Một vài suy ngẫm việc việc dạy và học online ở Việt Nam

Sáng nay đọc bài báo trên báo Thanh niên đưa tin về học online của các em sinh viên Việt Nam mà mình thấy thương vô cùng. Thời điểm dịch Covid nặng nề ở nước Anh, toàn bộ các trường đại học ở đây đều chuyển sang dạy online. Điều này kéo dài từ tháng 3/2019 đến tháng 9/2021. Ngay cả thời điểm này, mình vẫn phải thu âm/ghi hình một số bài giảng cho sinh viên, vì vậy hơn ai hết mình rất hiểu nỗi vất vả của thầy cô và sự chán nản, khó tiếp thu và tập trung của sinh viên. Ngay cả ở nước Anh nơi sinh viên nhận được sự chăm sóc khá toàn diện về mặt sức khoẻ tâm thần, nhưng rất nhiều lần bản thân mình chứng kiến những giọt nước mắt bất lực của các em. Có những em vật lộn với trầm cảm, có nhiều bạn có ý định tự tử, và đã có trường hợp sinh viên tự tử mà lẫn gia đình và nhà trường không ai biết nguyên nhân từ đâu. Với vị trí là một wellbeing tutor cho sinh viên năm 1, (nhiệm vụ của vị trí này là coi sóc việc học và cả sức khoẻ tâm thần, tình trạng tâm lý của toàn năm 1) mình còn được đọc và phê duyệt đơn xin gia hạn, đơn xin không bị phạt vì nộp trễ… của các em mà từ đó biết thêm rất nhiều mất mát từ đời sống cá nhân của các bạn và những câu chuyện không biết bày tỏ cùng ai.  Nếu các bạn sinh viên năm 2, năm 3 hoặc thậm chí năm 4 còn biết cách đối phó với sự cô đơn và ít nhất các bạn đã trải qua năm 1 với nhiều trải nghiệm (ở nước Anh, các trường tổ chức rất nhiều hoạt động chào đón sinh viên năm 1 vào tháng 9. Mùa tựu trường là một trải nghiệm mà các em sinh viên vô cùng háo hức), đối với các em năm 1, các em bị tước đi trải nghiệm đó, chưa kể cùng với việc học luật, các em bị ném vào một đại dương mà sự giúp đỡ của nhà trường dù cho đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể bù đắp những lợi ích khi các em được học trực tiếp, được gặp thầy cô và thảo luận với bạn bè. Một lần nọ vào tháng 4, mình có việc phải check email mặc dù đang nghỉ phép, mình đã nhận được một bức thư cầu cứu của một em sinh viên năm 1. Em hoảng loạn và tuyệt vọng vì mùa thi gần đến mà em lại không tự tin, không chắc chắn rằng mình có thể làm bài được không. Chưa kể thời điểm đó trường tổ chức thi online, sinh viên có 24 giờ làm và nộp bài. Mặc dù thầy cô đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, việc tổ chức thi 24 giờ là nhằm đáp ứng múi giờ khác nhau trên thế giới, các em nên xem đây là một bài thi cần 3 giờ bình thường. Nhưng chẳng em nào nghe như vậy hết. Các em đều hì hục dành 24 giờ để làm bài! Thật là kinh khủng, vì vậy em sinh viên càng lo sợ hơn. Mình ngay lập tức email lại cho em và hẹn gặp online ngay sau đó để trấn an bạn ấy. Vậy là từ đó cho đến lúc em thi, mỗi tuần mình đều dành 30 phút trong quỹ thời gian dành cho sinh viên (2 giờ mỗi tuần) để trò chuyện và động viên em, khuyên em đọc sách nhiều hơn. Nhờ trò chuyện với mình, em dần lấy lại sự bình tĩnh, em làm thơ và quay lại với niềm đam mê vẽ tranh để tìm lại sự bình an trong tâm hồn. Qua lần đó, mình càng hiểu rằng, nhiều khi các em sinh viên không cần lời khuyên từ phía người giảng viên, mà chỉ cần sự an ủi, sự vỗ về và trấn an.  Hay nói một cách khác, các em chỉ cần biết rằng there is someone who cares! Dông dài như vậy chỉ để nói rằng ngay cả sinh viên ở một nước có điều kiện cơ sở vật chất như nước Anh còn phải vật lộn với việc học online, mình thật sự rất thương cho các em sinh viên Việt Nam vì những khó khăn các em đối mặt còn gấp bội phần. Có lẽ việc học online ở Việt Nam còn kéo dài nên hy vọng những kinh nghiệm dạy online của mình trong thời gian vừa qua sẽ giúp cho các đồng nghiệp. Việc giảng dạy đại học ở Anh hầu hết được tổ chức dưới mô hình: lecture và seminar/tutorial. Lecture là nơi thầy cô giảng bài ở giảng đường lớn, lecture có thể kéo dài từ 1 đến 2 giờ tuỳ từng môn, từng trường. Còn seminar/tutorial là hình thức thảo luận nhóm, giới hạn ở trường Warwick nếu dạy trực tiếp là 16 sinh viên. Tutorial ở Oxford thì không quá 3 em. Khi chuyển sang dạy online, đối với các lecture, hầu hết các trường sẽ chọn hình thức thu âm/ghi hình trước và upload trên nền tảng của từng trường. Điều này có một vài lợi ích sau đây: sinh viên ở các múi giờ khác nhau không phải thức khuya hoặc dậy sớm để nghe giảng mà các em hoàn toàn có thể download bài giảng về để nghe lại trong thời điểm phù hợp. Ngoài ra những sự cố về đường truyền mạng sẽ không còn là nỗi lo của đôi bên. Đặc biệt điều này phù hợp với những em sinh viên gặp khó khăn trong việc nghe giảng, các em có thể nghe đi nghe lại bao nhiêu lần cho đến lúc hiểu bài thì thôi. Không biết tại sao các trường ở VN không chọn cách này để hạn chế vấn đề kĩ thuật cho cả người học lẫn người dạy? Tuy nhiên hình thức này đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng đến từ giảng viên vì người dạy phải lên kế hoạch chi tiết cho bài giảng của mình. Khi biết tin sẽ dạy online, mình ngay lập tức đăng kí một khoá học online thử ở trường ĐH Harvard để xem các thầy cô khác dạy như thế nào. Mình còn đăng kí một môn mà mình chưa học bao giờ để đặt bản thân mình vào vai trò là người học. Từ đó mình rút ra rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Trong lúc quay video, mình phải tưởng tượng xem chỗ nào sinh viên sẽ hay gặp vướng mắc để giảng chậm lại hay nhấn mạnh. Chưa kể, việc quay video không hề dễ dàng cho mình một chút nào. Ngay cả một câu mở đầu đơn giản mà mình phải quay đi quay lại vì lúc thì ánh sáng không tốt, lúc thì ngôn ngữ cơ thể không ổn, lúc thì thấy giọng mình chưa hay. Mình mất gần 1 tháng trời cho bài giảng đầu tiên vì có quá nhiều khó khăn mà mình không tưởng tượng ra cho đến lúc bắt tay vào làm. Chưa kể mình còn chèn thêm rất nhiều hoạt động tương tác như đố vui, đặt câu hỏi, điền vào chỗ trống để củng cố kiến thức cho sinh viên nên mình càng khó khăn hơn. Làm xong video nào mình phải thử lại xem thử nó có hoạt động như mong muốn không. Tháng 1/2021 mình mới bắt đầu dạy nhưng mình đã chuẩn bị từ tháng 7/2020, và đến tháng 12 thì ghi âm xong 9 bài giảng, kèm theo slide và danh sách đọc. Thật là một hành trình dài. Nếu trong điều kiện bình thường, mỗi lecture như thế này kéo dài 2 giờ ở Warwick nhưng  lúc quay video, các giáo viên ở trường mình lúc đó nhất trí rằng video không nhất thiết phải dài 2 giờ vì phản hồi từ sinh viên là 2 giờ nghe online bằng 4 giờ học bình thường! Thì ra là  nhiều em còn cặm cụi chép chính tả lại những lời thầy cô giảng, chưa kể thầy cô đến từ nhiều nơi khác nhau, giọng khác nhau, và nhiều thầy cô nói nhanh làm các bạn nghe không kịp. Mình hỏi một em sinh viên người Pháp, sao em lại phải chép như vậy? Câu trả lời của em làm mình bật cười: “Em biết là dạy online thầy cô đã rút gọn lại những gì cô đọng và quan trọng nhất, nên mình phải chép lại cho chắc ăn!”. Rút kinh nghiệm từ kì 1, các GV ở kì 2 như mình giảm tải số lượng nội dung. Ở nước Anh, giảng viên có quyền tự do học thuật (academic freedom), giảng viên có quyền quyết định môn của mình sẽ dạy như thế nào và dạy cái gì.  Trong môi trường online, tuỳ thuộc vào từng người mà video có thể dài ngắn khác nhau, nhà trường không có quyền can thiệp, cũng không có việc ban giám hiệu vào dự giờ. Mình quyết định bỏ bớt tầm 20% -30% các phần không cần thiết. Và mỗi bài giảng của mình nhiều khi kéo dài chỉ 1 giờ mà thôi. Tuy nhiên như nói trên mình còn chèm thêm các hoạt động tương tác khác, đặt ra những câu hỏi trong quá trình giảng để sinh viên suy nghĩ nên nhiều video chỉ dài 1 giờ nhưng sẽ mất gần 1.5 giờ để sinh viên hoàn thành, chưa kể các hoạt động khác. Thay vì một video dài 1 giờ, mình chia video ra làm nhiều video nhỏ, tầm 15’-20’ cho mỗi video để các em đỡ bị choáng và mình có nói rõ thời gian các em cần bao lâu để hoàn thành cho từng video. Video nào có tương tác thì mình cũng sẽ nói trước để các em chuẩn bị tinh thần. Mỗi tuần các sinh viên sẽ có các buổi thảo luận, mỗi nhóm dao động từ 10-20 sinh viên, tuỳ vào múi giờ và lịch học. Các buổi thảo luận này sẽ dựa trên bài giảng đã thu âm trước, bao gồm các câu hỏi đơn giản để củng cố nội dung bài học và các câu hỏi mở rộng mang tính phản biện. Mỗi buổi thảo luận kéo dài 1 giờ. Toàn bộ nội dung buổi thảo luận đã được mình upload trên hệ thống học online vào đầu kì nên SV có một cái nhìn tổng quát trước khi bắt đầu là sẽ học gì và học như thế nào để chọn cách học phù hợp. Có em thì nghe bài giảng từng tuần, có em học theo chuyên đề, có em trong tuần đầu tiên đã nghe xong 9 bài giảng của mình! Điều đó làm mình sốc vô cùng. Một vài chia sẻ như vậy mong sẽ hữu ích. Và mình cũng hoàn toàn ý thức rằng điều kiện và hoàn cảnh của VN không thể so sánh với nước Anh nên những chia sẻ nói trên chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Trong hình là hình ảnh chụp từ platform học online của trường cũ nơi mình dạy.

Leave a Reply