nếu chúng ta lờ đi nguồn gốc xa xưa của tri thức truyền thống so với sự xuất hiện gần đây của luật SHTT. Hệ thống SHTT manh nha từ thế kỷ 17 và phát triển mạnh mẽ trong thế kỉ 18. Đây là hai thế kỉ của thời đại Ánh sáng – thời kì rực rỡ của văn minh loài người khi lý trí và khoa học thay thế niềm tin mù quáng và khi mọi người dám thách thức các cấu trúc đã được thiết lập sẵn. Trong khi đó, một lượng lớn tri thức truyền thống khắc trong máu thịt của một dân tộc đã xuất hiện trước chế định SHTT hàng thế kỷ. Chính các dân tộc đó đã nuôi dưỡng và truyền tải những kho báu này từ thế hệ này sang thế hệ khác, và do đó, những nhà sáng tạo có thể phát triển cái gọi là tài sản trí tuệ bằng cách đứng trên vai những truyền thống còn tồn tại này.

flat lay photo of alternative medicines
Photo by Nataliya Vaitkevich on Pexels.com

Luật SHTT ra đời đã biến tri thức truyền thống thành một kẻ vô gia cư, thèm thuồng đứng nhìn người khác xây dựng một tòa nhà hoành tráng trên chính mảnh đất của mình và hiển nhiên thu lợi từ nó, chỉ vì tri thức truyền thống thiếu một tờ giấy mang dấu “sở hữu”. Một học giả không ngần ngại huỵch toẹt: chính không gian pháp lý miễn phí đã cứu mạng người[4] khi nói về bằng sáng chế của công ty Eli Lilly đối với chiết xuất từ cây dừa cạn. Các quốc gia có tri thức truyền thống giàu có (như Việt Nam) bị thiệt thòi vì luật SHTT ra đời dựa trên sự thỏa hiệp có lợi cho các nước phát triển mà các nước đang phát triển vì nhiều lý do đã không thể tham gia vào các cuộc thảo luận ngay từ đầu.

Nếu chúng ta không bảo vệ tri thức truyền thống dưới bất kì hình thức nào sẽ dẫn đến việc các cộng đồng bản địa phó mặc tài nguyên cho chủ thể có điều kiện hơn khai thác. Một phương án khả thi như bồi thường bằng tiền có lẽ là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện tại. Những cộng đồng có tài nguyên nên được đền bù thỏa đáng cho việc bảo quản các nguyên liệu thô thay vì trao hết lợi ích cho chủ sở hữu SHTT. Mặc dù không phải là điều dễ dàng khi xác định giá trị của tri thức của một dân tộc, các quốc gia giàu có về tri thức bản địa như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil đã có những sáng kiến nhằm bảo vệ nguyên tài nguyên quý giá của dân tộc mình.

Bài viết được đăng tải lần đầu trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số 23/2023 với Tiêu đề “Tri thức truyền thống trên trời, SHTT bảo vệ dưới đất: nước nghèo chịu thiệt!“.


[1] WIPO, Traditional Knowledge https://www.wipo.int/tk/en/tk/#:~:text=Traditional%20knowledge%20(TK)%20is%20knowledge,its%20cultural%20or%20spiritual%20identity.

[2] Bản án số 213/2014/DS-ST ngày 14/08/2014 Về vụ án tranh chấp quyền SHTT của tòa án nhân dân quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

[3] Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia (New York: Basic Books, 1974) trang 175.

[4] James Boyle, “The Second Enclosure Movement and the Construction of the Public Domain” LAW & CONTEMP. PROBS (66) (Winter/Spring 2003), trang 36.

Leave a Reply