Giới thiệu sách: “Pháp luật quốc tế về sáng chế, giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc ở một số quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm cho Việt Nam”

Một năm sau khi quyển sách chuyên khảo đầu tay bằng tiếng Anh ra đời, mình đã bắt tay vào viết một quyển sách với nội dung tương tự bằng tiếng Việt. Mình mong rằng bạn đọc trong nước sẽ biết thêm một vấn đề tương quan giữa IP và dược phẩm. Trải qua gần một năm trời sau khi bị nhiều NXB từ chối, rất may mắn là NXB Tư Pháp đồng ý xuất bản mà mình không phải tự bỏ chi phí. Sách của mình chính thức ra lò vào tháng 12/2022. Đây không hẳn là bản dịch từ quyển sách tiếng Anh mà chính xác hơn là chuyển tải dựa trên luận văn tiến sĩ của mình về sự ảnh hưởng của bằng độc quyền sáng chế đến giá thuốc như thế nào và việc bắt buộc chủ sở hữu phải chuyển giao sáng chế cho nhà nước hoặc một bên thứ ba có giải quyết được vấn đề này không.

Khác với luật hôn nhân gia đình hay những mảng luật mang tính “bản địa”, luật SHTT hoàn toàn là một phát minh từ phương Tây với sự ảnh hưởng của mỗi nước lên mỗi địa hạt khác nhau. Nếu đối với quyền tác giả, phần bản quyền (quyền được sao chép) là trái tim của luật Anh và sau đó xuất khẩu sang các nước thuộc địa; trong khi đó phần quyền nhân thân là con đẻ của nước Pháp, sáng chế là vùng đất chịu sự ảnh hưởng của Anh – Mỹ – Đức. Vì lý do đó, thật không dễ dàng để chuyển tải những thuật ngữ pháp lý sang tiếng Việt một cách trơn tru và ngắn gọn. Bằng tất cả khả năng, mình đã làm cố gắng để truyền tải kiến thức chuyên môn một cách dễ hiểu nhất. Đương nhiên là nếu sách có thể tái bản lần nữa thì mình có thể làm tốt hơn (chẳng hạn như rút gọn những câu không cần thiết, hay bổ sung những chi tiết lịch sử nhiều hơn), nhưng mình khá tự tin rằng, một bạn đọc không biết gì về đề tài này đều có thể hiểu được câu chuyện mình muốn kể.

Mâu thuẫn giữa hệ thống sáng chế và thuốc được xem là “kịch liệt nhất, đôi khi gây chia rẽ và có khả năng gây bùng nổ” mà chúng ta đã thấy qua việc phân phối vaccine trong dịch Covid-19. Trong khi các nhà hoạt động dân sự cho rằng, độc quyền sáng chế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá thuốc tăng cao nên người dân những nước nghèo không thể mua được thuốc, các công ty dược phẩm lại xem sáng chế như là một cái khiên để bảo vệ hoạt động kinh doanh và nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, thuốc lại là một sản phẩm đặc biệt. Một mặt, nó tuân theo quy luật cung cầu, nhưng mặt khác thuốc là nhu cầu thiết yếu của con người, bất kỳ ai cũng phải có quyền tiếp cận với chúng bất kể mức độ giàu nghèo như thế nào.

Xuyên suốt quyển sách, mình thỉnh thoảng đặt ra những câu hỏi để bạn đọc cùng suy ngẫm như, tại sao luật sáng chế ban đầu chỉ quy định thời gian bảo hộ là 14 năm, mà không phải là 10 hay 15 năm? Đọc quyển sách này bạn đọc sẽ hiểu hơn đâu là ba quốc gia được xem là cha đẻ của luật sáng chế hiện đại, hay tại sao ngành dược phẩm lại nhạy cảm với sáng chế như vậy?

Quyển sách của mình có dành một chương kể lại quá trình thương thảo hiệp định TRIPS và theo quan điểm của mình, hiểu về TRIPS chính là nắm được tinh thần cốt lõi của hệ thống SHTT hiện đại. Một cách gián tiếp, bạn sẽ hiểu được, chẳng hạn tại sao TRIPS lại không có quyền nhân thân? Bằng cách nào TRIPS đã bắt buộc việc cung cấp sáng chế cho tất cả mọi lĩnh vực nếu sáng chế đáp ứng yêu cầu?

Ưu điểm của quyển sách này (ngoài ngôn ngữ) là nó gần với luận án của mình nhất, trong khi bản tiếng Anh thì mình phải loại bỏ những phần mà mình đã xuất bản ở những nơi khác. Nhược điểm của bản tiếng Việt là có một vài tình tiết bị cắt đi, bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra bối cảnh chính trị mà mình có nhắc đến trong chương Thái Lan. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho hoạt động cấp giấy phép bắt buộc gây ra nhiều tranh cãi.

Xin chia sẻ với mọi người lời tựa viết bởi luật sư Lê Xuân Lộc, luật sư thành viên công ty luật về SHTT Tilleke and Gibbins

Đây là review của một bạn luật sư chuyên về nhãn hiệu. Và sách của mình cũng đã xuất hiện trong mục Book Review của tạp chí Luật Quốc Tế Châu Á của NXB ĐH Cambridge.

Hình dưới là tin nhắn của một bạn luật sư khác:

Mọi người có thể đặt mua bằng cách order qua link sau đây. Nhân viên NXB Tư Pháp sau đó sẽ liên hệ qua số điện thoại mà bạn đã cung cấp để xác nhận đơn hàng. Hy vọng bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong quyển sách nhỏ của mình.

Leave a Reply