Học luật ở Đức: Phỏng vấn Ngọc Anh, một sinh viên chuyên ngành kinh tế luật.

Lời tựa: Như tôi đã từng chia sẻ khi lập ra trang web này, tôi mong sẽ có cơ hội kết nối nhiều hơn với các bạn sinh viên Việt Nam đang học luật ở nhiều quốc gia khác nhau. Đây là bài phỏng vấn đầu tiên của tôi với một Ngọc Anh, hiện đang học luật ở Đức. Qua bài phỏng vấn này, hãy cùng lắng nghe Ngọc Anh tâm sự về việc học cũng như những trải nghiệm của em ấy đối với việc theo đuổi một ngành học được đánh giá thuộc dạng khó nhất nhì bằng một ngôn ngữ cũng được xem là chẳng hề dễ một chút nào.

Tôi và Ngọc Anh

Năm 2017, lúc còn ở Munich, tôi có tham gia một lớp học nhảy Salsa. Và ở đó tôi rất may mắn được kết bạn với một bạn học sinh Việt Nam – Ngọc Anh. Tôi và Ngọc Anh là hai trong số các học viên hết sức nhiệt tình trong việc nhảy nhót. Hầu như không có buổi học nào chúng tôi vắng mặt, có thời điểm chúng tôi học 3 lớp trong một buổi từ 5g đến 8g tối, miệt mài lắc lư theo những điệu Salsa lãng mạn bất chấp cái chân đau. Chưa kể tôi và Ngọc Anh còn tham gia lớp nhảy ngoài trời với trình độ cao hơn. Có những ngày mưa rơi tầm tã nhưng hai chị em vẫn mang tơi đội nón cầm giày nhảy đi đến lớp học ban đêm.

Ngọc Anh

Rồi tôi về lại nước Anh một cách bất ngờ mà không kịp nói lời chia tay với em nhưng cả hai vẫn giữ liên lạc. Một ngày đẹp trời, Ngọc Anh thông báo với tôi là em sẽ học luật ở Đức. Thật là một quyết định dũng cảm, tôi chưa bao giờ nói ra nhưng trong thâm tâm mình, tôi thực sự rất “nể” em vì học luật bằng tiếng Đức là một việc vô cùng, vô cùng, vô cùng khó khăn. Nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội trò chuyện với Ngọc Anh về việc học của em cho đến IP law et al. ra đời. (Bạn có thể xem thêm lí do về quyết định lập trang web của tôi ở đây.) Tôi nảy sinh ý định sẽ làm một series phỏng vấn với các bạn sinh viên Việt Nam học luật trên thế giới mà tôi có dịp gặp gỡ. Khi tôi gởi lời đề nghị đến Ngọc Anh, em đã rất vui vẻ nhận lời.

Vậy là vào một ngày tháng 5, hai chị em đã có gần 2 giờ trò chuyện online cho buổi phỏng vấn đầu tiên của IP Law et al. Ngọc Anh hiện là sinh viên năm ba chuyên ngành kinh tế luật của trường đại học Khoa Học Ứng Dụng Konstanz (University of Applied Sciences Konstanz).

Konstanz nằm giáp ranh giới Thụy Sĩ – Đức là một thành phố cực kỳ xinh đẹp và yêu kiều mà tôi đã từng ghé thăm. Nổi tiếng nhất ở Konstanz chính là đảo hoa Mainau (The Flower Island of Mainau). Đây là một hòn đảo tư nhân, thuộc sở hữu của một gia đình quý tộc gốc Thuỵ Điển. Một vị hoàng tử Thuỵ Điển đã mua hòn đảo này và biến nó thành một vườn hoa tư nhân lộng lẫy như bây giờ.

Con đường dẫn vào đảo hoa Mainau ở Konstanz – Ảnh do tôi chụp vào tháng 4/2017.
Một góc đảo hoa Mainau

Quyết định học luật bằng tiếng Đức

Vân Anh (VA): Tại sao em quyết định học luật, lại là học bằng tiếng Đức?

Ngọc Anh (NA) (cười xấu hổ): Em chọn học luật vì ngầu đó chị. Em nói đùa, chứ thật ra còn một lý do khác nữa, đó là em hứng thú với việc pháp luật điều tiết mối quan hệ giữa người dân với người dân, và giữa người dân với nhà nước.

VA: Chị nghĩ ai cũng có những lý do hết sức trẻ con khi chọn một ngành học nào đó. Chẳng hạn như ngày xưa chị chọn học luật vì tưởng tượng sau này giới thiệu mình làm luật sư nghe nó rất oai (cười). Nhưng không hiểu sao cuộc sống lại đưa đẩy chị theo nghề dạy. Lúc em quyết định học luật, em có tưởng tượng được việc học luật bằng tiếng Đức khó khăn như thế nào không?

NA: Không đâu chị. Hồi đó em không hiểu hết được tiếng Đức khó như thế nào, em cũng không hình dung ra được học luật khó ra sao. Nhưng mà em nghĩ em muốn đi Đức thì phải học tiếng Đức, em muốn lựa chọn một ngành “ngầu” để học thì mình phải cố gắng thôi, em tự nhủ mình cứ cố từng bước từng bước một, chứ nếu mình chỉ ngồi nghĩ là nó khó quá thì cũng không làm gì được.

VA: Vậy khi em quyết định học luật ở Konstanz thì trình độ tiếng Đức của em đang ở mức độ nào? Khi sang đây em đã học tiếng Đức chưa?

NA: Trước khi sang Đức, em có 6 tháng học tiếng ở Việt Nam. Lúc sang đây năm 2016 thì em đăng ký thi lấy chứng chỉ ngôn ngữ tại viện Goethe ở thành phố Munich. Kết quả là em đạt được trình độ B1. Từ lúc đó cho đến lúc em học luật ở Đức là 2 năm. Khi em học đại học thì trình độ tiếng Đức của em đã ở mức C1.

(Xin nói thêm là khi Ngọc Anh thi tiếng Đức B1 của viện Goethe vào năm 2016 phần viết của em được 100/100 điểm.)

Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu (CEFR – viết tắt của Common European Framework for Reference) được Hội đồng châu Âu xây dựng nhằm thiết lập tiêu chuẩn quốc tế trong việc học, giảng dạy và đánh giá tất cả các ngôn ngữ châu Âu hiện đại.

Các cấp độ CEFR
Basic User:
A1: Beginner - Căn bản 
A2: Elementary - Sơ cấp

Independent User
B1: Intermediate - Trung cấp
B2: Upper intermediate - Trung cao cấp

Proficient User:
C1: Advanced - Cao cấp
C2: Proficiency - Thành thạo

Những ngày đầu học luật

VA: Cảm giác của em những ngày đầu học luật như thế nào?

NA (cười): Em thấy mình như ở trên trời rớt xuống. Những ngày đầu tiên là những ngày khó khăn nhất. Thứ nhất, em cảm thấy cô đơn lạc lõng vì em là người nước ngoài duy nhất học luật ở đây. Môi trường tác động đến tâm lý của em, em cảm thấy rất sợ sệt, em nghĩ tất cả mọi người đang bàn tán về mình, đang nhìn mình và chú ý đến mình nên em thu mình lại, ngồi vào một góc ở dưới cùng. Thứ hai là vấn đề tuổi tác, dù bạn bè trong lớp không biết tuổi của em nhưng trong thâm tâm em, nó vẫn có một chút xíu ảnh hưởng. (Xin nói thêm là Ngọc Anh năm nay 29 tuổi trong khi các bạn học luật cùng lớp thì chỉ khoảng 19-20). Nhưng càng ngày em lại thấy tuổi mình đi xuống tới mức ngang bằng với các bạn cùng lớp nên em không nghĩ nữa (cười). Tiếp theo là em không hiểu gì hết, cả về ngôn ngữ lẫn kiến thức. Mặc dù thầy giáo có bảo rằng “nếu ai không hiểu thì có thể hỏi thầy” nhưng em vẫn không dám hỏi vì em nghĩ mọi người đang chờ mình phát biểu để nghe cái giọng con này buồn cười như thế nào.

VA: Nhưng đó là em nghĩ thôi đúng không?

NA: Đúng rồi chị, lúc đó em nghĩ vậy. Nhưng sau đó em nghĩ lại, em phải đóng tiền học phí còn các bạn SV bản địa thì được học miễn phí (do chính sách giáo dục của nước Đức) nên em quyết định hỏi. Em hỏi thầy là thầy có thể giới thiệu cho em một quyển sách nào để đọc thêm không. Nhưng thầy lại không cho em tên một quyển sách nào cả, bắt em phải tự tìm (cười khổ). Nhưng rất may mắn là một bạn học đã nói cho em biết tên quyển sách em nên đọc sau khi nghe câu hỏi của em.

VA: Khi em hỏi câu đó thì em phải nói trước lớp hả em?

NA (Gật đầu)

VA: Vậy thì khi bạn cùng lớp chạy đến giúp đỡ thì em còn cảm thấy cô đơn, còn nghĩ tất cả mọi người đang nghĩ về mình nữa hay không?

NA: Lúc đấy em cảm thấy mình làm điều đúng. Mọi người nghe được tiếng nói của mình thì sẽ hiểu được quyết tâm và sự nghiêm túc trong việc học của mình, do vậy mọi người có thể hiểu mình hơn và giúp được mình. Sau đó em tiếp tục đặt câu hỏi với suy nghĩ là mình đóng tiền học nên mình phải tận dụng cơ hội học hỏi và thầy cô có nghĩa vụ giúp đỡ mình trong việc học. Các giáo sư khác đều rất thân thiện và thậm chí có một thầy tuần nào cũng chạy đến hỏi riêng em là em có cần thầy giúp đỡ gì không. Đây là giáo sư Thomas Zerres, một giáo sư lớn tuổi mà em cực kỳ yêu quý và kính trọng. Lúc đầu em hơi ngại, nhưng sau đó em nói với thầy em không biết cách trả lời những câu hỏi tình huống (problem-based questions). Thầy sau đó đề nghị sửa một vài bài cho em để em có kinh nghiệm. Bài đầu tiên em viết là bài mà em thấy khó nhất trong cuộc đời của em. Nhưng thầy có nói riêng với em là thầy không có thời gian để giúp đỡ toàn bộ sinh viên trong lớp nên em đừng nói với nhiều người (cười).

Ngọc Anh (áo dài hồng) trong lễ tốt nghiệp dự bị đại học.
Ngọc Anh trong lễ hội bia tháng 10

VA: Vậy khoảng thời gian khó khăn đó kéo dài bao lâu em?

NA: Tầm 6 tháng đó chị.

VA: Sau đó thì sao?

NA: Sau đó thì em thấy tự tin hơn, nghĩ là mình làm được, nhưng mình sẽ làm chậm hơn mọi người. Ví dụ như ngành của em cần 7 học kì để hoàn thành, nhưng riêng em, em nghĩ mình cần khoảng 9 kì để học xong.

VA: Một năm của em có mấy kì?

NA: Gồm 2 kì tất cả. Để hoàn thành xong tấm bằng cử nhân kinh tế luật thì cần 7 kì, tầm 3,5 năm nhưng rất hiếm người có thể hoàn thành trong khoảng thời gian này.

VA: Quay trở lại chuyện em nghĩ mọi người bàn tán suy nghĩ về mình, tới bây giờ em có còn nghĩ như vậy nữa hay không?

NA: Em vẫn còn chị à nhưng theo hướng tích cực hơn. Em nhận ra mọi người có vẻ tò mò về em vì tại sao em lại chọn học một ngành khó bằng tiếng Đức. Mọi người ngạc nhiên chứ không phải là chờ em nói ra một điều gì đó để mà cười nhạo em, như em đã từng tưởng tượng.

VA: Em đã từng bao giờ thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc chưa?

NA: Có đó chị, đó là kỳ đầu tiên. Buổi sáng em đi học, xong em ghé thư viện tới chiều tối, buổi tối thấy nản quá, em đi về nhà. Nhưng sáng mai ngủ dậy đi học thấy bình thường trở lại. Ngày nào em cũng trải qua vòng lặp đó, buổi sáng thấy tràn đầy năng lượng, tới tối lại muốn bỏ cuộc. Chị có từng cảm thấy vậy không?

VA: Chị học luật bằng tiếng Anh nên có thể nó không quá khó khăn như việc em học luật bằng tiếng Đức. Đó là chị đoán vậy, chứ chị chưa học luật bằng tiếng Đức bao giờ để mà so sánh, nhưng có thời gian tự học tiếng Đức, chị đã cảm thấy rất oải rồi. Chưa kể lúc chị đi học thạc sĩ, chị đã có bằng cử nhân luật ở Việt Nam nên chị đã hiểu những khái niệm đó bằng tiếng Việt. Vấn đề của chị là làm sao chuyển hóa những hiểu biết đó sang tiếng Anh. Vậy nên khi chị đọc một từ tiếng Anh, có thể chị chưa hề biết từ đó trước nhưng đọc xong là chị có thể biết được ý nghĩa pháp lý của nó là gì. Chưa kể trước mỗi bài học chị cố gắng đọc càng nhiều càng tốt trong Reading list (danh sách các bài phải đọc) mà thầy đưa cho để giảm bớt áp lực về sau.

NA: (Gật gù đồng ý) Đúng rồi chị. Em cũng làm vậy để cải thiện khả năng của mình.

Thư viện đại học Khoa Học Ứng Dụng Konstanz

Học luật ở Đức có khó không?

VA: Em thấy học luật ở Đức có vất vả không ? Và việc kiểm tra đánh giá ở Đức như thế nào?

NA: Em học rất cực, học rất nhiều. Ở Đức thì có thi viết, có môn kiểm tra bằng viết luận, lại có cả môn thi vấn đáp.

VA : Ồ, vậy thì khác với bên Anh nhiều em há. Bên chị hầu hết kiểm tra đánh giá là viết luận hoặc thi viết, chị chưa biết thầy cô nào kiểm tra kiến thức bằng vấn đáp cả. Khóa của em có bao nhiêu người?

NA: Ban đầu có 50 người, còn hiện nay có 35 người. Mọi người học chung toàn bộ và chỉ có năm cuối mới phân chuyên ngành. Nếu ai không đậu môn nào thì phải học lại môn đó, song song với những môn của năm mình đang học. Ví dụ có những bạn hiện đang học kỳ 6 nhưng phải học lại những môn rớt ở kỳ 3 chẳng hạn. Nhiều bạn đuối quá, phải bỏ bớt một số môn ở kỳ hiện tại để tập trung học lại và thi lại, thành ra việc học kéo dài.

VA: Ồ, ở Anh thì số lượng đầu vào có nhiều sinh viên luật hơn. Ví dụ như trường Warwick chị đang dạy có khoảng 300 đến 350 sinh viên mỗi năm (xem thêm kinh nghiệm giảng dạy của tôi tại đây).

NA: À cái này, nếu là trường đại học Konstanz (University of Konstanz) thì sẽ có đông sinh viên hơn nhưng vì trường em là trường đại học Khoa Học Ứng Dụng (University of Applied Science) nên số lượng ít hơn. Ở ngành luật truyền thống thì đầu vào rất đông, tầm 200 đến 300 người, nhưng thông thường qua các kỳ đầu tiên thì số lượng có thể giảm đi một nửa. Ngành em cũng có sự sụt giảm về số lượng sinh viên nhưng ít hơn so với ngành luật truyền thống.

VA: Quay trở lại chuyện học, môn nào em thấy thích nhất và môn nào em thấy khó nhất?

NA: Em thích thuế, kế toán và các môn luật thương mại nhất. Luật hiến pháp em thấy khó nhất vì em không tìm được mối liên hệ với môn học này. Em sinh ra ở Việt Nam, học ở Việt Nam, hệ thống pháp luật ở Việt Nam hoàn toàn khác nên em không “cảm” được môn luật hiến pháp ở Đức. Chưa kể ở đây luật hiến pháp còn bao gồm luật của Liên Minh Châu Âu nên rất khó hiểu đối với em. Từ từ em cũng hiểu một chút ít nhưng thật sự em không tìm thấy sự đồng cảm ở môn này (cười).

VA: À, chị hiểu. Chị có hướng dẫn thảo luận môn luật Liên Minh Châu Âu và các bạn sinh viên đều than trời vì nó mang tính hàn lâm và kỹ thuật quá.

Học luật ở Đức xong làm gì?

VA: Em có định lấy bằng luật sư của Đức không?

NA: Em không thể lấy bằng luật sư tranh biện trước tòa (tiếng Anh gọi là barrister) được vì bằng của em không phải là bằng luật truyền thống (trong tiếng Đức gọi là bằng Jura. Đây là một thuật ngữ latin nhưng người Đức sử dụng để chỉ bằng luật), tức là em phải học 100% luật. Hiện tại em học 30% là kinh tế, 60% luật, còn 10% là điểm dành cho việc tham gia các hoạt động nhóm và trau dồi kỹ năng mềm. Khi em tốt nghiệp, em có thể có thể trở thành luật sư tư vấn (tiếng Anh gọi solicitor hoặc legal consultant – người tư vấn pháp lý. Người này không được tranh biện tại tòa án nhưng hoàn toàn có thể đưa ra các lời khuyên về các vấn đề luật pháp.).

Ngọc Anh trong một môn học gọi là Team building. Cả nhóm 5 người cùng nhau biểu diễn một tiết mục âm nhạc trước lớp. Đây là nhà kho của trường nơi Ngọc Anh và bạn bè tập dượt.

(Ngọc Anh khi tốt nghiệp dự bị đại học đã nhận được giấy mời nhập học luật truyền thống – Jura từ trường LMU Munich. Đây là trường hàng đầu nước Đức và xếp 32 trên thế giới, nhưng vì nhiều lý do, em ấy đã chọn học ở Konstanz để trở thành một luật sư tư vấn.)

VA: Vậy mục tiêu nghề nghiệp của em là gì?

NA: Em muốn đi chuyên sâu vào ngành luật kinh tế, chuyên về thuế. Nhưng chuyên ngành thì em phải chờ đến năm cuối mới được chọn.

VA: Lý do tại sao em lại muốn trở thành một chuyên gia tư vấn thuế? Chị đã từng làm về thuế và chị thấy thuế rất khô khan.

NA: Tại vì tiếng Đức của em không đủ xuất sắc như các bạn bản địa để cạnh tranh trong các lĩnh vực tư vấn khác. Nên em chọn về thuế để làm việc với các con số và tận dụng điểm mạnh tính toán của mình.

VA: Chị nghĩ đây là một sự lựa chọn cực kỳ thông minh và chiến lược vì em hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

NA: Thêm một lý do nữa để em chọn ngành thuế vì cộng đồng người Việt Nam kinh doanh ở Đức rất đông và nhu cầu cần tư vấn thuế do đó cao. Tuy nhiên người tư vấn thuế nói được tiếng Việt thì lại hiếm nên em muốn trở thành luật sư tư vấn thuế cho cộng đồng người Việt ở Đức. Ai cũng nói em sẽ gặp nhiều bất lợi khi học luật ở Đức vì ra trường em không thể cạnh tranh với người Đức. Nhưng em đi theo hướng này thì không có người Đức nào có thể cạnh tranh được với em (cười).

VA (cười): Chị thấy em rất thông minh đó chứ vì em muốn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt làm lợi thế cạnh tranh. Em hiện tại có làm thêm công việc gì không?

NA: Em hiện nay làm thư ký cho một văn phòng tư vấn thuế ở Thụy Sĩ chuyên về thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp. Công việc thư ký của em là phụ giúp giám đốc nhập dữ liệu và khai thuế thu nhập cho cả 2 lĩnh vực.

Có nên học luật khi tuổi bạn không còn “nhỏ” nữa?

VA: Một câu hỏi cuối cùng cho em nha. Đối với em tuổi tác là một trở ngại hay là một động lực cho em học luật với các bạn trẻ?

NA: Là cả 2 đó chị. Em học cùng người trẻ thì em thấymình ngày càng trẻ hóa. Nhưng đôi khi giật mình vì thấy mình già quá so với các bạn cùng lớp (cười). Còn trong cuộc sống, tuổi tác khiến em suy nghĩ chững chạc hơn vì em đã đi học và đi làm ở VN rồi nên em luôn nghĩ đến tính ứng dụng, mình học xong môn này để làm gì, có thể ứng dụng gì trong công việc trong khi nhiều bạn cùng lớp học chỉ để thi qua môn.

VA : Thật ra khi đặt câu hỏi này cho em là chị đã có câu trả lời rồi vì chị thấy rằng việc em tìm ra được hướng đi cho tương lai của mình, chứng tỏ em đã suy nghĩ vô cùng thấu đáo về nghề nghiệp. Chúc quãng thời gian còn lại của em ở Konstanz ngập tràn niềm vui nha.

Kết

Tôi thật sự ngưỡng mộ Ngọc Anh vì sự cố gắng, bền chí và khả năng của em ấy. Những ai đã từng học tiếng Đức thì sẽ biết tiếng Đức khó như thế nào. Có một thời gian tôi cũng mày mò tự học tiếng Đức nên rất hiểu những lắt léo trong ngôn ngữ này, huống hồ gì học luật bằng tiếng Đức. Việc này có thể ví như bạn bình thường đang bơi trong một cái hồ sâu 1m2, nhưng rồi một ngày đẹp trời bạn bị ném ra giữa đại dương bơi cùng những con sóng lớn, không biết đâu là bờ và cũng không biết khi nào mình sẽ đến bờ.

Sự khó nhằn của tiếng Đức có thể được minh họa bằng câu nói sau: “Life is too short to learn German”, tạm dịch: “Cuộc sống quá ngắn ngủi để học tiếng Đức.” Đây là câu nói nổi tiếng của Richard Porson, một học giả kinh điển thế kỷ 18, và quan trọng hơn ông là người biết đọc tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ đại để kiếm sống, nhưng đối với ông tiếng Đức vẫn rất “khó nhai”.

Khi bài viết này chuẩn bị “lên sóng”, Ngọc Anh vừa thông báo cho tôi một tin vui là em ấy vừa ký hợp đồng thực tập ở một công ty tư vấn thuế ở Konstanz với một mức lương khá “ổn” cho một sinh viên. Tôi vui mừng cùng với em vì Ngọc Anh đang tiến một bước gần hơn với giấc mơ của mình. Tôi mong em sẽ bền gan, bơi cùng những con sóng và chạm “đất liền” một ngày không xa.

2 Replies to “Học luật ở Đức: Phỏng vấn Ngọc Anh, một sinh viên chuyên ngành kinh tế luật.”

Leave a Reply