Học luật ở Úc – Phỏng vấn Lương Uyên.

Trong chuyên mục gặp gỡ sinh viên Việt Nam học luật lần này, tôi muốn mời bạn đọc gặp gỡ Lương Uyên – một du học sinh 23 tuổi, đang học năm ba Cử Nhân Luật tại đại học Griffith, Úc. Uyên sang Úc năm 19 tuổi sau khi học một năm Anh Văn Pháp Lý tại Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Mối lương duyên của tôi và Uyên “nảy nở” từ một lần gặp gỡ online, rất đúng trend trong thời đại kỹ thuật số ngày này.

Một ngày đẹp trời cách đây 2 năm, Uyên nhắn tin cho tôi trên LinkedIn, một mạng xã hội việc làm. Em nhắn tin cho tôi bằng tiếng Anh với một giọng điệu rụt rè (Tôi nghĩ có lẽ vì em ngại và hơi xấu hổ khi đường đột nhắn tin nên quyết định chọn tiếng Anh để lời lẽ nghe có vẻ trịnh trọng hơn chăng?). Em bày tỏ rằng vô tình biết được tôi đang dạy luật tại trường đại học Durham ở Anh nên rất mong muốn được kết nối với tôi và mong tôi chia sẻ thêm về việc học luật như thế nào cho hiệu quả. Phải thú thật rằng tôi rất có cảm tình với những bạn trẻ chủ động kết nối và bày tỏ tâm ý một cách chân thành, nên tôi nhanh chóng trả lời cho Uyên. Và chúng tôi làm bạn online từ đó cho đến nay. Mặc dù tôi chưa gặp Uyên trực tiếp bao giờ nhưng tôi đã đi cùng em một quãng thời gian tương đối.

Đây là lần phỏng vấn thứ hai của IP law et al.. Nếu như buổi phỏng vấn đầu tiên với Ngọc Anh, một sinh viên tại Đức với nhiều suy nghĩ trăn trở về tương lai từ một người không còn quá trẻ, thì câu chuyện với Uyên lần này mang một màu sắc hoàn toàn khác. Uyên có sự ngây thơ của tuổi trẻ, sự háo hức khi nói về đam về của bản thân cùng những lo lắng hết sức “sinh viên” về việc học. Có những giây phút tôi có cảm giác mình đang trò chuyện với sinh viên mà tôi đang đỡ đầu tại Warwick. Mời bạn cùng theo dõi.

Vân Anh (VA): Chào Uyên. Em có thể chia sẻ với mọi người về chương trình học của em không?

Uyên: Trường em không chia chuyên ngành mà chỉ có ngành luật chung. Ngoài những môn bắt buộc thì có những môn luật tự chọn. Em thường chọn các môn mang tính ứng dụng cao thay vì các môn có phạm vi ứng dụng hẹp hơn như môn Luật Nhân Quyền, môn Luật và Giới Tính. Không hiểu sao em không hứng thú với những môn này lắm (cười).

VA: Hiện trường chị cũng có những môn học như em vừa kể trên. Theo quan sát của chị, thì những môn này, khoan bàn đến nội dung, khách quan mà nói thì so với những môn như Luật Công Ty, Luật Gia Đình thì đúng là tính ứng dụng của chúng thấp hơn. Những môn học mang tính ứng dụng cao mà em thích là những môn gì?

Uyên: Em thích Luật Trọng Tài Quốc Tế, Luật Chăm Sóc Sức Khỏe và Luật Truyền Thông.

VA: (cười) Những môn em chọn thì đúng là thực tế và cũng được rất nhiều sinh viên bên Anh ưa chuộng. Chẳng hạn như hồi chị dạy ở Duram thì 3 môn tự chọn mà đông sinh viên theo học nhất là Luật Gia Đình, Luật Truyền Thông và Luật Sở Hữu Trí Tuệ. Chị muốn em hỏi em điều này, đó là trong quá trình em học luật, có khoảnh khắc nào em phát hiện là những điều mình vừa học đi ngược lại với niềm tin và suy nghĩ của mình bấy lâu nay không?

Uyên: Nhìn chung, em tự nhận bản thân là người có hiểu chuyện (common sense). Sự hiểu chuyện đó lại càng được tăng thêm khi em được học luật và nhận ra rằng một vấn đề có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Có những cái mình tưởng dưới góc độ thông thường thì là vi phạm pháp luật. Nhưng dưới góc độ pháp luật thì chưa chắc do thiếu một vài yếu tố. Ví dụ, một giấy tờ không phải bản “gốc”, có dấu hiệu sửa chữa thông tin trên đó nhưng vì tài liệu không được sử dụng để nộp lên cho cơ quan chức năng mà chỉ dừng lại ở mức lưu trữ trong nhà thì không cấu thành một “hành vi” (act) lừa đảo.

VA: Chị rất ấn tượng với ví dụ mà em đưa ra! Em thích học môn luật nào nhất?

Uyên: Môn nào em cũng thích hết. Nhưng em ấn tượng với môn Luật Hợp Đồng. Thay vì chỉ chấm điểm qua viết luận, em được chuẩn bị bài bào chữa và tham gia phiên tòa giả định. Em cũng thích môn Luật Hình Sự và môn Chứng Cứ vì em thích điều tra phá án. Bài giảng của các môn này rất hấp dẫn, khi thảo luận về các tình tiết trong án lệ cũng rất là “cool” (cười).

VA: (cười lớn) Nhìn chung phần lớn sinh viên học luật đều yêu thích môn Luật Hình Sự. Ngày xưa chị học ở Việt Nam cũng vậy. Sau này các bạn sinh viên của chị ở nước Anh cũng đều bày tỏ niềm yêu thích tương tự. Mà cũng dễ hiểu thôi, ở các môn này yếu tố ly kì, giật gân, gay cấn đều có hết. Riêng đối với môn Luật Hợp Đồng, chị cảm thấy rất thú vị khi trường em chọn cách đánh giá bằng phiên tòa giả định. Ở trường chị không có hình thức đánh giá như vậy, nhưng các bạn tham gia phiên tòa giả định như là một hoạt động ngoại khóa. Vậy còn có môn học nào em nghĩ là em thích nhưng rốt cuộc em lại không thích?

Uyên: À là môn Luật Tài Sản. Em cứ nghĩ là mình sẽ được học về buôn bán nhà đất (cười lớn) nhưng thực tế là nó chú trọng vào các học thuyết. Mặc dù em hiểu rằng lý thuyết là nền tảng để làm luật, nhưng em không thấy nó hấp dẫn một chút nào chị ơi. Vậy nên, sau hai môn học về Luật Tài Sản, một trong những điều ít ỏi em còn nhớ là một ví dụ về chủ sở hữu đồ vật. Chẳng hạn như khi mình vô tình nhặt được một sợi dây chuyền vàng trên máy bay mà không tìm ra chủ sở hữu thì vật này sẽ thuộc về ai? Người đầu tiên phát hiện hay chủ sở hữu máy bay? Cũng trong ví dụ đó, em hiểu rằng nếu vật này được tìm thấy ở khu vực nơi hành khách được quyền di chuyển tự do thì nó khả năng cao là thuộc về người đầu tiên phát hiện. Còn nếu đó là khu vực bị hạn chế, chỉ có những ai có thẩm quyền được ra vào thì khả năng cao là quyền sở hữu thuộc về chủ sở hữu máy bay.

VA: À há, vậy nhìn chung em quan tâm tới câu hỏi “như thế nào” hơn là câu hỏi “tại sao” đúng không?

Uyên: Có thể nói như vậy đó chị. Thật ra em hiểu là việc áp dụng pháp luật đều dựa trên những học thuyết và quy luật chung do các học giả đưa ra nhưng em cảm thấy khó khăn khi tiếp thu các lý thuyết đó.

VA : Vậy có môn học nào em nghĩ là em không thích nhưng rồi sau đó em lại thấy hấp dẫn?

Uyên: Môn học nào em cũng ít nhiều thấy hứng thú, nên sau khi học em chỉ có thích hơn thôi.

VA: Ôi ước gì chị được nghe sinh viên của mình nói câu này (cười lớn). Chị thấy em rất thích học luật. Vậy không biết niềm đam mê của em nhen nhóm từ đâu?

Uyên: Em thích học luật từ lúc còn nhỏ. Em có một tuổi thơ khá “dữ dội” (cười). Em không xem phim hoạt hình, phim công chúa Disney như nhiều bạn khác, mà em toàn coi những phim TVB về điều tra phá án như Hồ sơ trinh sát. Vì ba mẹ em là luật sư nên hay mướn những băng đĩa phim như vậy về coi, nên em cũng coi chung, rồi dần dà bị ảnh hưởng lúc nào không hay.

VA: Chị không ngờ niềm đam mê của em lại có một lịch sử khá thú vị như vậy. Em có thể chia sẻ đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình học luật của em?

Uyên: Em nghĩ khó khăn duy nhất của em chính là kỹ năng giao tiếp để hành nghề luật. Luật, dù ở đất nước nào, cũng luôn đòi hỏi tính chính xác cao, sự cẩn thận trong sử dụng ngôn từ lời nói. Có thể có nhiều từ đồng nghĩa nhưng mỗi một từ lại mang một sắc thái khác nhau nên việc lựa chọn từ nào để thể hiện suy nghĩ của mình rất quan trọng. Chưa kể, em muốn trở thành luật sư tranh tụng nên kỹ năng giao tiếp lại càng cần trau dồi nhiều hơn. Thêm vào đó, em nhận ra những hiểu biết văn hóa, đời sống xã hội và việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp cũng đóng vài trò quan trọng trong việc hành nghề. Luật không thể đi một mình, nó vốn dĩ phải kết hợp với những lĩnh vực khác. Do đó hiểu biết rộng rãi về đời sống xã hội của đất nước nơi mình muốn hành nghề là rất cần thiết cho việc áp dụng luật.

Tương tự như vậy, luật cũng liên quan đến những vấn đề tâm lý, đòi hỏi tự tin ứng biến, nên việc thể hiện ngôn ngữ cơ thể tự tin cũng là một kỹ năng quan trọng không kém. Biết được những khuyết điểm của mình, em đã tham dự nhiều phiên tòa thực tế để học hỏi cách các luật sư ở Úc tranh luận trước tòa như thế nào, quan sát cách họ sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp. Em rất tiếc là trước khi bắt đầu học luật em đã không biết những điều này để trao dồi kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Nếu em có thể nói tiếng Anh gần như người bản ngữ thì em cảm thấy mình có thể tự tin tham gia các cuộc thi phiên tòa giả định ở trường rồi.

Một ví dụ về tính chính xác cao trong thuật ngữ pháp lý là sự khác biệt giữa solicitor, legal practitioner và lawyer. Trong cuốn Chuẩn mực hành vi trong hành nghề luật (Code of conduct) và Luật Những Người Hành Nghề Luật/ Luật Luật Sư của bang Queensland, Úc (Legal Profession Act 2007 (Qld)) quy định rõ ràng sự khác biệt này mặc dù hiểu thông thường mọi người đều nghĩ ba từ này đều chỉ “luật sư”. Lawyer[1] là người đã được thừa nhận tại một tòa án tối cao. Nhưng nếu lawyer không giữ bằng hành nghề thì họ không được coi là solicitor và do đó không được phép tham gia các hoạt động pháp lý. Những người được xem là lawyer không được tư vấn pháp lý, thậm chí là cho lời khuyên miễn phí cho bạn bè và người thân, vì họ không phải là solicitor.

VA: Ví dụ của em làm chị nhớ đến những ngày đầu sang Anh học luật. Có một ví dụ về ngôn ngữ mà theo chị đến bây giờ. Trước đó chị biết những từ như “will” hay “shall” đều là trợ động từ chỉ tương lai và tùy trường hợp mình có thể dùng thay đổi hai từ này như “I will” hay “I shall” thì đều đúng hết. Trong một tiết học về Luật Sở Hữu Trí Tuệ, thầy dạy lúc đó (sau này cũng là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho chị) có đọc một điều luật của Liên Minh Châu Âu, trong đó người ta dùng từ “shall”. Thầy nhấn mạnh với cả lớp rằng, “shall” trong ngôn ngữ pháp lý là điều bắt buộc phải làm, chứ không phải là “sẽ” như trong ngôn ngữ thông thường. Vậy nên khi đọc luật thấy điều khoản nào mà có chữ “shall”, nó là nghĩa vụ chứ không phải quyền, mình bắt buộc phải tuân theo chứ không phải thích thì làm, không thì thôi. Lúc đó chị bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng Anh) trong việc học luật.

Hay một ví dụ khác là một bài tập chị nộp cho thầy lúc mới bắt đầu học tiến sĩ. Khi thầy trả về, có gạch đậm một dòng chị viết như sau : “India introduced a new law[…]”. (Tạm dịch: Ấn Độ giới thiệu một đạo luật mới). Thầy tô đậm chữ “introduced”, hỏi lại chị, “Em viết như vậy nghĩa là sao? Nước Ấn Độ đã thông qua luật này hay chưa hay chỉ mới đề nghị? Nếu đã thông qua luật rồi thì em nên sử dụng từ như “adopt” hoặc “pass” (thông qua) thì sẽ hoàn toàn rõ ràng, em viết như vậy [introduced] khiến cho người đọc phải băn khoăn nghi ngại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thông điệp em muốn gởi gắm trong đó. Có thể một lần, hai lần không sao, nhưng nếu lỗi này lặp đi lặp lại thì bài viết của em bị đánh giá là mơ hồ, lập luận không rõ ràng.” Lúc đó chị nhận ra sự mập mờ trong cách dùng từ của mình có thể gây nhầm lẫn cho người đọc mặc dù về mặt ngữ pháp không sai. Từ đó, chị càng trở nên cẩn trọng hơn với mỗi từ mình viết ra, đảm bảo rằng nó chỉ được hiểu một nghĩa duy nhất.

Uyên: (gật gù) Đúng rồi đó chị. Thầy dạy môn Luật Hình Sự của em từng nói rất ghét việc sử dụng các từ như “he, she, they, it” (anh ấy/cô ấy/người ta/nó) vì không rõ ràng. Thầy luôn đề nghị sinh viên phải gọi tên chủ thể một cách chính xác để tránh nhầm lẫn.

VA: Quay trở lại vấn đề kỹ năng giao tiếp, vậy em đã làm những gì để cải thiện kỹ năng này?

Uyên: Em đang cải thiện bằng cách thường xuyên nhận thức về ngữ điệu của mình khi đang nói chuyện, bên cạnh việc suy nghĩ cẩn thận về nội dung cần trao đổi. Nhờ công việc thực tập hiện tại, em có nhiều cơ hội giao tiếp trong môi trường pháp lý hơn. Em xem mỗi lần nói chuyện là mỗi cơ hội thực hành, chú ý điều chỉnh giọng và ngữ điệu. Em để ý các luật sư dùng từ như thế nào rồi bắt chước học theo.

VA: Em có thể nói thêm một chút về việc thực tập của em không?

Uyên: Em thực tập tại một văn phòng luật sư tại Úc. Văn phòng này chuyên về giao dịch nhà đất, ly hôn và các vụ tranh tụng tại tòa. Vì văn phòng nhỏ nên em rất may mắn được làm hầu hết tất cả các việc, tiếp xúc các vấn đề đa dạng và học được rất nhiều.

VA: Vậy em đã từng mắc sai lầm nào chưa?

Uyên: (cười xấu hổ) Rất nhiều lần đó chị. Mà vì em giao dịch trực tiếp với khách hàng nên những sai lầm của em thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Mỗi lần như vậy em đều cố gắng phân tích sai lầm của mình và tự nhủ lần sau không được mắc những sai lầm tương tự.

VA: Vậy em có cảm thấy những kiến thức chuyên ngành mình đã học được áp dụng trong công việc không?

Uyên: Có đó chị. Em rất thích cảm giác em vừa học những kiến thức trên trường xong thì qua văn phòng được áp dụng ngay lập tức. Vậy nên đối với những môn thiên về lý thuyết, em vẫn không hình dung ra là áp dụng như thế nào.

VA: (cười) Chị nghĩ em thuộc tuýp người thích hành động và nhìn thấy kết quả tạo nên từ hành động hơn là tuýp người thích chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ. Bây giờ hãy nói thêm một chút về trải nghiệm học online của em trong thời gian dịch bệnh đi.

Uyên: Em là người hướng nội nên thời gian đầu học online, em thấy không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng rồi em nhận ra hiệu suất làm việc của em bị giảm một cách đáng kể do thói quen trì hoãn của mình. Em cứ nghĩ rằng đằng nào thì bài giảng cũng được thu âm lại, từ từ coi sau cũng được, không nhất định phải tham gia lớp học. Hậu quả là có một môn học đến tuần thứ năm rồi mà em vẫn chưa chuẩn bị một chút gì hết. Lúc đó em rất sợ và stressed vô cùng. Mặc dù sau đó em được điểm khá cao cho bài tập môn này, nhưng em học được một bài học lớn cho tính trì hoãn của mình.

Chưa kể, ngoài dịch bệnh ra thì việc em đi làm cũng khiến em chểnh mảng rất nhiều.

VA : Oh cái này chị rất hiểu. Chị đã từng chứng kiến một bạn sinh viên học thạc sĩ luật vì mải mê làm việc trong suốt 3 tháng hè nên không có thời gian làm luận văn 10000 từ. Kết quả là bài của bạn chỉ đủ điểm đậu mà thôi. Bạn cực kỳ thất vọng và bảo chị là ở nước của bạn, bạn là một học sinh rất khá, luôn đạt điểm cao. Vậy nên một điểm vừa đủ đậu như vậy khiến bạn rất xấu hổ. Do đó em phải ưu tiên việc học của mình, vì việc em tập trung vào đi làm có thể khiến em phải trả giá đắt cho việc học, nhất là khi em bước vào năm cuối.

Uyên: Thật ra đây chính là những gì em đang suy nghĩ đó chị. Chưa kể trong khi đi làm, em lại hay bị cuốn vào những vấn đề pháp lý ngoài lề, cần nghiên cứu thêm, nên thời gian em dành cho việc học lại càng ít hơn. Bây giờ nhìn lại bảng điểm, em thấy rất tiếc vì nó không được cao như em mong muốn. Hiện tại lại là thời điểm nộp đơn xin thực tập ở tòa mà bảng điểm em lại không đủ tốt để nộp vô. Em lại càng tiếc nhiều hơn vì em biết là em có thể làm tốt hơn. Dù vậy, em cũng phải thừa nhận là em cảm thấy rấr hài lòng khi vừa áp dụng kiến thức ở trường vào thực tế vừa có thể kiếm tiền sinh hoạt.

VA: Chị rất hiểu nỗi lòng của sinh viên nhưng chị vẫn mong ví dụ của chị đưa ra sẽ giúp em có một cái nhìn cân bằng hơn. Trong quá trình đi dạy của mình, chị gặp không ít trường hợp các bạn sinh viên mặc dù điểm chỉ ở mức độ trung bình khá, nhưng các bạn tham gia rất nhiều các câu lạc bộ và hoạt động khác nhau. Có người làm chủ tịch câu lạc bộ này, thư ký câu lạc bộ kia, xong rồi than với chị, em không có thời gian học (cười khổ). Chị cũng khuyên các bạn phải bỏ bớt một vài trách nhiệm để tập trung vào việc học nhưng chỉ một số ít lắng nghe. Có bạn còn phải xin hoãn thi cho đến năm sau vì nhiều lý do. Vậy nên em phải biết đưa ra các danh sách thứ tự ưu tiên, đừng vì các cám dỗ trước mắt mà quên đi mục tiêu dài hạn của mình. Nhân nói đến chuyện này, định hướng nghề nghiệp tương lai của em thì sao?

Uyên: Về mặt ngắn hạn, em sẽ học để trở thành luật sư tư vấn (solicitor). Sau đó, em muốn học cao hơn để trở thành luật sư tranh tụng (barrister) chuyên luật hình sự hoặc trở thành công tố viên.

VA: Mục tiêu của em có vẻ rất thách thức đó nha! Có điều gì mà em ước rằng em sẽ biết trước khi quyết định học luật?

Uyên: Em ước gì em có thể qua đây sớm hơn, hiểu hơn về văn hóa đời sống xã hội bên này và có thể nói tiếng Anh trôi chảy trước khi vào trường Luật. Một điều nữa là em ước gì em có thể học song song hai văn bằng, chẳng hạn như Luật và Kinh Tế, hoặc Luật và Tội Phạm Học. Em tin là việc có hai văn bằng như vậy sẽ giúp mình có được sự hiểu biết sâu sắc đủ về cả luật và một lĩnh vực khác.

VA: Ở bên Úc việc học hai văn bằng có vẻ khá phổ biến há. Ở trường chị hiện tại mặc dù chị không biết có bạn nào học hai bằng không nhưng có rất nhiều bạn chọn học Luật và Xã Hội Học, hay là Luật và Chính Trị. Riêng môn Luật Sở Hữu Trí Tuệ của chị thì có một vài bạn học các ngành khoa học kỹ thuật như khoa học máy tính, sinh học, sang học môn này vì các bạn có thể trở thành người viết bằng sáng chế trong tương lai. Hầu hết các bạn có nền tảng khoa học học rất khá môn Luật Sở Hữu Trí Tuệ, thậm chí còn tốt hơn nhiều các bạn học luật thông thường. Điểm viết luận của các bạn khá cao cho dù đây có thể là bài luận dài nhất và trong nhiều trường hợp là bài duy nhất trong việc suốt mấy năm học cử nhân của các bạn. Nhưng tư duy các bạn thì không chê vào đâu được. Sẵn nói chuyện về viết luận văn, em có thể chia sẻ với chị bài luận đáng nhớ nhất của em cho tới thời điểm này, không hẳn là bài có điểm cao nhất hay thấp nhất mà bài khiến em phải suy nghĩ nhiều nhất?

Uyên: Đó là bài luận môn Luật Di Trú. Đây là môn học mà như em nói ở ban đầu là em đã không học gì cho đến tuần thứ 5 đó chị. Khi em nhận đề luận, em đã rất stressed và dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và coi lại nội dung bài giảng của 5 tuần đã bỏ lỡ. Cũng nhờ vậy lần viết bài này mà em có cái nhìn khác về việc học lý thuyết hay đào sâu các học thuyết pháp lý. Em hiểu thêm về các chính sách di trú, visa, tại sao chính quyền sở tại lại đề ra một chính sách nhất định. Nhất là vấn đề nhập cư hiện nay đang là một vấn đề hết sức nhức nhối và gây chia rẽ ở nhiều nước. Em muốn khoe với chị một chút là bài viết này em đạt điểm khá cao và được khen là có đoạn mở bài tốt nhất trong những bài cô đã chấm.

(Tôi đã xin phép Uyên chia sẻ bài luận của em trên IP law et al.. Bạn có thể xem bản tiếng Anh tại đây và bản dịch tiếng Việt tại đây)

VA: Với tư cách là một người thường xuyên chấm bài luận, chị cũng rất thích những bài viết có một mở đầu rõ ràng, trình bày luận điểm chung. Nó khiến người chấm dễ dàng xác định được ý định của người viết và nhất là khi mình chấm cả trăm bài luận, gặp được một bài viết tốt sẽ rất sung sướng vì phần viết phản hồi không có gì nhiều để chê (cười). Kinh nghiệm chấm bài của chị cho thấy rằng, bài nào mà phần mở đầu lộn xộn, không nêu được quan điểm chung của người viết thì có khả năng cao là phần còn lại cũng sẽ có những lỗi y như vậy. Chị muốn hỏi thêm em một câu nữa, đó là học luật đã thay đổi tư duy của em như thế nào?

Uyên: Có lẽ cho tới thời điểm này, em cảm nhận được mình đã có sự trưởng thành về mặt tư duy. Em rất yêu thích hệ thống án lệ vì nó giúp em có được tư duy nhiều chiều. Nhiều khi một điều luật được viết như vậy nhưng cách áp dụng như thế nào thì lại tùy vào nhiều trường hợp. Việc giải thích và áp dụng pháp luật của các thẩm phán khiến một điều khoản trở nên “ sống động” và lấp vào những khoảng trống mà khi làm luật, các nhà lập pháp không lường trước được.

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Uyên đã bước vào năm cuối được một vài tháng. Từ một cô học trò rụt rè bối rối khi tiếp xúc với tôi những ngày đầu, cho đến hôm nay, ngồi trước mặt tôi là một cô gái cởi mở và sống động hơn rất nhiều. Khi nước Úc vẫn còn đang loay hoay với việc phong tỏa và dịch COVID-19, tôi không có gì hơn là chúc Uyên vượt qua thời gian này với kết quả tốt nhất. Mong mọi mong muốn của em đều thành sự thật.


[1] Sections 5,6, schedule 2 Legal Profession Act 2007 (Qld).

Leave a Reply