CUỘC CHIẾN MÁY KHÂU (Phần 1)

Máy khâu – kỳ tích của thời đại

Phát minh máy khâu là bước tiến lớn trong ngành công nghiệp may mặc và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trước đây, may vá là công việc thủ công mất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là khi cần sản xuất số lượng lớn quần áo vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Nhưng với sự xuất hiện của máy may, quy trình may trở nên nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm lao động hơn nhiều. Phát minh này cũng đã mở ra những khía cạnh mới trong công nghiệp và kinh doanh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc toàn cầu. Thậm chí, Andrew Gordon, một nhà bình luận, cho rằng máy may không chỉ tạo ra cách bán hàng hiện đại mà còn mở ra khái niệm về người tiêu dùng hiện đại, người đã tham gia vào thế giới sản phẩm có thương hiệu và phụ thuộc vào tín dụng để tiếp cận các sản phẩm này.[1]

Ít người biết rằng máy may hiện đại là kết quả của một quá trình tiến hóa kĩ thuật chứ không phải là sản phẩm đến từ một công nghệ đột phá duy nhất. Rất nhiều cá nhân đã tham gia vào việc sáng tạo và cải tiến máy may trong một thời gian dài, vì vậy việc xác định ai là người đầu tiên phát minh ra thiết bị này thật không dễ dàng.

Sáng chế liên quan đến máy may bao gồm đến mười thành phần, trong đó mỗi phần đều được phát minh và cấp bằng sáng chế riêng lẻ trong nhiều thập kỷ, bắt đầu ở châu Âu vào giữa thế kỷ 18.[2] Thành phần quan trọng nhất, kim nhọn hình mắt được phát minh lần đầu tiên bởi một thợ cơ khí người Đức tên là Charles F.Weisenthal sinh sống tại Anh. Người này đã được cấp bằng sáng chế của Anh cho sản phẩm kim khâu vào năm 1755. Tuy nhiên, Weisenthal, đã không phát triển sáng chế của mình thành một sản phẩm mang tính thương mại. Sau Weisenthal, đã có nhiều bằng sáng chế được cấp cho các cá nhân khác liên quan tới chiếc kim khâu nhưng không có sản phẩm hữu dụng trong thực tế.

Barthélemy Thimonnier: Người thợ may không gặp thời

Mãi cho đến năm 1829, thợ may người Pháp Barthélemy Thimonnier tạo ra một máy may công nghiệp đầu tiên và sau đó một năm, ông được cấp bằng sáng chế.  Thimonnier cũng là người đầu tiên sử dụng máy may với mục đích thương mại.[3] Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm sau khi nhận bằng sáng chế, Thimonnier đã xây dựng một nhà máy với 80 máy may chuyên dùng may quân phục cho quân đội Pháp. Tuy nhiên, phát minh của ông đã khiến các thợ may ở Paris lo sợ, vì họ nghĩ rằng nếu máy của Thimonnier thành công, chúng sẽ thay thế việc may thủ công và khiến họ rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Một tối nọ, một nhóm thợ may đã tấn công nhà máy, phá hủy mọi máy móc và buộc Thimonnier phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng. Mặc dù vậy, Thimonnier không bỏ cuộc, mà tiếp tục sản xuất và cải tiến máy móc để chuẩn bị cho sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, các thợ may không buông tha cho ông. Trong bối cảnh nước Pháp đang chìm trong một cuộc cách mạng, Thimonnier không nhận được sự giúp đỡ từ cảnh sát hoặc quân đội và buộc phải chạy trốn sang Anh cùng với một chiếc máy may duy nhất mà ông cứu được. Tuy nhiên, cuối cùng, ông qua đời trong cảnh nghèo đói mà không được hưởng bất kỳ lợi ích tài chính nào từ bằng sáng chế của mình.

Elias Howe: Sự Đam Mê và Tuyệt Vọng

Sau Thimonnier, châu Âu chứng kiến sự đóng góp của hai nhà phát minh người Anh, John Fisher và James Gibbons, trong việc cải tiến máy may, tuy nhiên, kết quả không đáng kể. Dù lục địa già đã có những nỗ lực trong việc phát minh máy may, thành tựu nổi bật đến từ một loạt các nhà phát minh người Mỹ, trong những năm 1840 và 1850.

Năm 1846, Elias Howe đã được cấp bằng sáng chế cho việc sử dụng kim khâu kết hợp với một sợi chỉ để tạo ra một mũi khâu khóa. Phát minh của Howe mở ra một chuỗi các cải tiến kỹ thuật và dẫn đến sự ra đời của chiếc máy may đầu tiên có đầy đủ chức năng vào năm 1850. Ông được coi là một nhân vật then chốt trong lịch sử của ngành công nghiệp máy khâu và là người chịu trách nhiệm trong việc gây ra cuộc chiến máy khâu vài năm sau đó.

Máy may của Howe đã được công nhận là một trong những thành tựu xuất sắc nhất mà Văn phòng Sáng chế Mỹ từng nhận và là một kỳ tích của công nghệ.[4] Nó có thể may được 250 mũi mỗi phút—nhanh hơn bảy lần so với việc may thủ công. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do thất vọng với các sản phẩm trước đó, công ty và công chúng đều không tin tưởng vào phiên bản máy may của Howe. Ông đã cố gắng thu hút ngành may mặc vào phát minh của mình, thậm chí tổ chức một cuộc thi giữa máy của ông và các thợ may tinh hoa nhất ở Mỹ. Mặc dù máy Howe dễ dàng chiến thắng, thế giới chưa sẵn sàng cho việc may công nghiệp. Sau hàng tháng triển lãm, ông vẫn chưa bán được một chiếc máy nào. Vì những nỗ lực để thương mại hóa phát minh của Howe đã tan thành mây khó, ông rơi vào tình trạng khánh kiệt. Trong cơn tuyệt vọng, Howe tìm đường sang Anh với hy vọng mỏng manh rằng nó sẽ thu hút nhiều sự quan tâm hơn bên kia Đại Tây Dương.

Đóng Góp Của Các Nhà Phát Minh Mỹ

Trong khi Howe đang vật lộn ở xứ sở sương mù, các nhà phát minh người Mỹ như Bachelder và Blodgett tiếp tục cải tiến máy may của Howe. Một loạt các bằng sáng chế sau đó được cấp cho cả hai liên quan nhiều khía cạnh kĩ thuật khác nhau của chiếc máy này. Đến năm 1850, sự kết hợp các phát minh của Howe, Bachelder và Blodgett cộng với hai phát minh cuối cùng, đã dẫn đến sự xuất hiện của một chiếc máy may thực sự hiệu quả.

Một trong số đó là Allen B. Wilson, người đã nhận được tổng cộng bốn bằng sáng chế về máy khâu, từ năm 1850 đến năm 1854. Những bằng sáng chế này đóng vai trò trung tâm trong việc cải thiện máy may dành cho gia đình, làm cho chúng nhẹ hơn và dễ sử dụng hơn so với các biến thể công nghiệp được phát minh trước đó.

Người còn lại là Isaac Merritt Singer, là đối thủ của Howe trong một loạt các vụ kiện tụng bằng sáng chế sau này. Singer là một người nóng nảy, và có tính khí hung bạo khiến người thân, đối tác và cộng sự khiếp sợ. Tuy nhiên, ông cũng là một doanh nhân tài giỏi với khả năng bẩm sinh về cơ học và động lực tài chính mạnh mẽ. Như ông thích châm biếm, điều ông quan tâm là tiền chứ không phải là sáng chế.[5] Máy may của Singer được cấp bằng sáng chế vào năm 1851. Tuy nhiên, bằng sáng chế xác định rõ ràng rằng sản phẩm của Singer không phải là một phát minh mới mà chỉ là sự cải tiến dựa trên các máy may đã có sẵn. Sau nhiều thập kỷ không ngừng nỗ lực và nhiều thất bại, bằng sáng chế cuối cùng của Singer cuối cùng đã chứa đựng tất cả mười yếu tố cần thiết đảm bảo tính thương mại cho một máy may. Tiện ích tối ưu trong các cải tiến cuối cùng của Singer không thể phủ nhận: Nếu một thợ may được đào tạo có thể may bằng tay 40 mũi mỗi phút, máy của Howe có thể may được 250 mũi mỗi phút, thì máy của Singer có thể tạo ra 900 mũi khâu mỗi phút.[6]

Sự Trở Lại của Elias Howe: Cuộc Chiến Máy May Khâu

Như một cú twist trong một bộ phim điện ảnh, khi Singer đang sắp sửa nếm vị ngọt thành công của máy may mang thương hiệu Singer, Howe đột ngột trở về từ Anh và nhanh chóng nhận ra rằng máy may đã trở nên phổ biến và rằng nhiều nhà sản xuất, bao gồm Singer, tất cả đều vi phạm các bằng sáng chế của ông. Không lâu sau đó, Howe khởi kiện Singer và các đối thủ khác, mà đỉnh điểm của các tranh tụng pháp lý là Cuộc Chiến Máy Khâu vào giữa những năm 1850.

Bài viết được đăng lần đầu trên báo Sài Gòn kinh tế dưới tựa đề Chiếc máy may dưới ánh đèn của phát minh, sáng chế ngày 27/6/2024.

Mời bạn đón đọc phần 2 trong số báo tiếp theo.


[1] Lionel Bently trích lời của Andrew Gorden trong Lionel Bently “Singer Sewing Machine” in Claudy Op den Kamp and Dan Hunter (eds.), A History of Intellectual Property in 50 Objects (CUP 2019) 73.

[2] Adam Mossoff, “The Rise and Fall of the First American Patent Thicket: The Sewing Machine War of the 1850s” (2011) Arizona Law Review 165, 172 – 173.

[3] Graham Forsdyke, “A Brief History of the Sewing Machine” https://ismacs.net/sewing_machine_history.html

[4] Ruth Brandon, Singer and the Sewing Machine: A Capitalist Romance (Barrie & Jenkins 1977) 64.

[5] Adam Mossoff, “The Rise and Fall of the First American Patent Thicket: The Sewing Machine War of the 1850s” (2011) Arizona Law Review 165, 179.

[6] Adam Mossoff, “The Rise and Fall of the First American Patent Thicket: The Sewing Machine War of the 1850s” (2011) Arizona Law Review 165, 181.

Leave a Reply