PhD Luật ở Anh Quốc: Những Vấn Đề Then Chốt (Phần 1)
Gần đây, mình lại có dịp trò chuyện với một số bạn đang quan tâm đến việc học tiến sĩ (PhD) luật tại Anh. Bài viết dưới đây tổng hợp lại những thắc mắc mà các bạn đã hỏi mình, hy vọng rằng nó sẽ hữu ích cho các bạn có những trăn trở tương tự.
1. Vấn đề đầu tiên “tiền đâu”?
Khác với nhiều ngành và nhiều nước nơi mà sinh viên PhD được xem là nhân viên và được trả lương cho việc nghiên cứu, việc tìm kiếm học bổng toàn phần cho PhD luật tại Vương quốc Anh hiện tại rất khó khăn, đặc biệt khi bạn đề xuất dự án PhD dựa trên ý tưởng cá nhân, không phải từ đề tài do giáo sư làm chủ nhiệm. Trang web jobs.ac.uk là nguồn thông tin lớn nhất về học thuật tại Anh Quốc, và hầu hết các thông tin về học bổng và cơ hội tuyển dụng trong lĩnh vực này đều được đăng tải tại đây. Bạn nên thường xuyên theo dõi để cập nhật thông tin.
Do tình hình khan hiếm về học bổng, người học cần cân nhắc kỹ lưỡng về tài chính để đảm bảo rằng họ không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc trong quá trình học. Một số trường có thể cung cấp một hoặc hai suất học bổng vừa đủ để cover mức học phí dành cho sinh viên bản địa. (Anh Quốc có hai mức học phí: một cho sinh viên địa phương và một cho sinh viên quốc tế. Không cần phải nói thêm, sinh viên quốc tế trả một mức gấp 1.5 hoặc gấp đôi tùy theo từng trường.) Tuy nhiên, cho dù bạn nhận được học phí giảm cho sinh viên địa phương, bạn cũng cần xem xét cách để trả phần còn lại. Các thu nhập từ công việc làm thêm bán thời gian thường chỉ đủ để chi tiêu hàng ngày và tiền tiêu vặt, thay vì để tính toán học phí.
Tại một số trường, vào năm thứ hai làm PhD, bạn có thể xin trợ giảng, và mức lương của công việc này có thể trợ giúp một phần học phí còn lại. Tuy nhiên, việc trợ giảng không thường xuyên và phụ thuộc vào tài chính của từng trường, vì vậy điều này có thể thay đổi. Bạn cũng cần xem xét có thể đảm nhận việc trợ giảng các môn học mà bạn chưa từng học, điều này có thể chiếm nhiều thời gian trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, việc làm trợ giảng mang lại lợi thế là bạn sẽ có cơ hội tích luỹ kinh nghiệm giảng dạy tại Anh Quốc, điều này sẽ làm cho hồ sơ xin việc của bạn mạnh hơn, đặc biệt khi bạn dạy các môn bắt buộc.
2. Vì Sao Bạn Muốn Học Tiến Sĩ?
Học tiến sĩ là một con đường dài, có thể mất 4 – 5 năm trời. Vậy nên trước khi quyết định học tiếp, bạn nên tự hỏi vì sao bạn muốn phát triển trong con đường học thuật. Có một số lý do bạn có thể xem xét:
- Cải Thiện Tư Duy: Học tiến sĩ là cơ hội tốt để cải thiện tư duy và mở ra nhiều cách tiếp cận mới với tri thức.
- Tham Gia Cộng Đồng Học Thuật: Việc học tiến sĩ không chỉ liên quan đến nghiên cứu cụ thể mà còn là cơ hội để tiếp xúc với giới học thuật trong một thời gian đủ lâu. Nó giúp bạn thay đổi suy nghĩ và mở ra nhiều khía cạnh mới khi biết được bạn bè quốc tế đang nghiên cứu những gì, theo phương pháp nào trong lĩnh vực của bạn. Thêm vào đó, bạn có cơ hội kết nối với cộng đồng học thuật – một điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn sau này.
- Nghiên Cứu Quốc Tế: Học tiến sĩ tại nước ngoài giúp bạn nắm bắt xu hướng nghiên cứu trong lĩnh vực của mình. Bạn được tham gia vào cuộc thảo luận toàn cầu và tìm hiểu các vấn đề này trên diện rộng. Thật ra với internet ngày nay, khoảng cách địa lý không còn là một rào cản quá to lớn. Tuy nhiên, tại những môi trường học thuật tiếng tăm, bạn sẽ được hoặc có điều kiện trò chuyện trực tiếp với những chuyên gia hàng đầu và điều này giúp bạn mở ra những luồng suy nghĩ mới.
- Áp Lực Từ Thế Hệ Trẻ: Ngày nay, nhiều sinh viên trẻ muốn nghiên cứu và công bố bằng tiếng Anh. Học tiến sĩ ở nước ngoài có thể giúp bạn tự tin hơn trong việc hướng dẫn và định hướng phát triển các nhà nghiên cứu trẻ và xây dựng chỗ đứng trong nghề nghiệp của mình.
- Danh xưng (title): Nhiều người học tiến sĩ để đảm bảo sự chuyên sâu về một chủ đề cụ thể, và họ muốn được gọi là tiến sĩ về chủ đề đó.
3. Quy trình nộp đơn và chuẩn bị đề cương nghiên cứu (proposal)
Thường thì quy trình này kéo dài một năm hoặc lâu hơn, từ lúc bạn bắt đầu viết proposal cho đến khi bạn nhận được thư chấp thuận. Thời gian có thể kéo dài thêm nếu bạn đang xem xét việc nộp đơn xin học bổng. Vì vậy, bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
Không có vấn đề gì nếu bạn nghiên cứu một chủ đề khác với những gì bạn làm khi học thạc sĩ. Mặc dù việc nghiên cứu trên cùng một chủ đề có thể rút ngắn thời gian làm PhD của bạn, nhưng điều này không quan trọng đối với việc bạn có được nhận làm PhD hay không.
Trong proposal, điểm quan trọng nhất là (các) câu hỏi nghiên cứu (research question(s)). Ban đầu, bạn không cần phải đưa ra một câu hỏi cụ thể và hoàn chỉnh ngay lập tức, nhưng câu hỏi nghiên cứu ít nhất không quá rộng và không quá hẹp để đảm bảo tính khả thi và đủ để viết một luận án tiến sĩ từ 80k – 100k từ theo quy định của nước Anh.
Trong lĩnh vực luật, một lựa chọn phổ biến là so sánh luật Việt Nam với luật nước ngoài. Điều này cho phép bạn tận dụng kiến thức bản địa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chọn nghiên cứu các nền tài phán khác để mở rộng kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý trong đề cương rằng bạn sẽ giải quyết vấn đề ngôn ngữ như thế nào nếu bạn nghiên cứu một nước không nói tiếng Anh và bạn không hiểu ngôn ngữ khu vực đó.
Ngoài các yếu tố trên, có một số yếu tố khác mà bạn cần xem xét như tính mới (original), tiềm năng phát triển trong tương lai, liệu đề tài này có thể giúp bạn tạo dựng chỗ đứng trong lĩnh vực học thuật, liệu bạn có thể viết một quyển sách mang tính phổ thông đại chúng, bên cạnh những tài liệu học thuật, nếu đó là ý định của bạn. Liệu rằng bạn có thể tích hợp nghiên cứu vào công việc giảng dạy (research-led teaching) sau này nếu bạn muốn làm việc trong các trường đại học tại Anh Quốc sau khi hoàn thành tiến sĩ?
Hãy lưu ý tính “bền vững” của đề tài và cân nhắc xem liệu có sự thay đổi đáng kể nào trong suốt thời gian 5 năm (hoặc hơn) làm nghiên cứu của bạn hay không. Nếu có, bạn cần sự chuẩn bị cho thay đổi đó, vì bạn không muốn khi gần đến lúc bảo vệ, đạo luật bạn nghiên cứu bị thay thế hoặc trở nên lỗi thời hoặc một công nghệ là đối tượng nghiên cứu đi xuống.
Về hình thức của đề cương: Bạn không cần phải tùy chỉnh proposal dựa vào giáo sư hướng dẫn nếu đây là dự án độc lập của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn nộp đơn vào một dự án được tài trợ, thì thay đổi hay tinh chỉnh đề cương là điều cần thiết.
4. Tìm giáo sư hướng dẫn
Tầm quan trọng của mối quan hệ với giáo sư hướng dẫn thì mình đã nhắc đến trong post này. Bài viết hôm nay tập trung vào giai đoạn tìm hiểu người thầy/cô trước khi bạn được nhận. Trong email đầu tiên, bạn không cần phải viết quá dài vì mục đích lúc này là bạn cần đảm bảo họ có khả năng hướng dẫn bạn và không có kế hoạch chuyển việc, chuyển trường, hoặc về hưu. Sự nhiệt tình và sự tận tâm của giáo sư đóng vai trò then chốt trong sự phát triển nghề nghiệp của bạn nên hy vọng trong một, hai email trao đổi ban đầu, bạn sẽ cảm nhận sự hứng thú của giáo sư đối với đề tài của mình.
Đa số giáo sư sẽ trả lời email của bạn dù họ đồng ý hay không. Không nhiều người sẽ giúp bạn chỉnh sửa proposal vì không chắc bạn sẽ ở lại làm việc với họ.
Trong trường hợp đề cương nghiên cứu bị từ chối, bạn có thể cân nhắc những bước tiếp theo. Nếu việc từ chối xuất phát từ lý do không phù hợp với hướng nghiên cứu của người hướng dẫn, đơn giản là bạn phải tìm một người khác. Nếu giáo sư từ chối vì đề tài không có tính mới, bạn có thể sử dụng phản hồi để hoàn thiện proposal và nộp vào các trường khác. Đừng lo lắng vì đôi khi tính mới trong lĩnh vực luật phụ thuộc vào quan điểm của từng giáo sư. Chẳng hạn như đề cương của mình từng bị Đại học Manchester từ chối nhưng một giáo sư bên Birmingham nghĩ điều ngược lại. Tuy nhiên, mình không thể theo học vào thời điểm đó vì mình không thể xin được một suất trợ giảng để đảm bảo tài chính.
Bạn hãy nhớ rằng các trường đại học có thể có những chính sách và cơ hội tài trợ khác nhau, vì vậy nếu một trường từ chối bạn, biết đầu trường khác sẽ đánh giá đề tài của bạn khác biệt.
(Phần 2)