Book review: UNLAWFUL KILLINGS (Giết người trái pháp luật)
Quyển sách mà các bạn học luật và hành nghề luật không nên bỏ lỡ (xuất bản năm 2022)
Đã lâu lắm rồi mình mới đọc một quyển sách cuốn hút đến như vậy. Sự cuốn hút không chỉ đến từ vụ giết người/ngộ sát với nhiều tình tiết li kì, các cú “twist” (lật ngược) thường thấy trong các bộ phim phá án, mà sự hấp dẫn còn đến từ tính nhân văn và lòng trắc ẩn sâu sắc cũng như những trăn trở về một hệ thống pháp luật – tưởng chừng như thuộc loại văn minh bậc nhất thế giới – của tác giả. Điều này khiến mình ngốn ngấu quyển sách chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ.
Tội phạm giết người là ai? Có thể trong đầu chúng ta xuất hiện hình ảnh những kẻ được trang bị dao và súng, những băng đảng, những kẻ buôn thuốc phiện. Nhưng xuất hiện trong Unlawful Killings là những đứa trẻ vị thành viên, một người vợ, một người chồng, có khi cả hai, có khi là một người mẹ, hay là một người bạn. Động cơ giết người của họ? Nạn nhân của bạo lực gia đình, một người lính với những sang chấn tâm lý từ chiến trường, hay một người mẹ với những nỗi đau và bí mật không thể chia sẻ với ai – Liệu những điều này đủ sức bào chữa cho hành vi tước đoạt mạng sống của người khác của họ?
Sự hấp dẫn và tính nhân văn của Unlawful Killings đến từ vị trí đặc biệt của tác giả – một thẩm phán tại tòa hình sự Old Bailey của nước Anh – Bà Wendy Joseph, người đã nghỉ hưu vào năm 2022. Khi viết quyển sách này, Wendy đã 70 tuổi và đây là quyển sách đầu tay của bà. Khi được bổ nhiệm vào Old Bailey Bench vào năm 2012, Wendy là người phụ nữ duy nhất trong số 16 thẩm phán và là người phụ nữ thứ ba từng giữ một vị trí ở đó.
Bà đã viết phần giới thiệu và ba câu chuyện thử nghiệm, với mục đích chỉ là tạo ra một cuốn sách nhỏ ngắn, từ đó mọi số tiền thu được sẽ được dùng làm từ thiện. Trên thực tế, khi bản thảo cuốn sách được nộp, nó đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và được NXB Transworld mua trước vào tháng 5/2021. Việc mua lại được công bố là một cuốn sách của một “thẩm phán viết nặc danh” vì các thẩm phán đang phục vụ không được phép có tư cách cá nhân hoặc bất kỳ nguồn thu nhập nào khác.
Trong một bài phỏng vấn, cựu thẩm phán Wendy nói rằng bà rất ngạc nhiên về hợp đồng sách nhưng nó khiến bà rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi kế hoạch ban đầu của bà là nghỉ hưu ở tuổi 70 (tuổi nghỉ hưu theo luật định đối với các thẩm phán) có nghĩa là cuốn sách có thể được xuất bản dưới tên của chính bà sau khi từ chức. Tuy nhiên, vì đại dịch nên có rất nhiều vụ án bị tồn đọng. Các thẩm phán—đặc biệt là các thẩm phán như bà, có tư cách tham gia các phiên tòa xét xử tội giết người—được cho là nên ở lại tòa cho đến năm 75 tuổi. Vì không có cách nào để làm hai công việc, bà quyết định nghỉ hưu. “Bạn có thường xuyên có cơ hội để bắt đầu một sự nghiệp mới khi bạn 70 tuổi không? Thế nên bây giờ – nói thế nghe lạ quá – tôi cho rằng mình là một nhà văn.”
Unlawful Killings bóc tách sáu vụ án giết người và ngộ sát kịch tính với một ngòi bút mô tả xuất sắc. Là người trong cuộc, Wendy minh họa cảm giác của một thẩm phán xét xử các vụ án giết người và một nhân chứng cho mặt tốt và mặt xấu của con người. Đôi khi rất xấu.
Cảm giác của mình khi đọc sách là nếu có một ngày mình phải ngồi vào vị trí dành cho bị cáo, mình mong sẽ có một thẩm phán như Wendy ngồi xét xử. Bà không chỉ là một người cầm cân nảy mực, đảm bảo tính công bằng của phiên tòa mà còn là một con người thường xuyên bị đặt vào những sự lựa chọn khó khăn. Bà nên đối xử như thế nào khi một người cha bị mất con gây náo loạn trong phiên tòa? Như thế nào là một câu hỏi công bằng? Nếu sự không công bằng đến từ thái độ của người hỏi, bà có nên dừng người đó lại không, nhất là khi câu hỏi đó dành cho một đứa trẻ 9 tuổi? Nhất là khi câu hỏi đó dù mỉa mai, tàn nhẫn nhưng có thể cho chúng ta biết được sự thật, trả lại sự trong sạch cho một bị cáo? Có sự lựa chọn nào khác ngoài vô tội và có tội?
Cựu thẩm phán Wendy đã khiến mình lặng đi khi bà cho thấy một khía cạnh khác của hình phạt tư pháp, bao gồm việc bỏ tù một ai đó. Đó là những người đàn ông mà trong suốt tuổi trưởng thành của họ, họ phải sống trong một môi trường toàn đàn ông, không có phụ nữ và trẻ em, không có bất kì một tương tác bình thường nào với xã hội, không hề một lần có trách nhiệm với việc tổ chức đời sống cá nhân thường nhật của họ hoặc có thể tự mình đưa ra những quyết định. “Nếu chúng ta cho rằng những người như vậy có thể bước ra khỏi nhà tù và hòa nhập một cách liền mạch trở lại với xã hội, chúng ta đã sai. Chúng ta có thể đang tích trữ rắc rối cho chính mình”.
Unlawful Killings làm sống lại những kiến thức về luật hình sự mà mình đã từng đam mê trong những năm học đại học. Đối với những bạn học luật và hành nghề luật dù bất kì ở lĩnh vực nào, đây là cuốn sách mà bạn nên đọc bởi nó đưa bạn vào bên trong phòng xử án của một nước theo hệ thống án lệ, giải thích một cách dễ hiểu trình tự tố tụng một phiên tòa hình sự, các bước xác định khi nào một hành vi cấu thành tội giết người hay tội ngộ sát? Khi nào một người trở thành một nhân chứng? Có sự khác biệt không khi công tố viên hay luật sư bào chữa được mở đầu trình bày vụ việc? Có sự khác nhau không khi một người được tuyên bố “không có tội” thay vì “vô tội”? Liệu người đó có được xem là vô tội? Câu trả lời phức tạp hơn là bạn nghĩ! Luật pháp ở đâu nếu bồi thẩm đoàn quyết định rằng một người đáng chết vì những điều anh ta làm?
Đây là một quyển sách không chỉ mang tính giải trí cao mà còn có giá trị học thuật và nhân văn. Rất mong là một NXB nào đó ở Việt Nam có thể mua bản quyền, dịch sang tiếng Việt để Unlawful Killings đến được với nhiều người, giúp chúng ta có thêm niềm tin hơn với luật pháp (của xứ người)