CUỘC CHIẾN MÁY KHÂU (Phần 2)

Cuộc chiến pháp lý của Elias Howe

Nhưng Cuộc Chiến Máy Khâu không chỉ là câu chuyện của một kẻ đơn thương độc mã, Elias Howe, chống lại toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất máy may. Mặc dù Howe là người châm ngòi cho cuộc chiến, trong vòng vài năm ngắn ngủi, Howe đã không ít lần nhận trát tòa với tư cách là bị đơn.

Ngay sau khi trở về từ Anh vào năm 1849, Howe đã kiểm tra những chiếc máy may hiện đang được bán và kết luận rằng chúng đã vi phạm bằng sáng chế của ông được cấp vào năm 1846. Bất kể những tính năng nào khác mà những sản phẩm này có thể sở hữu, chúng đều sử dụng kết hợp của kim nhọn có mắt và một con thoi mang sợi chỉ thứ hai để tạo ra một mũi khâu khóa, điều quan trọng trong tuyên bố bằng sáng chế của Howe.

Howe liên lạc với Singer, yêu cầu một khoản thanh toán (royalties) là 2000 USD từ công ty của Singer. Tuy nhiên, Singer vẫn chưa bán được chiếc máy may nào, họ không có đủ tiền để trả cho Howe. Ngoài việc đàm phán với Singer, Howe khởi kiện chống lại một công ty khác, Lerow & Blodgett. Đây là vụ kiện đầu tiên được đưa ra xét xử vào tháng 6/1852, và sau ba tuần, phán quyết có lợi cho Howe đã được đưa ra. Thành công trước Lerow & Blodgett cho phép Howe nhanh chóng thu được một lệnh cấm tạm thời đối với Singer và các bị đơn khác.

Đối với nhiều các công ty sản xuất máy may, việc kiện tụng quá khó để giải quyết. Họ bắt đầu xuống nước và chấp nhận các điều khoản của Howe. Vào tháng 5/1853, Howe cấp giấy phép đầu tiên cho Wheeler, Wilson & Co., và ngay sau đó các nhà sản xuất khác đã nhượng bộ và trả tiền cho Howe để được sử dụng các sáng chế của ông.

Máy may của Howe. Nguồn Britannica

Singer vs. Howe: Cuộc Chiến Sáng Chế Bắt Đầu

Cho đến năm 1853, công ty cuối cùng chưa chịu nhượng bộ Howe là I.M. Singer & Co., và cả hai bên không ngần ngại sử dụng báo chí như một công cụ trong cuộc chiến truyền thông của họ. Cả hai lần lượt đăng quảng cáo nhắc nhở đối phương, trước khi cuối cùng chạm trán tại Văn phòng sáng chế, theo cách mà các bị đơn trong các vụ vi phạm bằng sáng chế thường làm ngày nay: Singer cố gắng chứng minh rằng bằng sáng chế của Howe không có tính mới. Ông thậm chí còn đi xa hơn bằng cách lập luận rằng máy khâu đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích.

Các nỗ lực của Singer không đem lại kết quả cho đến khi ông phát hiện ra Walter Hunt, một nhà phát minh tiền chiến của Mỹ. Hunt tuyên bố đã tạo ra một loại máy may sử dụng kim nhọn có mắt kết hợp với con thoi mang sợi chỉ thứ hai để tạo ra một mũi khâu khóa, và ông đã làm điều này vào năm 1834 —khoảng mười năm trước khi Howe phát minh ra máy may của mình! Tuy nhiên, vấn đề là Hunt chưa bao giờ thương mại hóa sáng tạo của mình hoặc đăng ký bằng sáng chế cho nó.[1]

Mừng như bắt được vàng, Singer không ngần ngại tài trợ cho Hunt để tìm lại sáng chế từng bị lãng quên. Mặc dù Hunt có tìm thấy một số mảnh kim loại rỉ sét và vỡ trên gác mái của xưởng nơi ông làm việc vào năm 1834, việc tái tạo một chiếc máy may hoạt động từ những tàn tích, không phải là một điều dễ dàng. Với sự trợ giúp của các cố vấn pháp lý và kỹ thuật từ phía Singer, vào mùa thu năm 1853, Hunt nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho chiếc máy may của mình, tuyên bố rằng phát minh được thực hiện vào năm 1834.

Cuối cùng, vào năm 1854, Văn phòng Sáng chế ra quyết định rằng bằng sáng chế của Howe vẫn có hiệu lực. Nhân viên điều trần Mason mặc dù thừa nhận rằng Hunt đã phát minh ra các yếu tố của chiếc máy khâu sau này gồm cả phần được cấp bằng sáng chế của Howe, nhưng Hunt đã từ bỏ quyền lợi của mình từ rất lâu trước khi nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Vì vậy, yêu cầu của Hunt không có căn cứ. Mặc dù Hunt đã kháng cáo quyết định của Mason lên Tòa án Quận, nhưng thẩm phán đã xác nhận rằng quyết định của Mason là hợp lệ.

Thất bại của Hunt thúc đẩy Howe nhanh chóng đệ đơn kiện chống lại các công ty bán máy may Singer, và ông đã yêu cầu lệnh cấm sơ bộ. Vì thẩm phán cho rằng bằng sáng chế của Howe là hợp lệ và bị vi phạm, yêu cầu của ông được chấp nhận.

Thách Thức từ “Patent Thicket” và giải pháp “Patent Pool”

Mặc dù cuộc tranh chấp pháp lý giữa Singer và Howe đã kết thúc, cả hai vẫn bị kéo vào các vụ kiện tụng với các đối thủ khác, với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn. Không chỉ Singer và Howe là chủ sở hữu các bằng sáng chế, mà cả các phần khác của cuộc chiến máy may cũng được bảo vệ bởi các cá nhân khác nhau. Đây là hiện tượng mà hệ thống sáng chế hiện đại gọi là “patent thicket”, tạm dịch: ma trận bằng sáng chế. “Patent thicket” xảy ra khi có quá nhiều bằng sáng chế (hoặc bản quyền) liên quan đến một công nghệ cụ thể, gây ra sự phức tạp và rủi ro trong việc sử dụng hoặc phát triển công nghệ đó. Chiếc máy may là một ví dụ điển hình cho tình trạng này.

Vào giữa những năm 1850, các hãng sản xuất máy may đã dành toàn bộ thời gian, tiền bạc và năng lượng của họ vào các vụ kiện tụng sáng chế thay vì tập trung vào việc phát triển sản phẩm. Một nhà sử học nhận định rằng kiện tụng triền miên như vậy có thể “hủy hoại tính kinh tế của ngành công nghiệp mới.”[2]

Để giải quyết tình hình này, luật sư Orlando B. Potter (cũng là một bên tham gia trong Cuộc Chiến Máy Khâu đồng thời là chủ tịch hãng sản xuất Grover & Baker) đề xuất một giải pháp đơn giản nhưng độc đáo: các chủ sở hữu của các bằng sáng chế liên quan nên kết hợp chúng thành một nhóm và quản lý chúng như một ủy thác thương mại. Thuật ngữ sáng chế hiện đại gọi giải pháp này là “patent pool” (tạm dịch: liên minh sáng chế).

Đề xuất này đã được chấp nhận bởi tất cả các bên. Tương tự như các “patent pool” hiện đại, bốn thành viên của nó được tự do cạnh tranh với nhau trên thị trường máy may, đồng thời họ cấp giấy phép đồng ý cho các bên trong liên minh sử dụng các bằng sáng chế tương ứng. Giải pháp của Potter đã thành công rực rỡ vì liên minh này giúp các công ty bắt đầu sản xuất và bán máy may, thay vì dành toàn bộ thời gian để đi kiện.

Kết luận

Máy may là một trong những đổi mới quan trọng nhất của thế kỉ 19. Xuất phát từ hàng loạt phát minh độc lập trong suốt một thời gian dài, chiếc máy may khả thi đầu tiên xuất hiện trên thị trường Hoa Kỳ, Anh và Châu Âu trong giữa những năm 1850. Lịch sử cũng chỉ ra rằng một chiếc máy may khả thi phụ thuộc mười yếu tố liên quan đến nhau và từng thành phần lại được nắm giữ bằng sáng chế bởi những người khác nhau.

Có lẽ, điều quan trọng nhất là phát minh về “khâu khóa” của Elias Howe, trong đó một cây kim sẽ mang một sợi chỉ xuyên qua một mảnh vải để tạo thành một vòng, qua đó luồn sợi chỉ thứ hai được buộc dây, trước khi rút kim đầu tiên mang sợi chỉ trở lại mặt kia của tấm vải. Thông qua câu chuyện về chiếc máy khâu, ta cũng dễ dàng thấy rằng có bằng sáng chế chưa chắc đảm bảo tính thương mại của sản phẩm. Sự thất bại của Howe tại Mỹ trong thời gian đầu là một ví dụ tiêu biểu. Câu chuyện về Cuộc Chiến Máy Khâu cũng là một minh họa thú vị về những sáng tạo mang tính lũy kế và cũng là một trường hợp nghiên cứu thực nghiệm  về “patent thicket”. Ngày nay, hiện tượng “patent thicket” càng trở nên phổ biến, rất nhiều bằng sáng chế liên quan đến một công nghệ, từ các thành phần cơ bản đến các cải tiến cụ thể. Sự đa dạng và phức tạp của các bằng sáng chế này đã tạo ra một rào cản cho các công ty mới muốn nhập khẩu hoặc phát triển công nghệ này, đồng thời cũng làm gia tăng chi phí liên quan đến pháp lý và giấy tờ. Với sự phức tạp của quy trình pháp lý và sở hữu trí tuệ, các sản phẩm có thể trở nên đắt đỏ hơn do chi phí pháp lý phát sinh. Điều này có thể làm cho các sản phẩm công nghệ trở nên khó tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng và làm giảm sự lựa chọn của họ. Đối phó với “patent thicket”, liên minh sáng chế “patent pool” có vẻ là một giải pháp hữu hiệu.

Xem Phần 1 bài viết tại đây

Bài viết được đăng lần đầu trên báo Kinh tế Sài Gòn với tựa đề Sự trở lại của Elias Howe và cuộc chiến chiếc máy may ngày 4/7/2024.


[1] Adam Mossoff, “The Rise and Fall of the First American Patent Thicket: The Sewing Machine War of the 1850s” (2011) Arizona Law Review 165, 187.

[2] Grace Rogers Cooper, The Sewing Machine: Its Invention and Development (2nd ed. 1976)35.

Leave a Reply