Bảo vệ tài sản văn hóa quốc gia bằng copyright như thế nào?

Câu chuyện quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên Youtube trong trận bóng đá giữa Việt Nam và Lào ngày 6/12 đã khiến người dân giận dữ. Rất nhiều tranh luận nổ ra và cũng từ đó, những vấn đề về copyright cũng được đưa ra mổ xẻ và phân tích.

Định nghĩa đơn giản nhất của copyright nằm chính trong tên gọi của nó: the right to copy. Đây là một loại độc quyền do pháp luật trao cho tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc âm nhạc trong 70 năm, để in, xuất bản, biểu diễn, quay phim hoặc ghi lại tài liệu, hay nói chung là tái sản xuất sản phẩm của mình (reproduce).

Bài blog này không nhằm mục đích đi sâu vào chi tiết những khía cạnh kỹ thuật của luật copyright vì những vấn đề này đã được truyền thông trong nước khai thác một cách khá kĩ càng. Đây đơn giản là những chia sẻ về việc các quốc gia khác đã làm như thế nào để bảo vệ tài sản văn hóa hoặc lợi ích quốc gia của mình.

Câu chuyện về cậu bé Peter Pan từ nước Anh

Ngoại trừ Mexico là nước có thời hạn bảo hộ lâu nhất trên thế giới – 100 năm kể từ khi tác giả qua đời, thì hầu như luật copyright của các nước đều quy định thời gian là 70 năm kể từ ngày mất của tác giả. Sau thời hạn này ai cũng có thể sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép hay trả tiền.

Tuy nhiên có một ngoại lệ cực kì đặc biệt được tạo ra cho tác phẩm cậu bé Peter Pan của nhà văn người Scotland J.M. Barrie. Peter Pan; hay Cậu bé sẽ không lớn lên hay Peter và Wendy, thường được gọi đơn giản là Peter Pan, là một tác phẩm của J. M. Barrie dưới dạng một vở kịch được biểu diễn lần đầu tiên năm 1904 và một cuốn tiểu thuyết xuất bản lần đầu năm 1911. Peter Pan, như hầu hết mọi người đều biết, là một cậu bé không chịu lớn lên, có thể bay và sống ở một hòn đảo kỳ diệu được gọi là Neverland.

Năm 1929, nhà văn Barrie trao quyền copyright của Peter Pan cho Bệnh viện Great Ormond Street, một bệnh viện dành cho trẻ em ở London. Và Great Ormond Street nghiễm nhiên trở thành người thụ hưởng toàn bộ số tiền lợi nhuận từ bất cứ ai muốn sử dụng Peter Pan.

Năm 1937, Barrie qua đời. Vào thời điểm đó, theo Copyright Designs and Patents Act (Đạo luật Bản quyền Thiết kế và Bằng sáng chế – CDPA) năm 1988, copyright ở nước Anh (và toàn bộ châu Âu) chỉ kéo dài 50 năm. Và vì vậy đến năm 1987 thì copyright của Peter Pan không còn hiệu lực, bất kì ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải trả tiền cho Great Ormond Street.

Khi tác phẩm của JM Barrier chuẩn bị thuộc về công chúng, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Lord Callaghan đã đề xuất thành công việc sửa đổi CDPA nhằm mục đích trao cho Bệnh viện Great Ormond Street quyền duy nhất và vĩnh viễn đối với tiền bản quyền từ các buổi biểu diễn trên sân khấu của Peter Pan (và bất kỳ bản chuyển thể nào của vở kịch) như từ các ấn phẩm, sách nói, sách điện tử, chương trình phát thanh và phim về câu chuyện của Peter Pan. Quy định đó được đọc tại phần 301 của CDPA như sau:

Các quy định của Phụ lục 6 có hiệu lực để trao cho những người được ủy thác vì lợi ích của Bệnh viện cho Trẻ em, Great Ormond Street, London, quyền nhận tiền bản quyền đối với việc biểu diễn công khai, xuất bản thương mại, phát sóng hoặc đưa vào dịch vụ chương trình cáp của vở kịch ‘Peter Pan’ của Sir James Matthew Barrie, hoặc bất kỳ chuyển thể nào của tác phẩm đó, mặc dù bản quyền của tác phẩm đã hết hạn vào ngày 31 tháng 12 năm 1987.

Section 301, CDPA 1988

Tuy nhiên, vấn đề này đã trở nên gây tranh cãi vào năm 1995 khi EU tiến hành hài hòa các điều khoản về copyright cho các nước thành viên. Thời hạn bảo hộ lúc này là cuộc đời của tác giả + 70 năm. Nước Anh với tư cách là một thành viên của EU đã áp dụng quy định này, nghĩa là Great Ormond Street sẽ được hưởng tiền bảo quyền cho đến năm 2007 mà thôi. Và sau đó Peter Pan sẽ thuộc về công chúng ở Châu Âu (ngoại trừ ở Tây Ban Nha, nơi bản quyền sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm 2017, nhờ luật trước đó).

May mắn thay cho Great Ormond Street, CDPA năm 1988 vẫn có hiệu lực ở Anh bất chấp luật của liên minh châu Âu. Do đó, bệnh viện vẫn được ưu tiên hưởng tiền thù lao cho việc sử dụng Peter Pan từ món quà của Barrie. Một điều thú vị là số tiền này không được xác định vì khi Barrie tặng quyền cho copyright cho bênh viện, ông đã yêu cầu bệnh viện giữ bí mật số tiền nhận được. Và bệnh viện Great Ormond đã tuân thủ thiệt để điều này.

Câu chuyện về Peter Pan với quyền tác giả vĩnh viễn đã khiến cho nhân vật này có một biệt danh là Bản quyền không bao giờ lớn lên (the copyright never grows up). Đây là một cách chơi chữ vì Peter Pan cũng được gọi là the boy never grows up.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng vì luật sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ và copyright cũng không ngoại lệ nên quyền vĩnh viễn của Peter Pan chỉ được áp dụng ở nước Anh mà thôi.

Ở nước Mỹ, chỉ tiểu thuyết Peter Pan (còn được gọi là Peter và Wendy) thuộc phạm vi công cộng trong khi đó vở kịch (và chuyển thể sân khấu) vẫn có bản quyền ở đó cho đến năm 2023. Điều này là do cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1911, nhưng bản thân vở kịch chỉ được xuất bản vào năm 1928, vì vậy bản quyền của nó đã được gia hạn theo thời hạn mới của ngày xuất bản đầu tiên cộng thêm 95 năm (do Đạo luật mở rộng bản quyền Sonny Bono năm 1998 đặt cho tác phẩm xuất bản từ năm 1923 đến năm 1977).

Ở Mexico thì Peter Pan được bảo hộ cho đến năm 2037.

Phần còn lại trên thế giới được quyền sao chép Peter Pan miễn phí.

Hy sinh vì nước Pháp

Tương tự như nước Anh, copyright ở nước Pháp cũng có thời hạn bảo hộ 70 năm (Art. L123-1) của Intellectual Property Code (đạo luật SHTT). Tuy nhiên, nếu tác giả được tuyên bố là hy sinh vì nước Pháp (mort pour la France) thì thời hạn bảo hộ lúc này được kéo dài hơn 30 năm nữa, tức là 100 năm. Mort pour la France là một thuật ngữ pháp lý và là một vinh dự được trao cho những người đã chết trong một cuộc xung đột, thường là để phục vụ đất nước. Thuật ngữ này sẽ được ghi nhận trên giấy chứng tử.

Qua những ví dụ trên, có thể thấy rằng một quốc gia mặc dù bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế, các hiệp định song phương đa phương, nhưng chính phủ vẫn còn kha khá quyền lập pháp trong tay trong để ban hành những quy định bảo vệ lợi ích quốc gia.

Có lẽ đã đến lúc nhà nước Việt Nam nên tận dụng các ngoại lệ sẵn có để bảo vệ tài sản văn hóa trước khi quá muộn.

*Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, bạn có thể cân nhắc ủng hộ tôi tại đây.

Leave a Reply