Độc quyền của bằng sáng chế mạnh như thế nào?
“Không biết” vẫn “có tội”?
So với các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) khác, chủ sở hữu bằng sáng chế có độc quyền gần như tuyệt đối. Họ được quyền sản xuất, loại bỏ, đề nghị loại bỏ, sử dụng, nhập khẩu hoặc giữ sản phẩm, cho dù để thải bỏ, tiêu huỷ hay theo cách khác. Các quyền này bao trùm gần như mọi hoạt động liên quan đến sản phẩm được bảo hộ. Ở nhiều nước, mức độ kiểm soát còn cao hơn khi việc một người dù vô tình xâm phạm đến hoạt động của chủ quyền, cũng không được xem xét miễn trừ trách nhiệm (Dưới góc độ pháp luật, đây được gọi là trách nhiệm pháp lý tuyệt đối). Nói một cách đơn giản, trong luật sáng chế, “không biết” vẫn “có tội”.
Vấn đề này được minh họa thông qua phán quyết đầy tranh cãi của Canada, trong vụ việc Monsanto kiện Schmeiser. Nguyên đơn là công ty sinh học Monsanto kiện thành công một nông dân khi những cây trồng biến đổi gen kháng glyphosate được bảo hộ bởi bằng sáng chế của Monsanto được phát hiện đang mọc trên đất của bị đơn. Vì nguyên tắc trách nhiệm pháp lý nghiêm ngặt, tuyên bố của bị đơn rằng cây trồng ở đó nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta (việc nhân giống có thể xảy ra do gió hoặc côn trùng, hay có thể là bất kỳ lý do tình cờ nào đó) đều không giúp ích gì cho bị đơn. Điều quan trọng mà tòa án xem xét đó là đã có việc sử dụng trái phép sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế.
Một ví dụ khác làm sáng tỏ hơn sức mạnh của bằng độc quyền sáng chế như sau. Công ty A sở hữu bằng sáng chế về sản phẩm X, trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, cả Công ty B và nhà máy C đều là các pháp nhân được thành lập tại đây. Công ty B thuê nhà máy C để sản xuất sản phẩm tương tự hoặc giống với bằng sáng chế về sản phẩm X và bán tại Việt Nam.
Dưới góc độ Luật SHTT Việt Nam, Công ty B đã xâm phạm sáng chế của công ty A. Vậy còn nhà máy C, liệu họ có vi phạm không, trong khi việc họ đang làm chỉ đơn giản là sản xuất theo yêu cầu của B? Và khả năng cao là họ không biết về sự tồn tại của bằng sáng chế này?
Tương tự với luật pháp các nước khác, Luật SHTT Việt Nam cũng quy định rằng, sử dụng sáng chế trong thời hạn bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu là hành vi xâm phạm.[3] Việc nhà máy C biết hay không sự tồn tại của bằng sáng chế không là căn cứ để được miễn trừ trách nhiệm.
Sẽ ra sao nếu công ty B không bán sản phẩm trong nước mà xuất khẩu sản phẩm này ra nước ngoài? Để xuất khẩu sản phẩm X, công ty B sẽ cần thực hiện nhiều hành động khác nhau, trong đó bao gồm cả vận chuyển, hay lưu thông hàng hoá, tức là đã “Sử dụng sản phẩm được bảo hộ”, [4] vì vậy khả năng cao là họ sẽ vi phạm bằng sáng chế của A.
Tóm lại, khi một công ty sở hữu bằng sáng chế trên lãnh thổ Việt Nam, họ sẽ ngăn cấm được các bên khác khai thác, buôn bán, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, và nhập khẩu sản phẩm này tại Việt Nam. Đây chắc hẳn là một lợi thế cạnh tranh vô cùng to lớn. Khi công ty A mở rộng việc bảo hộ sáng chế của mình tại nhiều quốc gia khác, lợi thế kinh doanh sẽ càng lớn hơn.
Tồn tại hay không quyền sửa chữa của bên thứ ba đối với một sản phẩm bảo hộ độc quyền sáng chế?
Trong tất các các độc quyền trao cho chủ sở hữu, quyền quan trọng nhất có lẽ độc quyền “chế tạo”, “sản xuất”, hay “bào chế” sản phẩm đó. Sẽ ra sao nếu một bên sửa chữa sản phẩm này để bán? Khi nào thì “sửa chữa” được coi là đồng nghĩa với “chế tạo”? Ở nước Anh, luật sáng chế từ lâu đã công nhận rằng người mua các sản phẩm cấp bằng sáng chế phải có quyền sửa chữa các sản phẩm đó. Điều này là phù hợp với nguyên tắc về hết quyền SHTT (Exhaustion of IP rights) khi mà quyền khai thác thương mại đối với một sản phẩm cụ thể kết thúc cùng với việc bán sản phẩm đó lần đầu. Tuy nhiên, luật sáng chế cũng cần đảm bảo rằng người sửa chữa không được đi xa đến mức tạo ra sản phẩm mới. Câu hỏi về phạm trù quyền “sửa chữa” và quyền “chế tạo” đã được nhắc đến trong một vụ việc nổi tiếng Schütz v. Werit tại Anh.[5]
Công ty Schütz được cấp bằng sáng chế cho thùng IBC (Intermediate bulk container) chuyên sử dụng để chứa và vận chuyển chất lỏng. Một thùng IBC bao gồm ba phần chính: một thùng chứa bằng nhựa; một đệm kê hàng (pallet) đỡ bên dưới thùng chứa bằng nhựa này; và một khung kim loại để chứa và bảo vệ bên ngoài thùng chứa. Thùng IBC phải đối mặt với điều kiện vận chuyển khó khăn vì vậy chúng phải chịu được rung động kéo dài và chịu được lực do chất lỏng bắn ra xung quanh bên trong. Các thùng chứa bằng nhựa thường không được tái sử dụng vì có cặn chất lỏng độc hại hoặc đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Bị đơn, công ty Werit mua các thùng IBC của Schütz đã qua sử dụng và thay thế các thùng chứa bằng nhựa hư hỏng bằng các thùng mới của một nhà sản xuất khác. Sau đó, bị đơn bán các thùng IBC đã “tái chế” để cạnh tranh với các thùng IBC gốc của Schütz. Câu hỏi đặt ra là liệu Werit đang “tạo ra” một sản phẩm thùng IBC mới vi phạm quyền sáng chế, hay chỉ đơn giản là sửa chữa thùng IBC đã được bán ra thị trường?
Tòa án sơ thẩm Vương quốc Anh đặt câu hỏi, khi một phần trong sản phẩm bảo hộ được loại bỏ, những gì còn lại [khung kim loại] có phải là hiện thân của toàn bộ ý tưởng sáng tạo của yêu cầu bảo hộ không? Điều này dẫn tòa đến kết luận rằng không có vi phạm vì ý tưởng sáng tạo nằm hoàn toàn trong khung kim loại chứ không phải trong thùng chứa bằng nhựa.
Tuy nhiên các thẩm phán tại Tòa phúc thẩm có quan điểm khác khi lập luận rằng đã có vi phạm xảy ra vì sản phẩm thùng IBC “không còn tồn tại khi chiếc thùng chứa bằng nhựa được lấy ra” và “những gì còn sót lại chỉ đơn thuần là một thành phần quan trọng mà từ đó một sản phẩm thùng IBC mới có thể được tạo ra”.
Vụ việc được đưa lên Tòa tối cao và phán quyết của Tòa sơ thẩm được giữ lại, rằng việc “sửa chữa” bằng cách thay thế thùng chứa bằng nhựa trong sản phẩm thùng IBC không phải là việc “tạo ra” sản phẩm mới. Tuy nhiên, lập luận của Tòa tối cao tập trung vào bản chất của thùng chứa bằng nhựa:
- Đây là một bộ phận độc lập, có thể thay thế được của sản phẩm thùng IBC theo bằng sáng chế;
- Thùng chứa bằng nhựa không có mối liên hệ nào với ý tưởng sáng tạo đã được yêu cầu bảo hộ;
- Chúng có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với thành phần có tính sáng tạo khác của sản phẩm thùng IBC;
- Chúng không được xem là thành phần chính của sản phẩm thùng IBC; và
- Ngoài việc thay thế thùng chứa bằng nhựa, bị đơn không tiến hành thêm bất kì công đoạn nào.
Nhìn về tổng thể, vụ kiện Schütz v. Werit cho thấy, lợi thế cạnh tranh của chủ bằng sáng chế không chỉ nằm trong việc tạo mới sản phẩm mà cũng có những ảnh hưởng không nhỏ tới cả những sản phẩm đã được chính chủ bằng bán ra và thu lợi nhuận. Ngay cả khi kết luận của tòa án tối cao cho thấy có sự tồn tại các giới hạn nhất định đối với chủ bằng, lợi thế khai thác “độc quyền” là không thể phủ nhận.
Kết luận
Mặc dù sức mạnh của bằng sáng chế đã được công nhận từ lâu và thậm chí được xem là chỉ dấu cho trình độ sáng tạo của một quốc gia, tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn chủ yếu là sân chơi của các chủ sở hữu nước ngoài. Các nhà sáng chế nội địa vẫn đang phải vật lộn để có tiếng nói và vị thế trên chính sân nhà. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và khuyến khích từ chính phủ và cộng đồng kinh doanh, hy vọng rằng trong tương lai, sáng chế sẽ trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Bài viết đồng tác giả cùng Phạm Văn Kiện – Chuyên gia SHTT, Founder and CEO, Công ty Cổ phần Tư vấn BigPro, đăng trên báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 6/6/2024.
[3] Khoản 1, điều 126
[4] Khoản 1.d, Điều 124
[5] [2013] UKSC 16