Làm PhD ngành luật ở Anh – Những nỗi niềm chưa tỏ bày

Thời gian gần đây tôi nhận được một vài email từ nhiều bạn, ngỏ ý muốn làm PhD (nghiên cứu sinh – NCS) trong ngành luật. Có bạn nhờ tôi góp ý proposal (đề cương nghiên cứu), có bạn bày tỏ muốn làm PhD nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì background của bạn khác với phần đông sinh viên khác. Thật ra, từ lúc bắt đầu đi dạy, tôi đã nhận được kha khá PhD proposal nhưng vì nhiều lý do tôi chưa có dịp nhận hướng dẫn ai. Cách đây hai năm, tôi rất ưng ý với proposal của một bạn sinh viên người Ấn, nhưng vì nhà trường lúc đó chậm trễ trong khâu tuyển sinh, thành ra bạn nhận được học bổng từ một trường ĐH khác ở Anh. Tôi tiếc cho tôi, nhưng mừng cho bạn. Hoặc lẽ ra năm nay tôi sẽ hướng dẫn cho một bạn sinh viên người Anh nhưng vì tôi chuyển trường, thành ra lại lỡ dịp. Bạn vẫn tiếp tục làm PhD ở trường cũ của tôi nhưng do một cô khác hướng dẫn. Nhưng bạn vừa bảo tôi bạn sẽ nộp đơn xin trao đổi ở Oxford và bạn mong tôi sẽ hướng dẫn bạn tiếp tục, vì đề tài của bạn là do hai cô trò làm việc từ lúc bạn còn làm thạc sĩ ở Warwick.

Bắt nguồn từ những trải nghiệm nói trên, tôi muốn chia sẻ với các bạn NCS tương lai những góc nhìn khác về việc làm PhD ngành luật ở Anh mà tôi đã trải qua, và do tôi chứng kiến những trải nghiệm khác của bạn bè. Tôi hy vọng bài viết của mình sẽ giúp các bạn có thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định. Xin lưu ý rằng, những nội dung trong bài viết này phần lớn phản ánh trải nghiệm của riêng tôi trong việc làm nghiên cứu ngành luật ở nước Anh. Việc làm PhD sẽ khác nhau ở từng nước và từng ngành, các bạn hãy tham khảo quốc gia và trường đại học nơi bạn muốn làm nghiên cứu để có được một cái nhìn chính xác hơn.

Nỗi cô đơn

Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ, đó là làm PhD là một hành trình hết sức cô đơn và lẻ loi. Ở nước Anh, quá trình làm PhD là một quá trình nghiên cứu độc lập. Ngoại trừ năm đầu tiên các trường yêu cầu bạn tham gia một vài khoá học như legal research methods (phương pháp nghiên cứu), hầu hết bạn phải tự làm mọi việc một mình. Thầy cô hướng dẫn (Supervisor), như cái tên đã nói lên vai trò của họ, chỉ là người hướng dẫn, đưa ra lời khuyên giúp bạn đi đúng hướng nghiên cứu. Cụ thể hơn, việc đó đi như thế nào, đi làm sao, có ổ gà trên đường hay không, hay gặp những khúc cua bất ngờ thì bạn phải tự tìm ra phương pháp giải quyết. Mỗi bạn sinh viên PhD có một đề tài nghiên cứu riêng, không ai giống ai thành ra bạn sẽ không có nhiều bạn học cùng như bậc cử nhân hay thạc sĩ. Bạn cũng không có deadline, cũng không có kì thi nào để vượt qua ngoại trừ đánh giá hàng năm. Nếu bạn muốn làm nghiên cứu ở nhà toàn thời gian cũng không ai phàn nàn gì. Chưa kể, rất nhiều bạn NCS đã có gia đình và họ mang gia đình theo nên rất khó để bạn kết bạn, chưa nói đến bạn thân. Nếu bạn may mắn làm PhD ở một trường lớn, cơ hội để bạn gặp gỡ những người nghiên cứu cùng ngành sẽ cao hơn và trường có thể tổ chức nhiều hoạt động cho bạn. Nếu bạn làm ở một trường nhỏ hơn, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc môi trường nghiên cứu sẽ không được năng động và ngoại trừ supervisors, có khi bạn sẽ không tìm được ai có cùng lĩnh vực nghiên cứu như mình. Quả thật là một hành trình cô đơn!

NCS và supervisor: Một cuộc hôn nhân có nhiệm kỳ

Điều thứ hai là mối quan hệ giữa bạn và supervisor. Nếu bạn có một supervisor nhiệt tình và có thời gian dành cho bạn (như tôi đã từng có), đây quả thực là một may mắn. Thầy tôi tỉ mỉ tới mức sửa từng trang cho tôi, chỉnh sửa ngữ pháp, câu từ và dạy tôi cách tư duy. Còn nếu supervisor của bạn quá bận rộn đến nỗi không có thời gian dành cho bạn, khó khăn sẽ tăng lên bội phần. Tệ hơn nữa, có những supervisors cản trở con đường phát triển của sinh viên. Chuyện tưởng lạ nhưng không phải không có thật. Tôi đã từng biết có những trường hợp như vậy, một bạn sinh viên muốn đi hợp tác nghiên cứu ở một tổ chức quốc tế nhưng supervisor không đồng ý. Lần đầu tiên bị supervisor từ chối, bạn buồn bã nhưng miễn cưỡng gật đầu. Lần thứ hai, bạn quyết định “qua mặt” supervisor, trao đổi trực tiếp với hiệu trưởng và nhận được cái gật đầu của thầy. Tôi từng thấy bạn vật vã, bức xúc khi thấy supervisor không quan tâm đến bạn, trong khi đó lại thiên vị một sinh viên khác đến từ nước của supervisor đó, trao hết cơ hội cho bạn kia mà không đếm xỉa tới bạn ấy. (Nhưng sau này cũng chính bạn sinh viên kia hỏi tôi, làm sao để từ chối không phải làm việc với supervisor kia! Thật là trớ trêu.) Ngày tốt nghiệp, bạn vui như tết vì từ nay về sau sẽ không phải làm việc với supervisor đó nữa.

Tôi thì ngược lại rất may mắn khi supervisor hết sức ủng hộ việc tôi đi hợp tác quốc tế. Chính thầy là người đã gợi ý cho tôi nộp đơn vào viện Max Planck để từ đó mở ra rất nhiều cơ hội cho bản thân tôi. Chưa kể, lúc tôi nhận được phỏng vấn cho công việc đầu tiên, thầy mời tôi đi ăn trưa, chỉ tôi cách trả lời phỏng vấn. Và tôi đậu phỏng vấn lần đầu tiên!

Dân PhD hay nói đùa với nhau rằng, mối quan hệ giữa sinh viên PhD và supervisor giống như một cuộc hôn nhân có nhiệm kì. Mà các bạn cũng biết rồi đó, đã “kết hôn” rồi thì cam kết sẽ khác, không phải không vừa ý nhau là đòi “ly hôn”. Vì nếu mối quan hệ cơm không lành, canh không ngọt thì những hậu quả về sau của nó khá đau đầu cho NCS, đặc biệt là các bạn đến từ các nước nghèo, kinh nghiệm networking chưa nhiều, khả năng nghiên cứu chưa chín mùi thành ra bạn phụ thuộc rất nhiều vào supervisor. Vì vậy việc duy trì mối quan hệ với supervisor là khá quan trọng. Thậm chí khi bạn tốt nghiệp và muốn tìm việc ở Anh (hay một nước khác), bạn sẽ cần thư giới thiệu của supervisor, là người có khả năng đánh giá nghiên cứu của bạn, một tiêu chí mà nhiều trường đại học ở Anh cần. Hay có những vấn đề nghiên cứu sau đó bạn không biết hỏi ai, supervisor sẽ là người đầu tiên mà bạn nghĩ đến. Thậm chí, tôi tốt nghiệp đã ba năm, nhưng khi cần thư giới thiệu vào trường Oxford, tôi vẫn quay về email hỏi thầy của mình.

Nên việc tìm kiếm supervisor phù hợp là một điều cực kỳ quan trọng mà các bạn NCS nên cân nhắc. Lời khuyên cho các bạn là bạn nên tìm hiểu trên trang web của nhà trường là hiện thầy/cô đang hướng dẫn bao nhiêu sinh viên, và nếu họ có khoảng 3 NCS thì các bạn nên cân nhắc tìm người khác. Trong trường hợp bạn nhắm được một supervisor ưng ý cho mình, sau một vài email trao đổi qua lại, bạn có thể xin phép trò chuyện với thầy/cô tầm khoảng 15 phút để bắt được năng lượng của đôi bên, xem thử mình có hợp với phong cách supervisor không, liệu họ có nhiệt tình không. Ngay cả tôi khi nhận được hồ sơ ưng ý từ phía sinh viên, tôi cũng đề nghị gặp mặt nói chuyện. Có một bạn nộp hồ sơ rất tốt, đề cương nghiên cứu rất ổn, nhưng khi nói chuyện, bạn lại không thể hiện được hiểu biết và kiến thức của bản thân về đề tài nghiên cứu. Điều này khiến tôi và một đồng nghiệp khác trong buổi nói chuyện hôm đó khá ngạc nhiên. Sau khi bàn bạc trao đổi, cả hai quyết định từ chối hướng dẫn bạn. Nói như vậy, tôi cũng rất hiểu vì nhiều lý do các bạn sinh viên nước ngoài không có nhiều lý do để chọn lựa supervisor. Mặc dù vậy, tôi hy vọng những điều chia sẻ nói trên sẽ hữu ích cho bạn phần nào.

Tuổi xuân trôi qua

Ở nước Anh, thời gian làm PhD trên giấy tờ là 3 năm, nhưng thực tế nó kéo dài hơn như vậy rất nhiều. Riêng ngành luật, đa phần các bạn cần từ 4.5 đến 5.5 năm để hoàn thành. Riêng bản thân tôi mất hơn 5 năm vì những thay đổi trong quá trình nghiên cứu. Supervisor của tôi kể rằng, một thẩm phán người Anh, mất 5 năm toàn thời gian để hoàn thành PhD. Các trường sẽ không tính học phí sau ba năm, nhưng một vài trường có thể thu phí quản lý, các bạn nên tìm hiểu thêm. Nhưng bạn cần một số tiền đáng kể cho việc gia hạn visa sau đó. Ngoại trừ một số rất ít, đa phần các bạn PhD khi bắt tay vào làm đều không hình dung rõ ràng rằng mình rốt cuộc đang làm cái gì, liệu rằng đề tài nghiên cứu của mình có tính mới (original) hay không. Trong ngành luật thì tính mới lại càng trở nên khó khăn hơn vì những gì cần được nghiên cứu thì hầu hết đều có người nghiên cứu trước mình rồi. Những băn khoăn đó bạn cần hơn 3 năm để tìm ra lời giải đáp. Chẳng hạn như tôi đến năm 3 mới biết chính xác là mình làm gì. Nhưng vì luật thay đổi nên cần phải mở rộng phạm vi nghiên cứu.

Biết ra sao ngày sau? Que sera, sera?

Tôi muốn mượn lời trong bài hát Que sera sera để nói đến tính bất ổn trong suốt quá trình làm PhD. Một cô bạn người Đức của tôi đã nói một câu như thế này đại ý là doing PhD is already hard but what happens during the PhD is much harder (làm PhD đã khó, nhưng những gì xảy ra trong suốt quá trình làm PhD thì khó hơn nhiều). Điều đó vô cùng chính xác! Bởi vì quá trình làm PhD dài như vậy nên có rất nhiều sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu của bạn.

Chẳng hạn nếu bạn là nữ, thì việc mang thai trong thời gian nghiên cứu sẽ khiến quá trình làm PhD của bạn bị chậm lại. Tôi từng chứng kiến một cô bạn sinh viên người Trung Quốc làm PhD được 3 năm thì bạn mang thai. Bạn xin tạm dừng việc nghiên cứu trong 2 năm, quay về nước đẻ em bé và sau đó quay lại làm tiếp. Ngày bạn quay lại, cả khoa ngưỡng mộ vì ý chí và sự quyết tâm của bạn. Cuối cùng bạn ấy cũng tốt nghiệp, nhưng cứ tưởng tượng nếu bạn phải bắt đầu lại nghiên cứu của mình sau một thời gian dài, update toàn bộ tài liệu, chỉnh sửa hay viết lại phần lớn nội dung thì nó khó khăn và nản chí đến chừng nào. Khó khăn trong quá trình làm PhD không hẳn đến từ bạn mà có thể đến từ supervisor. Việc đổi supervisor không phải là không phổ biến. Tôi biết một bạn sinh viên phải đổi supervisor đến 2 lần, thành ra đến khi làm việc với supervisor thứ 3 bạn rất chật vật vì phải thay đổi phong cách viết và nghiên cứu.

Những điều không may khác có thể xảy ra chẳng hạn vấn đề sức khoẻ của bạn, đời sống cá nhân, thậm chí tài chính bị cạn kiệt, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến quá trình làm nghiên cứu. Một người bạn của tôi đến năm 3 làm PhD thì ba mẹ bạn ấy ly hôn. Sau đó một người bạn thân của bạn ấy mắc ung thư và qua đời. Bạn đã rất sốc và cần một thời gian để lấy lại cân bằng.

Nếu đã đọc đến đây mà bạn vẫn còn muốn làm PhD ngành luật, vậy thì chào mừng bạn đến với thế giới nghiên cứu! Bạn có thể bắt đầu hành trình của bản thân từ quyển sách sau đây:

Caroline Morris and Cian C Murphy, Getting a PhD in Law (Bloomsbury Publishing, 2011) Link.

*Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, bạn có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Leave a Reply