PhD luật – Những vấn đề then chốt (P2)

PhD liên ngành

Nếu bạn có ý định làm PhD liên ngành, điều đầu tiên bạn nên cân nhắc đó là bạn sẽ cần đến hai giáo sư hướng dẫn, mà vai trò của họ đối với PhD của bạn gần như tương đương, thay vì một chính một phụ như trong các trường hợp nghiên cứu đơn ngành. Nếu ví mối quan hệ giữa một sinh viên PhD và giáo sư hướng dẫn là một cuộc hôn nhân có thời hạn, việc có đến hai người như vậy chẳng khác gì bạn đang chung sống với hai người bạn đời! Ngay cả khi chưa bàn đến việc xây dựng và duy trì quan hệ với hai giáo sư, khó khăn đầu tiên mà các bạn nên nghĩ đến là làm sao để tìm được một trường có cả hai supervisors đồng ý hướng dẫn luận án của bạn. Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

a man angry in a workplace
Chuyện ba người. Photo by Yan Krukau on Pexels.com

Sẽ thuận tiện hơn rất nhiều nếu việc tìm kiếm supervisor diễn ra khi bạn đang theo học bằng thạc sĩ vì ít nhất bạn sẽ có cơ hội tiếp cận, hỏi thăm những thầy cô có thể hướng dẫn cho đề tài của bạn. Chẳng hạn, một sinh viên của mình chọn nghiên cứu liên ngành về gen và sáng chế vì bạn đã từng theo học ngành cử nhân sinh học tại trường hiện tại. Vì vậy, bạn không gặp quá khó khăn để nhận được một cái gật đầu từ người hướng dẫn tại khoa này. Nếu bạn quyết tâm làm PhD liên ngành, bạn nên bắt đầu tìm kiếm giáo sư hướng dẫn càng sớm càng tốt.

Nếu chưa từng học luật, liệu bạn có thể làm PhD luật được không?

Câu trả lời là “có thể”, tuy nhiên trường hợp này rất đặc biệt, đa phần rơi vào các trường hợp là các học giả đã có kinh nghiệm nghiên cứu và xuất bản dày đặc. Nên lúc này tấm bằng tiến sĩ chủ yếu hợp thức hóa năng lực của ứng viên, hơn là việc đào tạo người này trở thành nhà nghiên cứu độc lập. Rất nhiều các giáo sư hướng dẫn, kể cả mình sẽ rất ngần ngại nếu như một bạn nộp hồ sơ xin làm PhD lại chưa từng học luật, dù là bậc cử nhân hay thạc sĩ vì những đặc thù cố hữu của ngành này.

Luận án tiến sĩ luật nặng tính lí thuyết, trích dẫn dày đặc và trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, việc trích dẫn án lệ cực kì quan trọng. Nếu một bạn chưa từng trải qua việc viết luận, làm luận văn ở bậc thạc sĩ, trừ khi hồ sơ của ứng cử viên đã có những nghiên cứu đã được xuất bản trên các tạp chí uy tín chuyên ngành và một đề cương khá hấp dẫn, thật sự rất khó thuyết phục một giáo sư đồng ý hướng dẫn. Nếu bạn vẫn quyết tâm dấn thân vào con đường này và nhận một cái gật đầu từ ai đó, bạn phải nỗ lực gấp nhiều lần để bù vào những khoảng trống kiến thức mà mình không có điều kiện học hỏi từ trước. Nếu không, sẽ rất khó để bạn hoàn tất hành trình học thuật.

“Original contribution”

Có thể nói, điều khó nhất và quan trọng nhất của một nghiên cứu khoa học là làm sao để tác giả giải thích được đóng góp mang tính “original” của nghiên cứu của mình. “Original contribution” không chỉ là là tiêu chuẩn để cấp bằng tiến sĩ cho một người, mà câu hỏi “what is your original contribution to the field?” sẽ là điều đi theo các học giả trong suốt quãng đời nghiên cứu, bất kể khi bạn đi phỏng vấn xin việc, viết bài nghiên cứu khoa học hay “xin” tài trợ.

Các bạn PhD thậm chí còn gặp khó khăn hơn vì có thể đối với một số người, năng lực cũng như kinh nghiệm nghiên cứu vào thời điểm làm proposal chưa đủ độ dầy để bạn hiểu một cách tường tận tính “original” của đề tài của mình. Thêm vào đó, bản thân ngành luật không phải là một ngành khoa học mang tính “đột phá” cao như những ngành như y sinh hay khoa học ứng dụng để chúng ta có thể lượng hóa (quantify) đóng góp của mình một cách rõ ràng. Ngoài ra, đối với những ngành khoa học xã hội, bạn không nên có kỳ vọng (hay ảo tưởng?) nghiên cứu của mình sẽ dẫn đến một sự thay đổi các mô hình cơ bản và ngay lập tức trong lĩnh vực này.

Hiểu sao cho đúng về “original contribution”? Đầu tiên, thật khó để dịch khái niệm này sang tiếng Việt một cách hoàn chỉnh. “Original” trong ngữ cảnh này mang ý nghĩa gần như tương tự khái niệm “original” trong luật bản quyền (tính nguyên gốc) nhưng không hẳn như là vậy, vì nếu tính nguyên gốc còn thay đổi tùy theo từng trường phái và có hàm lượng sáng tạo thấp, “original contribution” của một PhD lại có ngưỡng cao hơn.

Tiếp theo, “original contribution” có thể hiểu một cách nôm na nghiên cứu mang tính “mới”. Nhưng không có nghĩa PhD của bạn phải là một phát minh chưa có tiền lệ hay một nghiên cứu chưa ai làm và các bạn phải là người đầu tiên nói về nó, như nhiều bạn đã nghĩ. Tính “mới” có thể là một góc nhìn mới đối với những vấn đề mà chúng ta đã “biết”, hoặc cách bạn kiểm tra lại những giả thuyết trong các môi trường/khu vực tài phán khác nhau, hay thậm chí bổ sung (hoặc phản bác) một học thuyết trước đó.

Đừng quên rằng, bạn làm PhD không phải để hướng tới giải Nobel! (but if you do, it is good for you!)

Bước đầu tiên mà một nghiên cứu sinh cần nhận ra rằng, đó là một luận án hay một nghiên cứu khoa học sẽ được xây dựng dựa trên công trình nghiên cứu của rất nhiều người đi trước. Vậy nên đóng góp sau này mang tính “original” chỉ là một phần nhô ra nhỏ xíu mà chúng ta phải dùng kính lúp phóng đại mới nhìn ra được như hình minh họa của Giáo sư Matt Might.

Cuối cùng, như chưa đủ để làm nghiên cứu sinh đau khổ, việc chứng minh “original contribution” không đến từ giáo sư hướng dẫn, hay người phản biện mà tùy thuộc vào sự nhận thức và khả năng diễn giãi của từng cá nhân. Sẽ không ai nói với bạn rằng đây chính là “original contribution” của nghiên cứu của bạn, mà hơn ai hết, chính bạn là người phải không ngừng nghĩ về nó. Bạn cần phải giữ tập trung cao độ để không quên sự đóng góp của mình để có thể bảo vệ và giữ nó ở trong tâm trí giữa trùng trùng điệp điệp nghiên cứu trước đó và đương thời. Điều này đặc biệt quan trọng hơn khi chúng ta ngày càng trở nên mất tự tin. Sự hoang mang xuất hiện khi ta xắn tay đọc tài liệu và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ta so sánh kết quả của mình với tầm quan trọng của các nghiên cứu khác.

Leave a Reply