Book review: Lean In
LEAN IN (Bản dịch tiếng Việt: DẤN THÂN) của tác giả Sheryl Sandberg, cựu giám đốc điều hành (Chief Operating Officer – COO) của Facebook xuất bản vào năm 2013 là một quyển sách khá có tiếng trong giới công nghệ như Facebook, Google, Microsoft vì nhiều lý do:
1. Nó được chắp bút bởi một nữ lãnh đạo trong lĩnh vực này – một điều khá hiếm hoi.
2. Sheryl không chỉ là nữ lãnh đạo mà còn là lãnh đạo ở Facebook.
3. Thông điệp truyền cảm hứng khuyến khích phụ nữ đạp đổ những rào cản trong công việc cũng như gia đình. Rào cản này có thể xã hội dựng nên và cũng có thể đến từ bản thân mỗi người.
Năm 2008, khi cô được bổ nhiệm làm COO tại Facebook, Sheryl trở thành quan chức cấp cao thứ hai của công ty. Trước khi gia nhập Facebook, Sandberg là phó chủ tịch điều hành và bán hàng trực tuyến toàn cầu tại Google. Trước đó, cô từng là chánh văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Lawrence Summers.
Đối với mình, Lean In hấp dẫn vì Sheryl đưa ra những ví dụ thực tế từ cô và những người phụ nữ xung quanh cô mà mình nhìn thấy bản thân mình và những người quen trong đó.
Phụ nữ đánh giá thấp bản thân hơn những gì chúng ta có, trong khi đàn ông thì ngược lại đánh giá họ cao hơn thực lực. Vậy nên trong rất nhiều trường hợp phụ nữ không chủ động nắm bắt cơ hội vì sợ mình chưa đủ giỏi, chưa đủ năng lực đảm nhận một vị trí cao hơn. Đàn ông thì khác. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ chỉ nộp đơn tuyển dụng nếu họ cảm thấy họ đáp ứng 100% tiêu chí mà quảng cáo đưa ra, trong khi con số này ở đàn ông chỉ có 60%.
Sheryl kể rằng khi bộ phận của cô có tuyển vị trí mới, ngay lập tức cánh đàn ông gõ cửa phòng cô để bày tỏ hứng thú tuyển dụng. Ngược lại một số phụ nữ được đề bạt chức vụ đã thoái thác vì cho rằng “mình còn nhiều điều học hỏi thêm”. Đọc tới đây, mình sực nhớ đến tình huống của chồng mình. Khi công ty anh chàng thông báo tuyển dụng một vị trí cấp cao, chồng mình không ngần ngại gõ cửa sếp ngay khi biết tin và bảo rằng anh quan tâm đến vị trí này.
Ngược lại, mình đã bỏ lỡ một cơ hội chỉ vì cho rằng mình chưa đủ giỏi. Năm 2019, khi mình mới bắt đầu công việc giảng dạy đầu tiên chưa được bao lâu thì mình nhận được lời mời của một công ty luật muốn mình ứng tuyển vào vị trí chuyên gia kiểm định độc lập cho một vụ tranh chấp giữa một tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới và phía bên kia là chính phủ của một quốc gia. Với vị trí này, nếu được chấp nhận, mình sẽ ra tòa thương mại quốc tế làm chứng và đưa ra những phân tích pháp lý. Mình đã phấn khích vô cùng, nhưng khi những giây phút ấy qua đi, mình quyết định… từ chối! Vì tranh chấp thuộc về mảng đầu tư KHÔNG thuộc về lĩnh vực chuyên môn của mình, nên mình SỢ HÃI rằng bản thân không đảm đương nổi. Mặc dù lúc đó mình có tự an ủi là mình đang có quyển sách cần hoàn thành xong (nhưng thật sự đến năm 2021 quyển sách mới được xuất bản), rằng mình cần phải học hỏi thêm, bla, bla, bla…
Khi mình chia sẻ điều này với một đồng nghiệp nữ người Hy Lạp, cô bạn ấy đã bảo “tranh chấp pháp lý đó rốt cuộc chỉ là vấn đề hợp đồng mà thôi!” và cô ấy cho rằng mình hoàn toàn có thể đảm nhận công việc. Điều này khiến bụng mình giật thót và mình nhận ra rằng, mình chưa hiểu đúng về vấn đề, dẫn đến việc đánh mất một cơ hội mà không biết nó có đến một lần nữa không. Đây là một trong những điều hiếm hoi mà mình ân hận mỗi khi nghĩ về.
Sheryl có nói một câu khiến mình vô cùng tâm đắc, khả năng mà một người lãnh đạo cần nhất chính là khả năng tự học. Vài năm sau, khi mình đi dạy nhiều, mình đã dạy cả những phần mà mình chưa biết tường tận bao giờ. Nhưng với khả năng tự học – tự nghiên cứu của một người đã hoàn thành xong chương trình tiến sĩ, mình đã vượt qua những khó khăn đó dễ hơn so với sự tưởng tượng ban đầu của bản thân. Và khi nghĩ lại lời từ chối ngày đó, mình tiếc nuối vô cùng vì mình đã từ bỏ khá sớm, thậm chí trước khi mình nộp hồ sơ dự tuyển. Mình lẽ ra có thể gặp bên công ty luật để trao đổi rồi hãy quyết định chưa muộn.
Từ sau lần đó, mình tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ từ bỏ vì sợ hãi, vì nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi. Nên khi mình chuyển sang làm ở các môi trường mới, các đồng nghiệp lớn tuổi đề xuất mình dạy những chuyên đề mình chưa làm bao giờ, mình không chỉ nhận lời mà còn phấn khích đồng ý vì biết rằng nó sẽ mở ra những cơ hội mới.
Sheryl nói rằng cô ấy đã thấy phụ nữ từ bỏ sự thăng tiến trong sự nghiệp vì gia đình, nhưng vấn đề là một số phụ nữ làm điều này quá xa trước khi phát triển cuộc sống gia đình. Không chỉ phụ nữ ở độ tuổi tốt nhất để mang thai mà cô phát hiện ra rằng ngay cả những cô gái trẻ cũng tưởng tượng ra việc từ bỏ các lựa chọn nghề nghiệp để hướng tới cuộc sống gia đình. Có một cô gái hỏi Sheryl làm sao cân bằng giữa công việc và gia đình. Khi cuộc đối thoại trở nên cởi mởi hơn, Sheryl hỏi cô kia rằng, em đang có ý định có em bé hả? Cô kia bảo không. Vậy em chuẩn bị lấy chồng hay đang có partner? Cô kia cũng bảo không, tiết lộ rằng cô ấy thậm chí còn chưa có bạn trai. Nhưng cô ấy cứ lo xa vậy! Lời khuyên của Sheryl là “đừng từ bỏ trước khi bạn thực sự từ bỏ”. Cô nói thêm, nếu ngay cả khi bạn bầu bì, bạn còn đến 9 tháng cơ mà!
Quyển sách này bị chỉ trích khá nhiều vì người ta cho rằng Sheryl cổ vũ phụ nữ dấn thân vào môi trường doanh nghiệp độc hại thay vì chiến đấu với nó. Tùy nhận định của mỗi người, nhưng riêng mình thì không. Trước khi đọc nó, mình cứ tưởng chỉ bản thân mình gặp phải những khó khăn và định kiến về giới, chứ các bạn nữ phương Tây thì không, hoặc là ít hơn. Nhưng đọc xong thì mới biết suy nghĩ của mình không chính xác. Lean In còn khiến mình tự vấn lại bản thân để khắc phục những rào cản tâm lý bên trong để nắm bắt cơ hội.
Ngoài những vấn đề nêu trên, sách cũng tiết lộ thêm môi trường làm việc của Facebook, tính cách của Mark – ông chủ Facebook, về việc tuyển dụng và thương lượng tiền lương.