Những quyển sách giúp bạn viết tốt tiếng Anh
Viết là một kĩ năng vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất đối với những ai muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu dài lâu. Đặc biệt trong ngành khoa học xã hội như luật, nơi mà câu chữ gần như là “vũ khí” duy nhất để một học giả bày tỏ quan điểm, thuyết phục người khác, tạo dựng tên tuổi, kĩ năng viết cần phải mài dũa hàng ngày để trở thành vũ khí sắc bén. Giáo sư hướng dẫn luận văn của mình, một luật sư người Irish cũng nhắc nhở rất nhiều : Kĩ năng viết là kĩ năng phải rèn luyện suốt đời.
Viết rõ ràng và mạch lạc không phải là một “đặc quyền” dành cho các bạn bản địa. Đây là điều mình có thể xác nhận thông qua việc chấm bài luận của các bạn sinh viên hệ cử nhân hay thạc sĩ. Nhưng đa phần các bạn viết tốt là những bạn trưởng thành trong môi trường học tập theo hệ thống Anglo-Saxon (Anh, Mỹ, Úc, Canada…). Cũng không có gì quá khó hiểu, khi xuất bản nghiên cứu bằng tiếng Anh được xem là chuẩn mực của công bố quốc tế. Đối với những ai không có may mắn trui rèn trong môi trường giáo dục này, rào cản ngôn ngữ cộng thêm nền tảng giáo dục là những trở ngại vô cùng lớn ảnh hưởng đến kĩ năng viết của một người.
Đây là một chủ đề không thể chỉ nói hết trong một bài blog và cũng không có con đường tắt nào để giúp bạn viết tốt chỉ sau một thời gian ngắn, tuy nhiên mình vẫn muốn giới thiệu đến các bạn những quyển sách mà mình đã đọc và áp dụng để nâng cao kĩ năng viết của bản thân. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn phần nào.
“The Elements of Style” by William Strunk Jr. and E.B. White:
Đây là một quyển sách cổ điển về ngữ pháp và phong cách tiếng Anh, cung cấp các quy tắc cần thiết để viết rõ ràng và hiệu quả. “The Elements of Style” được viết lần đầu bởi William Strunk Jr. vào năm 1918 và sau đó đã được sửa đổi và mở rộng, với một trong những ấn bản phổ biến nhất là ấn bản được sửa đổi bởi E.B. White và xuất bản năm 1959.
Elements cổ vũ phong cách viết ngắn gọn và rõ ràng, hoàn toàn trái ngược với văn phong phức tạp mà chúng ta thường thấy trong nhiều nghiên cứu học thuật. Quyển sách này bao gồm các chủ đề tưởng chừng như rất đơn giản ngữ pháp, dấu câu, cấu trúc câu và bố cục nhưng mình khuyên các bạn nên cẩn thận đọc hết. Không phải tự nhiên mà Elements được sử dụng rộng rãi trong môi trường giáo dục, đặc biệt là trong các khóa học viết, bất chấp sự thật rằng nó được viết cách đây hơn một thế kỷ. Những nguyên tắc vượt thời gian của Element mà mình tin là người viết ở bất kỳ thời đại nào cũng có thể áp dụng vào tác phẩm của mình.
Quyển sách đơn giản tới nỗi bạn nghĩ bạn có thể bỏ qua vì cho rằng bản thân đã nằm lòng những quy tắc ngữ pháp này rồi. Nhưng mình thành thật khuyên bất kì ai có suy nghĩ này là hãy đọc trọn vẹn Elements vì biết đâu bạn sẽ phát hiện ra những lỗi ngữ pháp và cấu trúc khiến cho câu văn trở nên trúc trắc và ảnh hưởng đến trải nghiệm của người đọc. Một quyển sách có thể duy trì sự nổi tiếng trong một thời gian dài khi mà thị trường không thiếu những quyển sách dạy viết ắt hẳn phải có những giá trị của riêng nó.
“Style: Lessons in Clarity and Grace” by Joseph M. Williams (12th edn)
Nếu Elements mang đến những khái niệm cơ bản, xây dựng nền tảng vững chắc khi bước vào quá trình học viết, Style chủ yếu tập trung vào quá trình biên tập và chỉnh sửa. Đây là một cuốn sách được đánh giá cao về cách viết và phong cách, do Joseph M. Williams viết và Joseph Bizup hiệu đính. Cùng với Element, Style thường được sử dụng làm sách giáo khoa trong các khóa học viết và được khuyên dùng cho bất kì ai muốn cải thiện kỹ năng viết. Vì Style tập trung vào việc biên tập, quyển sách này sẽ phù hợp với độc giả đã viết được ở một trình độ nhất định và có mong ước làm sao cho tác phẩm của mình trở nên rõ ràng và mạch lạc hơn.
Những bài học Style đưa ra đặc biệt phù hợp với các bạn không hoặc chưa có điều kiện trải qua môi trường học tập theo hệ Anglo-Saxon. Ví dụ, Style khuyên người viết nên đưa nhân vật (characters) vào vị trí chủ ngữ và sử dụng hành động (actions) làm động từ vì điều này khiến cho não của người đọc vận hành một cách trơn tru. Đa phần các bài nghiên cứ học thuật ít sử dụng nhân vật mà thay vào đó sử dụng thể bị động hay danh từ hóa các động từ (-ion; -ity; -ism) làm chủ ngữ. Điều này nếu xảy ra thường xuyên và không có chủ đích sẽ khiến câu văn, đoạn văn, hay rộng hơn là tác phẩm thiếu sức sống, khiến người đọc dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Một bài học khác của Style mà mình vô cùng tâm đắc và ước gì có ai đó nói cho mình biết sớm hơn đó là, bạn nên bắt đầu câu bằng những thông tin quen thuộc với người đọc và kết thúc câu bằng những thông tin mà người đọc không thể đoán trước được. Nếu làm trái ngược lại, bạn bắt não của độc giả phải hoạt động vất vả hơn mức cần thiết và khiến cho thông điệp mà tác phẩm muốn gởi đi bị chìm giữa rừng câu chữ.
Chương cuối cùng của Style, “Ethics” tập trung vào khía cạnh đạo đức trong việc viết lách. Mặc dù phần lớn chúng ta đều muốn viết rõ ràng, nhưng tác giả chỉ ra rằng, viết mơ hồ có thể là kết quả ngoài ý muốn hoặc cố ý định hướng sai. Tác giả đưa ra nhiều ví dụ về việc sử dụng thể bị động khi người viết muốn “giấu” chủ ngữ, đặc biệt khi “chủ ngữ” là nhân vật phải chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình. Nguyên tắc đầu tiên của việc viết có đạo đức: Hãy viết cho người khác như cách bạn muốn người khác viết cho bạn.
Stylish Academic Writing by Helen Sword
So với Style, Stylish đưa kĩ năng viết của bạn lên một tầm cao hơn, dạy bạn cách chơi đùa với câu chữ, cách đặt tiêu đề hấp dẫn, cách viết câu sống động trong lĩnh vực học thuật. Viết nghiên cứu học thuật từ lâu bị cho là nhàm chán, khô khan, khó hiểu. Điều này có thể xuất phát từ quan điểm tháp ngà trong học thuật và vì vậy một bài viết càng khó hiểu thì càng được đánh giá cao?
Các tạp chí giáo dục đại học có giữ độc quyền về tình trạng viết ảm đạm như thế này không, tôi bắt đầu tự hỏi, hay những bài viết này chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ liên ngành? Tôi không mất nhiều thời gian để xác nhận những câu khoa trương tương tự có thể được tìm thấy trong các bài viết được bình duyệt hàng đầu của các tạp chí về bất kỳ lĩnh vực học thuật nào—không chỉ trong khoa học xã hội mà còn trong các ngành nhân văn như lịch sử, triết học, và thậm chí cả môn văn học trong lĩnh vực của tôi, nơi các học giả tự hào về khả năng ngôn từ của họ. Tôi tự hỏi: Chính xác thì chuyện gì đang xảy ra ở đây? Có phải các học giả đang được đào tạo rõ ràng để viết những câu trừu tượng, phức tạp? Hay là có một cuốn sách hướng dẫn cho sinh viên tốt nghiệp đã nói, “Bạn không được viết rõ ràng hay chính xác” hoặc “Bạn không được thể hiện cá tính hay niềm vui trong bài viết của bạn” hoặc “Bạn không được thể hiện sự độc đáo trong suy nghĩ hoặc cách diễn đạt”? Liệu rằng đồng nghiệp của tôi thực sự thích đọc nội dung này?
Nhìn chung, nghiên cứu của tôi mô tả một thế giới học thuật trong đó văn xuôi hàn lâm dài dòng, khô khan và sử dụng ngôn từ yếu kém, ít nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, nhưng lại có rất nhiều người thực hành. Tin tốt là chúng ta có khả năng thay đổi đường biên của bản đồ đó, từng xuất bản một – nếu chúng ta lựa chọn. Các chương tiếp theo phục vụ hai đối tượng viết học thuật: những người luôn muốn tạo ra những nghiên cứu thú vị, dễ tiếp cận và những người chỉ thỉnh thoảng muốn vượt qua cây cầu này. Luôn có chỗ cho các báo cáo kỹ thuật của nhà nghiên cứu, các cuộc tranh luận tế nhị của triết học gia phân tích và những suy tư phức tạp của nhà lý thuyết hậu cấu trúc; mỗi thể loại này phục vụ một mục đích trí tuệ quý báu và tiếp cận được số ít khán giả đánh giá cao những nghiên cứu này. Tuy nhiên, tất cả các học giả đều cần tương tác với khán giả đại chúng ở một mức độ nào đó, chẳng hạn khi mô tả công việc của họ trước các tổ chức tài trợ, ủy ban thăng cấp đại học, đồng nghiệp khoa học, sinh viên đại học hoặc công chúng không thuộc lĩnh vực học thuật.
Stylish Academic Writing by Helen Sword
Stylish xóa tan quan niệm hoang đường rằng bạn không thể được xuất bản nếu không viết văn xuôi dài dòng, thiếu cá tính, tác giả cho thấy các biên tập viên tạp chí và độc giả hoan nghênh tác phẩm tránh dùng biệt ngữ và trừu tượng quá mức như thế nào. Phân tích của Sword về hơn một nghìn bài báo được bình duyệt trên nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy một khoảng cách đáng kinh ngạc giữa cách các học giả thường mô tả bài viết hay và văn xuôi khoa trương mà họ thường xuyên tạo ra.
Dưới góc độ cá nhân, đây là quyển sách mở đường cho lối viết sống động và dễ tiếp cận độc giả mà bản thân mình đã áp dụng đối với bài nghiên cứu gần đây nhất: Soviet Legacy of Vietnam’s Intellectual Property Law: Big Brother is (No Longer) Watching You đăng trên tạp chí Luật so sánh châu Á. Tính hiệu quả của Stylish đã được minh chứng không chỉ qua việc công trình của mình được công bố mà còn thông qua việc hai bình duyệt cho rằng phong cách viết của mình cực kì dễ đọc (highly readable). Các bạn sinh viên đều cho rằng bài viết dễ hiểu đặc biệt đối với một chủ đề khô khan như pháp luật Soviet. Quan trọng hơn hết, bài nghiên cứu thu hút các bạn đọc ngoài ngành, chứng tỏ rằng chúng ta hoàn toàn có thể tăng sức lan tỏa của một nghiên cứu bằng cách chọn thay đổi hình thức thể hiện.
Lời kết
Điều mình thích nhất ở Style và Stylish là ngoài những ví dụ cụ thể, những bài tập mà người học viết có thể làm theo, cả hai quyển sách đều đặt người đọc vào trọng tâm của việc viết lách, một điều mà mình ít thấy ở các sách dạy viết khác. Một khi chúng ta giữ người đọc ở vị trí đó, chúng ta sẽ không ngừng tự hỏi bản thân, liệu người đọc có hiểu ý định chúng ta muốn truyền tải không?
Chúng tôi nợ độc giả một nghĩa vụ đạo đức là viết văn xuôi chính xác và có sắc thái, nhưng chúng tôi không nên cho rằng họ nợ chúng tôi một khoảng thời gian vô hạn để giải nén nó.
“Style: Lessons in Clarity and Grace” by Joseph M. Williams (12th edn)
Chúng ta thấy những gì chúng ta nghĩ chúng ta đã nói và chúng ta đổ lỗi cho độc giả vì họ không hiểu chúng ta giống cách chúng ta hiểu về bản thân mình.
“Style: Lessons in Clarity and Grace” by Joseph M. Williams (12th edn)
Một độc giả chăm chỉ có thể suy luận rằng “this” và “it” được sử dụng như một cách viết tắt để chỉ một điều gì đó giống như […] (ví dụ trước đó). Nhưng tại sao chúng ta phải làm việc chăm chỉ đến như vậy? Điều này không phải là trách nhiệm của tác giả, chứ không phải của chúng ta, để làm cho ý nghĩa của câu trở nên rõ ràng sao?
Stylish Academic Writing by Helen Sword
Ngoài những tài liệu trên, bạn có thể tham khảo những bài viết và nguồn sau đây để từng bước bước sang cây cầu viết học thuật tao nhã, như tác giả Helen Sword đã ví von:
Dancing With Professors: The Trouble With Academic Prose
George Orwell: Politics and the English Language
Blog của GS Pat Thomson về nghiên cứu, viết học thuật, tất cả những gì liên quan đến học thuật mà bạn cần biết, đặc biệt hữu ích cho các bạn muốn làm PhD, đang làm PhD và những học giả chưa nhiều kinh nghiệm.