Những câu chuyện đằng sau tên gọi chỉ dẫn địa lý

Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là những kiến thức khô khan, những quy định phức tạp khó hiểu mà còn có những câu chuyện thú vị đằng sau. Đó là câu chuyện về mì ống vùng Gragnano nước Ý, nơi được mệnh danh là thành phố pasta cho đến trái mơ vùng Wachau nước Áo, gà vùng Bresse nước Pháp, được xem là loại gà đắt nhất thế giới. Hãy để Chỉ dẫn Địa lý (CDĐL) đưa bạn phiêu lưu qua những vùng đất mới.

CDĐL (tiếng Anh gọi là Geographical Indication) là một dấu hiệu được sử dụng trên các sản phẩm có nguồn gốc địa lý, có thể là tên một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (Xem thêm định nghĩa về CDĐL tại đây). Đây thật ra là một khái niệm tuy lạ mà quen. Người Việt chúng ta có thể không biết CDĐL là gì nhưng chúng ta chắc chắc đều ưa chuộng nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, cà phê Tây Nguyên, xoài cát Hòa Lộc so với các sản phẩm cùng loại nhưng không có các tên địa lý nói trên. Đó là các sản phẩm trong nước. Vậy còn sản phẩm nước ngoài thì sao? Tôi có thể cá là gần như người Việt đều biết đến danh tiếng của rượu whisky Scotland, rượu Champaign hay rượu Cognac ở Pháp, socola Thụy Sĩ, xì gà Cuba. Những cái tên nói trên chính là ví dụ điển hình của CDĐL.

Nước mắm Phú Quốc hay rượu Champaign đều giúp ta liên tưởng đến chất lượng của sản phẩm, đó có thể là vị mặn nhưng không chát của chai nước mắm hoặc vị tê trên đầu lưỡi khi nhấp một ngụm Champaign. Hương vị đặc trưng của những sản phẩm nói trên đến từ loại cá cơm đặc biệt sống ở vùng nước bao quanh đảo Phú Quốc cùng phương pháp làm mắm truyền thống hoặc hay đến từ những vườn nho chạy dài trong ánh nắng rực rỡ và cả vùng đất hưởng trọn bốn mùa ở Champaign. Danh tiếng cũng như chất lượng của sản phẩm CDĐL có được là nhờ vào điều kiện địa lý của địa phương đó, ví dụ như đất đai, khí hậu, mạch nước, hệ sinh thái động thực vật…

Bởi vì mối quan hệ chặt chẽ giữa CDĐL và danh tiếng của sản phẩm như vậy, CDĐL không chỉ đơn giản là tên thương mại để phân biệt các sản phẩm mà đằng sau mỗi cái tên là những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, nông nghiệp của một vùng đất.

Lịch sử của CDĐL bắt nguồn vào cuối những năm 1800 khi các vườn nho ở Pháp bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch phylloxeran.[1] Phylloxera là tên của một loại rệp sống và ăn rễ của cây nho nên nó gần như đã phá hủy toàn bộ các vườn nho sản xuất rượu vang. Các nhà máy rượu vang buộc phải đốt cháy vườn nho để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh. Do sâu bệnh, việc sản xuất rượu vang Pháp giảm một cách đáng kể, và điều này dẫn đến nạn buôn hàng giả tràn lan (giống Việt Nam ghê!). Để chống lại nạn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, chính phủ Pháp lúc đó đã ban hành luật ghi nhãn rượu vào năm 1905 (tương tự như tem chống hàng giả của VN bây giờ). Và đây chính là phiên bản xa xưa nhất của luật bảo hộ CDĐL hiện đại.


[1] Irene Calboli, “Geographical Indications between Trade, Development, Culture, and Marketing: Framing a Fair(er) System of Protection in the Global Economy” in Irene Calboli and Wee Loon Ng-Loy (eds.), Geographical Indications at the Crossroads of Trade, Development, and Culture: Focus on Asia-Pacific (CUP, 2017) 10.

Trong bài đăng này, tôi sẽ kể với bạn câu chuyện về sáu CDĐL mà bạn có thể chưa từng nghe trước đây. Danh sách này được tổng hợp từ một bài tập của môn SHTT, trong đó tôi yêu cầu mỗi SV phải nêu tên một sản phẩm được bảo hộ bởi luật SHTT đến từ quốc gia vùng miền mà các bạn ấy đang sinh sống. Thật ngạc nhiên là đa phần các ví dụ đều liên quan đến CDĐL mặc dù tôi lúc đó không yêu cầu và đó cũng chỉ mới là tiết học đầu tiên, các bạn còn chưa học đến phần này. Điều đó cho thấy CDĐL quen thuộc với chúng ta đến chừng nào. Mặc dù là bài tập ra cho SV nhưng qua đó tôi đã học được thêm rất nhiều những điều thú vị và những kiến thức mới mẻ. Vậy nên tôi nảy ra ý định lựa chọn sáu CDĐL mà tôi thấy thú vị nhất để chia sẻ cùng mọi người.

6. Mì pasta của vùng Gragnano nước Ý

Đây là một trong những loại pasta phổ biến nhất nước Ý. Năm 2013, pasta Gragnano chiếm đến 14% sản lượng pasta Ý xuất khẩu ra nước ngoài.1 Để một loại mì được dán nhãn Gragnano, nguyên liệu sử dụng chỉ là bột lúa mì cứng và nước suối địa phương tinh khiết. Điều này khiến cho loại mì này có một hương thơm đặc biệt của lúa mì mới xay.

Danh tiếng của mì pasta Gragnano đã có từ thế kỷ 16 và Gragnano được mệnh danh là “thành phố pasta”. Tầm quan trọng của việc sản xuất mì pasta đã ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị của thành phố vào giữa thế kỷ 19. Thành phố Gragnano phát triển theo các độ cao khác nhau (từ 350 đến gần 600 m) trên một khu vực đồng bằng nằm giữa dãy núi Lattari và vịnh Naples, có khí hậu ôn hòa và hơi ẩm quanh năm, điều này khiến cho việc phơi khô mì trên đường phố Gragnano dễ dàng hơn.

Việc đóng gói cũng phải tuân theo những yêu cầu đặc biệt: mì pasta phải được đựng trong hộp các tông hoặc túi trong suốt hoặc trong những bao bì được làm bằng vật liệu có nguồn gốc thực vật hoặc vật liệu có thể tái chế khác theo quy định của liên minh châu Âu.

[1] Vanessa Giannetti et al., “Characterization of the Authenticity of Pasta di Gragnano Protected Geographical Indication Through Flavor Component Analysis by Gas Chromatography–Mass Spectrometry and Chemometric Tools” (2016) Journal of AOAC International 99(5), 1279, 1279.

5. Bánh thịt lợn nướng ở thị trấn Melton Mowbray, UK (Melton Mowbray Pork Pie)

Melton Mowbray là tên của một thị trấn nằm ở vùng Leicestershire nước Anh. Loại bánh này ban đầu do những người nông dân làm ra và bán cho những người đi săn cáo như một món ăn nhẹ. Dần dần, những người thợ săn giàu có khác đã biết đến loại bánh nướng này và họ đã đem sản phẩm này đến London vào những năm 1830s. Hiện nay bánh nướng Melton Mowbray đã vươn ra khỏi thị trấn địa phương và biên giới quốc gia để đến với thế giới.

4. Mơ vùng Wachau, nước Áo (Wachauer Apricot)

Wachau là tên vùng thung lũng của Áo, do sông Danube tạo nên. Wachau nằm ở giữa 2 thành phố Melk và Krems. Nơi đây nổi tiếng về việc sản xuất mơ (và nho). Các giống mơ ở đây bao gồm nhiều loại khác nhau, có mơ hình nón”, “mơ hình bầu dục” (hay còn gọi là “mơ hoa hồng”) và “mơ dứa”, được trồng theo truyền thống từ năm 1900 đến 1960 bởi người dân và các trường dạy trồng mơ. Tuy nhiên, tên gọi “apricots” xuất hiện ở Wachau khá sớm từ những năm 1509.  Mơ Wachau nổi tiếng vì hương vị và mùi thơm đặc trưng, cũng như hàm lượng đường, axit và pectin cao.

3. Rược Vodka Poland (Żubrówka Vodka)

Rượu vodka Żubrówka là tên một loại vodka ở Ba Lan có hương vị thảo mộc khô (Cỏ Bison hay tiếng việt dịch là cỏ bò rừng), được chưng cất từ ​​lúa mạch đen. Việc sản xuất rượu này đã có từ 500 năm trước. Trong mỗi chai rược có chứa một phiến cỏ bò rừng và đây cũng là lý do khiến Żubrówka có hương vị độc đáo. Đây là sản phẩm Ba Lan duy nhất, trong số 100 mặt hàng nằm trong danh sách thực phẩm và đồ uống của khu vực châu Âu, được đồng ý bảo hộ theo thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

2. Nước mắm Phú Quốc, Việt Nam

Đối với người Việt thì nước mắm chính là quốc hồn quốc túy. Đây là một món ăn không thể thiếu hầu như trong mỗi bữa ăn mọi nhà. Một chai nước mắm ngon và một tô cơm trắng có thể cân hết các thể loại sơn hào mĩ vị. Nhớ ngày đầu tiên đến nước Anh, tôi đã đi bộ gần 45 chút chỉ để đến siêu thị Tesco, một chuỗi hệ thống siêu thị ở nước Anh để mua cho được một chai nước mắm. Thật ra có nhiều nước ở khu vực châu Á cũng làm nước mắm và sử dụng nước mắm như người Việt mình. Trong khi nước mắm có thể được làm từ các loại hải sản khác như tôm, mực hoặc bất kỳ loại cá nào như cá thu, thì nước mắm Phú Quốc chỉ được làm từ cá cơm đánh bắt ở vùng nước quanh đảo. Các vùng nước ở đó có nhiều rong biển và sinh vật phù du cung cấp thức ăn cho quần thể cá cơm ở đây, để cho ra nước mắm có một mùi vị đặc biệt, mặn nhưng không chát, nước mắm sóng sánh có màu nâu đỏ cánh gián, nhìn rất đẹp mắt. Nước mắm Phú Quốc truyền thống đã được làm hơn 200 năm.

  1. Gà khu vực Bresse, nước Pháp

Tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết đến một loại gia cầm được bảo hộ bởi CDĐL. Sau khi tra cứu, tôi mới biết rằng đây chính là con vật duy nhất nằm trong danh sách CDĐL của liên minh châu Âu.

Tỉnh ‘Bresse’ nằm ở miền Đông nước Pháp gần với biên giới Thụy Sĩ nổi tiếng với loại gà được mệnh danh là ngon nhất nước Pháp và đắt nhất thế giới, khoảng 40 euros một ký (khoảng 2 triệu tiền Việt) nếu mua tại cửa hàng thịt ở Paris (xem thêm bài viết của CNN tại đây). Gà Bresse được bán với giá cao gấp 4 lần loại gà thường. Việc chăn nuôi gà ở tỉnh Bresse phải được thực hiện trong những điều kiện nghiêm ngặt, tối đa chỉ sản xuất 1,2 triệu con mỗi năm, trong đó khoảng 10% sản lượng hàng năm được xuất khẩu ra nước ngoài.

Chưa kể, theo quy định mỗi con gà sau khi làm thịt phải nặng ít nhất là 1.8kg (hoặc là 1.5kg nếu được chế biến sẵn cho việc nướng lò). Thời gian nuôi ít nhất là 108 ngày (Có thể xem thêm quy định tại đây).

Gà Bresse chỉ ăn ngô và lúa mì sản xuất tại địa phương. Thông thường, người chăn nuôi tự trồng loại thức ăn này. Loại gà này còn được cho uống sữa. Nếu ai đó có dịp đến Pháp, bạn có thể thử loại gà đắt nhất thế giới này xem sao. 😀

Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu thêm về CDĐL và những câu chuyện đằng sau đó. Bạn ấn tượng với CDĐL nào nhất?

4 Replies to “Những câu chuyện đằng sau tên gọi chỉ dẫn địa lý”

    1. Đúng rồi em. Nước mắm Phú Quốc của mình rất đặc biệt luôn.Nhưng mắm Phú Quốc bán ở nước ngoài đắt quá 🙂

Leave a Reply